Vịnh Hạ Long ngập trong rác, chính quyền ở đâu?
- Tác giả, Nhật Lam
- Vai trò, gửi cho BBC từ Hà Nội
Khoảng hai tuần nay, người dân địa phương hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và đặc biệt là du khách tham quan vịnh Hạ Long rất bức xúc khi thấy một lượng lớn rác thải bất thường nổi trên mặt vịnh.
Được biết, đây chủ yếu là các mảng xốp trôi từ các bè nuôi trồng thuỷ sản trái phép của các huyện Vân Đồn, Quảng Yên, thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh).
Tại thành phố Cẩm Phả, nuôi trồng thủy sản trên vịnh Bái Tử Long là sinh kế của hàng trăm hộ gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh các hộ dân nuôi trồng trong vùng quy hoạch, có nhiều hộ dân lấn chiếm luồng lạch nuôi trồng thuỷ sản trái phép từ năm 2018 đến nay, ảnh hưởng luồng giao thông đường thuỷ, gây ô nhiễm môi trường trên tuyến biển.
Từ cuối tháng 3 năm nay, chính quyền các địa phương trên đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ, di dời hàng nghìn phao, dây, bè nuôi trồng thuỷ sản trái phép trên biển.
Theo trang web của thành phố Cẩm Phả ngày 6/4/2023: “Các vùng biển của thành phố Cẩm Phả hiện không còn những bè, dây, mảng nuôi trồng thủy sản trái phép phủ kín, thay vào đó là mặt nước trong xanh, yên bình vốn có”.
Sự thật là khắp nơi trên bề mặt vịnh Hạ Long xuất hiện rất nhiều mảng xốp lớn nhỏ từ các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trôi dạt ra khắp khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, và sang cả khu vực vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) gây bức xúc cho du khách và những người làm trong ngành du lịch.
Du khách phẫn nộ, người làm du lịch ngán ngẩm
Anh ĐTL, thuyền trưởng một tàu ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ than vãn: “Chúng tôi ngày nào cũng chạy tàu trên khu vực vịnh Hạ Long, nhìn thấy rác nổi khắp mặt vịnh đã bức xúc một phần thì nay phải đối mặt với những câu hỏi từ du khách mà bản thân thấy vô cùng xấu hổ cho ngành du lịch nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Ngày nào tôi cũng quay clip, chụp ảnh gửi ban quản lý vịnh Hạ Long để kiến nghị vớt rác trên mặt biển nhưng đều bị lờ đi”.
Trước tình trạng trên, đối tượng tỏ ra phẫn nộ nhất là du khách quốc tế. Ông Adrian Halliwell, du khách người Anh bức xúc: “Tôi và gia đình rất háo hức khi xem hình ảnh vịnh Hạ Long trước khi sang Việt Nam. Nhưng chúng tôi quá sốc và choáng váng khi thấy một cảnh quan du lịch đẹp vào bậc nhất thế giới như thế này lại để rác thải trôi khắp nơi như vậy. Môi trường sinh vật biển của các bạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tôi không nghĩ tôi muốn ăn hải sản sau khi chứng kiến lượng rác thải biển nhiều như vậy’’.
Chị NTN, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế tâm sự: “Bao nhiêu năm nay, rác thải ở vịnh Hạ Long vẫn luôn là vấn đề nổi cộm và chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tất cả những ai tham quan vịnh đều khó có thể làm ngơ trước việc bức tranh thiên nhiên này đang bị rác bủa vây. Trong đoàn của tôi, khách nào cũng thắc mắc rác từ đâu ra? Ai chịu trách nhiệm cho vấn nạn này? Tại sao ý thức người dân lại kém như vậy? Chính quyền có vai trò gì trong việc xử lý chúng? Những câu hỏi tôi rất khó trả lời vì nếu trả lời thật thì thấy rất xấu hổ cho ngành du lịch địa phương”.
Những ngày qua, nhiều nhân viên trong ngành du lịch đã thể hiện những bức xúc trên mạng xã hội, mục đích là cầu cứu chính quyền thực hiện giải pháp thu gom rác thải. Ai cũng biết nguyên nhân từ đâu nhưng không thấy nhà chức trách nào lên tiếng.
Bạn PĐT viết trên trang cá nhân “Mình ra rả nói với khách Hạ Long là điểm đến once in a lifetime (điểm đến phải đi trong đời) thế mà lúc đến nơi thì từ mình nghe nhiều nhất từ khách là DISGUSTING (ghê tởm)”.
Bạn Linh Bui viết: “Ban quản lí di sản ở đâu? Đã có hành động gì để giải quyết tình trạng này? Bao giờ thì dọn xong? Các hãng tàu có gây sức ép nào không hay vẫn đang bận rộn đối phó với đủ các quy định khù khoằm (kiểu yêu cầu ngâm chống cháy toàn bộ tàu gỗ) và đi tìm khách?”
Chính quyền ở đâu?
Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, là điểm đến có số lượng khách du lịch lớn nhất Việt Nam mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Vì vậy, rất dễ hiểu khi giá vé tham quan vịnh được xếp vào hàng cao nhất cả nước, dao động từ 240.000 đồng - 290.000 đồng/ người cho vé tham quan trong ngày và từ 540.000 đồng - 790.000 đồng/người cho vé nghỉ đêm.
Trong khi chính quyền tỉnh thu được hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm từ con gà đẻ trứng vàng này, họ có nhìn thấy rác nổi khắp gần 2000km vuông trên mặt vịnh không?
Tại sao ngay từ khi các bè, phao, dây nuôi trồng thuỷ sản được tháo dỡ, không có cơ quan quản lý nào xiết chặt việc thu gom phao xốp ngay tại khu vực để dẫn đến thảm hoạ môi trường này?
Thiết nghĩ, nếu chính quyền lờ đi ý kiến của người dân, tận thu từ di sản thiên nhiên trong khi buông lỏng quản lí môi trường sẽ dẫn đến hậu quả về môi trường biển, hậu quả kinh tế như sản lượng nuôi trồng thuỷ sản.
Nhưng thiệt hại lớn nhất có lẽ là hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, về lâu dài du lịch Việt liệu có thu hút được lượng khách quay lại không nếu du khách đã mất cảm tình ngay từ lần đầu sang Việt Nam?
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nhật Lam từ Hà Nội.