Các vụ tấn công hàng loạt hé lộ giận dữ và bất mãn ở Trung Quốc
- Tác giả, Stephen McDonell
- Vai trò, Phóng viên BBC thường trú tại Trung Quốc
- Bắc Kinh
"Người dân Trung Quốc quá khổ sở," một bài viết đăng trên mạng xã hội sau một vụ giết người hàng loạt khác xảy ra trong nước vào đầu năm nay. Tài khoản này cũng cảnh báo: "Sẽ ngày càng có nhiều vụ tấn công bắt chước các vụ này."
"Thảm kịch này phản ánh một sự đen tối trong xã hội," một người khác viết.
Sau một loạt các vụ án mạng ở Trung Quốc trong năm 2024, những lời bình luận ảm đạm như thế này đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh điều gì đang thúc đẩy hành vi giết người hàng loạt để "trả thù xã hội".
Các cuộc tấn công như thế này vẫn còn hiếm so với dân số khổng lồ của Trung Quốc và không phải là mới, theo David Schak, Phó giáo sư tại Đại học Griffith ở Úc. Nhưng chúng dường như xuất hiện theo đợt dưới hình thức bắt chước để thu hút sự chú ý.
Tình hình năm nay đặc biệt đáng lo ngại.
Từ năm 2019 đến 2023, cảnh sát ghi nhận ba đến năm vụ tấn công người đi bộ hay người lạ mỗi năm.
Năm 2024, con số đó đã tăng lên 19.
Năm 2019, ba người bị giết và 28 người bị thương trong các vụ việc như vậy. Năm 2023, 16 người chết và 40 người bị thương và năm 2024, 63 người bị giết và 166 người bị thương. Tháng 11 đặc biệt tang thương.
Vào ngày 11/11, một người đàn ông 62 tuổi đã lái xe lao vào đoàn người đang tập thể dục cạnh một sân vận động ở Thành phố Châu Hải, khiến ít nhất 35 người chết. Cảnh sát cho biết tài xế bất mãn với việc giải quyết vụ ly hôn của mình. Ông đã bị kết án tử hình tuần này.
Vài ngày sau, tại Thành phố Thường Đức, một người đàn ông đã lái xe lao vào một nhóm trẻ em và phụ huynh gần một trường tiểu học, làm 30 người bị thương. Chính quyền cho biết ông ta phẫn nộ vì làm ăn thua lỗ và trục trặc gia đình.
Cũng trong tuần đó, một thanh niên 21 tuổi sau khi trượt kỳ thi tốt nghiệp, đã tấn công đám đông bằng dao trong khuôn viên trường mình ở Thành phố Vô Tích, làm tám người chết và 17 người bị thương.
Vào tháng Chín, một người đàn ông 37 tuổi vừa chạy vừa đâm người qua lại ở một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải. Vào tháng Sáu, bốn giảng viên người Mỹ đã bị một người đàn ông 55 tuổi cầm dao tấn công tại một công viên. Và có hai vụ tấn công công dân Nhật Bản, trong đó một bé trai 10 tuổi bị đâm chết bên ngoài trường học của mình.
Những kẻ phạm tội chủ yếu nhắm vào "những người ngẫu nhiên" để thể hiện "sự bất mãn với xã hội," theo lời Giáo sư Schak.
Ở một đất nước với hệ thống giám sát đồ sộ, nơi mà phụ nữ hiếm khi ngại đi bộ một mình vào ban đêm, có thể hiểu vì sao những vụ giết người như vậy gây ra sự bất an.
Vậy điều gì đã dẫn đến nhiều vụ tấn công hàng loạt như vậy ở Trung Quốc năm nay?
Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc
Một áp lực lớn ở Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế trì trệ. Đất nước này đang phải vật lộn với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, nợ nần chồng chất và cuộc khủng hoảng bất động sản đã tiêu tốn tiền tiết kiệm của nhiều gia đình, đôi khi có người còn mất trắng.
Ở ngoại ô của hầu hết các thành phố lớn, các công trình xây dựng nhà ở đã bị ngưng lại vì các nhà phát triển bất động sản mắc nợ và không thể hoàn thành dự án.
Năm 2022, BBC đã phỏng vấn những người đang dựng lều tạm trong những căn hộ bê tông còn dang dở của chính họ, không có nước, điện và cửa sổ vì họ không còn nơi nào để ở.
"Sự lạc quan chắc hẳn đang dần mất đi," George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, cho biết. "Hãy sử dụng từ 'mắc kẹt' cho thời điểm hiện nay. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự kìm hãm. Kìm hãm xã hội và kìm hãm kinh tế là một mặt, và mặt khác là một mô hình phát triển kinh tế đang suy yếu."
Các nghiên cứu dường như chỉ ra một sự thay đổi đáng kể trong thái độ của người dân Trung Quốc, với mức độ bi quan gia tăng rõ rệt về tương lai của họ.
Một phân tích chung quan trọng của Hoa Kỳ-Trung Quốc cho thấy người dân Trung Quốc, trong một thời gian dài, đã cho rằng bất bình đẳng trong xã hội thường là do thiếu nỗ lực hoặc khả năng, nhưng trong khảo sát mới đây thì lại cho thấy họ đang đổ lỗi cho một "hệ thống kinh tế bất công".
"Câu hỏi đặt ra là ai thực sự chịu trách nhiệm?" ông Magnus nói. "Và bước tiếp theo là hệ thống này không công bằng với tôi, và tôi không thể vượt qua nó. Tôi không thể thay đổi hoàn cảnh của mình."
Thiếu sự lựa chọn
Ở các quốc gia có truyền thông lành mạnh, nếu bạn cảm thấy mình bị sa thải một cách bất công hoặc nhà của bạn bị đánh sập bởi các nhà thầu tham nhũng được các quan chức địa phương hậu thuẫn, bạn có thể tìm đến các nhà báo để chia sẻ câu chuyện của bạn.
Nhưng điều đó hiếm khi làm được ở Trung Quốc, nơi báo chí bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản và không có khả năng đăng tải những câu chuyện phản ánh tiêu cực về bất kỳ cấp độ nào của chính phủ.
Còn các tòa án – cũng là cơ quan do đảng điều hành và phục vụ cho đảng - vốn chậm chạp và kém hiệu quả.
Trên mạng xã hội, nhiều người đã bàn tán về động cơ của kẻ tấn công ở Thành phố Châu Hải: rằng ông ta không đạt được thỏa thuận ly hôn công bằng tại tòa án.
Các chuyên gia cho biết những không gian bày tỏ bức xúc khác cũng đã bị thu hẹp hoặc biến mất hoàn toàn.
Người dân Trung Quốc thường bày tỏ sự bất mãn của họ trên mạng, theo Lynette Ong, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về cách nhà nước Trung Quốc phản ứng với sự phản kháng của người dân.
"[Họ] sẽ lên mạng và mắng chính phủ... chỉ để xả giận. Hoặc họ có thể tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ mà cảnh sát thường cho phép nếu quy mô nhỏ," bà giải thích. "Nhưng cách phản kháng nhỏ này đã bị cấm cửa trong vài năm qua."
Có rất nhiều ví dụ: Tăng cường kiểm duyệt trên mạng, chặn các từ hoặc các diễn đạt được cho là gây tranh cãi hoặc mang tính chỉ trích; cấm cửa các trang phục Halloween táo bạo chế giễu chính quyền; hoặc khi những người đàn ông mặc thường phục, dường như được huy động bởi các quan chức địa phương, đánh đập những người biểu tình bên ngoài các ngân hàng đã đóng băng tài khoản của họ ở tỉnh Hà Nam.
Việc hỗ trợ tâm lý và cảm xúc của người dân để đương đầu với những căng thẳng này cũng còn thiếu sót. Các chuyên gia cho biết dịch vụ tư vấn tâm lý của Trung Quốc là vô cùng thiếu thốn, không tạo điều kiện cho những người cảm thấy bị cô lập, cô đơn và trầm cảm trong xã hội Trung Quốc hiện đại được giải tỏa.
"Tư vấn có thể giúp xây dựng khả năng phục hồi cảm xúc," Giáo sư Silvia Kwok từ Đại học Thành phố Hong Kong cho biết, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc cần tăng cường dịch vụ sức khỏe tâm thần, đặc biệt là cho các nhóm có nguy cơ cao đã trải qua chấn thương hoặc những người mắc bệnh tâm thần.
"Mỗi người cần có các chiến lược khác nhau hoặc biết dung hòa cảm xúc của họ một cách xây dựng... giúp họ ít có khả năng phản ứng bạo lực trong những lúc căng thẳng tột độ."
Nhìn chung, những yếu tố này cho thấy áp lực đang ngày gia tăng trong sự bí bách của xã hội Trung Quốc, tạo ra một hoàn cảnh giống như nồi áp suất.
"Không có nhiều người đi ra ngoài đường và giết người hàng loạt. Nhưng căng thẳng dường như vẫn đang tăng cao, và không có vẻ như nó sẽ giảm bớt trong tương lai gần," ông Magnus nói.
Điều mà Đảng Cộng sản nên lo lắng là những bình luận từ công chúng đổ lỗi cho chính quyền trong việc này.
Nhận xét sau là một ví dụ: "Nếu chính phủ thực sự hành động công bằng, sẽ không có nhiều sự tức giận và bất mãn trong xã hội Trung Quốc... những nỗ lực của chính phủ đã tập trung vào việc tạo ra một vỏ bọc của một sự hòa hợp. Mặc dù có vẻ như họ quan tâm đến những người yếu thế, nhưng hành động của họ lại gây ra những bất công sâu sắc."
Mặc dù các cuộc tấn công bạo lực đang gia tăng ở nhiều quốc gia, theo Giáo sư Ong, sự khác biệt ở Trung Quốc là các quan chức ít có kinh nghiệm đối phó với chúng.
"Tôi nghĩ rằng các nhà chức trách rất lo lắng vì họ chưa từng thấy điều này trước đây, và phản xạ của họ là ra tay đàn áp."
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về vụ tấn công ở Châu Hải, ông dường như thừa nhận áp lực đang gia tăng trong xã hội. Ông kêu gọi các quan chức cả nước "tiếp thu những bài học khó khăn từ vụ việc, giải quyết các rủi ro từ gốc rễ, giải quyết xung đột và tranh chấp sớm và chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn tội phạm cực đoan."
Tuy nhiên, cho đến nay, những bài học rút ra dường như đã dẫn đến một nỗ lực tăng cường năng lực phản ứng nhanh của cảnh sát thông qua tăng cường giám sát, thay vì tính đến việc thay đổi cách thức điều hành đất nước.
"Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới, một giai đoạn mới mà chúng ta chưa từng thấy kể từ cuối những năm 70," Giáo sư Ong nhắc đến thời điểm quốc gia này bắt đầu mở cửa trở lại với thế giới, mang lại sự thay đổi to lớn.
"Chúng ta cần chuẩn bị cho những sự kiện không ngờ tới, chẳng hạn như nhiều cuộc tấn công ngẫu nhiên và các làn sóng biểu tình và bất ổn xã hội nổi lên."