Chùa Keo (Thái Bình)
Văn phong và cách dùng từ trong bài hoặc đoạn này không bách khoa. |
Chùa Keo | |
---|---|
Tên tự | Thần Quang tự |
Tên khác | 神光寺 |
Vị trí | |
Quốc gia | Việt Nam |
Địa chỉ | Xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình |
Thông tin | |
Tôn giáo |
|
Thờ phụng |
|
Khởi lập | 1630 |
Người sáng lập | Hoàng Nhân Dũng |
Kiến trúc sư | Nguyễn Văn Trụ |
Trụ trì | Đại đức Thích Thanh Quang |
Trang web | https://chuakeo.com.vn |
Di tích quốc gia đặc biệt | |
Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo | |
Phân loại | Di tích Quốc gia đặc biệt |
Ngày công nhận | 27 tháng 9 năm 2012 |
Quyết định | 1419/QĐ-TTg |
Di tích quốc gia | |
Phân loại | Di tích lịch sử – văn hóa |
Ngày công nhận | 28 tháng 4 năm 1962 |
Cổng thông tin Phật giáo | |
Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự là một ngôi chùa ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Tương truyền, dưới thời vua Lý Thánh Tông, chùa Keo được xây dựng bởi Thiền sư Dương Không Lộ ở ven sông Hồng từ năm 1061 tại hương (làng) Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay là các xã thuộc ven sông Hồng huyện Nam Trực và Trực Ninh, tỉnh Nam Định, một số tài liệu nhầm lẫn huyện Giao Thủy thành lập muộn sau này). Tuy nhiên, theo "Thánh tổ thực lục diễn ca" lưu giữ ở chùa thì ban đầu chùa Keo có tên gọi là Nghiêm Quang Tự, sư tổ của chùa chính là Lý Triều Quốc Sư: Thiền sư Nguyễn Minh Không (pháp hiệu là Không Lộ)[1]. Đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang Tự. Vì làng Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.
Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng).
Công việc xây dựng ngôi chùa Keo Thượng được bắt đầu từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632 theo phong cách kiến trúc thời Lê, nhờ sự vận động của bà Lại Thị Ngọc Lễ (Lại Thị Ngọc Lễ vốn thuộc dòng quyền quý, quê gốc ở làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn, xứ Thanh Hoa, cụ tổ là quan huyện thừa Lại Thế Tương. Lại Thị Ngọc Lễ cùng em Lại Thế Nghĩa là con quan Phò mã Lãng quận công Lại Thế Thời, chắt nội Thái tể Khiêm quốc công Lại Thế Khanh, cháu ngoại Thanh Đô vương Trịnh Tráng.), vợ Tuần Thọ hầu Hoàng Nhân Dũng và Đông Cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ. Chùa do Cường Dũng hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu, phỏng theo kiến trúc của chùa Keo Hành Thiện. Sau khi xây dựng xong, chùa được trùng tu nhiều lần, vào các năm 1689, 1707, 1941... Lần trùng tu năm 1941, có sự giúp đỡ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp.
Kiến trúc
[sửa | sửa mã nguồn]Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng khoảng 58.000m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.
Từ cột cờ bằng gỗ chò cao 25m, đi qua một sân lát đá khách sẽ đến "tam quan ngoại", hồ sen, "tam quan nội" với bộ cánh cửa cao 2m, rộng 2,6m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu Nhật nguyệt. Nếu đôi cánh cửa ở chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Lê.
Qua tam quan, đi tiếp vào chùa, hai bên là 24 gian hành lang. Khu vực thờ Phật gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống Muống và ngôi nhà trong là Phật điện. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng.
Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh Không Lộ - Lý Quốc Sư, đây là quần thể kiến trúc gồm 4 toà: Giá Roi, Thiêu Hương, Phục Quốc và Thượng Điện. Đền Thánh lớn hơn chùa Phật 7 gian. Với những phong cách kiến trúc khác nhau, riêng bộ mái đã chia thành 3 loại: toà Phục Quốc – mái vẩy; toà giá Roi theo kiểu hồi diêm; hai toà Thiêu Hương và Thượng Điện theo lối chéo đao tẩu góc.[2] Tại toà Thượng Điện hiện có pho tượng Thiền sư Không Lộ bằng gỗ trầm hương được đặt trong cung cấm khoảng nghìn năm tuổi. Phía ngoài có một giếng nước, thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng từng được dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa khi xưa.
Tiêu biểu nhất ở chùa Keo là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo, đây là một kiến trúc đẹp, cao 11m, có 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói với 12 đao loan. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,2m; tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,3m, đường kính 1m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62m, đường kính 0,69m đều được đúc năm 1796.
Hai hành lang chạy dài từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa.
Trong chùa còn những đồ thờ cúng tương truyền là của Thiền sư Không Lộ như: bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc -tương truyền rằng do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.
Qua nhiều đợt trùng tu lớn chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi, bộ cánh cửa chạm rồng độc đáo. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê.
Giá trị nổi bật
[sửa | sửa mã nguồn]- Tháng 4 năm 1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia.
- Tháng 9/2012, Chùa Keo được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
- Tháng 10/2017, chùa đón nhận bằng ghi danh lễ hội Chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.[3]
Văn hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Lễ hội chùa Keo được tổ chức hai lần hằng năm, lần đầu vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, ngày hội chính tổ chức vào giữa tháng 9 Âm lịch.
Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động.
Dân gian có câu ca dao về hội chùa Keo: "Dù cho cha đánh mẹ treo Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm."
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ “Thiền sư Nguyễn Minh không và một số lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2014.
- ^ “Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo (huyện Vũ Thư, ...”. sovhttdl.thaibinh.gov.vn. 21 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2022.
- ^ Chùa Keo đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tin tức, 29/10/2017.