Nhìn lại quan hệ Việt-Mỹ thời Trump 1.0
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump từ năm 2017 đến 2021, quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ đã chứng kiến những bước ngoặt quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù đã trải qua những cột mốc quan trọng, như bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013 và Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.
Chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu tiên đã thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết – America First”, với nhiều chính sách nhằm định hình trật tự thế giới trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Những chính sách này có những tác động đáng kể trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam, đặc biệt về thương mại.
Hai lần đến Việt Nam
Vào ngày 11/11 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump để chúc mừng ông Trump thắng cử.
Ông Tô Lâm cũng mời tổng thống thứ 47 của nước Mỹ tới thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ lần hai.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên từ năm 2017 đến năm 2021, ông Trump đã đến Việt Nam hai lần.
Lần thứ nhất là vào tháng 11/2017, ông Trump đã dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng và có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị tổng thống Mỹ ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Tại hội nghị APEC, ông Trump đã gặp gỡ các lãnh đạo khu vực và chia sẻ về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Ông Trump đã nhắc đến hình tượng Hai Bà Trưng trong phát biểu của mình:
“Những chủ nhà của chúng ta tại Việt Nam hôm nay biết rõ tình cảm ấy không chỉ qua 200 năm, mà là gần 2.000 năm. Đó là khoảng năm 40 sau công nguyên, khi Hai Bà Trưng, lần đầu tiên khơi dậy tinh thần của những người dân trên mảnh đất này. Đó là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và niềm tự hào dân tộc của các bạn”.
Sau Tuần lễ cấp cao APEC 2017, chiều 11/11/2017, ông Donald Trump đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, kéo dài từ ngày 11 đến 12/11/2017, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ông Donald Trump nói đã sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa các bên đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có cả Việt Nam và Trung Quốc trong cuộc gặp với ông Trần Đại Quang ở Hà Nội vào ngày 12/11/2017.
Reuters dẫn lời ông nói với Chủ tịch Trần Đại Quang tại cuộc họp ở Hà Nội: "Nếu như tôi có thể giúp trung gian hoặc phân xử, thì cứ nói với tôi."
"Tôi là một nhà trung gian đàm phán, một người phân xử rất giỏi," ông nói.
Ông Trump thừa nhận rằng quan điểm của Trung Quốc tại Biển Đông, theo đó Bắc Kinh đòi chủ quyền với hầu hết vùng biển này, là một vấn đề.
Đáng chú ý, chỉ một ngày sau chuyến đi của ông Trump, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13/11/2017.
Chuyến đi của ông Tập Cận Bình khi đó đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và là chuyến thăm chính thức thứ hai của ông tới Việt Nam trên tư cách tổng bí thư, chủ tịch nước Trung Quốc.
Từ ngày 27-28/2/2019, Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, sau hội nghị tại Singapore.
Vào ngày 27/2/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp Hội nghị cấp cao Mỹ-Triều lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh quan trọng này đã được kỳ vọng mở ra cơ hội để hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tiếp tục đối thoại về những vấn đề nổi cộm, đặc biệt liên quan vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Trump đã rời Hà Nội vào ngày 28/2/2019, kết thúc cuộc họp hai ngày với lãnh đạo Kim Jong-un mà không đạt thỏa thuận nào.
Theo tiết lộ của ông Trump tại cuộc họp báo, Triều Tiên muốn lệnh trừng phạt được xóa hoàn toàn, nhưng "chúng tôi không thể làm vậy".
Theo ông Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên đề nghị sẽ tháo dỡ toàn bộ khu liên hợp Yongbyon - cơ sở nghiên cứu và sản xuất trọng yếu trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Nhưng đổi lại, Kim Jong-un muốn Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt - điều mà Mỹ đã không sẵn sàng thương thảo.
Thương mại
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược nhiều tiến triển trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam mà người tiền nhiệm Barack Obama của ông đã thực hiện.
Vào ngày 23/1/2017, ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh thông qua việc Mỹ rút khỏi đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), một chính sách chủ chốt của chính quyền Obama trước đó.
"Điều chúng ta vừa mới làm là một điều vô cùng to lớn cho người lao động Mỹ," ông Trump nói sau khi đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), vào ngày 23/1/2017.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận thương mại tự do lớn, ban đầu gồm 12 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ và Việt Nam, với mục tiêu tăng cường thương mại song phương, bằng cách loại bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và giảm thuế quan.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại gồm có Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một hiệp định thương mại tự do - vào tháng 3/2018.
Sau đó vào tháng 10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi động một khuôn khổ kinh tế mới cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), với kỳ vọng Washington sẽ tăng cường sự hiện diện kinh tế của mình trong khu vực để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu về tầm nhìn của Mỹ về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần đầu tiên tại APEC vào tháng 11/2017 ở Đà Nẵng, ông Trump đã nhấn mạnh về một nền thương mại tự do và cùng có lợi, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ không chấp nhận những hành vi lợi dụng thương mại.
“Chúng tôi sẽ không thể tiếp tục bỏ qua những sự lợi dụng thương mại kinh niên này. Chúng tôi sẽ không thể tiếp tục dung thứ cho những điều này. Sau nhiều năm với những cam kết bị vi phạm, chúng tôi được bảo rằng một ngày nào đó, sớm thôi, các bên sẽ hành xử công bằng và có trách nhiệm.”
Ông Trump nói trong bài phát biểu về viễn cảnh thương mại trong thời “Nước Mỹ trên hết”.
“Người dân Mỹ và ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương đã chờ ngày ấy tới. Nhưng ngày ấy chưa bao giờ xuất hiện. Đó là lý do tôi có mặt ở đây, ngày hôm nay, để nói một cách thẳng thắn về những thách thức của chúng ta và cùng hành động hướng đến tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.”
Xét về vấn đề thương mại, vào năm 2019, ông Trump đã tỏ thái độ không hài lòng vì thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam đối với Mỹ.
Trả lời phỏng vấn với kênh Fox News về việc liệu ông có muốn áp thuế đối với Việt Nam không, ông Trump nói:
"Việt Nam gần như là quốc gia tệ nhất - nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc - nhưng gần như là quốc gia lạm dụng [thương mại] tồi tệ nhất."
Vào ngày 12/11/2017, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, ông Trump đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Vào thời điểm đó, thâm hụt thương mại Mỹ-Việt vẫn là một điều khiến chính quyền Trump không mấy vui vẻ. Ở mức thâm hụt 32 tỷ đô la vào năm 2016, Việt Nam là quốc gia mà Mỹ có mức thâm hụt thương mại lớn thứ 6.
"Chúng tôi muốn chuyện này phải được nhanh chóng giải quyết", ông Trump nói với ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc hội kiến ngày 12/11/2017.
Các nhà quan sát nhận định Việt Nam có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các biện pháp bảo hộ mà ông Trump sẽ đề ra trong nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt ở các ngành dệt may, điện tử, sản xuất đồ nội thất.
Giới lãnh đạo Việt Nam muốn một chính sách thương mại ổn định từ một tổng thống Dân chủ hơn là sự bất định của ông Trump, hai quan chức cấp cao nói với Reuters trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ 5/11.
Lý do chính cho sự quan ngại là thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ, điều mà ông Trump từng phàn nàn trong nhiệm kỳ thứ nhất.
Hợp tác quốc phòng
Năm 2017, ông Trump đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở.
Vào tháng 11/2017, Việt Nam và Mỹ đã ký Kế hoạch hành động Hợp tác Quốc phòng hai nước giai đoạn 2018-2020 nhân chuyến thăm Việt Nam và tham dự Thượng đỉnh APEC của ông Trump.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson của Mỹ đã có chuyến thăm Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9/3/2018, là một trong những hoạt động thể hiện chiến lược của Mỹ.
Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ năm 1975, khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa hai cựu thù, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng khu vực.
Hình ảnh USS Carl Vinson neo đậu tại cảng Đà Nẵng, nơi từng là điểm đổ bộ đầu tiên của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, tạo nên một biểu tượng đặc biệt.
Tàu Carl Vinson đến Đà Nẵng trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tục phát tín hiệu rằng Mỹ mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ an ninh-quốc phòng với Việt Nam.
Ngoài ra, việc Mỹ liên tục triển khai các chiến dịch “tự do hàng hải” tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, được xem là một lời cảnh báo rõ ràng trước yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, phóng viên của BBC News Jonathan Head, có mặt tại Đà Nẵng, nhận định rằng dù quan hệ hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có tiến triển, nhưng vẫn còn hạn chế. Và Việt Nam phải tiếp nhận thông điệp về chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson một cách cẩn trọng.
Trung Quốc là cường quốc khu vực, là láng giềng và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Vì vậy, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam rất thận trọng để tránh bất kỳ động thái nào có thể gây bất lợi cho mối quan hệ với quốc gia láng giềng khổng lồ phương Bắc của mình, phóng viên Jonathan Head bình luận.
Hồi tháng 3/2024, nhận định về chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ mới, ông Florian C. Feyerabend, đại diện Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung) của Đức tại Việt Nam, trả lời Reuters rằng ông Trump có thể quay trở lại chính sách mang tính “đổi chác” và gia tăng thêm áp lực để Hà Nội phải giảm bớt sự thân thiết với Trung Quốc và Nga.
Từ tháng 9/2023, Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, ngang bằng với quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Nga.
Nhưng Việt Nam cũng đã tuyên bố tham gia “cộng đồng cùng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc hồi tháng 12/2023, một động thái được giới quan sát cho rằng Bắc Kinh muốn xác lập một nấc cao hơn Washington trong các cấp quan hệ ngoại giao của Hà Nội.