Bước tới nội dung

Anh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ England)
Anh
Tên bản ngữ
Biểu tượng hoàng gia Anh
Biểu tượng hoàng gia

Quốc caKhông có quốc ca chính thức

Location of Anh
Tổng quan
Vị thếQuốc gia
Thủ đô
và thành phố lớn nhất
London
51°30′B 0°7′T / 51,5°B 0,117°T / 51.500; -0.117
Ngôn ngữ quốc giaTiếng Anh
Ngôn ngữ địa phươngTiếng Cornwall
Sắc tộc
(2011)
Tôn giáo chính
Giáo hội Anh
Tên dân cưNgười Anh
Chính trị
Chính phủMột phần của chế độ quân chủ lập hiến, do chính phủ Vương quốc Anh trực tiếp điều hành[a]
Lập phápQuốc hội Anh Quốc[a]
Lịch sử
Thành lập
12 tháng 7 năm 927
1 tháng 5 năm 1707
Địa lý
Diện tích 
• Đất liền
130.279 km2[4]
50.301 mi2
Dân số 
• Ước lượng 2019
Tăng 56,286,961[2]
• Điều tra 2011
53,012,500[3]
432/km2[5]
1.118,9/mi2
  1. ^ Trong khi nước Anh không có hội đồng lập pháp của riêng mình, một đại ủy ban lập pháp chỉ bao gồm 533 nghị sĩ đại diện cho các khu vực bầu cử mới có thể xem xét và biểu quyết các dự luật thông qua quốc hội vốn chỉ ảnh hưởng đến nước Anh.

Anh (tiếng Anh: England, /ˈɪŋɡ.lənd/) là một quốc gia cấu thành nên Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.[7][8][9] Quốc gia này có biên giới trên bộ với Scotland về phía bắc và với Wales về phía tây. Biển Ireland nằm về phía tây bắc và biển Celtic nằm về phía tây nam của Anh. Anh tách biệt khỏi châu Âu lục địa qua biển Bắc về phía đông và eo biển Manche về phía nam. Anh nằm tại miền trung và miền nam đảo Anh và chiếm khoảng 5/8 diện tích của đảo; ngoài ra còn có trên 100 đảo nhỏ. Người hiện đại cư trú lần đầu tiên tại khu vực Anh ngày nay trong giai đoạn Đồ đá cũ muộn, song "England" có tên gọi bắt nguồn từ một bộ lạc GermanAngle, bộ lạc này định cư trên đảo vào thế kỷ V-VI. Anh trở thành một quốc gia thống nhất vào thế kỷ X, và kể từ thời đại Khám phá quốc gia này có tác động đáng kể về văn hoá và tư pháp trên thế giới.[10] Vương quốc Anh (bao gồm Wales từ năm 1535) kết thúc vị thế một quốc gia có chủ quyền riêng biệt vào ngày 1 tháng 5 năm 1707, khi các Đạo luật Liên minh có hiệu lực với kết quả là liên minh chính trị với Vương quốc Scotland để hình thành Vương quốc Anh liên hiệp.[11][12] Tiếng Anh, giáo hội Anh giáo, và luật Anh (nền tảng của thông luật tại nhiều quốc gia) được phát triển tại Anh, và hệ thống chính phủ nghị viện của Anh được nhiều quốc gia khác áp dụng.[13] Cách mạng công nghiệp bắt đầu tại Anh trong thế kỷ XVIII, chuyển đổi Anh trở thành quốc gia công nghiệp hoá đầu tiên trên thế giới.[14]

Địa hình của Anh chủ yếu là đồi thấp và đồng bằng, đặc biệt là tại miền trungmiền nam. Tuy nhiên, có các vùng cao tại miền bắc và tây nam. Thủ đô của Anh là Luân Đôn, thuộc khu vực đại đô thị lớn nhất tại Anh Quốc cũng như Liên minh châu Âu. Dân số Anh đạt trên 53 triệu người, chiếm 84% dân số Vương quốc Liên hiệp. Phần lớn dân cư tập trung tại quanh Luân Đôn, vùng Đông Nam, và các khu thành thị tại miền Trung, Tây Bắc, Đông BắcYorkshire, là những nơi phát triển thành các vùng công nghiệp lớn trong thế kỷ XIX.[15]

Nguồn gốc quốc hiệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gọi của Anh trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Bằng tiếng Trung, từ "England chia thành "En-g-land", phiên âm nó là 英格蘭 (pinyin: "Yīng gé lán", Hán-Việt: "Anh Cách Lan"), còn một cách khác là từ "English" bỏ "sh" thành "En-g-li" được phiên âm là 英吉利 (pinyin: "Yīng jí lì", Hán-Việt: "Anh Cát Lợi"). Gọi tắt cho cả hai đều là 英國 (pinyin: "Yīng guó", Hán-Việt: "Anh Quốc"). Hiện tại người Trung Quốc sử dụng "Anh Cách Lan" làm tên cho quốc gia này, còn "Anh Quốc" làm tên cho Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ai-len.[16][17] Và người Việt đã bỏ chữ "Quốc" và "Cách Lan"

Tên gọi "England" xuất xứ từ từ Englaland trong tiếng Anh cổ, có nghĩa "vùng đất của người Angle". Người Angle là một trong những bộ tộc German định cư tại Anh trong Thời đầu Trung Cổ. Người Angle tới từ bán đảo Angeln tại khu vực Vịnh Kiel thuộc Biển Baltic.[18] Theo Từ điển Oxford Anh, lần đầu tiên từ "England" được dùng để chỉ vùng phía nam hòn đảo Great Britain là năm 897, và cách đánh vần hiện đại của nó bắt đầu từ năm 1538.[19][20]

Sự đề cập sớm nhất tới cái tên được chứng nhận diễn ra ở thế kỷ thứ nhất trong tác phẩm của Tacitus, Germania, trong đó từ tiếng Latin Anglii đã được sử dụng.[21] Từ nguyên của chính cái tên bộ tộc bị các nhà học giả tranh cãi; đã có đề xuất rằng nó xuất phát từ hình dạng của bán đảo Angeln, một hình có góc.[22] Làm thế nào và tại sao thuật ngữ xuất xứ từ cái tên của một bộ tộc không nổi bật so với các bộ tộc khác, như người Sachsen, lại được sử dụng để chỉ toàn bộ quốc gia và người dân của nó vẫn chưa được biết, nhưng dường như nó liên quan tới phong tục gọi người German tại Anh là Angli Saxones hay Anh - Sachsen.[23].

Một cái tên khác của nước Anh là Albion. Cái tên Albion ban đầu để chỉ toàn bộ hòn đảo Great Britain. Ghi chép đầu tiên về cái tên xuất hiện trong tác phẩm Corpus Aristotelicum của nhà triết học Aristotle của Hy Lạp cổ đại, một cách rõ ràng ở thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên De Mundo:[24] "Phía ngoài Các cột của Hercules là đại dương chảy quanh Trái Đất. Trong đó có hai hòn đảo rất lớn được gọi là Britannia; chúng là Albion và Ierne".[24] Từ Albion (Ἀλβίων) hay insula Albionum có hai khả năng nguồn gốc. Hoặc nó xuất phát từ từ tiếng Latin albus có nghĩa trắng, một sự đề cập tới các vách trắng Dover, là quang cảnh đầu tiên của Anh nhìn từ Lục địa châu Âu.[25] Một nguồn gốc khá được cho là bởi cuốn sách cổ của thương gia Massaliote Periplus, đề cập tới một "hòn đảo của người Albiones".[26] Albion hiện được dùng thay cho Anh (England) theo một nghĩa thi vị hơn.[27] Một cái tên lãng mạn khác của nước Anh là Loegria, liên quan tới Lloegr tiếng Wales, xuất xứ từ truyền thuyết trứ danh về vua Arthur.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền sử và cổ đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Stonehenge là một nơi kỷ niệm từ thời đồ đá mới

Bằng chứng sớm nhất được biết đến về việc loài người hiện diện tại khu vực nay là Anh thuộc về chủng Homo antecessor, có niên đại khoảng 780.000 năm trước. Xương người nguyên thủy cổ nhất phát hiện được tại Anh có niên đại khoảng 500.000 năm trước.[28] Người hiện đại được cho là cư trú tại khu vực vào giai đoạn đồ đá cũ muộn, song các khu định cư cố định chỉ hình thành trong vòng 6.000 năm qua.[29][30] Sau kỷ băng hà cuối, chỉ còn lại các loài thú lớn như voi ma mút, bò rừng bisontê giác lông mượt. Khoảng 11.000 năm trước, khi các phiến băng bắt đầu rút đi, con người lại cư trú trong khu vực; nghiên cứu di truyền gợi ý rằng họ đến từ phần phía bắc của bán đảo Iberia.[31] Mực nước biển thấp hơn ngày nay và Anh nối liền với Ireland cùng lục địa Á-Âu.[32] Đến khi mực nước biển dâng lên, Anh tách khỏi Ireland 10.000 năm trước và tách khỏi lục địa Á-Âu hai thiên niên kỷ sau đó.

Văn hoá Beaker đến vào khoảng 2.500 TCN, mang đến các bình đựng đồ ăn và đồ uống làm từ đất sét, cũng như các bình được sử dụng để nấu chảy quặng đồng.[33] Các công trình kỷ niệm đồ đá mới có quy mô lớn như StonehengeAvebury được xây dựng trong thời gian này. Thiếc và đồng là những khoáng sản phong phú trong khu vực, bằng cách nung chảy chúng với nhau cư dân thuộc văn hoá Beaker làm ra đồng điếu, và sau đó làm ra sắt từ quặng sắt. Luyện thép phát triển cho phép sản xuất ra cày tốt hơn, nông nghiệp tiến bộ, cũng như sản xuất vũ khí có tính hiệu quả hơn.[34]

Boudica lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa chống Đế quốc La Mã

Trong thời đại đồ sắt, văn hoá Celt đến Anh từ Trung Âu, văn hoá Celt lại bắt nguồn từ văn hoá HallstattLa Tène. Tiếng Britton là ngôn ngữ nói trong giai đoạn này. Xã hội mang tính bộ lạc, theo Geographia của Ptolemy thì có khoảng 20 bộ lạc trong khu vực. Giống như các khu vực khác nằm bên rìa La Mã, đảo Anh tham gia liên kết mậu dịch với La Mã trong thời gian dài. Julius Caesar của La Mã hai lần nỗ lực xâm chiếm Anh vào năm 55 TCN nhưng thất bại, ông lập ra một quốc vương phụ thuộc từ bộ lạc Trinovantes.

Người La Mã xâm chiếm đảo Anh vào năm 43, sau đó họ chinh phục phần lớn hòn đảo và khu vực được hợp nhất vào Đế quốc La Mã với vị thế tỉnh Britannia.[35] Bộ lạc bản địa nổi tiếng nhất vì kháng cự La Mã là Catuvellauni dưới quyền Caratacus. Sau đó, có một cuộc khởi nghĩa dưới quyền Nữ vương Boudica của bộ lạc Iceni, song bà tự sát sau thất bại trong trận Watling Street.[36] Trong thời kỳ này, văn hoá Hy Lạp-La Mã thịnh hành khi du nhập luật La Mã, kiến trúc La Mã, cống dẫn nước, rãnh thoát nước, nhiều mặt hàng nông nghiệp và lụa.[37][38][39] Trong thế kỷ III, Hoàng đế Septimius Severus mất tại Eboracum (nay là York), đây cũng là nơi Constantinus xưng đế sau đó.[40]

Tồn tại tranh luận về việc Cơ Đốc giáo du nhập lần đầu; điều này không muộn hơn thế kỷ IV và có lẽ là sớm hơn nhiều. Theo Bede, Giáo hoàng Eleutherius phái những người truyền giáo từ Roma theo thỉnh cầu của tù trưởng Lucius của Anh vào năm 180, nhằm giải quyết các bất đồng như giữa nghi thức phương Đông và phương Tây. Tồn tại các liên kết truyền thống đến Glastonbury thể hiện Cơ Đốc giáo du nhập thông qua Joseph của Arimathea, trong khi những người khác cho rằng thông qua Lucius.[41] Đến năm 410, trong giai đoạn La Mã suy thoái, quyền cai trị của La Mã kết thúc, các đơn vị quân đội La Mã triệt thoái khỏi đảo nhằm bảo vệ các biên giới tại châu Âu lục địa và tham gia nội chiến.[42]

Trung Cổ

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản sao mũ sắt nghi lễ Sutton Hoo từ Vương quốc East Anglia

Đảo Anh để ngỏ trước các cuộc xâm chiếm của người ngoại giáo, các chiến binh hàng hải đến từ miền tây-bắc của châu Âu lục địa, chủ yếu là người Saxon, Angle, Jute, và Frisia, họ tập kích các vùng bờ biển và bắt đầu định cư, ban đầu là tại phần phía đông.[42] Bước tiến của họ bị kiềm chế trong vài thập niên sau khi người Briton chiến thắng trong trận núi Badon, song sau đó lại tiếp tục và họ tràn qua các vùng đất thấp phì nhiêu trên đảo, thu hẹp khu vực do người Briton kiểm soát thành một nhóm các vùng đất tách rời riêng biệt, trên những vùng có địa hình gồ ghề tại phía tây vào cuối thế kỷ VI. Các văn bản đương đại mô tả về giai đoạn này cực kỳ hiếm, khiến nó bị mô tả là một Thời kỳ Tăm tối. Tính chất và mức độ tiến triển của quá trình người Anglo-Saxon định cư tại Anh do đó là đề tài có bất đồng lớn. Cơ Đốc giáo do La Mã chi phối nhìn chung là biến mất khỏi các lãnh thổ bị người Anglo-Saxon chinh phục, song được những người truyền giáo từ Roma đưa đến một lần nữa dưới quyền lãnh đạo của Augustine từ năm 597 trở đi.[43]

Trong giai đoạn định cư, khu vực do những người nhập cư German cai trị dường như bị phân mảnh thành nhiều lãnh thổ bộ lạc, song đến thế kỷ VII chúng tập hợp thành khoảng một chục vương quốc như Northumbria, Mercia, Wessex, East Anglia, Essex, KentSussex. Trong các thế kỷ sau đó, quá trình thống nhất chính trị được tiếp tục.[44] Trong thế kỷ VII, diễn ra một cuộc đấu tranh vì quyền bá chủ giữa Northumbria và Mercia, sang thế kỷ VIII thì Mercia chiếm ưu thế.[45] Đầu thế kỷ IX, Wessex thay thế vị thế vương quốc quan trọng nhất của Mercia. Cũng trong thế kỷ IX, bộ lạc Dane cũng thuộc nhóm German leo thang tấn công với đỉnh điểm là chinh phục miền bắc và miền đông của Anh, lật đổ các vương quốc Northumbria, Mercia và East Anglia. Wessex dưới quyền Quốc vương Alfred là vương quốc duy nhất tại Anh còn tồn tại, và dưới thời những người kế vị của ông quốc gia này dần bành trướng sang các vương quốc nằm dưới luật của người Dane. Điều này dẫn đến thống nhất chính trị tại Anh, hoàn thành lần đầu tiên dưới thời Æthelstan vào năm 927 và được thiết lập dứt khoát sau các xung đột do Eadred tiến hành vào năm 953. Một làn sóng tấn công mới từ Scandinavia bắt đầu vào cuối thế kỷ X kết thúc khi Quốc vương Đan Mạch Sweyn Forkbeard chinh phục vương quốc thống nhất này vào năm 1013, con trai của ông là Cnut cũng đạt được thành tựu này vào năm 1016, biến Anh trở thành trung tâm của Đế quốc Biển Bắc đoản mệnh, bao gồm cả Đan Mạch và Na Uy. Tuy nhiên, triều đại bản địa phục hồi khi Edward Xưng tội đăng cơ vào năm 1042.

Tranh chấp về quyền kế vị Edward khiến người Norman chinh phục Anh vào năm 1066, đội quân này dưới quyền lãnh đạo của Công tước William xứ Normandy.[46] Người Norman có nguồn gốc từ Scandinavia và định cư tại Normandy (nay thuộc miền bắc Pháp) vào cuối thế kỷ IX và đầu thế kỷ X.[47] Cuộc chinh phục này khiến giới tinh hoa Anh gần như bị tước hoàn toàn quyền chiếm hữu, thay thế họ là một tầng lớp quý tộc mới nói tiếng Pháp, phát âm của họ có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến tiếng Anh.[48]

Sau đó, Nhà Plantagenet từ Anjou kế thừa vương vị Anh dưới thời Henry II, đưa Anh vào Đế quốc Angevin đang chớm nở gồm cả các thái ấp của gia tộc được thừa kế tại Pháp như Aquitaine.[49] Gia tộc này cai trị Anh trong ba thế kỷ, một số quân chủ được chú ý là Richard I, Edward I, Edward IIIHenry V.[49] Trong giai đoạn này diễn ra một số biến đổi về mậu dịch và tư pháp, như hiến chương Magna Carta được sử dụng để hạn chế quyền lực của quân chủ và bảo hộ các đặc quyền của người tự do. Đan sĩ Công giáo phát triển mạnh, giúp sản sinh các triết gia, các trường đại học Oxford và Cambridge được thành lập và được quân chủ bảo trợ. Thân vương quốc Wales trở thành một thái ấp của Nhà Plantagenet vào thế kỷ XIII[50] và Lãnh địa Ireland được Giáo hoàng trao cho quân chủ của Anh.

Trong thế kỷ XIV, Nhà Plantagenet và Nhà Valois đều yêu sách là bên kế thừa hợp pháp của Nhà Capet cùng với vương vị Pháp; hai thế lực này xung đột trong Chiến tranh Trăm Năm.[51] Dịch bệnh Cái chết Đen bắt đầu tấn công Anh bắt đầu vào năm 1348, kết cục là một nửa cư dân Anh thiệt mạng.[52][53] Từ năm 1453 đến năm 1487, nội chiến diễn ra giữa hai nhánh của vương tộc Plantagenet là nhánh Yorknhánh Lancaster, cuộc chiến này được gọi là Chiến tranh Hoa Hồng.[54] Kết cục là nhánh York mất hoàn toàn vương vị về tay một gia tộc quý tộc Wales là Tudor, đây là một dòng họ liên hệ với nhánh Lancaster và do Henry Tudor đứng đầu, lực lượng của ông gồm các lính đánh thuê Wales và Breton, họ giành thắng lợi trong trận Bosworth Field và trong trận này Quốc vương Richard III của nhánh York bị giết.[55]

Sơ kỳ cận đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Painting of large bearded man with fur trimmed cloak, wearing a hat.
Quốc vương Henry VIII trở thành thủ lĩnh tối cao của Giáo hội Anh

Trong giai đoạn Tudor, Phục Hưng lan đến Anh thông qua các triều thần người Ý, họ giới thiệu lại tranh luận nghệ thuật, giáo dục và học thuật từ thời cổ đại.[56] Anh bắt đầu phát triển các kỹ năng hải quân, và việc thám hiểm phía tây được tăng cường.[57][58]

Henry VIII đoạn tuyệt hiệp thông với Giáo hội Công giáo do các vấn đề liên quan đến việc ông ly hôn, theo các đạo luật vào năm 1534 ông trở thành thủ lĩnh quân chủ của Giáo hội Anh. Khác với phần lớn châu Âu Tin Lành, nguồn gốc phân chia tôn giáo tại Anh mang tính chính trị nhiều hơn là thần học.[59] Ông cũng hợp nhất về pháp lý lãnh thổ Wales của tổ tiên vào Vương quốc Anh theo các đạo luật năm 1535–1542. Diễn ra xung đột tôn giáo nội bộ trong thời kỳ trị vì của các con gái Henry là Mary IElizabeth I. Mary I đưa Anh quay trở lại Công giáo La Mã còn Elizabeth I lại khẳng định mạnh mẽ quyền tối cao của Anh giáo.

Nhằm cạnh tranh với Tây Ban Nha, Anh có thuộc địa đầu tiên tại châu Mỹ vào năm 1585 khi nhà thám hiểm Walter Raleigh lập thuộc địa Roanoke tại vùng đất nay là bang Virginia của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thuộc địa này là một thất bại.[60] Công ty Đông Ấn Anh cạnh tranh với người Hà Lanngười Pháp tại phương Đông. Năm 1588, trong thời kỳ Elizabeth I, một hạm đội Anh dưới quyền Francis Drake đánh bại một hạm đội Tây Ban Nha đến xâm chiếm. Cấu trúc chính trị trên đảo Anh thay đổi vào năm 1603 khi Quốc vương Scotland James VI kế thừa vương vị Anh với hiệu là James I, lập ra một liên minh cá nhân giữa hai vương quốc từng kình địch trong thời gian dài về lợi ích.[61][62]

Anh khôi phục chế độ quân chủ dưới quyền Quốc vương Charles II và trải qua hoà bình sau Nội chiến Anh.

Do mâu thuẫn về lập trường chính trị, tôn giáo và xã hội, Nội chiến Anh bùng phát giữa những người ủng hộ Quốc hội và những người ủng hộ Quốc vương Charles I. Đây là một phần đan xen của Chiến tranh Ba Vương quốc với quy mô rộng hơn khi bao gồm cả ScotlandIreland. Phái Quốc hội giành chiến thắng, Charles I bị hành quyết và vương quốc bị thay thế bằng thịnh vượng chung. Thủ lĩnh của phái Quốc hội là Oliver Cromwell tự xưng là Bảo Hộ Công vào năm 1653; một giai đoạn thống trị cá nhân diễn ra sau đó.[63] Sau khi Cromwell mất và con trai ông là Richard từ chức Bảo Hộ Công, Charles II được mời trở lại làm quân chủ vào năm 1660. Sau Cách mạng Vinh Quang năm 1688, Dự luật Quyền lợi 1689 xác định rằng Quốc vương và Quốc hội cùng cai trị, song thực quyền thuộc về Quốc hội. Theo các quy chế được đưa ra, pháp luật chỉ có thể do Quốc hội lập ra và Quốc vương không thể đình chỉ, Quốc vương cũng không thể áp thuế hoặc tổ chức một đội quân nếu không được Quốc hội phê chuẩn trước.[64]

Năm 1666, Luân Đôn xảy ra hoả hoạn lớn, thành phố bị tàn phá song được tái thiết một thời gian ngắn sau đó[65] gồm nhiều toà nhà quan trọng do Christopher Wren thiết kế. Trong Quốc hội Anh, hai phái ToryWhig xuất hiện. Phái Tory ban đầu ủng hộ Quốc vương James II theo Công giáo, song trong cách mạng năm 1688 một số người trong phái Tory cùng với phái Whig mời một thân vương người Hà Lan là William xứ Orange sang đánh bại James II và cuối cùng trở thành William III của Anh. Một số người Anh theo phong trào Jacobite và tiếp tục ủng hộ James II và các con trai của ông, đặc biệt là tại miền bắc. Sau khi các quốc hội của Anh và Scotland đồng thuận,[66] hai quốc gia tham gia liên hiệp chính trị, lập ra Vương quốc Anh mới vào năm 1707.[61] Nhằm dàn xếp liên hiệp, các thể chế như luật pháp và giáo hội quốc gia của hai bên vẫn tách biệt.[67]

Hậu kỳ cận đại và đương đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Vương quốc Anh liên hiệp được thành lập, sản phẩm của Hội Hoàng gia và các sáng kiến khác của Anh kết hợp với Khai sáng Scotland để tạo nên các phát kiến trong khoa học và kỹ thuật. Anh phát triển cực lớn về mậu dịch hải ngoại với bảo hộ từ Hải quân Hoàng gia, mở đường để hình thành Đế quốc Anh. Trong nước, nó thúc đẩy cách mạng công nghiệp, là một giai đoạn biến đổi sâu sắc về kinh tế-xã hội và văn hoá tại Anh, kết quả là công nghiệp hoá nông nghiệp, sản xuất, kỹ thuật và khai mỏ, cũng như các hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy mới và tiên phong nhằm thuận tiện để mở rộng phát triển.[68] Kênh Bridgewater thuộc Tây Bắc Anh được khánh thành vào năm 1761, báo hiệu kỷ nguyên kênh đào tại Anh.[69][70] Năm 1825, tuyến đường sắt hành khách dùng đầu máy kéo hơi nước cố định đầu tiên trên thế giới được mở cửa cho công chúng, đó là đường sắt Stockton và Darlington.[69]

Các nhà máy bông sợi tại Manchester vào khoảng năm 1820, đây là "thành phố công nghiệp đầu tiên" trên thế giới.[71]

Trong cách mạng công nghiệp, nhiều người lao động chuyển từ nông thôn đến các khu vực công nghiệp đô thị mới để làm việc trong các nhà máy, chẳng hạn như ManchesterBirmingham, hai thành phố này từng lần lượt được gán là "thành phố kho hàng" và "công xưởng của thế giới".[72][73] Anh vẫn tương đối ổn định trong suốt Cách mạng Pháp; William Pitt Trẻ là thủ tướng của Anh trong giai đoạn trị vì của George III. Trong Các cuộc chiến tranh của Napoléon, Napoléon lập kế hoạch xâm chiếm Anh từ phía đông nam, Tuy nhiên, kế hoạch thất bại khi quân của Napoleón bị người Anh đánh bại trên biển dưới quyền Horatio Nelson và trên bộ dưới quyền Arthur Wellesley. Các cuộc chiến Napoléon khích lệ khái niệm về tính Anh Quốc và dân tộc Anh Quốc thống nhất, chia sẻ với người Scots và người Wales.[74]

Bia kỷ niệm các thành viên của Quân đội Anh thiệt mạng trong hai thế chiến.

Luân Đôn trở thành khu vực đô thị lớn nhất và đông dân nhất thế giới trong thời kỳ Victoria, và mậu dịch trong Đế quốc Anh cũng như địa vị của quân đội và hải quân Anh có được thanh thế.[75] Kích động chính trị từ các phần tử cấp tiến như phong trào Hiến chương và phong trào phụ nữ yêu cầu quyền bầu cử thúc đẩy các cải cách tư pháp và phổ thông đầu phiếu.[76] Biến đổi quyền lực tại Đông-Trung Âu dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất; hàng trăm nghìn binh sĩ Anh thiệt mạng khi giao tranh bên phe Đồng Minh.[77] Hai thập niên sau, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland lại ở bên phe Đồng Minh. Đến khi kết thúc Chiến tranh kỳ quặc, Winston Churchill trở thành thủ tướng thời chiến. Phát triển về công nghệ chiến tranh khiến nhiều thành thị bị tàn phá do Không quân Đức oanh tạc. Sau chiến tranh, Đế quốc Anh trải qua phi thực dân hoá nhanh chóng, đồng thời có các phát kiến nhanh chóng về kỹ thuật; ô tô trở thành phương tiện giao thông chủ yếu và phát triển của Frank Whittle về động cơ phản lực khiến di chuyển bằng hàng không phổ biến hơn.[78] Mô hình cư trú thay đổi tại Anh do ô tô cá nhân, thiết lập Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) vào năm 1948. NHS của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cung cấp chăm sóc y tế công cộng miễn phí cho toàn bộ cư dân thường trú tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tại điểm cần thiết, kinh phí lấy từ thuế nói chung. Tổng hợp, các thay đổi này thúc đẩy cải cách về chính quyền địa phương tại Anh vào giữa thế kỷ XX.[79][80]

Từ thế kỷ XX, có phong trào di dân đáng kể đến Anh, hầu hết là từ các phần còn lại của quần đảo Anh, song cũng từ các quốc gia trong Thịnh vượng chung mà đặc biệt là tiểu lục địa Ấn Độ.[81] Kể từ thập niên 1970, có một bước chuyển đổi lớn khỏi lĩnh vực chế tạo và gia tăng tầm quan trọng vào ngành dịch vụ.[82] Với tư cách là bộ phận của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, khu vực gia nhập sáng kiến thị trường chung mang tên Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu. Kể từ cuối thế kỷ XX, chính quyền Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland chuyển hướng sang phân quyền quản trị tại Scotland, Wales và Bắc Ireland.[83] Anh và Wales tiếp tục là một khu vực quyền hạn pháp lý tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.[84] Phân quyền kích thích việc nhấn mạnh nhiều vào bản sắc và chủ nghĩa ái quốc đặc trưng Anh hơn.[85][86] Không có chính phủ Anh được phân quyền, song một nỗ lực nhằm lập ra một hệ thống tương tự trên cơ sở phân vùng bị cử tri bác bỏ thông qua trưng cầu dân ý.[87]

Chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]
Cung điện Westminster là trụ sở của Quốc hội Anh Quốc

Với vị thế là bộ phận của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, hệ thống chính trị cơ bản tại Anh là quân chủ lập hiến và hệ thống nghị viện.[88] Không tồn tại chính phủ riêng cho Anh kể từ năm 1707, khi Anh và Scotland liên hiệp thành Vương quốc Anh mới.[66] Trước khi liên hiệp, Anh do quân chủ và quốc hội cai trị. Hiện nay, Anh nằm dưới quyền cai quản trực tiếp từ Quốc hội Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, dù cho các quốc gia khác trong Vương quốc liên hiệp có các chính phủ được phân quyền.[89] Trong Hạ nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, trong tổng số 650 nghị viên có 532 nghị viên đại diện cho các khu vực bầu cử tại Anh.[90] Trong tổng tuyển cử năm 2017, Đảng Bảo thủ giành được nhiều ghế nhất.[91].

Do Scotland, Wales và Bắc Ireland đều có cơ quan lập pháp riêng biệt và được phân quyền đối với các vấn đề địa phương, tồn tại tranh luận về cách thức cân bằng điều này tại Anh. Ban đầu có kế hoạch là các vùng của Anh sẽ được phân quyền, song sau khi cử tri Đông Bắc bác bỏ đề xuất này trong một cuộc trưng cầu dân ý, nó không được tiến hành.[87] Một vấn đề lớn đó là câu hỏi West Lothian, theo đó các nghị viên từ Scotland và Wales có thể bỏ phiếu về pháp luật chỉ áp dụng cho Anh, trong khi các nghị viên từ Anh không có quyền tương đương đối với pháp luật về các vấn đề được phân quyền.[92] Với bối cảnh Anh là quốc gia duy nhất trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland không miễn phí về điều trị ung thư, đơn thuốc, chăm sóc tại nhà cho người già và học phí đại học,[93] khiến cho chủ nghĩa dân tộc Anh dần tăng lên.[94]

Hệ thống pháp luật Anh phát triển trong nhiều thế kỷ, là cơ sở của hệ thống tư pháp thông luật[95] tồn tại trong hầu hết các quốc gia Thịnh vượng chung[96] và Hoa Kỳ (trừ bang Louisiana). Mặc dù hiện là bộ phận của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, hệ thống tư pháp của Các toà án Anh và Wales vẫn tiếp tục với tư cách là hệ thống tư pháp độc lập với hệ thống tại Scotland. Bản chất tổng thể của luật Anh là nó hình thành bởi các thẩm phán trong các toà án, áp dụng cảm giác chung và kiến thức của họ về tiền lệ tư pháp đối với các sự việc.[97] Đứng đầu hệ thống toà án là Các toà cấp cao của Anh và Wales, gồm có toà án phúc thẩm, toà án tư pháp cấp cao đối với các vụ án dân sự, và toà án hoàng gia đối với các vụ án hình sự.[98] Toà án Tối cao Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là toà án cao nhất đối với các vụ án hình sự và dân sự tại Anh và Wales. Toà án này hình thành vào năm 2009 sau sửa đổi hiến pháp, tiếp quản các chức năng tư pháp của Thượng nghị viện.[99]

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Phân vùng tại Anh gồm có bốn cấp, được kiểm soát thông qua nhiều kiểu thực thể hành chính, lập nên vì mục đích cai quản địa phương. Cấp chính quyền địa phương cao nhất là chín vùng của Anh: North East, North West, Yorkshire và Humber, East Midlands, West Midlands, East, South East, South West, và London. Chúng được lập ra vào năm 1994, được chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sử dụng để phân bổ một loạt các chính sách và chương trình địa phương, song không có các thể chế dân cử tại cấp này, ngoại trừ tại Luân Đôn, và các văn phòng chính quyền khu vực bị bãi bỏ vào năm 2011.[100] Ranh giới các vùng vẫn được sử dụng để bầu các thành viên nghị viện châu Âu.

Sau khi các quốc gia khác tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland được phân quyền, có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý tại các vùng của Anh về các cơ quan lập pháp địa phương được phân quyền. Cử tri Luân Đôn chấp thuận vào năm 1998: Hội đồng Luân Đôn được hình thành hai năm sau. Tuy nhiên, các cuộc trưng cầu dân ý khác bị đình chỉ sau khi cử tri North East bác bỏ đề xuất phân quyền vào năm 2004.[87] Các hội đồng khu vực ngoài Luân Đôn bị bãi bỏ vào năm 2010, và chức năng của chúng được chuyển giao cho các cơ quan phát triển khu vực tương ứng và một hệ thống mới gồm các ban lãnh đạo chính quyền địa phương.[101]

Dưới cấp vùng, Anh được chia thành 48 hạt nghi lễ.[102] Chúng chủ yếu được sử dụng làm khung tham chiếu địa lý và dần được phát triển từ thời Trung Cổ, có một số hình thành vào năm 1974.[103] Mỗi hạt nghi lễ có một Lord Lieutenant (thống giám) và High Sheriff (hạt trưởng); các chức vụ này đại diện cho quân chủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tại địa phương.[102] Ngoại trừ Đại Luân Đôn và quần đảo Scilly, Anh còn được chia thành 83 hạt đô thị và phi đô thị; chúng tương ứng với các khu vực được sử dụng cho mục đích chính quyền địa phương[104].

Anh có sáu hạt đô thị tại các khu vực đô thị hoá cao nhất, chúng không có hội đồng hạt.[104] Trong các khu vực này, nhà cầm quyền chủ yếu là các hội đồng khu phố. 27 hạt phi đô thị có hội đồng hạt, và được chia thành các huyện, mỗi huyện có một hội đồng huyện. Chúng thường nằm tại các khu vực có tính nông thôn cao hơn. Các hạt phi đô thị còn lại gồm một huyện duy nhất và thường tương ứng với các thị trấn lớn hoặc hạt thưa dân; chúng được gọi là nhà cầm quyền nhất thể. Đại Luân Đôn có mô hình chính quyền địa phương khác biệt, gồm 32 khu phố và Thành phố Luân Đôn[105] Ở cấp thấp nhất, phần lớn Anh được chia thành các giáo khu dân sự có các hội đồng.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]
Khối núi Skiddaw tại Lake District, phía tây bắc của Anh

Về mặt địa lý, Anh nằm tại miền trung và miền nam đảo Anh, chiếm hai phần ba diện tích của đảo, ngoài ra còn có các đảo ven bờ như đảo Wightquần đảo Scilly. Anh có biên giới với hai quốc gia khác trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland: phía bắc giáp Scotland và phía tây giáp Wales. Anh là nơi gần lục địa châu Âu nhất tại đại lục Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Anh cách biệt Pháp qua eo biển Manche rộng 34 km[106], song hai quốc gia được liên kết thông qua đường hầm xuyên eo biển gần Folkestone.[107] Anh cũng có đường bờ biển ven biển Ireland, biển Bắc và Đại Tây Dương.

Các cảng Luân Đôn, Liverpool, và Newcastle lần lượt nằm trên các sông chịu ảnh hưởng của thủy triều là Thames, MerseyTyne. Severn là sông dài nhất chảy qua Anh, có tổng chiều dài là 350 km.[108] Sông này chảy vào eo biển Bristol và được chú ý do nước triều có thể cao đến 2m.[109] Tuy vậy, sông dài nhất chảy hoàn toàn trên lãnh thổ Anh là Thames với 346 km.[110] Anh có nhiều hồ, lớn nhất trong số đó là Windermere thuộc khu Lake District.[111]

Dãy Pennines được mệnh danh là "xương sống của Anh", đây là dãy núi cổ nhất tại Anh và có nguồn gốc vào cuối thời Đại Cổ sinh cách nay khoảng 300 triệu năm trước.[112] Cấu tạo địa chất của dãy này gồm có sa thạch, đá vôi, cũng như than đá và các loại khác. Tồn tại cảnh quan karst trong các khu vực canxit như một số nơi tại Yorkshire và Derbyshire. Cảnh quan Pennine là đất hoang vùng cao, bị chia cắt do các thung lũng phì nhiêu hình thành từ các sông trong vùng. Dãy núi có ba công viên quốc gia là Yorkshire Dales, Northumberland, và Peak District. Điểm cao nhất tại Anh là Scafell Pike cao 978 m tại Cumbria.[111] Vùng đồi Cheviot trải dài trên biên giới Anh-Scotland.

Các vùng đất thấp của Anh nằm về phía nam dãy Pennines, có các khu đồi gợn sóng xanh tươi như Cotswold, Chiltern, North Downs và South Downs, tại nơi gặp biển chúng hình thành các vách đá trắng như vách Dover. Bán đảo Tây Nam mang tính granit có các đồng hoang vùng cao như DartmoorExmoor, và có khí hậu ôn hoà, chúng đều là các công viên quốc gia.[113]

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Anh có khí hậu đại dương ôn hoà, nhiệt độ không thấp hơn nhiều mức 0 °C vào mùa đông và không cao hơn nhiều mức 32 °C vào mùa hè.[114] Thời tiết ẩm thấp tương đối thường xuyên và dễ thay đổi. Các tháng lạnh nhất là tháng 1 và 2, riêng vùng ven biển là tháng 2, còn tháng 7 thường là tháng ấm nhất. Các tháng có thời tiết êm dịu cho đến ấm là tháng 5-6 và 9-10.[114]

Các ảnh hưởng quan trọng đối với khí hậu Anh là việc quốc gia này nằm gần Đại Tây Dương, có vĩ độ cao và hơi ấm từ biển theo hải lưu Gulf Stream.[114] Lượng mưa cao hơn tại miền tây, và nhiều nơi thuộc Lake District có lượng mưa lớn hơn các nơi khác trong nước.[114] Từ khi thời tiết được quan trắc, nhiệt độ cao nhất theo báo cáo là 38,5 °C vào ngày 10 tháng 8 năm 2003 tại Brogdale thuộc Kent,[115] trong khi nhiệt độ thấp nhất là -26,1 °C vào ngày 10 tháng 1 năm 1982 tại Edgmond, Shropshire.[116]

Các khu thành thị chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Khu vực đô thị Đại Luân Đôn là khu vực đô thị lớn nhất tại Anh[117] và là một trong các thành phố nhộn nhịp nhất thế giới. Luân Đôn là một thành phố toàn cầu và có dân số lớn hơn các quốc gia khác trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ngoài Anh.[117] Các khu vực đô thị khác có quy mô và ảnh hưởng đáng kể có xu hướng nằm tại miền bắc hay miền trung của Anh.[117] 50 khu dân cư được cấp vị thế thành phố tại Anh, còn trên toàn Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là 66.

Nhiều thành phố tại Anh khá lớn, chẳng hạn như Birmingham, Sheffield, Manchester, Liverpool, Leeds, Newcastle, Bradford, Nottingham, song quy mô dân số không phải là điều kiện tiên quyết cho vị thế thành phố.[118] Theo truyền thống, vị thế thành phố được trao cho các đô thị có nhà thờ chính toà của giáo phận, do đó tồn tại các thành phố nhỏ như Wells, Ely, Ripon, TruroChichester.[118] Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, 10 khu vực đô thị lớn nhất, phát triển liền kề là:[117]

Hạng Khu vực đô thị Dân số Địa phương chủ yếu
1 Khu vực đô thị Đại Luân Đôn 9.787.426 Đại Luân Đôn được chia thành Thành phố Luân Đôn và 32 khu phố như Croydon, Barnet
2 Khu vực đô thị Đại Manchester 2.553.379 Manchester, Salford, Bolton, Stockport, Oldham
3 Khu vực đô thị West Midlands 2.440.986 Birmingham, Wolverhampton, Dudley, Walsall, Aldridge
4 Khu vực đô thị West Yorkshire 1.777.934 Leeds, Bradford, Huddersfield, Wakefield, Halifax
5 Khu vực đô thị Liverpool 864.122 Liverpool, St. Helens, Bootle, Huyton-with-Roby
6 South Hampshire 855.569 Southampton, Portsmouth, Eastleigh, Gosport, Fareham, Havant, Horndean
7 Tyneside 774.891 Newcastle, North Shields, South Shields, Gateshead, Jarrow
8 Khu vực đô thị Nottingham 729.977 Nottingham, BeestonStapleford, Carlton, Long Eaton
9 Khu vực đô thị Sheffield 685.368 Sheffield, Rotherham, Rawmarsh, Killamarsh
10 Khu vực đô thị Bristol 617.280 Bristol, Kingswood, Mangotsfield, Stoke Gifford
Thành phố Luân Đôn là thủ đô tài chính thế giới[119][120]

Kinh tế Anh nằm vào hàng lớn nhất thế giới, có GDP bình quân là 22.907 bảng Anh vào năm 2009.[121] Anh thường được nhìn nhận là một nền kinh tế thị trường hỗn hợp, áp dụng nhiều nguyên tắc thị trường tự do, song duy trì hạ tầng phúc lợi xã hội tiến bộ.[122] Thuế tại Anh khá cạnh tranh nếu so với phần lớn các quốc gia châu Âu khác, năm 2014 mức thuế cá nhân cơ bản là 20%.[123]

Kinh tế Anh lớn nhất trong kinh tế Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland,[121] Anh đứng đầu thế giới về các lĩnh vực hoá học[124] và dược khoa cũng như trong các ngành công nghệ chủ chốt, đặc biệt là hàng không vũ trụ, công nghiệp vũ khí và chế tạo công nghiệp phần mềm. Sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn là sàn giao dịch chứng khoán chủ yếu của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và lớn nhất tại châu Âu, đây là trung tâm tài chính của Anh và 100/500 công ty lớn nhất châu Âu có trụ sở tại Luân Đôn.[125] Luân Đôn là trung tâm tài chính lớn nhất tại châu Âu, và là trung tâm tài chính lớn thứ nhất thế giới theo chỉ số GFCI vào năm 2016.[126]

Bentley là một công ty ô tô nổi tiếng của Anh.

Ngân hàng Anh được thành lập vào năm 1694, là ngân hàng trung ương của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Ban đầu nó là một ngân hàng tư nhân phục vụ chính phủ Anh, song từ năm 1946 nó là một thể chế quốc hữu.[127] Ngân hàng được độc quyền phát hành tiền tệ tại Anh và Wales, song không có quyền này tại Scotland hay Bắc Ireland. Chính phủ giao trách nhiệm cho Ủy ban Chính sách Tiền tệ của ngân hàng về quản lý chính sách tiền tệ của quốc gia và thiết lập mức lãi suất.[128]

Anh là một quốc gia công nghiệp hoá cao độ, song kể từ thập niên 1970 diễn ra suy thoái trong các ngành công nghiệp nặng và chế tạo truyền thống, gia tăng tập trung vào kinh tế định hướng dịch vụ.[82] Du lịch trở thành một ngành công nghiệp quan trọng, thu hút hàng triệu du khách đến Anh mỗi năm. Xuất khẩu của Anh chủ yếu là dược phẩm, ô tô, dầu khai thác từ biển Bắc và Wytch Farm, động cơ máy bay và đồ uống có cồn.[129] Hầu hết ngành công nghiệp hàng không vũ trụ trị giá 30 tỷ bảng của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland[130] nằm tại Anh. Cơ hội thị trường toàn cầu của các nhà chế tạo hàng không vũ trụ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland trong hai thập niên tới ước tính đạt 3,5 nghìn tỷ bảng.[131] Nông nghiệp Anh thâm canh và được cơ giới hoá cao độ, sản xuất 60% nhu cầu thực phẩm với chỉ 2% lực lượng lao động.[132] Hai phần ba sản lượng thuộc lĩnh vực chăn nuôi, còn lại thuộc về trồng trọt.[133]

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]
Sân bay London Heathrow có lượng hành khách quốc tế lớn nhất thế giới (2008).[134]

Bộ Giao thông là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm giám sát giao thông tại Anh. Anh có nhiều xa lộ và nhiều tuyến đường trục khác như đường A1 Great North chạy xuyên miền đông của Anh từ Luân Đôn đến Newcastle[135] và tiến đến biên giới với Scotland. Xa lộ dài nhất tại Anh là M6 kéo dài từ Rugby qua vùng North West đến biên giới với Scotland, tổng chiều dài là 373 km.[135] Các tuyến đường chính khác là M1 từ Luân Đôn đến Leeds, M25 vòng quanh Luân Đôn, M60 vòng quanh Manchester, M4 từ London đến Nam Wales, M62 từ Liverpool qua Manchester đến East Yorkshire, và M5 từ Birmingham đến Bristol và South West.[135]

Giao thông xe buýt phổ biến khắp nước Anh, với các công ty lớn như National Express, Arriva và Go-Ahead Group. Xe buýt hai tầng đỏ tại Luân Đôn trở thành một biểu trưng của Anh. Anh có hai mạng lưới tàu điện ngầm: London Underground; và Tyne and Wear Metro tại Newcastle, Gateshead và Sunderland.[136] Anh còn có một số mạng lưới xe điện, như tại Blackpool, Manchester, Sheffield và Midland, và hệ thống Tramlink tập trung tại Croydon thuộc Nam Luân Đôn.[136]

Anh là nơi có giao thông đường sắt đầu tiên trên thế giới, đường sắt chở khách bắt nguồn tại đây vào năm 1825.[137] Phần lớn mạng lưới đường sắt dài 16.000 km của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland nằm tại Anh, bao phủ khá rộng, song một phần lớn các tuyến đường sắt bị đóng cửa trong nửa sau của thế kỷ XX. Có các kế hoạch mở lại các tuyến như Varsity nối Oxford và Cambridge. Các tuyến đường sắt tại Anh hầu hết có khổ tiêu chuẩn (đơn, đôi hoặc bốn đường ray) song cũng có một vài tuyến có khổ hẹp. Đường hầm eo biển Manche hoàn thành vào năm 1994 giúp liên kết đường sắt giữa Anh với Pháp và Bỉ.

Anh có các liên kết hàng không nội địa và quốc tế trên phạm vi rộng. Sân bay lớn nhất là London Heathrow, đây là sân bay có số hành khách quốc tế đông nhất thế giới.[138] Các sân bay lớn khác là Manchester, London Stansted, LutonBirmingham.[134] Anh có mạng lưới giao thông bằng phà với hành trình địa phương và quốc tế, như đến Ireland, Hà Lan và Bỉ.[139] Có khoảng 7.100 km đường thủy có thể thông hành tại Anh, một nửa trong số đó thuộc quyền sở hữu của Canal and River Trust,[139] tuy nhiên vận tải đường thủy rất hạn chế. Thames là tuyến đường thủy chính tại Anh, xuất nhập khẩu tập trung tại cảng Tilbury trên cửa sông Thames, đây là một trong ba cảng chính của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.[139]

Dịch vụ Y tế Quốc dân (NHS) là hệ thống chăm sóc sức khoẻ công cộng tại Anh, chịu trách nhiệm cung cấp đa số dịch vụ y tế trong nước. NHS bắt đầu vào ngày 5 tháng 7 năm 1948, có hiệu lực theo các điều khoản của Đạo luật Dịch vụ Y tế Quốc dân 1946. Nó dựa trên các phát hiện của Báo cáo Beveridge, người soạn báo cáo này là nhà kinh tế và cải cách xã hội William Beveridge.[140] NHS phần lớn được tài trợ từ thuế nói chung, trong đó có chi trả Bảo hiểm Quốc dân,[141] và nó cung cấp miễn phí hầu hết các dịch vụ tại điểm sử dụng, song tính phí đối với một số người khi kiểm tra mắt, chăm sóc nha khoa, kê đơn và các khía cạnh chăm sóc cá nhân.[142]

Cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về NHS là Bộ Y tế, và hầu hết chi tiêu của Bộ Y tế là dành cho NHS, với 98,6 tỷ bảng vào năm 2008–2009.[143] Trong những năm gần đây, lĩnh vực tư nhân ngày càng được sử dụng nhiều để cung cấp các dịch vụ NHS bất chấp phản đối của các bác sĩ và công đoàn.[144] Tuổi thọ dự tính trung bình của cư dân Anh là 77,5 năm đối với nam giới và 81,7 năm đối với nữ giới, đây là mức cao nhất trong bốn quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.[145]

Nhân khẩu

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ thể hiện các khu vực hành chính của Anh và Wales theo tỷ lệ dân số.

Theo điều tra năm 2011, Anh có 53 triệu cư dân, chiếm tới 84% tổng cư dân của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.[15][146] Nếu được xem là một đơn vị và so sánh với quốc tế, Anh có dân số lớn thứ tư trong Liên minh châu Âu và đông dân thứ 25 thế giới.[147] Với mật độ dân số là 407 người/km², đây sẽ là quốc gia có mật độ dân số cao thứ nhì trong Liên minh châu Âu sau Malta.[148][149]

Một số bằng chứng di truyền học cho thấy 75-95% nguồn gốc theo dòng phụ hệ là từ những người định cư thời tiền sử có xuất thân từ bán đảo Iberia, cùng với 5% đóng góp của người Angle và Saxon, và một lượng đáng kể yếu tố Scandinavia (Viking).[150][151][152] Tuy nhiên, có các nhà di truyền học khác cho rằng nguồn gốc Germanic ước tính lên đến một nửa.[153][154] Theo thời gian, nhiều nền văn hoá có ảnh hưởng tới Anh: Tiền sử, Briton,[155] La Mã, Anglo-Saxon,[156] Viking (Bắc Germanic),[157] Gael, cũng như chịu ảnh hưởng lớn từ người Norman. Tồn tại cộng đồng người gốc Anh tại nhiều nơi từng thuộc Đế quốc Anh; đặc biệt là Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nam Phi và New Zealand. Kể từ cuối thập niên 1990, có nhiều người Anh di cư sang Tây Ban Nha.[158][159]

Năm 1086, khi Domesday Book được soạn, dân số Anh là hai triệu, khoảng 10% sống trong các khu vực đô thị.[160] Đến năm 1801, dân số là 8,3 triệu, và đến năm 1901 thì tăng lên 30,5 triệu.[161] Nhờ kinh tế thịnh vượng của vùng đông nam, Anh thu hút nhiều di dân kinh tế từ những phần khác của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.[162] Người Ireland nhập cư với số lượng đáng kể.[163] Tỷ lệ cư dân gốc Âu là 87,50%, trong đó có người gốc Đức[164] và gốc Ba Lan.[162]

Những dân tộc khác đến từ các cựu thuộc địa xa xôi của Anh từ thập niên 1950, trong đó 6% cư dân Anh có nguồn gốc gia đình tại tiểu lục địa Ấn Độ.[162][164] 2,90% dân số là người da đen, họ đến từ châu Phi và Caribe, đặc biệt là các cựu thuộc địa của Anh.[162][164] Người Hoa và người Anh gốc Hoa có số lượng đáng kể.[162][164] Năm 2007, 22% học sinh tiểu học tại Anh đến từ các gia đình dân tộc thiểu số,[165] và tỷ lệ này tăng lên 26,5% vào năm 2011.[166] Khoảng một nửa gia tăng dân số giai đoạn 1991-2001 là do nhập cư.[167] Tranh luận về nhập cư đáng chú ý về mặt chính trị;[168] theo một khảo sát vào năm 2009 của Bộ Nội vụ Anh, 80% muốn giới hạn nó.[169] Văn phòng Thống kê Quốc gia dự báo rằng dân số sẽ tăng thêm chín triệu từ năm 2014 đến năm 2039.[170]

Anh có một dân tộc thiểu số bản địa là người Cornwall, họ được chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland công nhận theo Công ước khung về Bảo vệ các dân tộc thiểu số vào năm 2014.[171]

Ngôn ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]
Ngôn ngữ Người bản ngữ[172]
Tiếng Anh 46.936.780
Tiếng Ba Lan 529.173
Tiếng Punjab 271.580
Tiếng Urdu 266.330
Tiếng Bengal 216.196
Tiếng Gujarat 212,217
Tiếng Ả Rập 152.490
Tiếng Pháp 145.026
Tiếng Wales 8.248
Tiếng Cornwall 554
Khác 2.267.016
Dân số 51.005.610
Thế giới Anh ngữ
  Bản ngữ đa số
  Ngôn ngữ chính thức, song là thiểu số

Tiếng Anh hiện được hàng trăm triệu người nói trên khắp thế giới, ngôn ngữ này bắt nguồn từ Anh và hiện là ngôn ngữ chính của 98% dân số tại đây.[173] Đây là một ngôn ngữ Ấn-Âu thuộc nhánh Anh-Frisia của ngữ tộc German.[174] Sau khi người Norman chinh phục Anh, tiếng Anh cổ bị thay thế và hạn chế trong tầng lớp xã hội thấp trong khi giới quý tộc dùng tiếng Pháp Norman và tiếng La Tinh.

Đến thế kỷ XV, tiếng Anh quay trở lại trong toàn bộ các tầng lớp, song có nhiều cải biến; tiếng Anh trung đại chịu nhiều ảnh hưởng từ tiếng Pháp, cả về tự vựng và chính tả. Trong Phục hưng Anh, nhiều từ được tạo ra từ gốc La Tinh và Hy Lạp.[175] Tiếng Anh hiện đại mở rộng truyền thống linh hoạt này, bằng cách tiếp nhận từ ngữ từ các ngôn ngữ khác. Nhờ một phần lớn vào Đế quốc Anh, tiếng Anh nay trở thành trở ngôn ngữ chung phi chính thức của thế giới.[176]

Học tập và giảng dạy tiếng Anh là một hoạt động kinh tế quan trọng. Không có luật về ngôn ngữ chính thức của Anh,[177] song tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong công việc chính thức. Mặc dù có quy mô lãnh thổ tương đối nhỏ, song Anh có nhiều giọng vùng miền riêng biệt, và có thể không dễ dàng nghe hiểu những người có giọng nặng.

Ngoài tiếng Anh, Anh còn có hai ngôn ngữ bản địa khác là tiếng Cornwalltiếng Wales. Tiếng Cornwall không còn là ngôn ngữ cộng đồng vào thế kỷ XVIII song đang được khôi phục,[178][179] và hiện được bảo vệ theo Hiến chương châu Âu về các ngôn ngữ thiểu số hoặc khu vực.[180] 0,1% cư dân tại Cornwall nói tiếng Cornwall,[181] và nó được giảng dạy có mức độ tại một vài trường tiểu học và trung học.[182][183]

Khi biên giới hiện nay giữa Wales và Anh được thiết lập theo các đạo luật vào năm 1535 và 1542, nhiều cộng đồng nói tiếng Wales sống tại lãnh thổ thuộc Anh. Tiếng Wales được nói tại Archenfield thuộc Herefordshire cho đến thế kỷ XIX.[184] Tiếng Wales vẫn còn là bản ngữ trong một số nơi tại miền tây Shropshire ít nhất là cho đến giữa thế kỷ XX.[185]

Trong các trường công lập, học sinh được dạy một ngôn ngữ thứ hai, thường là tiếng Pháp, Đức hoặc Tây Ban Nha.[186] Do nhập cư, nên theo báo cáo vào năm 2007 có khoảng 800.000 học sinh nói ngoại ngữ tại nhà,[165] phổ biến nhất là tiếng PunjabUrdu. Tuy nhiên, theo điều tra năm 2011, tiếng Ba Lan trở thành ngôn ngữ phổ biến thứ nhì tại Anh.[187]

Tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhà thờ chính tòa Canterbury là trụ sở của thủ lĩnh Giáo hội Anh

Theo điều tra năm 2011, 59,4% dân số Anh xác định tôn giáo của họ là Cơ Đốc giáo, 24,7% trả lời rằng họ không theo tôn giáo nào, 5% xác định họ là người Hồi giáo, 3,7% dân số thuộc các tôn giáo khác và 7,2% không trả lời.[188] Cơ Đốc giáo là tôn giáo được hành đạo phổ biến nhất tại Anh, truyền thống này có từ sơ kỳ Trung Cổ song Cơ Đốc giáo được đưa đến lần đầu trước đó từ lâu trong thời kỳ Gael và La Mã. Giáo hội Cơ Đốc giáo Celt dần tham gia hệ thống Giáo hội Công giáo La Mã sau khi Giáo hoàng Gregorius cử đoàn truyền giáo do St Augustine lãnh đạo đến Kent. Giáo hội Anh là là giáo hội chính thức của Anh,[189] họ tuyệt giao với Roma trong thập niên 1530 khi Quốc vương Anh Henry VIII không thể huỷ hôn với người dì của quốc vương Tây Ban Nha, Catalina của Aragón. Giáo hội này tự nhìn nhận là thuộc Công giáo lẫn Tin Lành.[190]

Tồn tại các truyền thống Thượng giáo hội và Hạ giáo hội, và một số người Anh giáo tự nhìn nhận là Công giáo Anh theo phong trào Oxford. Quân chủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là lãnh tụ tối cao của giáo hội, gồm khoảng 25 triệu thành viên được rửa tội (trong số đó đại đa số không đến nhà thờ thường lệ). Giáo hội Anh là bộ phận của Cộng đồng Anh giáo, có Tổng giám mục Canterbury giữ vai trò là thủ lĩnh tượng trưng trên toàn cầu.[191] Nhiều nhà thờ chính toà và nhà thờ giáo xứ là các công trình lịch sử quan trọng đáng kể về mặt kiến trúc, như Tu viện Westminster, Nhà thờ lớn York, Nhà thờ chính toà Durham, và Nhà thờ chính toà Salisbury.

Giáo phái Cơ Đốc lớn thứ nhì là đức tin La Tinh của Giáo hội Công giáo. Từ khi xuất hiện trở lại sau khi Công giáo tại Anh được giải phóng, giáo hội này được tổ chức trên cơ sở Anh và Wales với 4,5 triệu thành viên (hầu hết là người Anh).[192] Đến nay có một giáo hoàng đến từ Anh đó là Adrian IV; trong khi các thánh BedeAnselm được phong làm tiến sĩ Hội Thánh.

Phong trào Giám Lý là giáo hội Cơ Đốc lớn thứ ba, đây là một dạng Tin Lành và được John Wesley phát triển từ Anh giáo.[193] Giáo phái này phổ biến tại các đô thị dệt cũ như LancashireYorkshire, và trong các mỏ thiếc tại Cornwall.[194] Ngoài ra, còn có các nhóm thiểu số khác như Baptists, Quakers, Giáo đoàn, Nhất thể và Cứu Thế Quân.[195]

Thánh bảo trợ của Anh là Thánh George; gạch chéo tượng trưng cho ông được hiển thị trên quốc kỳ Anh, cũng như trong Quốc kỳ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.[196] Ngoài ra còn có nhiều thánh người Anh và có liên hệ với Anh, chẳng hạn như Cuthbert, Edmund, Alban, Wilfrid, Aidan, Edward Xưng tội, John Fisher, Thomas More, Petroc, Piran, Margaret ClitherowThomas Becket. Do Thái giáo có lịch sử là một thiểu số nhỏ trên đảo từ năm 1070.[197] Họ bị trục xuất khỏi Anh vào năm 1290 và chỉ được phép đến Anh vào năm 1656.[197]

Đặc biệt kể từ thập niên 1950, các tôn giáo từ những cựu thuộc địa của Anh phát triển với số lượng lớn do nhập cư. Hồi giáo là tôn giáo phổ biến nhất trong số đó, nay chiếm khoảng 5% dân số tại Anh.[198] Ấn Độ giáo, Sikh giáoPhật giáo đứng kế tiếp, tổng cộng chiếm 2,8%,[198] chúng được đưa đến từ Nam Á và Đông Nam Á.[198]

Một thiểu số nhỏ dân chúng thi hành các dị giáo cổ. Tân dị giáo tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland có đại diện chính là Wicca, thuật phù thủy, Druidry và Heathenry. Theo điều tra năm 2011, có khoảng 53.172 người được xác định theo dị giáo tại Anh, trong đó có 11.026 người là tín đồ Wicca..[199]

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Bộ Giáo dục là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về các vấn đề tác động đến cư dân tại Anh từ 19 tuổi trở xuống, trong đó có giáo dục.[200] Khoảng 98% học sinh theo học tại các trường học do nhà nước điều hành hoặc tài trợ (2003).[201] Trong đó, một thiểu số là các trường học tín ngưỡng (chủ yếu là các trường học Anh giáo hay Công giáo La Mã). Trẻ từ 3 đến 5 tuổi theo học tại nhà trẻ hoặc một đơn vị tiếp nhận EYFS của một trường tiểu học. Trẻ từ 5 đến 11 tuổi học tại trường tiểu học, và trẻ từ 11 đến 16 tuổi theo học tại trường trung học. Sau khi kết thúc giáo dục bắt buộc, học sinh tham gia kỳ thi GCSE. Sau đó học sinh có thể chọn tiếp tục học thêm hai năm giáo dục kế tục. Các cơ sở giáo dục kế tục này thường là bộ phận của một điểm trường trung học. Các kỳ thi A-level có lượng lớn học sinh giáo dục kế tục tham gia, và thường là cơ sở để xin học đại học.

Mặc dù hầu hết trường trung học tại Anh là trường phổ thông, song một số khu vực có các trường ngữ pháp được tuyển chọn đầu vào, học sinh muốn nhập học phải qua kỳ thi 11-plus. Khoảng 7,2% trẻ em Anh theo học tại các trường tư thục, tài chính của các trường này đến từ các nguồn tư nhân.[202] Tiêu chuẩn trong các trường công chịu sự giám sát của Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục, và trong các trường tư là của Ban Thanh tra Trường học Độc lập.[203]

Học sinh theo học đại học từ tuổi 18, tại đó họ học để lấy học vị. Anh có trên 90 đại học, trong đó chỉ có một trường tư thục và còn lại là trường công lập. Bộ Kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về giáo dục bậc đại học tại Anh.[204] Sinh viên thường được quyền vay tiền để trang trải chi phí về học phí và sinh hoạt. Bằng đầu tiên cấp cho sinh viên là bằng cử nhân, thường là mất ba năm để hoàn thành, sinh viên sau đó có thể tiếp tục lấy bằng sau đại học, và thường là một năm, còn nếu muốn lấy bằng tiến sĩ thì sẽ mất từ ba năm trở lên.

Anh có một số đại học đứng vào hàng đầu thế giới; Đại học Cambridge, Học viện Đế quốc Luân Đôn, Đại học Oxford, Học viện Đại học Luân ĐônĐại học King Luân Đôn đều nằm trong top 30 toàn cầu của Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS 2018.[205] Trường Kinh tế Luân Đôn được mô tả là thể chế khoa học xã hội hàng đầu thế giới về cả giảng dạy và nghiên cứu.[206] Trường Kinh doanh Luân Đôn được đánh giá là một trong các trường kinh doanh hàng đầu thế giới và trong năm 2010 chương trình MBA của họ được xếp hạng là tốt nhất thế giới theo Financial Times.[207] Các học vị tại Anh thường được chia thành các hạng: hạng nhất (1st), hạng nhì cao (2:1), hạng nhì thấp (2:2), hạng ba (3rd), và không phân loại.

Khoa học và kỹ thuật

[sửa | sửa mã nguồn]
Isaac Newton là một trong số các nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử khoa học

Các nhân vật người Anh nổi bật trong lĩnh vực khoa học và toán học gồm có Isaac Newton, Michael Faraday, Charles Darwin, Robert Hooke, James Prescott Joule, John Dalton, Joseph Priestley, Lord Rayleigh, J. J. Thomson, James Chadwick, Charles Babbage, George Boole, Alan Turing, Tim Berners-Lee, Paul Dirac, Stephen Hawking, Peter Higgs, Roger Penrose, John Horton Conway, Thomas Bayes, Arthur Cayley, G. H. Hardy, Oliver Heaviside, Andrew Wiles, Francis Crick, Joseph Lister, Christopher WrenRichard Dawkins. Một số chuyên gia cho rằng khái niệm sớm nhất về một hệ thống mét là do John Wilkins phát minh vào năm 1668, ông là tổng thư ký đầu tiên của Hội Hoàng gia.[208]

Anh là nơi bắt đầu cách mạng công nghiệp, có nhiều nhà phát minh quan trọng của thế giới vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Các kỹ sư Anh nổi tiếng phải kể đến Isambard Kingdom Brunel, ông được biết đến nhiều nhất với việc lập ra Đường sắt Great Western, một loạt tàu hơi nước nổi tiếng, và nhiều cầu quan trọng, do đó cách mạng hoá giao thông công cộng và kỹ thuật hiện đại.[209] Động cơ hơi nước của Thomas Newcomen sinh ra cách mạng công nghiệp.[210] Cha đẻ của đường sắt là George Stephenson xây dựng tuyến đường sắt liên đô thị công cộng đầu tiên trên thế giới, đó là Đường sắt Liverpool và Manchester khánh thành năm 1830. Với vai trò của mình trong tiếp thị và sản xuất động cơ hơi nước, phát minh đúc tiền hiện đại, Matthew Boulton được xem là một trong các doanh nhân có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.[211] Vắc xin đậu mùa của Edward Jenner được cho là "cứu được nhiều sinh mạng ... hơn số bị mất trong toàn bộ các cuộc chiến của nhân loại từ khi có lịch sử thành văn."[212][213][214]

Phát minh và khám phá của người Anh còn có động cơ phản lực, máy xe sợi công nghiệp đầu tiên, máy tính đầu tiên và máy tính hiện đại đầu tiên, World Wide Web cùng với HTML, truyền máu người thành công đầu tiên, máy hút bụi cơ giới hoá,[215] máy cắt cỏ, dây thắt an toàn, tàu đệm khí, động cơ điện, động cơ hơi nước, và các thuyết như thuyết Darwin về tiến hoá và thuyết nguyên tử . Newton phát triển các khái niệm về vạn vật hấp dẫn, cơ học Newton, và vi tích phân, và họ của Robert Hooke được đặt cho luật hồi phục. Các phát minh khác gồm có đường ray sắt, siphông nhiệt, đường nhựa, dây chun, bẫy chuột, mắt mèo để đánh dấu đường, đồng phát triển về bóng đèn, đầu máy xe lửa hơi nước, máy gieo hạt hiện đại và nhiều kỹ thuật chính xác hiện đại.[216]

Kiến trúc

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều công trình kỷ niệm cổ đại làm bằng phiến đá dài được dựng vào thời kỳ tiền sử, trong số đó nổi tiếng nhất là Stonehenge, Devil's Arrows, Rudston Monolith và Castlerigg.[217] Đến khi kiến trúc La Mã cổ đại du nhập, có bước phát triển về vương cung thánh đường, tổ hợp nhà tắm, khán đài hình tròn, khải hoàn môn, biệt thự, đền thờ La Mã, đường La Mã, công sự La Mã, hàng rào cột và cống dẫn nước.[218] Người La Mã thành lập các thành thị đầu tiên như Luân Đôn, Bath, York, Chester và St Albans. Minh hoạ có lẽ nổi tiếng nhất là tường Hadrianus kéo dài qua miền bắc của Anh.[218] Một di tích được bảo tồn tốt khác là các nhà tắm La Mã tại Bath, Somerset.[218]

Các toà nhà thế tục thuộc kiến trúc sơ kỳ Trung Cổ được xây dựng đơn giản, chủ yếu sử dụng gỗ cùng với mái tranh. Kiến trúc tôn giáo có thay đổi từ tổng hợp đan sĩ Ireland-German,[219][220] đến vương cung thánh đường sơ kỳ Cơ Đốc và kiến trúc mang đặc trưng là dải trụ bổ tường, dãy nhịp cuốn trống, trục hàng lan can, và cửa sổ có đỉnh tam giác. Sau khi người Norman chinh phục Anh vào năm 1066, nhiều thành được dựng lên để các lãnh chúa có thể giữ vững quyền lực của họ và tại phía bắc là để phòng vệ trước các cuộc xâm chiếm. Một số thành nổi tiếng từ thời Trung Cổ là Tháp Luân Đôn, Lâu đài Warwick, Lâu đài DurhamLâu đài Windsor.[221]

Lâu đài Bodiam có hào bao quanh được xây từ thế kỷ XIV, gần Robertsbridge thuộc East Sussex

Trong suốt thời kỳ Plantagenet, kiến trúc Gothic Anh trở nên hưng thịnh, các nhà thờ chính toà trung cổ như Nhà thờ chính tòa Canterbury, Tu viện WestminsterNhà thờ lớn York là các ví dụ điển hình.[221] Phát triển trên cơ sở Norman còn có các thành, cung điện, nhà lớn, đại học, và nhà thờ giáo xứ. Kiến trúc trung đại hoàn thiện với phong cách Tudor thế kỷ XVI; vòm Tudor có bốn tâm là một đặc điểm xác định giống như các ngôi nhà phên trát đất trong nước. Do phong trào Phục Hưng, một dạng kiến trúc lặp lại thời kỳ cổ điển, tổng hợp với Cơ Đốc giáo là phong cách Baroque Anh xuất hiện, kiến trúc sư Christopher Wren đặc biệt nổi tiếng với phong cách này.[222]

Kiến trúc George tiếp nối theo một phong cách tinh tế hơn, gợi lên một dạng Palladio đơn giản; Royal Crescent tại Bath là một trong các ví dụ tốt nhất về phong cách này. Chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện trong giai đoạn Victoria, kéo theo khởi đầu một cuộc Phục hưng Gothic, cũng vào khoảng thời gian này cách mạng công nghiệp mở đường cho các toà nhà như Cung điện Thủy tinh. Kể từ thập niên 1930, nhiều dạng kiến trúc hiện đại xuất hiện song việc tiếp nhận thường có tranh luận, dù các phong trào kháng cự theo truyền thống tiếp tục được ủng hộ tại những nơi có ảnh hưởng.[223]

Văn học dân gian

[sửa | sửa mã nguồn]
Robin Hood được minh hoạ vào năm 1912

Văn học dân gian Anh phát triển qua nhiều thế kỷ. Một số nhân vật và câu chuyện hiện diện trên khắp nước Anh, song hầu hết thuộc về các khu vực cụ thể. Các nhân vật văn học dân gian thường gồm có tiên, người khổng lồ, yêu tinh, ông ba bị, quỷ khổng lồ, người lùn. Nhiều truyền thuyết và phong tục dân gian được cho là từ thời cổ đại chẳng hạn các truyện ngắn có Offa thiên thần và Wayland thợ rèn,[224] song những thứ khác xuất hiện sau khi người Norman xâm chiếm; như Robin Hood cùng đám người vui vẻ của ông và các trận chiến của họ với Sheriff của Nottingham.[225]

Trong Trung kỳ Trung Cổ, các truyện ngắn bắt nguồn từ truyền thống Briton bước vào văn học dân gian Anh—truyền thuyết Arthur.[226][227][228] Chúng bắt nguồn từ các nguồn Anh-Norman, Wales và Pháp,[227] mô tả Vua Arthur, Camelot, Excalibur, MerlinKị sĩ Bàn Tròn như Lancelot. Các câu chuyện này được thu thập tập trung nhất trong Historia Regum Britanniae (lịch sử các quốc vương Anh) của Geoffrey xứ Monmouth. Nhân vật xuất hiện sớm khác trong truyền thuyết của Anh là Coel Hen, có thể dựa trên một nhân vật có thực trên đảo Anh thời hậu La Mã. Nhiều truyện ngắn và giả lịch sử tạo thành bộ phận của Matter of Britain, một tập hợp văn học dân gian Anh Quốc được chia sẻ.

Một số tác phẩm văn học dân gian dựa trên con người lịch sử thực tế hoặc nửa thực tế, câu chuyện về họ được truyền qua nhiều thế kỷ; Phu nhân Godiva được kể là khoả thân cưỡi ngựa qua Coventry, Hereward Tỉnh giấc là một nhân vật anh hùng người Anh kháng cự người Norman xâm chiếm, Herne Thợ săn là một hồn ma cưỡi ngựa có liên hệ với Rừng Windsor và Công viên Great Park và Mẹ Shipton là nguyên mẫu phù thủy.[229] Ngày 5 tháng 11 người dân đốt lửa, bắn pháo hoa và ăn táo bọc bơ để tưởng nhớ việc đẩy lui âm mưu thuốc súng mà trung tâm là Guy Fawkes. Những tên cướp nghĩa hiệp như Dick Turpin là một nhân vật thường xuyên, trong khi Blackbeard là một nguyên mẫu cướp biển. Tồn tại nhiều hoạt động dân gian quốc gia và khu vực đến ngày nay như vũ điệu Morris, vũ điệu Maypole, kiếm Rapper tại Đông Bắc, vũ điệu Long Sword tại Yorkshire, kịch câm dân gian, tranh cướp lọ tại Leicestershire, và tranh pho mát lăn dốc tại Cooper's Hill.[230] Không có trang phục dân tộc chính thức, song một vài dạng tồn tại từ lâu như Pearly Kings and Queens có liên hệ với tầng lớp lao động tại Luân Đôn, vệ binh của quốc vương, trang phục Morris và người canh tháp Luân Đôn.[231]

Ẩm thực

[sửa | sửa mã nguồn]

Kể từ thời kỳ cận đại, ẩm thực Anh có đặc điểm truyền thống là tính đơn giản về cách tiếp cận, và dựa trên sản phẩm tự nhiên chất lượng cao.[232] Trong thời kỳ Trung Cổ và qua thời kỳ Phục hưng, ẩm thực Anh giành được danh tiếng xuất sắc, song quá trình suy thoái bắt đầu trong cách mạng công nghiệp khi cư dân rời xa đồng ruộng và đô thị hoá gia tăng. Tuy nhiên, ẩm thực Anh gần đây trải qua một cuộc hồi sinh, được các nhà phê bình ẩm thực công nhận và có một số nhà hàng nằm vào hàng tốt nhất thế giới theo đánh giá của tạp chí Restaurant.[233] Một cuốn sách thời kỳ đầu về cách thức chế biến của Anh là Forme of Cury từ triều đình của Richard II.[234]

Bánh táo được dùng tại tại Anh từ thời Trung Cổ

Một món ăn truyền thống của Anh là Sunday roast (thịt quay chủ nhật), thường dùng thịt bò, thịt cừu, thịt gà hay thịt lợn ăn kèm rau các loại, pudding Yorkshire và nước sốt.[235] Các món nổi tiếng khác gồm có fish and chips (cá tẩm bột và khoai tây chiên), bữa sáng Anh đầy đủ (thường gồm thịt muối, xúc xích, cà chua nướng, bánh mì khô, pudding đen, đậu hầm, nấm và trứng).[236] Nhiều loại bánh nhân thịt được tiêu thụ như steak and kidney pie (bánh nhân thịt nướng và cật), steak and ale pie (bánh nhân thịt nướng và nước sốt), cottage pie (bánh nhân thịt bò/cừu băm), pork pie (bánh nhân thịt lợn)[235] và Cornish Pasty (bánh ngọt nướng Cornwall).

Xúc xích là món phổ biến, thường dùng trong món bangers and mash (xúc xích và khoai nghiền) hoặc toad in the hole (xúc xích trong khay pudding Yorkshire). Thịt hầm Lancashire là một món thịt hầm nổi tiếng tại tây bắc. Một số loại pho mát phổ biến là Cheddar, Red Leicester và Wensleydale cùng với Blue Stilton. Nhiều món ăn, cà ri lai tạo Anh-Ấn được tạo ra như gà tikka masala và balti. Các món tráng miệng truyền thống của Anh gồm có bánh táo cùng các loại bánh hoa quả khác; spotted dick (pudding nho khô) – đều thường được dùng với sữa trứng; và gần đây hơn là sticky toffee pudding (một loại bánh xốp mềm). Các loại bánh ngọt gồm có bánh nướng ngọt (có hoặc không có quả khô) dùng kèm với mứt và/hoặc kem, bánh mì nhân quả khô, bánh ngọt Eccles và bánh ngọt nhân quả khô và gia vị cùng nhiều loại bánh quy ngọt hoặc có gia vị. Trà là một loại đồ uống phổ biến, nó gia tăng phổ biến tại Anh nhờ Vương hậu Catarina,[237] còn các loại đồ uống có cồn được tiêu thụ thường xuyên là rượu vang, rượu táo, và các loại bia Anh như bia đắng, bia nhẹ, bia nâu nặng, bia nâu.[238]

Nghệ thuật thị giác

[sửa | sửa mã nguồn]
Bức hoạ The Lady of Shalott của John William Waterhouse theo phong cách tiền Raphael

Các bức hoạ trên đá và hang động thời tiền sử là ví dụ sớm nhất được biết đến về nghệ thuật thị giác tại Anh, nổi tiếng nhất là tại North Yorkshire, Northumberland và Cumbria, song cũng có ở xa hơn về phía nam như tại Creswell Crags.[239] Văn hoá La Mã truyền bá đến Anh vào thế kỷ I, nhiều hình thức nghệ thuật sử dụng tượng, tượng bán thân, thủy tinh, và đồ khảm trở thành quy tắc tiêu chuẩn. Tồn tại nhiều đồ tạo tác cho đến ngày nay, như tại Lullingstone và Aldborough.[240] Trong sơ kỳ Trung Cổ, phong cách ưa chuộng thánh giá và đồ ngà điêu khắc, tranh bản thảo, trang sức bằng vàng và tráng men, biểu thị yêu thích các thiết kế phức tạp, đan xen như trong kho chôn giấu Staffordshire phát hiện vào năm 2009. Một số trong đó pha trộn các phong cách Gael và Anh, như Cẩm nang Lindisfarne và Sách thánh ca Vespasian.[241] Nghệ thuật Gothic sau đó được phổ biến tại Winchester và Canterbury, các hiện vật còn lại như trong Sách cầu kinh St. Æthelwold và Sách thánh ca Luttrell.[242]

Thời kỳ Tudor có các nghệ sĩ nổi tiếng của triều đình, tranh chân dung duy trì là bộ phận vĩnh viễn của nghệ thuật Anh, chúng trở nên nổi tiếng nhờ công một người Đức là Hans Holbein, và các nghệ sĩ bản địa như Nicholas Hilliard.[242] Dưới thời dòng họ Stuart, các nghệ sĩ châu Âu lục địa có ảnh hưởng đến Anh, đặc biệt là người Flemish (nay là vùng Bỉ nói tiếng Hà Lan), các nghệ sĩ đại diện cho giai đoạn này gồm Anthony van Dyck, Peter Lely, Godfrey KnellerWilliam Dobson.[242] Thế kỷ XVIII là giai đoạn quan trọng khi Viện hàn lâm Hoàng gia Anh được thành lập, một chủ nghĩa kinh điển dựa trên Phục Hưng toàn thịnh thịnh hành—Thomas GainsboroughJoshua Reynolds trở thành hai nghệ sĩ quý báu nhất của Anh.[242]

Trường phái Norwich tiếp tục truyền thống cảnh quan, trong khi Anh em tiền Raphael có phong cách sâu sắc và chi tiết đã phục hồi phong cách sơ kỳ Phục hưng, họ gồm có các thủ lĩnh là Holman Hunt, Dante Gabriel RossettiJohn Everett Millais.[242] Nghệ sĩ nổi bật trong thế kỷ XX là Henry Moore, ông được đánh giá là tiếng nói của điêu khắc Anh Quốc, và của chủ nghĩa hiện đại Anh Quốc nói chung.[243] Các họa sĩ đương đại gồm có Lucian Freud với tác phẩm Benefits Supervisor Sleeping vào năm 2008 lập kỷ lục thế giới về mức giá một bức tranh của một họa sĩ còn sống.[244]

Văn học, thi ca và triết học

[sửa | sửa mã nguồn]
Geoffrey Chaucer là một tác gia, thi nhân và triết gia của Anh, ông được nhớ đến nhiều nhất với tập truyện kể chưa hoàn thành The Canterbury Tales.

Các tác gia thời kỳ đầu như BedeAlcuin viết bằng tiếng La Tinh.[245] Giai đoạn văn học tiếng Anh cổ có sử thi Beowulf và văn xuôi thế tục là Biên niên sử Anglo-Saxon,[246] cùng với các tác phẩm Cơ Đốc giáo như Judith, Hymn của Cædmon và các tiểu sử vị thánh.[245] Sau khi người Norman chinh phục Anh, tiếng La Tinh tiếp tục trong các tầng lớp có giáo dục, cũng như văn học Anh-Norman.

Văn học tiếng Anh trung đại xuất hiện cùng với Geoffrey Chaucer, tác giả của The Canterbury Tales, cùng với Gower, Pearl PoetLangland. William xứ OckhamRoger Bacon đều thuộc Dòng Francis, họ là các triết gia lớn vào thời Trung Cổ. Julian xứ Norwich viết sách Revelations of Divine Love, ông là một nhà thần bí Cơ Đốc giáo nổi bật. Trong văn học Phục hưng Anh, xuất hiện phong cách tiếng Anh cận đại. William Shakespeare có các tác phẩm Hamlet, Romeo và Juliet, Macbeth, và A Midsummer Night's Dream, ông là một trong các tác gia cừ khôi nhất của văn học Anh.[247]

Christopher Marlowe, Edmund Spenser, Philip Sydney, Thomas Kyd, John Donne, và Ben Jonson là các tác gia có thanh thế khác trong thời kỳ Elizabeth.[248] Francis BaconThomas Hobbes viết về chủ nghĩa kinh nghiệmchủ nghĩa duy vật, bao gồm cả phương pháp khoa họckhế ước xã hội.[248] Filmer viết về quyền thần thánh của quốc vương. Marvell là một nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh vượng chung,[249] còn John Milton là tác giả của Thiên đường đã mất vào thời kỳ khôi phục chế độ quân chủ.

Một số triết gia nổi bật nhất trong thời kỳ Khai sángJohn Locke, Thomas Paine, Samuel JohnsonJeremy Bentham. Các phần tử cấp tiến hơn sau đó bị Edmund Burke chống đối, ông được nhận định là người sáng lập chủ nghĩa bảo thủ.[250] Thi nhân Alexander Pope cùng thơ trào phúng của ông được đánh giá cao. Anh giữ vai trò quan trọng trong chủ nghĩa lãng mạn, Samuel Taylor Coleridge, Lord Byron, John Keats, Mary Shelley, Percy Bysshe Shelley, William BlakeWilliam Wordsworth là các nhân vật chủ yếu.[251]

Đứng trước cách mạng công nghiệp, các nhà văn thôn dã tìm đường đi giữa tự do và truyền thống; William Cobbett, G. K. ChestertonHilaire Belloc là những người diễn giải chính, trong khi người sáng lập chủ nghĩa xã hội phường hội là Arthur Penty và người tán thành phong trào hợp tác là G. D. H. Cole có liên hệ phần nào.[252] Chủ nghĩa tiếp tục thông qua John Stuart MillBertrand Russell, còn Bernard Williams tham gia vào phân tích. Các tác gia quanh thời kỳ Victoria gồm Charles Dickens, chị em nhà Brontë, Jane Austen, George Eliot, Rudyard Kipling, Thomas Hardy, H. G. WellsLewis Carroll.[253] Sau đó, Anh tiếp tục có các tiểu thuyết gia như George Orwell, D. H. Lawrence, Virginia Woolf, C. S. Lewis, Enid Blyton, Aldous Huxley, Agatha Christie, Terry Pratchett, J. R. R. TolkienJ. K. Rowling.[254]

Nghệ thuật trình diễn

[sửa | sửa mã nguồn]

Âm nhạc dân gian truyền thống của Anh có từ nhiều thế kỷ và đóng góp cho một số thể loại nổi tiếng, chủ yếu là hò kéo thuyền, nhảy điệu jig, nhảy điệu thủy thủ và nhạc dance. Nó có các biến thể riêng biệt và khác biệt khu vực. Các khúc ballad về Robin Hood do Wynkyn de Worde in ra từ thế kỷ XVI là một hiện vật quan trọng, cũng như các bộ sưu tập The Dancing Master của John Playford và Roxburghe Ballads của Robert Harley.[255] Một số bài hát nổi tiếng nhất là Greensleeves, Pastime with Good Company, Maggie MaySpanish Ladies. Nhiều bài hát cho trẻ em có nguồn gốc từ Anh như Twinkle Twinkle Little Star, Roses are red, Jack and Jill, London Bridge Is Falling Down, The Grand Old Duke of York, Hey Diddle DiddleHumpty Dumpty.[256] Các bài hát mừng Giáng Sinh truyền thống của Anh gồm có "We Wish You a Merry Christmas", "The First Noel" và "God Rest You Merry, Gentlemen".[257]

The Beatles là ban nhạc thành công nhất về thương mại và được đánh giá cao nhất trong âm nhạc đại chúng.[258][259][260]

Các nhà soạn nhạc thời kỳ đầu của Anh về âm nhạc cổ điển gồm có các nghệ sĩ Phục hưng Thomas TallisWilliam Byrd, tiếp theo là Henry Purcell thuộc giai đoạn Baroque. George Frideric Handel vốn là người Đức song đã nhập tịch Anh[261] và dành hầu hết cuộc đời sáng tác của mình tại Luân Đôn, ông sáng tác ra các tác phẩm nổi tiếng nhất của âm nhạc cổ điển: Messiah, Water MusicMusic for the Royal Fireworks. Một trong bốn bản thánh ca đăng cơ của ông là Zadok the Priest được sáng tác cho lễ đăng cơ của George II, sau đó được trình diễn tại mọi lễ đăng cơ của quân chủ Anh. Diễn ra một cuộc phục hưng về thành tựu của các nhà soạn nhạc Anh trong thế kỷ XX, dẫn đầu là Edward Elgar, Benjamin Britten, Frederick Delius, Gustav Holst, Ralph Vaughan Williams cùng những người khác.[262] Các nhà soạn nhạc hiện đại đến từ Anh gồm có Michael Nyman nổi tiếng với The Piano, và Andrew Lloyd Webber có nhạc thành công vang dội trong rạp West End và toàn cầu.[263]

Trong lĩnh vực âm nhạc đại chúng, nhiều ban nhạc và nghệ sĩ đơn của Anh được đánh giá là có ảnh hưởng nhất và bán chạy nhất mọi thời đại. The Beatles, Led Zeppelin, Pink Floyd, Elton John, Queen, Rod StewartThe Rolling Stones nằm trong số các nghệ sĩ bán được nhiều đĩa ghi âm nhất trên thế giới.[264] Nhiều thể loại có nguồn gốc tại Anh, như British invasion, progressive rock, hard rock, Mod, glam rock, heavy metal, Britpop, indie rock, gothic rock, shoegazing, acid house, garage, trip hop, drum and bassdubstep.[265]

Các lễ hội âm nhạc ngoài trời quy mô lớn trong mùa hè và mùa thu được tổ chức nhiều, chẳng hạn như Glastonbury, V Festival, và Reading and Leeds Festivals. Nhà hát opera nổi tiếng nhất tại Anh là Nhà hát opera Hoàng gia tại Covent Garden.[266] The Proms là một mùa các buổi hoà nhạc cổ điển dàn nhạc giao hưởng, được tổ chức tại Royal Albert Hall thuộc Luân Đôn, đây là một sự kiện văn hoá chính mỗi năm tại Anh.[266] The Royal Ballet là một trong các công ty ba-lê nổi tiếng nhất thế giới, danh tiếng của họ dựa trên hai nhân vật nổi bật của vũ đạo thế kỷ XX là diễn viên Margot Fonteyn và biên đạo Frederick Ashton.

Điện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Ridley Scott nằm trong một nhóm nhà làm phim Anh, gồm cả Tony Scott, Alan Parker, Hugh HudsonAdrian Lyne, họ nổi lên từ khi thương mại hoá truyền hình Anh thập niên 1970.[267]

Anh có ảnh hưởng đáng kể đến lịch sử điện ảnh, sản sinh một số diễn viên, đạo diễn và phim ảnh vĩ đại nhất, trong đó có Alfred Hitchcock, Charlie Chaplin, David Lean, Laurence Olivier, Vivien Leigh, John Gielgud, Peter Sellers, Julie Andrews, Michael Caine, Gary Oldman, Alan Rickman, Helen Mirren, Kate WinsletDaniel Day-Lewis. Hitchcock và Lean nằm trong số các nhà làm phim được đánh giá cao nhất.[268] Phim đầu tay của Hitchcock là The Lodger: A Story of the London Fog (1926) giúp định hình thể loại phim ly kỳ, còn phim Blackmail vào năm 1929 của ông thường được cho là phim có âm thanh đầu tiên của Anh Quốc.[269]

Các xưởng phim lớn tại Anh gồm có Pinewood, Elstree và Shepperton. Một số phim thành công nhất về thương mại mọi thời đại được sản xuất tại Anh, trong đó có hai nhãn phim vào hàng doanh thu cao nhất (Harry PotterJames Bond).[270] Xưởng phim Ealing tại Luân Đôn được cho là xưởng phim hoạt động liên tục lâu năm nhất thế giới.[271] Nổi tiếng vì ghi âm nhiều nhạc nền phim điện ảnh, Dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn lần đầu trình diễn nhạc phim vào năm 1935.[272]

Bảng xếp hạng 100 phim Anh Quốc của BFI có Monty Python's Life of Brian (1979), phim này thường được công chúng Anh Quốc bình chọn là hài hước nhất mọi thời đại.[273] Các nhà sản xuất Anh cũng tích cực trong hợp tác sản xuất quốc tế, và các diễn viên, đạo diễn và đoàn làm phim Anh xuất hiện thường xuyên trong các phim Mỹ. Hội đồng phim Anh Quốc xếp hạng David Yates, Christopher Nolan, Mike Newell, Ridley ScottPaul Greengrass là 5 đạo diễn Anh thành công nhất về thương mại kể từ năm 2001.[274] Các đạo diễn Anh đương đại gồm có Sam Mendes, Guy RitchieSteve McQueen. Các diễn viên đương đại có Tom Hardy, Daniel Craig, Benedict CumberbatchEmma Watson. Đạo diễn Andy Serkis cho mở xưởng phim The Imaginarium tại Luân Đôn vào năm 2011.[275] Công ty hiệu ứng thị giác Framestore tại Luân Đôn sản xuất một số hiệu ứng đặc biệt được đánh giá cao nhất trong các phim hiện đại.[276] Nhiều phim Hollywood thành công dựa trên cốt truyện về người Anh, văn học hoặc sự kiện của Anh. 'English Cycle' của phim hoạt hình Disney gồm có Alice trong xứ thần tiên, Sách Rừng xanhWinnie-the-Pooh.[277]

Bảo tàng, thư viện và phòng trưng bày ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại Luân Đôn

Quỹ Di sản Anh là thể chế chính phủ có thẩm quyền rộng trong quản lý các di tích lịch sử, đồ tạo tác và môi trường tại Anh. Quỹ này hiện do Bộ Văn hoá, Truyền thông và Thể thao bảo trợ. Quỹ Quốc gia về các địa điểm quan trọng lịch sử hoặc vẻ đẹp tự nhiên giữ một vai trò tương phản. Anh có 17 trong số 25 di sản thế giới UNESCO của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.[278] Một số di sản nổi tiếng là: Tường Hadrianus , Stonehenge, Avebury và các di chỉ liên quan, Tháp Luân Đôn, Bờ biển kỷ Jura, Saltaire, Hẻm núi Ironbridge, Công viên Hoàng gia Studley.[279]

Anh có nhiều bảo tàng, song có lẽ nổi tiếng nhất là Bảo tàng Anh tại Luân Đôn. Bộ sưu tập của bảo tàng có trên bảy triệu hiện vật[280] và là một trong các bộ sưu tập lớn nhất và toàn diện nhất trên thế giới,[281] có nguồn gốc từ mọi lục địa, minh hoạ và dẫn chứng câu chuyện văn hoá nhân loại từ khi bắt đầu cho đến hiện tại. Thư viện Anh tại Luân Đôn là thư viện quốc gia và là một trong các thư viện nghiên cứu lớn nhất thế giới, lưu giữ trên 150 triệu mục trong toàn bộ các ngôn ngữ và khổ giấy, gồm có 25 triệu sách.[282] Nhà trưng bày nghệ thuật cao cấp nhất là Nhà trưng bày Quốc gia tại Quảng trường Trafalgar, có một bộ sưu tập với trên 2.300 bức hoạ có niên đại từ giữa thế kỷ XIII đến 1900.[283] Các nhà trưng bày Tate lưu giữ các bộ sưu tập quốc gia về nghệ thuật đương đại Anh và quốc tế; họ cũng tổ chức Giải Turner nổi tiếng song thường gây tranh luận.[284]

Thể thao

[sửa | sửa mã nguồn]
Sân vận động Wembley là sân nhà của đội tuyển bóng đá quốc gia Anh. Sân có sức chứa 90.000 khán giả và là sân vận động lớn nhất tại Anh Quốc

Anh có di sản thể thao mạnh mẽ, trong thế kỷ XIX Anh đã điều lệ hoá nhiều môn thể thao hiện được chơi khắp thế giới. Các môn thể thao có nguồn gốc tại Anh gồm có bóng đá,[285] cricket, rugby union, rugby league, quần vợt, quyền Anh, cầu lông, bóng quần,[286] rounders,[287] khúc côn cầu, snooker, bi-a, phi tiêu, bóng bàn, bóng gỗ, bóng lưới, đua ngựa thuần chủng, đua chó và săn cáo. Anh còn giúp phát triển golf, đua thuyền buồm và công thức 1.

Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất, đội tuyển bóng đá quốc gia Anh có sân nhà là sân vận động Wembley. Anh thi đấu với Scotland trong trận đấu bóng đá quốc tế đầu tiên vào năm 1872.[288] Anh được FIFA cho là "quê hương của bóng đá", và từng tổ chức đồng thời giành chức vô địch tại Giải bóng đá vô địch thế giới 1966, giành thắng lợi trước Tây Đức với tỷ số 4–2 trong trận chung kết, với ba bàn thắng của Geoff Hurst.[289] Trận chung kết này thu hút tới 32,3 triệu khán giả truyền hình Anh, là sự kiện truyền hình được xem nhiều nhất tại Anh Quốc cho đến nay.[290] Anh cũng được FIFA công nhận là nơi khai sinh của bóng đá cấp câu lạc bộ, do Sheffield F.C. thành lập vào năm 1857 là câu lạc bộ cổ nhất trên thế giới.[285] Hiệp hội bóng đá Anh là thể chế quản lý thể thao lâu năm nhất, có các điều lệ bóng đá được soạn thảo lần đầu vào năm 1863.[291] Cúp FAgiải bóng đá Anh là các giải thi đấu đầu tiên. Hiện nay, Ngoại hạng Anh là giải đấu bóng đá có nhiều người theo dõi nhất thế giới,[292] sinh lợi nhiều nhất,[293] và nằm vào hàng tinh hoa.[294] Liverpool, Manchester United, Nottingham Forest, Chelsea, Aston Villa, Manchester City đã giành cúp châu Âu, trong khi Arsenal, Leeds United, Tottenham Hotspur đã từng lọt tới trận chung kết.[295]

Cricket nói chung được cho là phát triển từ sơ kỳ Trung cổ trong các cộng đồng nông nghiệp và thợ luyện kim tại Weald.[296] Đội tuyển cricket Anh là đội tuyển hợp nhất của Anh và Wales. Một trong những cặp đấu nổi tiếng nhất của môn này là loạt The Ashes giữa Anh và Úc, được tổ chức từ năm 1882. Trận chung kết 2009 Ashes được gần 2 triệu người theo dõi, song cực điểm 2005 Ashes được 7,4 triệu người theo dõi do nó được phát trên truyền hình mặt đất.[297] Anh từng bốn lần tổ chức giải vô địch cricket thế giới (1975, 1979, 1983, 1999), và sẽ tổ chức mùa giải năm 2019, song chưa từng vô địch. Anh từng tổ chức ICC World Twenty20 năm 2009, và vô địch mùa giải năm 2010 khi đánh bại Úc trong trận chung kết. Có nhiều giải thi đấu trong nước, gồm cả giải vô địch các hạt, trong đó Yorkshire là câu lạc bộ thành công nhất với 31 lần giành chiến thắng.[298] Sân cricket Lord's tại Luân Đôn thỉnh thoảng được gọi là "Mecca của môn Cricket".[299]

William Penny Brookes là nhân vật nổi tiếng vì thiết lập phiên bản hiện đại của Thế vận hội. Luân Đôn từng tổ chức Olympic mùa hè năm 19081948, và 2012. Anh cũng tham gia thi đấu tại Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung, được tổ chức bốn năm một lần. Hội đồng Thể thao Anh là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm phân bổ quỹ và chỉ đạo chiến lược cho hoạt động thể thao tại Anh. Một giải Grand Prix được tổ chức tại Silverstone.[300]

Rugby union bắt nguồn tại Trường Rugby, Warwickshire vào đầu thế kỷ XIX.[301] Đội tuyển rugby union quốc gia Anh giành chiến thắng tại giải vô địch thế giới năm 2003. Anh là đồng chủ nhà của mùa giải vô địch rugby union thế giới năm 1991, và tổ chức mùa giải năm 2015.[302] Cấp cao nhất của câu lạc bộ là English Premiership. Leicester Tigers, London Wasps, Bath Rugby và Northampton Saints từng giành thắng lợi trong Heineken Cup châu Âu. Rugby league ra đời tại Huddersfield năm 1898. Kể từ năm 2008, đội tuyển rugby league quốc gia Anh có tư cách cấp quốc gia đầy đủ thay vì đội tuyển rugby league Anh Quốc, vốn là đội tuyển từng ba lần vô địch thế giới vào năm 1954, 1960 và 1972 song hiện giải thể. Các câu lạc bộ chơi tại Super League, hậu thân của giải vô địch bóng Rugby từ năm 1895. Toàn bộ 11 câu lạc bộ của Anh trong Super League đều nằm tại miền bắc, một số câu lạc bộ thành công nhất gồm Wigan Warriors, St Helens, Leeds Rhinos và Huddersfield Giants; ba câu lạc bộ đầu đều từng giành World Club Challenge. Trong môn quần vợt, Giải Vô địch Wimbledon là giải đấu lâu đời nhất thế giới và được công nhận rộng rãi là giải đấu danh tiếng nhất.[303][304]

Các biểu tượng quốc gia

[sửa | sửa mã nguồn]
Huy hiệu hoàng gia xứ Anh

Quốc kỳ Anh là Thập tự Thánh George kể từ thế kỷ XIII. Ban đầu cờ được dùng bởi một quốc gia hàng hải là Cộng hòa Genova. Vương triều Anh đã trả một khoản cống nạp cho Tổng trấn Genova từ năm 1190 trở về sau, nhờ thế các con tàu Anh có thể treo lá cờ này để làm một phương tiện bảo vệ khi đi vào Địa Trung Hải. Một chữ thập đỏ là một biểu tượng cho nhiều cuộc Thập Tự Chinh trong thế kỷ XII và XIII. Nó gắn liền với Thánh George, cùng với các quốc gia và thành phố tuyên bố ông là vị thánh bảo hộ và sử dụng chữ thập của ông trong hiệu kỳ.[305] Từ năm 1606 lá cờ Chữ thập Thánh George đã là một phần trong thiết kế của Quốc kỳ Liên hiệp, một lá cờ cho toàn Vương quốc Anh được thiết kế bởi Vua James I.[196]

Có nhiều biểu tượng và đồ tạo tác mang tính biểu tượng khác, cả chính thức và không chính thức, gồm hoa hồng Tudor là biểu tượng thực vật quốc gia, và Tam sư được thể hiện trên quốc huy. Hoa hồng Tudor đã được chấp nhận làm một biểu tượng quốc gia của Anh vào khoảng thời gian Các cuộc chiến tranh Hoa hồng để tượng trưng cho hoà bình.[306] Nó là một biểu tượng dung hợp ở điểm nó kết hợp cả hoa hồng trắng của Nhà York và hoa hồng đỏ của Nhà Lancaster — đều là các nhánh thứ của Nhà Plantagenet khi họ tham gia vào cuộc chiến tranh tranh giành vương triều. Nó cũng được gọi là Hoa hồng Anh.[307] Cây sồi là một biểu tượng của Anh, thể hiện sức mạnh và sự trường tồn. Thuật ngữ Cây Sồi Hoàng gia được dùng để biểu thị sự trốn thoát của Vua Charles II khỏi những người theo phe nghị viện sau khi cha ông bị hành quyết; ông đã trốn trong một cây sồi để tránh bị phát hiện trước khi trốn thoát ra nước ngoài.

Quốc huy Anh, với hình ba chú sư tử có niên đại từ khi được Richard Sư tử tâm chấp nhận năm 1198–1340. Chúng được tuyên dương là gules, three lions passant guardant or và là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Anh; nó tương tự như những huy hiệu truyền thống của Normandy. Anh không có quốc ca được quy định chính thức, bởi Vương quốc Liên hiệp Anh về tổng thể có Chúa phù hộ Nữ hoàng. Tuy nhiên, những bài sau thường được coi là những quốc ca không chính thức của Anh: Jerusalem, Land of Hope and Glory (được dùng cho Anh trong Đại hội Thể thao Thịnh vượng chung 2002),[308]I Vow to Thee, My Country. Ngày quốc khánh của Anh là Ngày Thánh George, bởi Thánh George là vị thánh bảo hộ của Anh, và được tổ chức hàng năm vào ngày 23 tháng 4.[309]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “2011 Census: KS201EW Ethnic group: local authorities in England and Wales”. Office for National Statistics. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2014.
  2. ^ “Population estimates for the UK, England and Wales, Scotland and Northern Ireland – Office for National Statistics”. www.ons.gov.uk.
  3. ^ “2011 Census: Population and Household Estimates for England and Wales, March 2011”. www.ons.gov.uk.
  4. ^ Region and Country Profiles, Key Statistics and Profiles, October 2013, ONS. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2015.
  5. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên ONS-pop-ests-June2018
  6. ^ Office for National Statistics. “Regional gross value added (income approach), UK: 1997 to 2018, December 2015”. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2017.
  7. ^ Office for National Statistics. “The Countries of the UK”. statistics.gov.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  8. ^ “Countries within a country”. number-10.gov.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  9. ^ “Changes in the list of subdivision names and code elements (Page 11)” (PDF). International Organization for Standardization. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  10. ^ “England – Culture”. britainusa.com. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  11. ^ William E. Burns, A Brief History of Great Britain, p. xxi
  12. ^ Acts of Union 1707 parliament.uk. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2011
  13. ^ “Country profile: United Kingdom”. BBC News. news.bbc.co.uk. ngày 26 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  14. ^ “Industrial Revolution”. Ace.mmu.ac.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  15. ^ a b 2011 Census – Population and household estimates for England and Wales, March 2011. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2013.
  16. ^ Jules Romains, "Anh-cát-lợi bí ẩn", Trung-pha dịch. Tràng-an báo số 647, ngày 10 tháng 1 năm 1941. Trang 1.
  17. ^ Đào Duy Anh. Hán-Việt từ-điển giản-yếu. Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin. Năm 2005. Trang 8.
  18. ^ Ripley 1869, tr. 570.
  19. ^ “England”. Oxford English Dictionary. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  20. ^ "Industrial Revolution". Ace.mmu.ac.uk. Archived from the original Lưu trữ 2008-04-27 tại Wayback Machine on ngày 27 tháng 4 năm 2008. Truy cập 1 February 2009.
  21. ^ “Germania”. Tacitus. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  22. ^ “Angle”. Oxford English Dictionary. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  23. ^ Crystal 2004, tr. 26–27.
  24. ^ a b Massey 2007, tr. 440.
  25. ^ Room 2006, tr. 23.
  26. ^ Major 2004, tr. 84.
  27. ^ Foster 1988, tr. 9.
  28. ^ “500,000 BC – Boxgrove”. Current Archaeology. Current Publishing. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2010.
  29. ^ “Palaeolithic Archaeology Teaching Resource Box” (PDF). Palaeolithic Rivers of South-West Britain Project(2006). Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2010.
  30. ^ “Chalk east”. A Geo East Project. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2010.
  31. ^ Oppenheimer 2006, tr. 173.
  32. ^ “Tertiary Rivers: Tectonic and structural background”. University of Cambridge. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2009.
  33. ^ “Function and significance of Bell Beaker pottery according to data from residue analyses”. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010.
  34. ^ Reid, Struan (1994). Inventions and Trade. P.8. ISBN 978-0-921921-30-1. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2010.
  35. ^ Burke, Jason (ngày 2 tháng 12 năm 2000). “Dig uncovers Boudicca's brutal streak”. The Observer. London. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 10 năm 2003. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  36. ^ “Cornelius Tacitus, The Annals”. Alfred John Church, William Jackson Brudribh, Ed. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2010.
  37. ^ Bedoyere, Guy. “Architecture in Roman Britain”. Heritage Key. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2010.
  38. ^ Philip, Robert (1860). The History of Progress in Great Britain, Volume 2. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2010.
  39. ^ Bob Rees; Paul Shute; Nigel Kelly (ngày 9 tháng 1 năm 2003). Medicine through time. Heinemann. ISBN 978-0-435-30841-4. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2010.
  40. ^ Rankov 1994, tr. 16.
  41. ^ Wright 2008, tr. 143.
  42. ^ a b James, Edward. “Overview: Anglo-Saxons, 410 to 800”. BBC. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2010.
  43. ^ “The Christian Tradition”. PicturesofEngland.com. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  44. ^ Kirby 2000, tr. 4
  45. ^ Lyon 1960, tr. 23.
  46. ^ “Overview: The Normans, 1066–1154”. BBC. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2010.
  47. ^ Crouch 2006, tr. 2–4
  48. ^ “Norman invasion word impact study”. BBC News. ngày 20 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2010.
  49. ^ a b Bartlett 1999, tr. 124.
  50. ^ “Edward I (r. 1272–1307)”. Royal.gov.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2009.
  51. ^ Fowler 1967, tr. 208.
  52. ^ Ziegler 2003, tr. 230.
  53. ^ Goldberg 1996, tr. 4.
  54. ^ Crofton 2007, tr. 111.
  55. ^ “Richard III (r. 1483–1485)”. Royal.gov.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2009.
  56. ^ Hay, Denys (1988). Renaissance essays. tr. 65. ISBN 978-0-907628-96-5. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2010.
  57. ^ “Royal Navy History, Tudor Period and the Birth of a Regular Navy”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2010.
  58. ^ Smith, Goldwin. England Under the Tudors. tr. 176. ISBN 978-1-60620-939-4. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2010.
  59. ^ Scruton 1982, tr. 470.
  60. ^ Ordahl, Karen (ngày 25 tháng 2 năm 2007). Roanak:the abandoned colony. Rowman & Littlefield publishers Inc. ISBN 978-0-7425-5263-0. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2010.
  61. ^ a b Colley 1992, tr. 12.
  62. ^ “Making the Act of Union”. Parliament.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  63. ^ “Oliver Cromwell (English statesman)”. Encyclopædia Britannica. britannica.com. 2009. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2009.
  64. ^ Philip J. Adler; Randall L. Pouwels (ngày 27 tháng 11 năm 2007). World Civilization. tr. 340. ISBN 978-0-495-50262-3. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2010.
  65. ^ “London's Burning: The Great Fire”. BBC News. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2009.
  66. ^ a b “The first Parliament of Great Britain”. Parliament.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  67. ^ Gallagher 2006, tr. 14.
  68. ^ Hudson, Pat. “The Workshop of the World”. BBC. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2010.
  69. ^ a b Office for National Statistics 2000, tr. 5
  70. ^ McNeil & Nevell 2000, tr. 4.
  71. ^ “Manchester – the first industrial city”. Entry on Sciencemuseum website. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2012.
  72. ^ McNeil & Nevell 2000, tr. 9.
  73. ^ Birmingham City Council. “Heritage”. visitbirmingham.com. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2009.
  74. ^ Colley 1992, tr. 1.
  75. ^ Haggard, Robert F. (2001). The persistence of Victorian liberalism:The Politics of Social Reform in Britain, 1870–1900. tr. 13. ISBN 978-0-313-31305-9. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2010.
  76. ^ Crawford, Elizabeth. “Women: From Abolition to the Vote”. BBC. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2010.
  77. ^ Cox 1970, tr. 180
  78. ^ Golley, John (ngày 10 tháng 8 năm 1996). “Obituaries: Air Commodore Sir Frank Whittle”. The Independent. London. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2010.
  79. ^ Clark 1973, tr. 1.
  80. ^ Wilson & Game 2002, tr. 55.
  81. ^ Gallagher 2006, tr. 10–11.
  82. ^ a b Reitan 2003, tr. 50.
  83. ^ Keating, Michael (ngày 1 tháng 1 năm 1998). “Reforging the Union: Devolution and Constitutional Change in the United Kingdom”. Publius: the Journal of Federalism. 28 (1): 217. doi:10.1093/oxfordjournals.pubjof.a029948. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2009.
  84. ^ “The coming of the Tudors and the Act of Union”. BBC Wales. BBC News. 2009. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2009.
  85. ^ Kenny, English & Hayton 2008, tr. 3.
  86. ^ Ward 2004, tr. 180.
  87. ^ a b c Sherman, Jill; Andrew Norfolk (ngày 5 tháng 11 năm 2004). “Prescott's dream in tatters as North East rejects assembly”. The Times. London. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  88. ^ “The British Parliamentary System”. BBC News. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2010.
  89. ^ Cabinet Office (ngày 26 tháng 3 năm 2009). “Devolution in the United Kingdom”. cabinetoffice.gov.uk. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2009.
  90. ^ “Lists of MPs”. Parliament.uk. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2009.
  91. ^ “General Election 2017: full results and analysis”. UK Parliament. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2017.
  92. ^ “West Lothian question”. BBC News. ngày 31 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  93. ^ “Are Scottish people better off?”. MSN Money. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  94. ^ “English nationalism 'threat to UK'. BBC News. ngày 9 tháng 1 năm 2000. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  95. ^ “Common Law”. The People's Law Dictionary. ALM Media Properties. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  96. ^ “The Common Law in the British Empire”. H-net.msu.edu. ngày 19 tháng 10 năm 2000. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2011.
  97. ^ Fafinski 2007, tr. 60.
  98. ^ Fafinski 2007, tr. 127.
  99. ^ “Constitutional reform: A Supreme Court for the United Kingdom” (PDF). DCA.gov.uk. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  100. ^ Cooper, Hilary (ngày 29 tháng 3 năm 2011). “Tiers shed as regional government offices disappear”. The Guardian. London. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2011.
  101. ^ Department for Communities and Local Government. “Prosperous Places” (PDF). communities.gov.uk. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  102. ^ a b Encyclopædia Britannica 2002, tr. 100
  103. ^ Redcliffe-Maud & Wood 1974.
  104. ^ a b Singh 2009, tr. 53.
  105. ^ Axford 2002, tr. 315.
  106. ^ “English Channel”. Encyclopædia Britannica. britannica.com. 2009. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2009.
  107. ^ “History”. EuroTunnel.com. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  108. ^ “The River Severn”. BBC. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2010.
  109. ^ “Severn Bore and Trent Aegir”. Environment Agency. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2010.
  110. ^ “River Thames and London (England)”. London Evening Standard. London. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2009.
  111. ^ a b “North West England & Isle of Man: climate”. Met Office. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2010.
  112. ^ “Pennines”. Smmit Post. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2009.
  113. ^ “National Parks – About us”. nationalparks.gov.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2010.
  114. ^ a b c d “What is the Climate like in Britain?”. Woodlands Kent. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  115. ^ “Temperature record changes hands”. BBC News. ngày 30 tháng 9 năm 2003. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  116. ^ “English Climate”. MetOffice.com. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2008.
  117. ^ a b c d “2011 Census – Built-up areas”. ONS. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2014.
  118. ^ a b O'Brian, Harriet (ngày 24 tháng 11 năm 2007). “The Complete Guide To: Cathedral cities in the UK”. The Independent. London. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2009.
  119. ^ “London vs. New York, 2005–06”. Cinco Dias. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  120. ^ “Global Financial Centres Index, 2009–03” (PDF). City of London Corporation. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  121. ^ a b Office for National Statistics. “Regional Accounts”. statistics.gov.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2009.
  122. ^ “The Welfare State – Never Ending Reform”. BBC News. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2009.
  123. ^ Brignall, Miles (ngày 19 tháng 3 năm 2014). “Personal allowance: Osborne's budget has been far from generous”. The Guardian. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2014.
  124. ^ “CIA – The World Factbook”. Cia.gov. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 1 năm 2019. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2013.
  125. ^ “Financial Centre”. London.gov.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  126. ^ “The Global Financial Centres Index 19”. Long Finance. tháng 3 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2017.
  127. ^ “The Bank's relationship with Parliament”. BankofEngland.co.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  128. ^ “Monetary Policy Committee”. BankofEngland.co.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  129. ^ “England Exports”. EconomyWatch.com. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  130. ^ Tovey, Alan. “New aerospace technologies to get £365 million funding”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2017.
  131. ^ “Born to fly: the real value of UK aerospace manufacture”.
  132. ^ “World Guide – England – Economy Overview”. World Guide. Intute. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2009.
  133. ^ “Economy of the United Kingdom” (PDF). PTeducation. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2009.
  134. ^ a b O'Hanlon 2008, tr. 205
  135. ^ a b c UK Parliament 2007, tr. 175
  136. ^ a b White 2002, tr. 63.
  137. ^ “ngày 27 tháng 9 năm 1825 – Opening of the Stockton and Darlington Railway”. The Stockton and Darlington Railway. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  138. ^ “Delta Expects New Slots To Foster Growth At Heathrow Airport”. The Wall Street Journal. ngày 23 tháng 2 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2011.
  139. ^ a b c Else 2007, tr. 781.
  140. ^ “BBC History on William Beveridge”. BBC News. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  141. ^ “NHS Expenditure in England” (PDF). House of Commons Library. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  142. ^ “NHS costs and exemptions”. Department of Health. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.[liên kết hỏng]
  143. ^ “Budget 2008, Chapter C” (PDF). HM Treasury. ngày 3 tháng 3 năm 2008. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  144. ^ “Private sector role in NHS”. BBC News. ngày 30 tháng 6 năm 2006. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  145. ^ Office for National Statistics. “Life expectancy”. statistics.gov.uk. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2009.
  146. ^ Office for National Statistics. “Population estimates for UK, England and Wales, Scotland and Northern Ireland – current datasets”. statistics.gov.uk. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  147. ^ United Nations Department of Economic and Social Affairs. “World Population Prospects: Analytical Report for the 2004”. United Nations. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  148. ^ Mason, Chris (ngày 16 tháng 9 năm 2008). “Density of England rises”. BBC News. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  149. ^ Khan, Urmee (ngày 16 tháng 9 năm 2008). “England is most crowded country in Europe”. The Daily Telegraph. London. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  150. ^ Oppenheimer 2006, tr. 378.
  151. ^ “British and Irish, descendant of the Basques?”. Eitb24.com. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  152. ^ Oppenheimer, Stephen (ngày 10 tháng 10 năm 2006). “What does being British mean? Ask the Spanish”. The Daily Telegraph. London. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  153. ^ Wade, Nicholas (ngày 6 tháng 3 năm 2007). “A United Kingdom? Maybe”. The New York Times. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2009.
  154. ^ Thomas, M.G.; Stumpf, M.P.; Härke, H. (2006). “Evidence for an apartheid-like social structure in early Anglo-Saxon England”. Proceedings. Biological sciences / the Royal Society. 273 (1601): 2651–7. doi:10.1098/rspb.2006.3627. PMC 1635457. PMID 17002951.
  155. ^ “Roman Britons after 410”. Britarch.ac.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  156. ^ Cameron, Keith (tháng 3 năm 1994). Anglo-Saxon Origins: The Reality of the Myth. Malcolm Todd. ISBN 978-1-871516-85-2. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  157. ^ “Legacy of the Vikings”. BBC News. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  158. ^ Burke, Jason (ngày 9 tháng 10 năm 2005). “An Englishman's home is his casa as thousands go south”. The Guardian. London. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  159. ^ Travis, Alan; Sarah Knapton (ngày 16 tháng 11 năm 2007). “Record numbers leave the country for life abroad”. The Guardian. London. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2009.
  160. ^ University of Wisconsin. “Medieval English society”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2014.
  161. ^ “Chapter 1 - The UK population: past, present and future” (PDF). Focus on People and Migration (PDF) (Bản báo cáo). Office for National Statistics. ngày 7 tháng 12 năm 2005. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2017.
  162. ^ a b c d e Office for National Statistics (2011). “Ethnicity and National Identity in England and Wales 2011”. Statistics.gov.uk. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  163. ^ “One in four Britons claim Irish roots”. BBC News. ngày 16 tháng 3 năm 2001. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2010.
  164. ^ a b c d “British Immigration Map Revealed”. BBC News. ngày 7 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  165. ^ a b Paton, Graeme (ngày 1 tháng 10 năm 2007). “One fifth of children from ethnic minorities”. The Daily Telegraph. London. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2014.
  166. ^ Shepherd, Jessica (ngày 22 tháng 6 năm 2011). “Almost a quarter of state school pupils are from an ethnic minority”. The Guardian. London. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2014.
  167. ^ Leppard, David (ngày 10 tháng 4 năm 2005). “Immigration rise increases segregation in British cities”. The Times. London. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2009.
  168. ^ “Immigration debate hots up in England”. The Independent News Service. ngày 26 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2014.
  169. ^ Milland, Gabriel (ngày 23 tháng 7 năm 2009). “80% say cap immigration”. Daily Express. London. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  170. ^ National Population Projections: 2014-based Statistical Bulletin (Bản báo cáo). Office for National Statistics. ngày 29 tháng 10 năm 2015.
  171. ^ “Cornish people formally declared a national minority along with Scots, Welsh and Irish”. The Independent. ngày 23 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2014.
  172. ^ QS204EW – Main language, ONS 2011 Census. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2015.
  173. ^ QS205EW – Proficiency in English, ONS 2011 census. Out of the 51,005,610 residents of England over the age of three, 50,161,765 (98%) can speak English "well" or "very well". Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2015.
  174. ^ Arlotto 1971, tr. 108.
  175. ^ Green 2003, tr. 13.
  176. ^ Mujica, Mauro E. (ngày 19 tháng 6 năm 2003). “English: Not America's Language?”. The Globalist. Washington DC. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  177. ^ “English language history”. Yaelf. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  178. ^ Government Offices for the English Regions. “Cornish language”. gos.gov.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2009.
  179. ^ “The Cornish Language Development Project – Evaluation – Final Report, page 20”. Hywel Evans, Aric Lacoste / ERS. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  180. ^ “South West – Cornish Language”. Government Office South West. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2009.
  181. ^ “On being a Cornish "Celt": changing Celtic heritage and traditions” (PDF). University of Exeter. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  182. ^ Dugan, Emily (ngày 6 tháng 9 năm 2009). “The Cornish: They revolted in 1497, now they're at it again”. The Independent. London. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2009.
  183. ^ “Cornish in Schools”. Cornish Language Partnership. 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  184. ^ 'Woolhope Naturalists' Field Club', Transactions of the Woolhope Naturalists' Field Club, 1886–89, p. 137.
  185. ^ Mark Ellis Jones, 'Little Wales beoynd England: the struggle of Selattyn, a Welsh parish in Shropshire Lưu trữ 2021-01-17 tại Wayback Machine', Journal of the National Library of Wales,, 31.1 (1999), pp. 132–3.
  186. ^ Lipsett, Anthea (ngày 26 tháng 6 năm 2008). “Number of primaries teaching foreign languages doubles”. The Guardian. London. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2009.
  187. ^ Booth, Robert (ngày 30 tháng 1 năm 2013). “Polish becomes England's second language”. The Guardian. London. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2013.
  188. ^ “Table KS209EW 2011 Census: Religion, local authorities in England and Wales”. Office for National Statistics. ngày 11 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2017.
  189. ^ “Church of England”. BBC. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2010.
  190. ^ “In depth history of the Church of England”. Church of England. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2017. The religious settlement that eventually emerged in the reign of Elizabeth gave the Church of England the distinctive identity that it has retained to this day. It resulted in a Church that consciously retained a large amount of continuity with the Church of the Patristic and Medieval periods in terms of its use of the catholic creeds, its pattern of ministry, its buildings and aspects of its liturgy, but which also embodied Protestant insights in its theology and in the overall shape of its liturgical practice. The way that this is often expressed is by saying that the Church of England is both 'catholic and reformed.'
  191. ^ “Global Anglicanism at a Crossroads”. PewResearch.org. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  192. ^ “People here 'must obey the laws of the land'. The Daily Telegraph. London. ngày 9 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  193. ^ “The Methodist Church”. BBC News. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  194. ^ “AN INDEPENDENT ACADEMIC STUDY ON CORNISH” (PDF). tr. 8. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2010.
  195. ^ “Cambridge History of Christianity”. Hugh McLeod. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  196. ^ a b “United Kingdom – History of the Flag”. FlagSpot.net. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  197. ^ a b “From Expulsion (1290) to Readmission (1656): Jews and England” (PDF). Goldsmiths.ac.uk. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2009.
  198. ^ a b c Office for National tatistics. “Religion”. Statistics.gov.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  199. ^ 2011 ONS results
  200. ^ Gearon 2002, tr. 246.
  201. ^ West 2003, tr. 28.
  202. ^ “Independent Schools in the United Kingdom”. Encarta. encarta.msn.com. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2009.
  203. ^ Gearon 2002, tr. 102.
  204. ^ United Kingdom Parliamen. “Innovation, Universities, Science and Skills Committee Contents”. publications.parliament.uk. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2009.
  205. ^ “QS World University Rankings 2018 | Top Universities”. QS Quacquarelli Symonds Limited. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2017.
  206. ^ Hoyle, Ben (ngày 23 tháng 9 năm 2007). “The Sunday Times Good University Guide 2007 – Profile for London School of Economics”. The Times. London. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2008.
  207. ^ “FT Global MBA Rankings”. Financial Times. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2010.
  208. ^ “Metric system was British”. BBC News. ngày 13 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  209. ^ “Isambard Kingdom Brunel”. DesignMuseum.org. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  210. ^ Oakes 2002, tr. 214
  211. ^ Ronald Shillingford (2010). "The History of the World's Greatest- Entrepreneurs: Biographies of Success". p. 64–69
  212. ^ Saunders 1982, tr. 13
  213. ^ White 2009, tr. 335
  214. ^ Levine 1960, tr. 183
  215. ^ Wohleber, Curt (Spring 2006). “The Vacuum Cleaner”. Invention & Technology Magazine. American Heritage Publishing. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2010.
  216. ^ “English Inventors and Inventions”. English-Crafts.co.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  217. ^ “The Prehistoric Sites of Great Britain”. Stone-Circles.org.uk. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  218. ^ a b c “Ancient Roman architecture in England and Wales”. Castles.me.uk. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  219. ^ Colgrave 1985, tr. 326.
  220. ^ Pevsner 1942, tr. 14.
  221. ^ a b Atkinson 2008, tr. 189.
  222. ^ Downes 2007, tr. 17.
  223. ^ “Architects to hear Prince appeal”. BBC News. ngày 12 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2009.
  224. ^ Keary 1882, tr. 50.
  225. ^ Pollard 2004, tr. 272.
  226. ^ Wood, Michael. “King Arthur, 'Once and Future King'. BBC News. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2009.
  227. ^ a b Higham 2002, tr. 25.
  228. ^ Koch 2006, tr. 732.
  229. ^ Briggs 2004, tr. 26.
  230. ^ Withington 2008, tr. 224.
  231. ^ “What is England's national costume?”. Woodlands-Junior.kent.sch.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2009.
  232. ^ Else 2007, tr. 76.
  233. ^ “The S.Pellegrino World's 50 Best Restaurants”. TheWorlds50Best.com. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  234. ^ Mart, Nicole (ngày 22 tháng 9 năm 2008). “King Richard II's recipe book to go online”. The Daily Telegraph. London. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  235. ^ a b “Traditional English Food Specialities”. TravelSignPosts.com. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  236. ^ “How to make the perfect full English breakfast”. ngày 25 tháng 6 năm 2015.
  237. ^ “Catherine of Braganza”. Tea.co.uk. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  238. ^ “Types of Beer”. Icons of England. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  239. ^ “The Prehistoric Cave Art of England” (PDF). ArchaeologyDataService.ac.uk. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  240. ^ English Heritage. “Aldborough Roman Site”. english-heritage.org.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  241. ^ “Early Middle Ages Art”. Tiscali.co.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  242. ^ a b c d e “English art”. Tiscali.co.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  243. ^ Turner, Chris. “The Bronze Age: Henry Moore and his successors”. Tate Magazine (6). Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2010.
  244. ^ “Freud work sets new world record”. BBC News. ngày 14 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2008.
  245. ^ a b Warner 1902, tr. 35.
  246. ^ Rogers 2001, tr. 17.
  247. ^ Rogers 2001, tr. 135.
  248. ^ a b Rowse 1971, tr. 48.
  249. ^ Norbrook 2000, tr. 6.
  250. ^ Heywood 2007, tr. 74.
  251. ^ Watson 1985, tr. 360.
  252. ^ Cole 1947, tr. 268.
  253. ^ Hawkins-Dady 1996, tr. 970.
  254. ^ Eccleshare 2002, tr. 5.
  255. ^ Chappell 1966, tr. 690.
  256. ^ Lax 1989, tr. 7.
  257. ^ Richard Michael Kelly. A Christmas carol p.10. Broadview Press, 2003 ISBN 1-55111-476-3
  258. ^ Paul At Fifty: Paul McCartney Lưu trữ 2013-05-18 tại Wayback Machine Time Magazine'.' Retrieved ngày 25 tháng 10 năm 2014
  259. ^ Most Successful Group The Guinness Book of Records 1999, p.230. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2014.
  260. ^ 100 Greatest Artists Of All Time: The Beatles (No.1) Rolling Stone'.' Retrieved ngày 25 tháng 10 năm 2014.
  261. ^ United Kingdom Parliament (tháng 7 năm 2009). “British Citizen by Act of Parliament: George Frideric Handel”. Parliamentary Archives. parliament.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2009.
  262. ^ Stradling 1993, tr. 166.
  263. ^ "Sondheim and Lloyd-Webber: the new musical" The New York Times.. referred to Andrew Lloyd Webber as "the most commercially successful composer in history"
  264. ^ Recording Industry Association of America. “Top Selling Artists”. riaa.com. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  265. ^ Else 2007, tr. 65.
  266. ^ a b Foreman 2005, tr. 371.
  267. ^ “Jets, jeans and Hovis”. The Guardian. ngày 12 tháng 6 năm 2015.
  268. ^ “The Directors' Top Ten Directors”. British Film Institute. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2017.
  269. ^ St. Pierre, Paul Matthew (ngày 1 tháng 4 năm 2009). Music Hall Mimesis in British Film, 1895–1960: On the Halls on the Screen. New Jersey: Fairleigh Dickinson University Press. tr. 79. ISBN 978-1-61147-399-5.
  270. ^ “Harry Potter becomes highest-grossing film franchise”. The Guardian. London. ngày 11 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2010.
  271. ^ “History of Ealing Studios”. Ealing Studios. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2015.
  272. ^ London Symphony Orchestra and Film Music Lưu trữ 2011-09-30 tại Wayback Machine LSO. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2011
  273. ^ "Life of Brian tops comedy poll". BBC News (Total Film magazine poll: ngày 29 tháng 9 năm 2000) Retrieved ngày 27 tháng 6 năm 2015
  274. ^ Statistical Yearbook 2011: 7.3 UK directors Lưu trữ 2012-06-15 tại Wayback Machine. UK Film Council.
  275. ^ "Does Andy Serkis's motion capture acting deserve an Oscar?". The Telegraph. Retrieves ngày 11 tháng 1 năm 2015
  276. ^ "Tim Webber: the man who put Sandra Bullock in space". Evening Standard. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2014
  277. ^ Barry Ronge's Classic DVD: Alice in Wonderland Lưu trữ 2012-10-09 tại Wayback Machine, The Times, It was made under the personal supervision of Walt Disney, and he took special care when animating British fantasy. He called them his "English Cycle".
  278. ^ UNESCO. “United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland”. World Heritage. whc.unesco.org. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2009.
  279. ^ “English World Heritage Sites to get strongest ever protections”. Institute of Historic Building Conservation. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  280. ^ “Museum in London”. BritishMuseum.org. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  281. ^ “250 Years of the British Museum”. Time. ngày 15 tháng 1 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2009.
  282. ^ “British Library”. Encyclopædia Britannica. britannica.com. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  283. ^ “The National Gallery”. ArtInfo.com. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  284. ^ Youngs, Ian (ngày 31 tháng 10 năm 2002). “The art of Turner protests”. BBC News. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2009.
  285. ^ a b “Sheffield FC: 150 years of history”. FIFA. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  286. ^ “History of squash”. WorldSquash2008.com. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  287. ^ “History of the Game”. NRA-Rounders.co.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 2 năm 2006.
  288. ^ Paul Mitchell. “The first international football match”. BBC. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2015.
  289. ^ "Hurst the hero for England in the home of football" Lưu trữ 2013-12-20 tại Wayback Machine. FIFA.com. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2015
  290. ^ "Tracking 30 years of TV's most watched programmes". BBC. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2015
  291. ^ Rudd, Alyson (ngày 7 tháng 4 năm 2008). “The father of football deserves much more”. London: Times Online. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2015.
  292. ^ "History and time are key to power of football, says Premier League chief". The Times. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2013
  293. ^ “Premier League towers over world football, says Deloitte”. sportbusiness.com. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2010.
  294. ^ “UEFA ranking of European leagues”. UEFA. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  295. ^ “UEFA Champions League Finals 1956–2008”. RSSSF. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  296. ^ Underdown 2000, tr. 6.
  297. ^ Cricinfo staff (26 tháng 8 năm 2009). Ashes climax watched by a fraction of 2005 audience. Cricinfo. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2009.
  298. ^ A brief history of Yorkshire. Cricinfo. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2009.
  299. ^ Fay, Stephen (21 tháng 6 năm 1998). “Cricket: Flaw Lord's out of order”. The Independent. Luân Đôn: independent.co.uk. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2009.
  300. ^ “The History of British Motorsport and Motor Racing at Silverstone”. Silverstone. Silverstone.co.uk. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2009.
  301. ^ “Origins of Rugby – Codification "The innovation of running with the ball was introduced some time between 1820 and 1830.". Rugbyfootballhistory.com. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2011.
  302. ^ “England will host 2015 Rugby World Cup”. BBC News. news.bbc.co.uk. 28 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  303. ^ Clarey, Christopher (5 tháng 7 năm 2008). “Traditional Final: It's Nadal and Federer”. The New York Times. nytimes.co.uk. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  304. ^ Kaufman & Macpherson 2005, tr. 958.
  305. ^ “St. George – England's Patron Saint”. Britannia.com. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 3 năm 2017. Truy cập 1 tháng 2 năm 2009.
  306. ^ “National flowers”. Number10.gov.uk. 13 tháng 1 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2009.
  307. ^ Smith, Jed (3 tháng 6 năm 2005). “England's Rose – The Official History”. Museum of Rugby, Twickenham. RugbyNetwork.net. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2009.
  308. ^ “Jason Cowley loves the Commonwealth Games”. New Statesman. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  309. ^ “The Great Saint George Revival”. BBC News. news.bbc.co.uk. 23 tháng 4 năm 1998. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]