Vụ Mục sư TB Joshua: ‘Tưởng là thiên đường, hóa ra là địa ngục’
- Tác giả, Charlie Northcott và Helen Spooner
- Vai trò, BBC News, Africa Eye
TB Joshua, nhà lãnh đạo người Nigeria của một trong những nhà thờ Tin lành Phúc âm lớn nhất thế giới, đã bí mật xâm hại tình dục với quy mô khủng khiếp, theo một cuộc điều tra của BBC trải dài khắp ba châu lục.
Lời chứng của hàng chục nạn nhân cho thấy Joshua đã xâm hại và cưỡng hiếp phụ nữ trẻ trên khắp thế giới vài lần mỗi tuần trong gần 20 năm qua.
Cảnh báo: Bài viết chứa nội dung liên quan đến tra tấn, hãm hiếp và tự ngược đãi bản thân.
Đầu năm 2002, Rae, khi đó 21 tuổi, biến mất giữa mùa đông xám xịt của nước Anh.
Lần cuối bạn bè thấy cô là ở trường Đại học Brighton. Thời điểm đó, Rae đang theo học ngành thiết kế đồ họa và sống trong ngôi nhà thuê chung cách biển 25 phút.
Rae là một cô gái thông minh và nổi tiếng.
Carla, bạn thân nhất của Rae, cho biết: “Đối với tôi, cứ như thể cô ấy đã chết mà tôi không thể khóc thương.”
Carla biết Rae đã đi đâu, nhưng thật khó giải thích sự thật với bạn bè. Vài tuần trước đó, cô và Rae đã cùng đến Nigeria để tìm một người đàn ông bí ẩn được cho rằng có thể chữa lành bằng đôi tay.
Ông ta tên là TB Joshua, được các tín đồ gọi là “Nhà tiên tri”, là một mục sư Ki tô giáo, có bộ râu đen và mặc áo choàng trắng.
Rae và Carla dự định chỉ đến thăm Thánh đường Vạn quốc [Synagogue Church of All Nations, SCOAN] của Joshua trong vòng một tuần.
Nhưng Rae đã không về nhà mà đến sống tại khu phức hợp của ông ta.
“Tôi đã bỏ cô ấy lại,” Carla nói, nước mắt giàn giụa. “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân về điều đó.”
Ngôi nhà thờ sừng sững như một ngôi đền kiểu gothic trên khu phố Ikotun ở Lagos, thành phố lớn nhất châu Phi. Liền kề là khu nhà 12 tầng do Joshua thiết kế và sinh sống cùng nhiều môn đồ.
Ông ta đã giám sát việc xây dựng các hệ thống cầu thang và ba cánh cửa dẫn đến phòng ngủ, căn phòng cầu nguyện bí mật đầy những tấm gương nhỏ và “phòng khám” ở tầng dưới.
Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều người từng sống ở đây. Họ vẽ nên hình ảnh tòa nhà như một mê cung bê tông, một thế giới của ác mộng, nơi mà hiện thực biến mất nhường chỗ cho những điều rùng rợn.
Nhiều phụ nữ cho biết họ đã bị Joshua tấn công tình dục, một số khẳng định rằng họ đã bị hãm hiếp nhiều lần trong phòng đóng kín cửa. Một số cho biết họ đã bị ép phải phá thai.
Hiện tại, sau khi trở về Anh, Rae đang sống tại một ngôi làng ở nông thôn. Cô hay cười, nhưng vẫn luôn có gì đó bồn chồn, day dứt.
“Bề ngoài tôi trông ổn, nhưng sự thực thì không phải vậy," cô nói.
Khi nói về những năm tháng ở Lagos, đôi môi Rae mím chặt lại. Cô nói một cách khó khăn. Thỉnh thoảng, mặt cô trở nên nhợt nhạt.
Rae đã sống 12 năm trong khu phức hợp của Joshua.
“Giống như truyện kinh dị vậy. Nó giống truyện hư cấu, nhưng có thật.”
Cuộc điều tra kéo dài hai năm, phối hợp với nền tảng truyền thông quốc tế openDemocracy, có sự tham gia của hơn 15 nhà báo BBC khắp ba châu lục.
Họ đã thu thập video lưu trữ, tài liệu và hàng trăm giờ phỏng vấn để xác thực lời khai của Rae và phơi bày thêm những chuyện kinh khủng khác.
Hơn 25 nhân chứng và những người được coi là nạn nhân đến từ Anh, Nigeria, Ghana, Mỹ, Nam Phi và Đức đã kể về những gì xảy ra bên trong khu phức hợp của Joshua, với trải nghiệm gần nhất vào năm 2019.
Thánh đường Vạn quốc không đưa ra phản hồi về những cáo buộc này, nhưng nói rằng những cáo buộc trước đây là vô căn cứ.
Các cựu tín đồ từng tìm cách lên tiếng về hành vi ngược đãi nhưng cho biết họ bị SCOAN bịt miệng hoặc bôi nhọ, trong đó hai người nói rằng họ đã bị hành hung.
Nhóm điều tra Africa Eye của BBC đã bị một nhân viên bảo vệ khu nhà thờ bắn chỉ thiên khi đang quay phim bên ngoài nhà thờ và từ chối giao nộp tư liệu.
Nhiều người được phỏng vấn đã quyết định từ bỏ quyền ẩn danh, chỉ yêu cầu không tiết lộ đầy đủ họ tên. Một số khác yêu cầu che giấu danh tính vì sợ bị trả thù.
Người đàn ông đứng đầu SCOAN, TB Joshua, được coi là một trong những mục sư có ảnh hưởng nhất trong lịch sử châu Phi. Ông ta đột ngột qua đời vào tháng 6 năm 2021, chỉ vài ngày sau khi những cuộc phỏng vấn đầu tiên của chúng tôi được thực hiện. Vào ngày diễn ra lễ tang, Lagos gần như tê liệt khi đám đông đổ ra đường để khóc thương.
Khoảng 50.000 người tham dự các buổi lễ của Joshua hằng tuần và nhà thờ là địa điểm tham quan ưa chuộng của du khách nước ngoài khi đến Nigeria.
Mạng lưới truyền hình và đế chế truyền thông xã hội toàn cầu của ông ta là một trong những mạng lưới Ki tô giáo thành công nhất thế giới, với hàng triệu người xem trải dài khắp châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á và châu Phi. Kênh YouTube của ông ta có hàng trăm triệu lượt xem.
Nhà thờ này vẫn nổi tiếng cho đến ngày nay và hiện do Evelyn, vợ góa của TB Joshua, cùng một nhóm môn đồ mới quản lý.
Một cuộc phỏng vấn con gái của Nelson Mandela vào năm 2013 cho thấy bức chân dung Joshua xuất hiện trên bàn làm việc của cựu tổng thống Nam Phi.
Trong suốt cuộc đời của mình, Joshua đã thu hút hàng chục chính trị gia và người nổi tiếng đến nhà thờ của ông ta, bao gồm cả những huyền thoại thể thao như tiền đạo Didier Drogba của CLB Chelsea và ít nhất chín tổng thống châu Phi.
Nhiều người bị thu hút bởi hoạt động từ thiện của ông ta, nhưng phần lớn đến vì cái được coi là phép màu của ông ta. Trong suốt sự nghiệp, Joshua luôn ghi hình một cách có hệ thống những cảnh “chữa bệnh” ngoạn mục.
Sau khi được Joshua cầu nguyện, những người xuất hiện trước ống kính đã làm chứng về việc được chữa khỏi các bệnh từ ung thư và HIV/AIDS đến chứng đau nửa đầu mãn tính và mù lòa.
“Chúng tôi chưa bao giờ... thấy bất cứ điều gì như thế trước đây,” Solomon Ashoms, một nhà báo chuyên nghiên cứu về tôn giáo châu Phi, nói.
“Những điều bí ẩn và bí mật mà ông ta có [chính là] điều mà mọi người theo đuổi.”
Một số video của Joshua cho thấy những người đàn ông bị nhiễm trùng nặng ở vùng kín, rồi sau đó các vết này vỡ ra và được chữa lành khi Joshua giơ tay lên cầu nguyện.
Những video khác là cảnh phụ nữ đang vật lộn để sinh con và khi Joshua đến gần thì đã sinh được ngay lập tức. Sau mỗi sự kiện, những người tham gia sẽ làm chứng về việc mình được cứu sống như thế nào.
Video chữa bệnh của Joshua bắt đầu được lan truyền trong các nhà thờ Tin lành khắp châu Âu và châu Phi vào cuối những năm 1990, đầu 2000.
Rae, người lớn lên với những giá trị Ki tô bảo thủ, đã được truyền cảm hứng để đến Lagos sau khi được một người Nam Phi mà cô quen biết cho xem những video này.
“Tôi đồng tính nhưng không muốn như vậy,” cô nói. “Tôi nghĩ: 'Ồ, có lẽ đây là giải pháp cho những vấn đề của mình. Có lẽ người đàn ông này có thể khiến tôi thay đổi. Nếu ông ấy cầu nguyện cho tôi, có thể tôi sẽ không còn đồng tính nữa.'"
Một phụ nữ Anh khác, Anneka, đến từ Derby, Midlands, cho biết cô cũng bị mê hoặc bởi những video ấy.
“Cả căn phòng im bặt,” cô kể, mô tả ấn tượng khi nhóm cộng đoàn của cô lần đầu xem các video này hồi cô mới 16 tuổi.
“Đây chính là những gì Chúa Jesus sẽ làm,” cô nhớ lại mình từng nghĩ như thế. Sau đó cô cũng đã đến Nigeria.
Rae, Anneka và nhiều người trẻ tuổi khác, khi đến gặp Joshua vào đầu những năm 2000, đều không phải trả tiền vé máy bay.
Các nhóm nhà thờ trên khắp nước Anh đã gây quỹ để đưa tín đồ đến Lagos chứng kiến những phép lạ này, Joshua cũng góp tiền từ SCOAN, theo thông tin từ các cựu chức sắc nhà thờ.
Về sau, khi nhà thờ này đã có vị thế vững chắc, ông ta đã tính giá rất cao đối với các tín đồ đến và ở lại.
Bisola, một người Nigeria từng sống trong khu nhà 14 năm, nói rằng việc thu hút người phương Tây là một chiến thuật chủ đạo.
“Ông ta dùng người da trắng để quảng bá thương hiệu của mình,” cô nói.
Một số người từng ở trong cuộc ước tính rằng Joshua đã kiếm được hàng chục triệu đô la từ người hành hương và các nguồn tiền khác bao gồm gây quỹ, bán video và việc xuất hiện tại các sân vận động ở nước ngoài. Từ trong nghèo khó, ông ta đã vươn lên trở thành một trong những mục sư giàu có nhất châu Phi.
“Ông ta là một thiên tài,” Agomoh Paul nói. Agomoh từng được coi là cánh tay phải của Joshua nhưng đã rời đi sau 10 năm sống trong khu nhà thờ.
“Mọi thứ... ông ta làm đều được lên kế hoạch.”
Agomoh Paul cho biết ông là người giám sát việc làm giả các “phép màu” – một phần quan trọng trong toàn bộ kế hoạch.
Ông và một số nguồn tin khác cho biết những người được “chữa khỏi” thường được trả tiền để ngụy tạo hoặc phóng đại các triệu chứng của họ trước khi diễn ra quá trình chữa bệnh.
Trong một vài trường hợp, những người tham gia bị chuốc thuốc mê hoặc được cho dùng thuốc để cải thiện tình trạng khi còn ở nhà thờ, rồi sau đó bị thuyết phục đứng ra làm chứng về sự bình phục.
Những người khác thì bị lừa rằng họ dương tính với HIV/AIDS và giờ đây, với sự ban phép của Joshua, họ đã không còn vi rút.
Khi đến Lagos trong cái nóng hầm hập, Rae cũng đã thấy “phép màu”. Hàng chục người đến làm chứng về việc đã được chữa khỏi các bệnh nghiêm trọng.
“Tôi như bị thôi thúc. Thế là tôi sụp xuống khóc như mưa,” cô nói.
Chính vào lúc đó, Rae được Joshua chọn làm “môn đồ” - một nhóm tín đồ tinh tuyển, phục vụ ông ta và sống cùng ông ta trong khu phức hợp nhà thờ.
Rae nghĩ rằng sẽ được học tập dưới sự dẫn dắt của Joshua, để “chữa lành” xu hướng tính dục của mình và học cách chữa bệnh cho người khác.
Nhưng thực tế hoàn toàn khác.
“Chúng tôi đều nghĩ mình đang ở thiên đường, nhưng sự thực thì đó là địa ngục,” cô nói. “Và ở địa ngục thì những điều khủng khiếp xảy ra.”
Có 16 người trong số những môn đồ cũ mà chúng tôi phỏng vấn, bao gồm Rae, đã cung cấp lời khai trực tiếp về hành vi quấy rối tình dục hoặc hãm hiếp của Joshua. Nhiều người nói rằng việc đó xảy ra thường xuyên - có thể là từ hai đến bốn lần mỗi tuần - trong suốt thời gian họ ở trong khu nhà thờ.
Một số mô tả các cuộc hãm hiếp đầy bạo lực khiến họ ngộp thở hoặc bị chảy máu.
Nhiều người tưởng rằng họ là người duy nhất bị xâm hại và không dám chia sẻ với các môn đồ khác, bởi họ đều được khuyến khích tố cáo lẫn nhau.
Theo Victoria, người yêu cầu được đổi tên vì lý do an toàn, là người sống trong khu nhà thờ hơn năm năm, Joshua thường tự mình lựa chọn các nạn nhân từ cộng đoàn nhà thờ để xâm hại tình dục.
Cô cho biết mình đã được chọn khi tham gia trường học ngày Chủ nhật của nhà thờ và kể rằng mình đã bị hãm hiếp trong phòng riêng của Joshua vài tháng sau đó, sau khi cha mẹ cô giao phó cô cho ông ta chăm sóc.
Sau đó, cô được chiêu mộ làm môn đồ nội trú.
Victoria kể rằng Joshua đã chỉ đạo một số môn đồ người Nigeria tin cậy nhất để xác định các nạn nhân mới. Nhóm này được gọi một cách không chính thức là “đội đánh cá” và cô cho họ rốt cuộc đã ép cô tham gia.
Một môn đồ khác tham gia quá trình tuyển chọn tương tự là Bisola.
“TB Joshua yêu cầu tôi tuyển nữ đồng trinh cho ông ta… Để từ đó ông ta có thể đưa họ vào nhóm môn đồ và tước trinh tiết của họ,” bà kể.
Bà nói rằng mình đã tham gia do vừa bị “nhồi sọ” lẫn bị đe dọa bạo lực, đồng thời cho biết thêm bản thân đã nhiều lần bị Joshua cưỡng hiếp.
Một số phụ nữ cho biết họ chưa đủ 18 tuổi, độ tuổi mà theo quy định ở bang Lagos là có thể đồng thuận trong quan hệ tình dục, vào thời điểm họ bị tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp. Ở Nigeria, hành vi phạm tội này có thể dẫn đến án tử hình.
Jessica Kaimu, hiện là nhà báo truyền hình ở Namibia, kể rằng cô mới 17 tuổi và còn trinh khi bị Joshua cưỡng hiếp trong phòng tắm của căn hộ sang trọng trên tầng cao nhất của ông ta, chỉ vài tuần sau khi cô trở thành môn đồ.
“Tôi la hét trong khi ông ta thì thầm vào tai tôi, nói rằng tôi đừng nên cư xử như một đứa bé … Tôi bị sang chấn tới mức không khóc được,” cô kể.
Jessica cho biết màn đụng chạm đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt 5 năm cô làm môn đồ.
Lời kể của cô giống hệt lời kể của những người phụ nữ khác đã nói chuyện với BBC, cũng như của bốn người hầu nam của Joshua, những người được giao nhiệm vụ xóa sạch dấu vết các vụ xâm hại.
Nhiều chi tiết trong lời kể của những người trả lời phỏng vấn quá khủng khiếp đến mức không thể công bố được. Các chi tiết ấy bao gồm những câu chuyện về việc bị lột trần và cưỡng hiếp bằng đồ vật - trong đó một phụ nữ nói rằng chuyện đó đã xảy ra với mình hai lần trước tuổi 15.
“Thật đau đớn, ông ta đã xâm hại tôi,” một phụ nữ yêu cầu được giấu tên nói. “Không từ ngữ nào có thể diễn tả chính xác được điều đó. Nó làm tôi cảm thấy sợ hãi suốt đời.”
Một số người được phỏng vấn kể mình đã bị Joshua cưỡng hiếp và có thai và cho biết sau đó họ bị ép phá thai ngay trong khu nhà thờ - ở một khu vực được gọi là “khoa y tế” hoặc “phòng khám”.
Sihle, một cựu đệ tử người Nam Phi, kể: “Tất cả được thực hiện trong bí mật”. Cô cho biết mình đã bị ép phá thai ba lần.
“Họ cho uống một loại hỗn hợp để nôn. Hoặc họ đưa những miếng kim loại như thế này vào âm đạo và ép bất cứ thứ gì ra ngoài. Cũng không biết liệu họ có [lỡ tay] lôi luôn tử cung ra không.”
Sihle và Jessica, người cho biết mình đã bị ép phá thai 5 lần, đã khóc trong suốt cuộc phỏng vấn.
Bisola cho biết bà đã chứng kiến “hàng chục” vụ phá thai trong suốt 14 năm ở trong khu nhà thờ. Bà kể rằng vài lần bà đã leo lên tầng cao nhất của khu nhà và khóc, cầu xin Chúa cứu giúp.
Những môn đồ này phục vụ mọi nhu cầu của Joshua. Họ mát xa, giúp ông ta mặc quần áo và xịt nước hoa mỗi khi ông ta bước vào phòng. Họ còn đeo găng tay nhựa để ông ta khỏi đụng vào các vụn thức ăn khi ăn.
Thay vì gọi bằng tên, họ được khuyến khích gọi ông ta là “Daddy” (Ba/Cha). Dù việc gọi như thế đối với một mục sư Nigeria theo truyền thống Ngũ tuần không phải là hiếm, nhưng các môn đồ nói rằng đó là cách gọi mà Joshua kiên quyết yêu cầu.
“Tâm trạng của tôi bị đảo lộn, không còn nhận thức được rõ ràng... Hiện thực đã bị bóp méo hoàn toàn,” Anneka nói.
Thiết kế của khu nhà càng khiến họ mất phương hướng.
“Nơi đây là mê cung các cầu thang.”
Vào năm 2014, việc xây dựng khu phức hợp đã gây ra thương vong. Một tòa nhà 6 tầng dành cho khách quốc tế bị sập, làm 116 người thiệt mạng.
Chính quyền địa phương sau đó thông báo rằng thiếu hụt trong kết cấu và thi công kém chất lượng là nguyên nhân gây ra vụ sập nhà. Không một ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ này.
Một số người được phỏng vấn nói với chúng tôi rằng họ tin là số người chết cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo. Họ giải thích rằng một số người Nigeria làm việc tại nhà khách không được liệt kê là nạn nhân. Họ cho biết thêm rằng các thành viên nhà thờ đã ngăn cản nỗ lực cứu nạn cũng như giấu xác nạn nhân vào ban đêm.
Họ cho biết Joshua đã ngăn cản các nhóm khẩn cấp hỗ trợ nỗ lực cứu nạn ngay sau khi vụ việc xảy ra nhằm tránh những ảnh hưởng đến danh tiếng của ông ta.
Các nguồn tin của chúng tôi nói rằng việc kiểm soát truyền thông của ông ta luôn rất chặt.
Rae cho biết chỉ tới sau khi rời đi cô mới nhận ra rằng gia đình và bạn bè đã gửi email cho cô nhưng cô chưa bao giờ nhận được.
Những người được phỏng vấn cho biết Joshua hạn chế các môn đồ tiếp cận điện thoại và tài khoản email.
“Ông ta muốn kiểm soát mọi người và mọi thứ,” Agomoh Paul nói. “Điều mà ông ta thực sự muốn [là] việc kiểm soát tâm trí mọi người.”
Các môn đồ nói rằng họ bị buộc phải làm việc nhiều giờ và không công mỗi ngày để vận hành khu đại thánh đường. Tất cả đều nói rằng việc thiếu ngủ là chuyện thường ngày và đèn được bật trong ký túc xá suốt đêm.
Anneka cho biết họ chưa bao giờ được ngủ một mạch quá 4 tiếng.
Nếu bất cứ ai bị bắt gặp đang ngủ trưa khi chưa được phép hoặc làm trái những quy tắc khác của Joshua, họ sẽ bị trừng phạt. Có 19 cựu môn đồ mô tả đã chứng kiến các vụ hành hung hoặc tra tấn bạo lực trong khu nhà thờ do chính Joshua thực hiện hoặc theo lệnh của ông ta.
Các đệ tử khác mô tả việc mình bị lột quần áo và bị đánh bằng dây cáp điện và roi ngựa. Trong số những người nạn nhân của hành vi này, có những môn đồ mới chỉ bảy tuổi.
Tuy khu nhà thờ ở Lagos có tường cao 3,7m và lính canh vũ trang, điều thực sự giữ các môn đồ ở lại là lòng trung thành và sự cuồng tín mà Joshua tạo ra cũng như nỗi sợ hãi sâu xa được Joshua gieo rắc về những hậu quả của việc trốn thoát.
Rae nói: “Đó là một nhà tù tâm lý.” “Thật vô cùng khó hiểu tại sao một người lại có thể bị lạm dụng tâm lý đến mức mất đi khả năng suy nghĩ thông suốt.”
Tiến sĩ Alexandra Stein, thành viên danh dự tại Đại học Sussex và là thành viên của The Family Survival Trust, tổ chức có mục tiêu nâng cao nhận thức của công chúng về các nhóm sùng bái, cho biết: “SCOAN khá phù hợp với định nghĩa về một nhóm cuồng giáo.”
Sau khi tiếp xúc với nhiều nạn nhân của SCOAN, tiến sĩ Stein nói rằng Joshua đã cô lập các nạn nhân, khiến họ trải qua những “quá trình kiểm soát cưỡng bức do sự căng thẳng, nỗi sợ, tội lỗi và xấu hổ”; điều này khiến họ sợ tới mức không dám bỏ trốn.
Tất cả những người được BBC phỏng vấn đều dùng những từ như “tẩy não”, “truyền giáo” và “kiểm soát tâm trí” - và nhiều người mô tả cuộc sống môn đồ dưới thời Joshua giống như đang ở trong một “nhóm cuồng giáo”.
Rae cho biết việc tra tấn tâm lý đã để lại những vết sẹo sâu nhất. Cô nói rằng Joshua đã buộc cô phải chịu một hình thức trừng phạt được gọi là “adaba” trong hai năm, trong thời gian đó cô bị cấm rời khỏi khu nhà thờ và không ai được phép nói chuyện với cô.
“Về cơ bản, tôi hoàn toàn bị cô lập… và suy sụp,” cô nói. “Tôi đã tìm cách tự tử năm lần.”
Khi bị đẩy đến bờ vực, có điều gì đó đã đánh động tâm trí Rae. Quá trình 12 năm bị nhồi sọ đã bắt đầu quẫy đạp.
“Ông ta đã mắc một sai lầm lớn và mất kiểm soát với tôi,” cô nói.
Trong chuyến đi đến Mexico cùng đoàn của nhà thờ, Rae đã rời khỏi các môn đồ. Cô đã không bao giờ quay trở lại.
Cuộc sống của cô giờ đã rất khác. Nhưng cô phải sống với nỗi thất vọng rằng không còn cách nào buộc Joshua phải chịu trách nhiệm.
“TB Joshua chết trước khi phải đối mặt với công lý vì những hành động tàn bạo mà ông ta đã gây ra, điều đó khiến tôi vô cùng thất vọng. Điều đó chỉ làm tăng thêm cảm giác bất công mà tất cả chúng tôi, những nạn nhân của ông ta, cảm thấy.”
Chúng tôi đã liên hệ SCOAN để hỏi về các cáo buộc trong cuộc điều tra. Họ đã không phản hồi các cáo buộc này, nhưng phủ nhận những tuyên bố được đưa ra trước đó nhằm vào TB Joshua.
Họ viết: “Những lời buộc tội vô căn cứ nhằm vào Nhà tiên tri TB Joshua không phải là chuyện mới… Nhưng chưa hề có lời buộc tội nào được chứng minh.”
Với sự đóng góp thông tin của Maggie Andresen, Yemisi Adegoke và Ines Ward.