Nhiệm kỳ tổng thống lần hai của Trump sẽ như thế nào?
Đối với một số nhà bình luận, nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump có thể cho thấy dấu hiệu tương đối rõ ràng về cách ông sẽ lãnh đạo lần này, khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ.
Họ tin rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục từ nơi ông đã dừng lại vào năm 2020 khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình.
Một dự án còn dang dở là đóng cửa biên giới phía nam Hoa Kỳ và xây dựng bức tường biên giới - chính sách chủ chốt trong nhiệm kỳ đầu của ông; ông đã không nhận được sự chấp thuận của Quốc hội để tài trợ cho dự án, điều mà ông cần để xây dựng bức tường như đã hình dung.
Ông được kỳ vọng sẽ giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là hoàn thành việc xây dựng bức tường.
Trục xuất hàng loạt
Tổng thống Trump cũng nhiều khả năng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Quốc hội cho kế hoạch trục xuất hàng loạt người không có giấy tờ hợp pháp đang cư trú tại Mỹ.
Theo số liệu ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có khoảng 11 triệu người nhập cư trái phép ở Mỹ năm 2022, dù Trump và chiến dịch của ông khẳng định có thêm nhiều triệu người nữa.
Các chuyên gia cảnh báo rằng bất cứ một cuộc trục xuất hàng loạt nào cũng rất tốn kém và khó để thực hiện, và có thể để lại hệ quả xấu lên một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế - nơi các lao động không giấy tờ đóng vai trò quan trọng.
Khi Donald Trump chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa để ra tranh cử tổng thống vào tháng Bảy, ông đã thề "sẽ chấm dứt lập tức cuộc khủng hoảng lạm phát đang tàn phá nền kinh tế, hạ lãi suất và giảm chi phí năng lượng".
Ông muốn gia hạn các đợt cắt giảm thuế mà ông đã thực hiện vào năm 2017, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm sau.
Đây là một đợt cải tổ thuế lớn nhất trong nhiều thập kỷ, nhằm mục đích đơn giản hóa luật thuế và thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư.
Đợt cắt giảm thuế lớn nhất là cho các doanh nghiệp và người giàu, mà Đảng Dân chủ đã kêu gọi đảo ngược.
Trump cũng được kỳ vọng sẽ hạ thuế suất doanh nghiệp thậm chí nhiều hơn nữa, xuống mức 15%, và xóa bỏ thuế đối với tiền boa và thanh toán an ninh xã hội cho người về hưu.
Một cuộc chiến thương mại khác?
Ông cũng muốn khoan thêm nhiều mỏ dầu vì ông tin rằng giá dầu cao góp phần gây ra lạm phát, và rằng làm vậy sẽ giúp giảm giá năng lượng, dù các nhà phân tích nghi ngờ điều này.
Ông cũng nói rằng ông có kế hoạch áp 10%-20% thuế lên hầu hết các hàng hóa nhập khẩu nước ngoài, riêng hàng nhập khẩu Trung Quốc chịu mức thuế 60%. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học đã cảnh báo rằng các biện pháp như vậy sẽ phải trả giá bằng chính người tiêu dùng Mỹ trong hình thức giá cả tăng cao.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Donald Trump đã khởi động một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, cáo buộc Trung Quốc có các thực hành thưong mại không công bằng và trộm cắp các tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ chắc chắn sẽ quyết định liệu ông có thể thực hiện các chính sách của mình theo cách mà ông mong muốn hay không.
Cũng đáng để lưu ý rằng trong các năm 2017-2019, Đảng Cộng hòa đã kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.
Nhưng vào thời điểm đó, với tư cách là người mới nhập cuộc, Trump bị coi là không quen thuộc với hoạt động của Quốc hội và điều đó đã cản trở khả năng tận dụng lợi thế của Đảng Cộng hòa khi vào Nhà Trắng và nắm đa số tại Quốc hội để đạt được những chiến thắng lớn về chính sách, các nhà phân tích chính trị vào thời điểm đó nhận định.
Khi Đảng Cộng hòa đã tái kiểm soát cả hai viện trong cuộc bầu cử này, chính quyền Trump có khả năng theo đuổi các chính sách luật bao gồm việc chi ngân sách cho an ninh biên giới, việc hoàn thiện bức tường biên giới, cắt giảm thuế, và các vấn đề khác.
Cấm phá thai
Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã giám sát việc bổ nhiệm ba chánh án Tòa án Tối cao - những người đóng vai trò then chốt trong việc bãi bỏ quyền phá thai được hiến định, một phán quyết được đưa ra năm 1973, còn gọi là vụ Roe v Wade. Do đó nhiều người tự hỏi tân tổng thống có thể làm gì trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Tuy nhiên, hồi tháng Chín, trong cuộc tranh luận truyền hình với Kamala Harris, ông đã nói rằng ông sẽ không ký một lệnh cấm phá thai liên bang khi "không có lý do gì để ký lệnh cấm bởi vì chúng ta đã có cái mà mọi người mong muốn," ông nói.
'Chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa đơn phương'
Về chính sách ngoại giao, nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump có thể giống nhiệm kỳ đầu - đưa nước Mỹ thoát khỏi các cuộc xung đột trên thế giới.
Ông nói rằng ông sẽ kết thúc cuộc chiến Ukraine "trong vòng 24 giờ" qua một thỏa thuận đàm phán với Nga, một động thái mà Đảng Dân chủ cho rằng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Tổng thống Vladimir Putin.
Trump đã định vị bản thân như một người ủng hộ kiên định của Israel, nhưng nói rất ít về việc ông sẽ kết thúc cuộc chiến ở Gaza như thế nào.
"Tôi cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của Trump được ghi dấu bằng chủ nghĩa cô lập và đơn phương chẳng mang lại gì ngoài làm sâu sắc thêm sự bất ổn toàn cầu," Martin Griffiths, một nhà đàm phán xung đột kỳ cựu, người mới đây là điều phối viên nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nói.
Jamie Shea, cựu quan chức NATO và hiện là giáo sư về chiến lược và an ninh tại Đại học Exeter, cho rằng phong cách của Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu gây bất ổn, "nhưng về bản chất, đã có một sự ổn định lớn".
"Ông ấy không rút khỏi NATO, ông ấy không rút quân đội Mỹ khỏi châu Âu và ông đã là tổng thống Mỹ đầu tiên gửi vũ khí sát thương cho Ukraine."
Donald Trump là tổng thống thứ hai trong lịch sử nước Mỹ phục vụ hai nhiệm kỳ không liên tiếp.
Tổng thống đầu tiên là Grover Cleveland, nhiệm kỳ 1885-1889, thất bại trong cuộc tái đấu và bốn năm sau đó tái đắc cử, nhiệm kỳ 1893-1897.
"Nước Mỹ trao cho chúng ta sự ủy thác mạnh mẽ chưa từng có," ông Trump phát biểu trước đám đông sôi nổi tại trụ sở chiến dịch của mình ở Florida và tuyên bố ông đã giành "chiến thắng vang dội".