Có một Trung Quốc rất khác

Tác giả trên núi Võ Đang, Hồ Bắc, Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Văn Mỹ

Chụp lại hình ảnh, Tác giả trên núi Võ Đang, Hồ Bắc, Trung Quốc
  • Tác giả, Nguyễn Văn Mỹ
  • Vai trò, Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

Trở lại Trung Quốc sau nhiều năm, doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ ngạc nhiên và thán phục trước rất nhiều thứ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều quốc gia khổng lồ này chưa làm được, hoặc chưa muốn làm.

Cuối năm 2023, tôi có dịp đi thăm vài nơi ở tỉnh Hồ Bắc. Cũng mấy năm rồi mới trở lại Trung Quốc và lần đầu đến các thị tứ miền núi của vùng miền trung của nước này.

Trời lạnh thấu da, nhiệt độ nhiều đêm âm. Suốt hành trình, tôi xin phép ngồi hàng ghế đầu cùng hướng dẫn viên để ngắm cảnh và hỏi chuyện thêm. Có lẽ nể tình tôi lớn tuổi nhất đoàn nên được du di. Đi du lịch, hầu như tôi không ngủ trên xe. Thức để thưởng ngoạn cảnh hai bên đường, để quan sát, cảm nhận và hỏi han thêm hướng dẫn viên nhiều điều muốn biết.

Người khó tính nhất và thành kiến vì nhiều lý do, cũng phải thừa nhận bề dày lịch sử, văn hóa và cảnh quan Trung Quốc khó có nơi nào sánh kịp. Tôi đã từng đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hải Nam, Vân Nam… Đó là những trung tâm kinh tế và du lịch Trung Quốc. Năm ngày viễn du tốc hành với quá nhiều kinh ngạc về một Trung Quốc rất khác.

Những điểm cộng

Ấn tượng nhất là sự vắng bóng của rác. Nhiều người cho rằng dân Trung Quốc nổi tiếng ở dơ, hay xả rác, khạc nhổ… Điều đó rất đúng, nhưng là chuyện đời xưa. Mấy ngày tham quan, từ trên đường đi, các điểm đến, nhà hàng cho đến các khu dân cư đô thị hoặc nông thôn ven đường, tôi không thấy rác. Đất sạch quá nên lá cây cũng ngại rụng, dù đang là mùa đông, gió buốt. Nhiều hàng cây rụng hết lá, vẫn sót lại nhiều tổ chim, chứng tỏ “Đất lành chim đậu”.

Có người trong đoàn ví von: “Tìm rác thải xả bậy ở Trung Quốc hiện nay khó hơn cả tìm tiền rơi ở Việt Nam”. Ngoài việc phạt nặng hành vi xả rác, các nơi tôi đi qua đều thấy nhân viên vệ sinh có mặt mọi nơi, mọi lúc, dứt khoát không để rác hiện diện.

Mấy đống đất cát để san lấp hay đang làm đường, được phủ vải lưới xanh để chống bụi. Cứ tưởng, việc này chỉ có ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Nghe kể, ở Thưởng Hải, người Trung Quốc biến bãi rác thải 15,3km2 thành khu bảo tồn thiên nhiên, tấp nập du khách.

Thị tứ vùng núi nhưng vùng nào cũng có tàu cao tốc đi qua. Đường tàu cao tốc nhiều hơn cao tốc đường bộ ở Việt Nam. Cao tốc đường bộ phổ cập như các tỉnh lộ miền Tây Nam bộ. Đường hầm nhiều như cầu khỉ, có lúc dài hơn cả đường bộ. Xe chạy trật tự, không bóp còi; luôn nhường đường cho người đi bộ. Xe gắn máy và xe đạp ít như xe hơi thời bao cấp.

Các công nhân đang cải tạo và nâng cấp một con Phố đi bộ ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 1 tháng 12 năm 2023

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các công nhân đang cải tạo và nâng cấp một con phố đi bộ ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 1 tháng 12 năm 2023 (Ảnh minh họa)

Dân cư không tràn hai bên đường để ở hoặc buôn bán. Đường qua khu dân cư phải làm tường chắn âm thanh. Muốn sắm ô tô, người dân phải chứng minh có chỗ để xe, được cấp bảng số rồi mới chọn xe, trả tiền. Tàu du lịch, trọng tải trên 3.500 tấn, qua âu tàu hiện đại, vượt đập thủy điện Tam Hiệp, lớn nhất nhì thế giới, chêch lệch mực nước hơn 20m chưa tới 25 phút....

Nông thôn Trung Quốc xưa xám xịt, nay xám sáng và sạch hẳn lên, nhiều nhà có ô tô. Dù chưa thể sánh với nông thôn Nhật Bản nhưng khác xa nông thôn Việt. Nhà cửa có quy hoạch, không có kiểu nhà lai thập cẩm và biệt phủ hổ lốn. Không có kaoraoke ầm ĩ tra tấn nhau. Không nghe mùi hoặc chai lọ thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và rác thải. Vùng đồi núi nhưng hầu như không thấy nhà kính. Thay vì làm nhà kính thủ công, người Trung Quốc làm nhà kính công nghiệp, năng suất gấp mấy chục lần nhà kính thủ công, không tác hại tới khí hậu và môi trường. Họ đang dần trở lại nông nghiệp thuận thiên, để rau quả tự thích nghi thời tiết.

So với trước đây, các bữa ăn du lịch được nâng chất. Có đủ cá, các loại thịt (gà, heo, bò), các loại rau. Chỉ khác là chế biến không hợp lắm khẩu vị người Việt. Bữa ăn nào cũng có sẵn ít bia và nước ngọt. Khách sạn được nâng cấp. Ở Trương Gia Giới, phòng khách sạn có cả dép vải đi trên thảm và dép nhựa vào nhà tắm. Ở Võ Đang, nhân viên khách sạn nhận ra tôi khi lấy chìa khóa, không cần nói số phòng. Không thấy tượng đài lãnh tụ hoặc các khẩu hiệu chính trị, tuyên truyền. Thay vào đó là các bảng quảng cáo nhưng cũng khiêm tốn. Đường và phố Nghi Xương, Võ Đang, nếu không có mấy chữ Tàu, thiên hạ tưởng châu Âu.

Dubai, một trong sáu tiểu vương quốc của UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), đất đai toàn hoang mạc nhưng “Tất cả đều có thể” với rất nhiều kỳ tích. Trung Quốc ngày nay, “Không gì là không thể”. Từ việc đoạn tuyệt các thói tật văn hóa lạc hậu cổ hủ đến chuyện xây nhà, xây cầu thần tốc, chất lượng. Không phải tự nhiên mà gần nửa thế kỷ, họ duy trì tốc độ tăng trưởng trên dưới 10% của quốc gia chiếm gần 1/5 dân số thế giới. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc đưa người lên mặt trăng khám phá chị Hằng và trở thành cường quốc vũ trụ.

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Văn Mỹ

Chụp lại hình ảnh, Cầu kính Thiên Vân Độ có đáy trong suốt dài 430m và nằm ở độ cao 300m tại Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam

Những điểm trừ

Bên cạnh những thành tựu và thay đổi kinh ngạc, Trung Quốc vẫn có những điểm trừ bất ngờ. Đó là nhà vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh công cộng. Vẫn phổ biến nhà vệ sinh ngồi xổm. Người lớn tuổi, hơi mập và huyết áp rất khó sử dụng. Nhà vệ sinh ngồi bệt chỉ dành cho người tàn tật. Không có vòi xịt rửa, nhiều nơi không có giấy, không được xịt rửa thường xuyên và không dùng các chất khử mùi. Một số nhà hàng, khách sạn cho phép hút thuốc (có sẵn gạt tàn). Dân Trung Quốc hút thuốc vẫn vô tư gạt tàn xuống đất, chỉ bỏ mẫu hút dở vào thùng.

Inernet yếu và không phổ cập. Google bị chặn, truy cập thông tin khó và bị hạn chế. Ngạc nhiên nhất là họ kiên quyết không dùng tiếng Anh và phiên âm tiếng Anh, kể cả nhà hàng, khách sạn, các công ty du lịch. Người không biết tiếng Trung chỉ còn cách dùng “body language” (ngôn ngữ cơ thể) và tự cố hiểu nhau. Đi mấy ngày, không thấy bóng dáng khách Âu Mỹ. Tour không có shopping thường thấy. Tối không biết làm gì, ngoài việc lang thang chợ đêm ẩm thực đường phố. Shopping hấp dẫn và ăn chơi giải trí thu hút như Thái Lan vẫn là mong ước của nhiều nước.

Cầu vượt bộ hành tại Trương Gia Giới

Nguồn hình ảnh, Nguyễn Văn Mỹ

Chụp lại hình ảnh, Cầu vượt bộ hành tại Trương Gia Giới

Du lịch Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm hay. Tất cả khách sạn, nhà hàng, điểm đến đều được phân loại A, B, C, D từ 1 – 5 sao theo chuẩn thế giới, quốc gia, vùng, tỉnh và có khung giá cố định. Các dịch vụ, đặc biệt lưu trú, chỉ bán qua mạng. Người mua, phải trình mã số thuế hợp lệ, được cấp mật mã, vào hệ thống mua với giá ưu đãi, rẻ hơn 30 – 40%.

Bạn hướng dẫn viên trải lòng: “Trung Quốc được như hôm nay là nhờ Đặng Tiểu Bình (1904 – 1997) đoạn tuyệt chủ nghĩa lý lịch (Mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột), bệnh lý thuyết, bằng cấp (Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý), tật viển vông (Muốn phát triển kinh tế phải bắt đầu từ Đường và Điện)”.

Cuộc sống luôn có hai mặt đối lập. Các quốc gia cũng vậy. Trung Quốc đã tạo nên nhiều kỳ tích làm kinh ngạc thế giới và những “gót chân Asin” chỉ là chuyện nhỏ. Vì nhiều lẽ, họ chưa làm. Du lịch Trung Quốc không chỉ để ngoạn cảnh, trải nghiêm văn hóa, ẩm thực mà còn học được nhiều bài học lý thú từ cuộc sống.

Tháng 3/2024, có đường bay thẳng từ Sài Gòn đi Nghi Xương, thay vì Trương Gia Giới. Du lịch Hồ Bắc chắc hắn sẽ khởi sắc với những đền thờ Khuất Nguyên, đập Tam Hiệp, núi Võ Đang, thành cổ Kinh Châu và cả Vũ Hán.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một doanh nhân ngành du lịch tại Sài Gòn.

Chụp lại video, Thầy giáo Pháp ở Việt Nam: ‘Tôi tiếc khi Đà Lạt bị thay đổi bản sắc’