Bước tới nội dung

Kiến Châu Nữ Chân

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Kiến Châu Nữ Chân (tiếng Trung: 建州女真) là một trong tam đại bộ của người Nữ Chân vào thời nhà Minh. Họ là nhóm cực nam của người Nữ Chân, hai nhóm khác là Dã Nhân Nữ Chân (野人女真) và Hải Tây Nữ Chân (海西女真), họ sinh sống ở các khu vực Mẫu Đơn Giang, Tuy Phân Hà (tức sông Razdolnaya) và Trường Bạch Sơn thuộc tỉnh Cát Lâm ngày nay.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi nhà Nguyên sụp đổ vào năm 1368, nhiều nhóm kháng cự ở Đông Bắc vẫn tiếp tục trung thành với Nguyên. Năm 1375, Nạp Cáp Xuất (纳哈出, Nahacu), một viên quan của nhà Nguyên ở Liêu Dương đã tấn công Liêu Đông nhằm phục Nguyên. Mặc dù ông rốt cuộc đã bị nhà Minh đánh bại vào năm 1387, song để bảo vệ biên giới phía Bắc, nhà Minh đã quyết định "chiêu an" người Nữ Chân để đối phó với các vấn đề liên quan đến tàn dư của nhà Nguyên trong vùng.

Năm 1388, Minh Thái Tổ lập giao thiệp với ba bộ tộc ở khu vực Y La Đồ Môn (nơi hợp lưu của Mẫu Đơn GiangTùng Hoa) là Oát Đóa Lý (胡里改, Odori), Hồ Lý Cải (斡朵里, Huligai, Hūrha hay Hurka) và Thác Ôn (托温, Tuowen) và cố gắng lập liên minh với họ để chống lại người Mông Cổ. Ba bộ tộc này đã thiên di về phía Đông Nam đến khu vực quanh sông Đồ Môn (gần biên giới Trung-Nga-Triều ngày nay). Không lâu sau đó, các nhóm Nữ Chân khác nhau bắt đầu nhận tước hiệu của từ Minh Thành Tổ. A Cáp Xuất (阿哈出, Ahacu), tù trưởng Hồ Lý Cải bộ, trở thành đô đốc Kiến Châu vào năm 1403 theo tên một đơn vị hành chính của nhà Nguyên trong khu vực. Mãnh Ca Thiếp Mộc Nhi (猛哥帖木儿, Möngke Temür) của Oát Đóa Lý bộ trở thành Tả vệ Kiến Châu và được ban họ Hán là Đồng (童) không lâu sau đó. Hai bộ tộc Kiến Châu này tiến hành giao thương với Minh tại Khai NguyênPhủ Thuận. Họ cũng một vài lần tiến về phía tây, chiến đấu với Dã Nhân Nữ Chân ở phía bắc và Triều Tiên ở phía nam. Việc người Nữ Chân đột kích vào lãnh thổ Triều Tiên đã dẫn đến các cuộc phản công của liên quân Triều Tiên-Minh và các năm 1467 và 1478 khiến cho Kiến Châu Nữ Chân bị suy yếu nghiêm trọng.

Xây dựng liên minh

[sửa | sửa mã nguồn]

Giữa thế kỷ 16, kết cấu vệ quốc của nhà Minh đã hầu như biến mất và người Nữ Chân bị phân chia thành hai liên minh: Hải Tây Nữ Chân và Kiến Châu Nữ Chân. Liên minh Kiến Châu tồn tại ở phía bắc sông Áp Lục và gồm 5 bộ tộc: Tô Khắc Tố Hộ Hà (苏克苏护河), Nột Ha Tất (唿呐呵), Uông Giai (汪佳), Đổng Ngạc (董鄂) và Triết Trần (哲陳). Dưới sự lãnh đạo của Vương Cảo (王杲), liên minh từng đột kích qua biên giới Minh và thậm chí đã giết chết tướng quân Minh tại Phủ Thuận vào năm 1573. Một cuộc phản công lớn của người Hán đã kết thúc với cái chết của Vương Cảo và sự tan rã của liên minh.

Một số lãnh đạo bên trong Tô Khắc Tố Hộ Hà bộ đã sẵn sàng để đạt được vị trí của mình. Năm 1582, tù trưởng Ni Kham Ngoại Lan liên minh với tướng nhà Minh là Lý Thành Lương (李成梁) tấn công con trai của Vương Cảo là A Đài (阿台). Giác Xương An, là thuộc hạ của Lý Thành Lương từ khi gửi cháu nội Nỗ Nhĩ Cáp Xích đến chỗ Lý làm con tin nhưng sau đó lại đối đầu với Ni Kham Ngoại Lan và cùng với con trai thứ tư của mình là Tháp Khắc Thế đến trợ giúp cho A Đài để giữ Cổ Lặc trại. Trong trận đánh sau đó ở Cổ Lặc, A Đài bị đánh bại, Giác Xương An và con trai ông bị Ni Kham Ngoại Lan tàn sát khi Lý Thành Lương nghĩ rằng họ nổi loạn và bỏ lại phía sau.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích

[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là thời điểm mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích, con trai của Tháp Khắc Thế xuất hiện. Kế thừa chức vụ lãnh đạo bộ tộc Tô Khắc Tố Hộ Hà từ ông nội, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã giết chết Ni Kham Ngoại Lan. Năm 1588, ông đã chinh phục bộ tộc Uông Giai và tiếp nhận sự khuất phục của bộ tộc Đổng Ngạc. Việc thống nhất Kiến Châu Nữ Chân đã đặt nền tảng cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích trong việc mở rộng quyền lực của ông đến các vùng miền Nam và Trung Mãn Châu và lập nên một nhà nước riêng của người Nữ Chân.

Bát bộ Kiến Châu Nữ Chân

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Tô Khắc Tố Hộ Hà bộ, cũng viết là Tô Hộ và Tổ Hử Hà bộ, mang tên này do sống ven sông Tô Khắc Tố Hộ, nay gọi là Tô Tử Hà (苏子河)
  2. Hồn Hà bộ, phân bố tại lưu vực Hồn Hà ở Đông Nam thành phố Phủ Thuận ngày nay.
  3. Triết Trần bộ, "triết trần" là tiếng Mãn, có ý là cường, thành quách. Sống tại tây bắc của Kiến Châu Nữ Chân, nay là nơi hợp lưu giữa Tô Tử Hà và Hồn Hà.
  4. Hoàn nhan bộ, cũng gọi là "Vương Giáp bộ", phân bố tại khu vực thượng du Hồn Giang thuộc huyện Tân Tân ngày nay
  5. Áp Lục Giang bộ, phân bố tại khu vực thượng du của Áp Lục Giang,
  6. Đổng Ngạc bộ, hay Đống Nhạc bộ, sống tại lưu vực nay là Đại Nhã Nhân Hử Hà.
  7. Nột Ân bộ, tại thượng du Tùng Hoa
  8. Châu Xá Lý bộ, phân bổ tại lưu vực Chu Sắc Lãnh Hà (nay là Nhị Đạo Giang) thuộc huyện An Đồ, tỉnh Cát Lâm.

Danh sách các lãnh tụ Kiến Châu Nữ Chân

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Mongke Temur (Mãnh Ca Thiếp Mộc Nhi): 1405 - 1433
  2. Cungšan (Sung Thiện): 1433 - 1467
  3. Fanca: ? - 1458
  4. Tolo (妥罗): 1467 - 1481
  5. Sibeoci Fiyanggū (Tích Bảo Tề Thiên Cổ): 1481 - 1522
  6. Fuman (Phúc Mãn): 1522 – 1542
  7. Giocangga (Giác Xương An): 1542 – 1571
  8. Taksi (Tháp Khắc Thế): 1571 - 1583
  9. Nurhaci (Nỗ Nhĩ Cáp Xích): 1583 - 1626, người sáng lập nhà Thanh

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]