Béo phì
Béo phì | |
---|---|
Hình dáng và vòng eo tượng trưng cho tình trạng tối ưu, thừa cân và béo phì | |
Khoa/Ngành | Nội tiết học |
Triệu chứng | Tăng mỡ[1] |
Biến chứng | Bệnh tim mạch, đái tháo đường loại 2, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một số loại ung thư, thoái hóa khớp, trầm cảm[2][3] |
Nguyên nhân | Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng, công việc và lối sống ít vận động cũng như thiếu hoạt động thể chất, thay đổi phương thức đi lại, đô thị hóa, thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu khả năng tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh, vấn đề di truyền[1][4] |
Phương pháp chẩn đoán | Chỉ số khối cơ thể (Body mass index; viết tắt: BMI) > 30 kg/m2[1] |
Phòng ngừa | Những thay đổi xã hội, thay đổi trong ngành công nghiệp thực phẩm, tiếp cận lối sống lành mạnh, lựa chọn cá nhân[1] |
Điều trị | Ăn kiêng, tập thể dục, dùng thuốc, phẫu thuật[5][6] |
Tiên lượng | Giảm tuổi thọ[2] |
Dịch tễ | Trên 1 tỷ/12.5% (2022)[7] |
Tử vong | 2,8 triệu người mỗi năm |
Béo phì là một tình trạng bệnh lý, đôi khi được xem là một căn bệnh,[8][9][10] trong đó mô mỡ trong cơ thể đã tích tụ đến mức có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Những người được phân loại là béo phì khi chỉ số khối cơ thể (BMI) của họ vượt quá 30 kg/m2. Chỉ số thuộc phạm vi 25–30 kg/m2 thì được định nghĩa là thừa cân. Công thức tính BMI là lấy cân nặng của một người (tính theo kg) chia cho bình phương chiều cao của người đó.[1] Một số nước Đông Á sử dụng giá trị thấp hơn để tính béo phì.[11] Béo phì là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật và bệnh tật liên quan đến béo phì, đặc biệt là bệnh tim mạch, đái tháo đường loại 2, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một số loại ung thư và thoái hóa khớp.[2][12][13]
Béo phì có nguyên nhân cá nhân, kinh tế xã hội và môi trường. Một số nguyên nhân như chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, tự động hóa, đô thị hóa, tính trạng số lượng, thuốc men, rối loạn tâm thần, chính sách kinh tế, rối loạn nội tiết và tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết.[1][4][14][15]
Mặc dù phần lớn những người béo phì luôn cố gắng giảm cân và nhiều trường hợp thành công nhưng việc duy trì giảm cân lâu dài là rất hiếm.[16] Không có biện pháp can thiệp cụ thể nào cho thấy hiệu quả rõ ràng để ngăn ngừa béo phì. Việc phòng ngừa béo phì đòi hỏi một cách tiếp cận phức tạp, bao gồm các biện pháp can thiệp ở cấp độ xã hội, cộng đồng, gia đình và cá nhân.[1][13] Các chuyên gia y tế thường khuyên cần thay đổi chế độ ăn uống cũng như tập thể dục.[2] Chế độ ăn uống có thể được cải thiện bằng cách giảm tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, chẳng hạn như những thực phẩm giàu chất béo hoặc đường, thay vào đó tăng lượng chất xơ ăn vào, nếu những lựa chọn dành cho chế độ ăn uống này có sẵn, giá cả phải chăng và dễ tiếp cận.[1] Để làm giảm cảm giác thèm ăn hoặc giảm hấp thu chất béo có thể sử dụng thuốc giảm cân cùng với chế độ ăn uống phù hợp.[5] Nếu chế độ ăn kiêng, tập thể dục và dùng thuốc không hiệu quả, có thể thực hiện nong bóng dạ dày hoặc phẫu thuật để làm giảm thể tích dạ dày hoặc chiều dài của ruột. Các can thiệp trên tạo cảm giác no sớm hơn hoặc giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.[6][17]
Béo phì là nguyên nhân tử vong hàng đầu có thể phòng ngừa được với tỷ lệ ngày càng tăng ở người lớn và trẻ em trên toàn thế giới.[18] Năm 2022, hơn 1 tỷ người bị béo phì trên toàn thế giới (879 triệu người lớn và 159 triệu trẻ em), tăng hơn gấp đôi số trường hợp ở người lớn (và cao gấp bốn lần so với các trường hợp ở trẻ em) được thống kê vào năm 1990.[19][20] Béo phì phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới.[1] Ngày nay, béo phì bị kỳ thị ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Ngược lại, một số nền văn hóa, trong quá khứ và hiện tại, lại có quan điểm tích cực về béo phì, coi đó là biểu tượng của sự giàu có và sinh đẻ tốt.[2][21] Tổ chức Y tế Thế giới, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Đức, Nghị viện châu Âu và các hiệp hội y tế, ví dụ như Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, đã phân loại béo phì là một căn bệnh. Những nước khác, chẳng hạn như Vương quốc Anh thì không chấp nhận điều đó.[22][23][24][25]
Phân loại
[sửa | sửa mã nguồn]Phân loại theo WHO[26] | BMI WHO (kg/m2)[26] | BMI IDI & WPRO, 2000 [27] |
---|---|---|
gầy | < 18,5 | < 18,5 |
bình thường | 18,5–24,9 | 18,5–22,9 |
thừa cân | 25,0–29,9 | 23,0–24,9 |
béo phì độ I | 30,0–34,9 | 25,0–29,9 |
béo phì độ II | 35,0–39,9 | ≥ 30,0 |
béo phì độ III | ≥ 40,0 | Không đề cập |
Béo phì thường được định nghĩa là sự tích tụ đáng kể lượng mỡ trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.[28] Các tổ chức y tế có xu hướng phân loại những người là béo phì dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI) – tỷ lệ giữa cân nặng của một người (đơn vị kilôgam) với bình phương chiều cao của họ (đơn vị mét). Đối với người trưởng thành, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa "thừa cân" là chỉ số BMI từ 25 trở lên và "béo phì" là chỉ số BMI từ 30 trở lên.[28] Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) còn chia nhỏ bệnh béo phì dựa trên BMI, với chỉ số BMI từ 30 đến 35 được gọi là béo phì độ I; 35 đến 40, béo phì độ II; và 40+, béo phì độ III.[29]
Đối với trẻ em, các biện pháp đo béo phì được xem xét bằng độ tuổi cùng với chiều cao và cân nặng. Đối với trẻ em từ 5–19 tuổi, WHO định nghĩa béo phì là chỉ số BMI có hai độ lệch chuẩn trên mức trung bình so với độ tuổi của chúng (chỉ số BMI khoảng 18 đối với trẻ 5 tuổi; khoảng 30 đối với trẻ 19 tuổi).[28][30] Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, WHO định nghĩa béo phì là cân nặng có ba độ lệch chuẩn trên mức trung bình đối với chiều cao của chúng.[28]
Định nghĩa của WHO đã được sửa đổi bởi các tổ chức cụ thể.[31] Các tài liệu phẫu thuật chia béo phì thành độ II và III hoặc chỉ độ III thành các loại khác mà giá trị chính xác của chúng vẫn còn gây tranh cãi.[32]
- Bất kỳ chỉ số BMI ≥ 35 hoặc 40 kg/m2 đều là béo phì nặng.
- Chỉ số BMI ≥ 35 kg/m2 và có tình trạng sức khỏe liên quan đến béo phì hoặc ≥ 40 hoặc 45 kg/m2 là béo phì bệnh lý.
- Chỉ số BMI ≥ 45 hoặc 50 kg/m2 là siêu béo phì.
Về chủng tộc, ở cùng một mức BMI, sự xuất hiện các hậu quả xấu liên quan đến béo phì của người châu Á xảy ra khi BMI của họ với so với người da trắng, một số quốc gia đã định nghĩa lại bệnh béo phì; Nhật Bản đã định nghĩa béo phì là bất kỳ chỉ số BMI nào lớn hơn 25 kg/m2[11] trong khi Trung Quốc sử dụng chỉ số BMI lớn hơn 28 kg/m2.[31] Do đó, từ năm 2000, WHO khu vực Tây Thái Bình Dương (WPRO) và Hội Nghiên cứu béo phì quốc tế đã phối hợp với Viện Nghiên cứu bệnh đái tháo đường Quốc tế (IDI), Trung tâm Hợp tác dịch tễ học đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm của WHO để đưa ra khuyến nghị về chỉ tiêu phân loại thừa cân, béo phì cho cộng đồng các nước châu Á (IDI & WPRO, 2000).[27]
- Chỉ số BMI ≥ 23 kg/m2 là thừa cân.
- Chỉ số BMI ≥ 25 kg/m2 là béo phì.
Số liệu béo phì được chuộng sử dụng trong giới học thuật là tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể (BF%). Đây là tỷ lệ giữa tổng trọng lượng mỡ của một người so với tổng trọng lượng cơ thể của người đó và BMI được xem đơn thuần chỉ là một cách để ước tính BF%.[33] Theo Hội Bác sĩ điều trị Béo phì Hoa Kỳ (American Society of Bariatric Physicians), mức vượt quá 32% đối với phụ nữ và 25% đối với nam giới thường được coi là biểu hiện béo phì.[34]
BMI bỏ qua sự khác biệt giữa các cá nhân về khối lượng cơ nạc, đặc biệt là khối lượng cơ. Những người lao động nặng nhọc hoặc chơi thể thao có thể có chỉ số BMI cao mặc dù có ít mỡ. Ví dụ: hơn một nửa số người chơi Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ được phân loại là "béo phì" (BMI ≥ 30) và 1 trong 4 người được phân loại là "cực kỳ béo phì" (BMI ≥ 35), theo chỉ số BMI.[35] Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể trung bình của họ, 14%, nằm trong phạm vi được coi là lành mạnh.[36] Tương tự, các đô vật Sumo có thể được phân loại theo BMI là "béo phì nghiêm trọng" hoặc "béo phì rất nghiêm trọng" nhưng nhiều đô vật Sumo không được phân loại là béo phì khi sử dụng tỷ lệ mỡ cơ thể thay thế (có <25% mỡ cơ thể).[37] Một số đô vật Sumo được phát hiện là không có nhiều mỡ trong cơ thể hơn nhóm so sánh không phải Sumo, với giá trị BMI cao do khối lượng cơ nạc của họ cao.[37]
Ảnh hưởng đối với sức khỏe
[sửa | sửa mã nguồn]Béo phì làm tăng nguy cơ phát triển chuyển biến các căn bệnh khác nhau, như bệnh tim mạch, thoái hóa khớp, bệnh Alzheimer, trầm cảm và một số loại bệnh ung thư.[38] Tùy thuộc vào mức độ béo phì và tình trạng bệnh nền, béo phì có thể khiến sụt giảm tuổi thọ từ 2–20 năm.[38][39] BMI cao là yếu tố nguy cơ, nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh do chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.[13]
Tỷ lệ tử vong
[sửa | sửa mã nguồn]Béo phì là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có thể phòng ngừa được trên toàn thế giới.[40][41][42] Nguy cơ tử vong thấp nhất ở mức BMI 20–25 kg/m2[39][43][44] ở những người không hút thuốc và ở mức 24–27 kg/m2 ở những người đang hút thuốc, với rủi ro tăng lên nếu chỉ số BMI tăng hay giảm.[45][46] Việc xác định này dường như được áp dụng ở ít nhất bốn châu lục.[44] Nghiên cứu khác cho thấy mối liên hệ giữa chỉ số BMI và chu vi vòng eo với tỷ lệ tử vong người thì có hình dạng chữ U hoặc chữ J, trong khi mối liên hệ giữa tỷ lệ eo-hông và tỷ lệ eo-chiều cao với tỷ lệ tử vong là tương quan dương.[47] Ở người châu Á, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bắt đầu tăng mức BMI từ 22 đến 25 kg/m2.[48] Vào năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng béo phì gây ra ít nhất 2,8 triệu ca tử vong hàng năm.[49] Theo mức trung bình, béo phì làm giảm tuổi thọ từ sáu đến bảy năm,[2][50] chỉ số BMI từ 30–35 kg/m2 làm giảm tuổi thọ từ hai đến bốn năm,[39] trong khi béo phì nặng (BMI ≥ 40 kg/m2) làm giảm tuổi thọ tới 10 năm.[39]
Bệnh tật
[sửa | sửa mã nguồn]Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều căn bệnh liên quan thể chất và tinh thần. Những bệnh đi kèm này thường gặp nhất trong hội chứng chuyển hóa,[2] là các rối loạn chuyển hóa như: đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và tăng triglyceride máu.[51] Một nghiên cứu từ Bệnh viện RAK cho thấy những người béo phì có nguy cơ mắc hội chứng hậu COVID-19 cao hơn.[52] CDC đã phát hiện ra rằng béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ra nguy cơ bệnh COVID-19 nghiêm trọng.[53]
Các biến chứng có thể do béo phì trực tiếp gây ra hoặc liên quan gián tiếp thông qua các cơ chế có chung nguyên nhân như chế độ ăn uống kém hoặc lối sống tĩnh tại. Độ mạnh của mối tương quan giữa béo phì và các tình trạng cụ thể là khác nhau. Béo phì có mối tương quan mạnh mẽ nhất với bệnh đái tháo đường loại 2. Lượng mỡ dư thừa trong cơ thể là nguyên nhân gây ra 64% trường hợp mắc đái tháo đường ở nam giới và 77% trường hợp mắc đái tháo đường ở phụ nữ.[54]:9
Hậu quả về sức khỏe thuộc hai nhóm chính: những hậu quả do ảnh hưởng của việc tăng khối lượng mỡ (như thoái hóa khớp, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, sự kỳ thị của xã hội) và những hậu quả do số lượng tế bào mỡ tăng lên (tiểu đường, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa).[2][55] Sự gia tăng lượng mỡ trong cơ thể làm thay đổi phản ứng của cơ thể với insulin, có khả năng dẫn đến tình trạng kháng insulin. Chất béo tăng lên cũng tạo ra trạng thái tiền viêm,[56][57] và kích hoạt quá trình đông máu.[55][58]
Lĩnh vực y tế | Tình trạng | Lĩnh vực y tế | Tình trạng |
---|---|---|---|
Tim mạch | Da liễu | ||
Nội tiết và Y sinh sản | Tiêu hóa | ||
Thần kinh | Ung thư[72] |
| |
Tâm thần | Hô hấp |
| |
Thấp khớp và Ngoại chỉnh hình |
|
Tiết niệu và Thận |
|
Các chỉ số về sức khỏe
[sửa | sửa mã nguồn]Các bác sĩ lâm sàng đã đưa ra nghiên cứu mới hơn trong đó tập trung vào các phương pháp xác định những người béo phì khỏe mạnh hơn, và không coi những người béo phì như một nhóm lớn đồng nhất với nhau.[83] Những người béo phì không gặp phải các biến chứng y tế do tình trạng béo phì của họ đôi khi được gọi là béo phì chuyển hóa lành mạnh, nhưng mức độ tồn tại của nhóm này (đặc biệt là ở những người lớn tuổi) đang còn tranh cãi.[84] Có những người được coi là khỏe mạnh về mặt trao đổi chất phụ thuộc vào định nghĩa được sử dụng và không có định nghĩa nào được chấp nhận rộng rãi.[85] Có rất nhiều người béo phì có đôi chút bất thường về chuyển hóa và một số ít họ không có biến chứng y khoa.[85] Hướng dẫn của Hội Nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ kêu gọi các bác sĩ sử dụng phương pháp đánh giá rủi ro với bệnh nhân béo phì khi xem xét đánh giá nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2 của họ.[86](tr59–60)
Vào năm 2014, Dự án béo phì lành mạnh BioSHaRE– EU (được tài trợ bởi Maelstrom Research, một nhóm thuộc Viện nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học McGill) đã đưa ra hai định nghĩa về béo phì lành mạnh, một định nghĩa nghiêm ngặt và một định nghĩa ít nghiêm ngặt hơn:[84][87]
Ít nghiêm ngặt | Nghiêm ngặt | |
---|---|---|
Huyết áp được đo như sau, không dùng thuốc | ||
Tổng thể (mmHg) | ≤ 140 | ≤ 130 |
Tâm thu (mmHg) | không áp dụng | ≤ 85[a] |
Tâm trương (mmHg) | ≤ 90 | không áp dụng |
Đường huyết được đo như sau, không dùng thuốc | ||
Đường huyết (mmol/L) | ≤ 7,0 | ≤ 6,1 |
Triglyceride được đo như sau, không dùng thuốc | ||
Nhịn ăn (mmol/L) | ≤ 1,7 | |
Không nhịn ăn (mmol/L) | ≤ 2,1 | |
HDL-C (Lipoprotein mật độ cao) được đo như sau, không dùng thuốc | ||
Nam (mmol/L) | > 1,03 | |
Nữ (mmol/L) | > 1,3 | |
Không chẩn đoán được bất kỳ bệnh lý tim mạch nào |
Để đưa ra các tiêu chí này, BioSHaRE đã kiểm soát độ tuổi và việc sử dụng thuốc lá, nghiên cứu xem cả hai điều này có thể ảnh hưởng như thế nào đến hội chứng chuyển hóa liên quan đến béo phì, nhưng không tồn tại ở người béo phì khỏe mạnh về mặt trao đổi chất.[88] Vẫn tồn tại các định nghĩa khác về béo phì lành mạnh về mặt trao đổi chất, bao gồm cả những định nghĩa dựa trên chu vi vòng eo thay vì BMI, vốn không đáng tin cậy ở một số cá nhân.[85]
Một thước đo nhận dạng khác về sức khỏe ở người béo phì là sức mạnh bắp chân, yếu tố này có mối tương quan khỏe mạnh thể chất ở người béo phì.[89] Giả thuyết về thành phần cơ thể đã được dùng để giải thích tình trạng béo phì lành mạnh về mặt trao đổi chất—những người béo phì khỏe mạnh về mặt trao đổi chất thường có lượng mỡ lạc chỗ thấp (chất béo được lưu trữ trong các mô không phải là mô mỡ) mặc dù có khối lượng mỡ tổng thể tương đương trong cân nặng đối với người béo phì mắc hội chứng chuyển hóa.[90](tr1282)
Nghịch lý sinh tồn
[sửa | sửa mã nguồn]Mặc dù bệnh béo phì với những hậu quả tiêu cực về sức khỏe của nó trong dân số chung được cổ xúy bởi các bằng chứng nghiên cứu hiện có, nhưng kết quả về sức khỏe ở một số phân nhóm nhất định dường như được cải thiện khi chỉ số BMI tăng lên, một hiện tượng được gọi là nghịch lý sống sót sau béo phì.[91] Nghịch lý này lần đầu tiên được mô tả vào năm 1999 ở những người thừa cân và béo phì đang chạy thận nhân tạo[91] và sau đó được tìm thấy ở những người bị suy tim và bệnh động mạch ngoại biên (PAD).[92]
Ở những người bị suy tim, những người có chỉ số BMI từ 30,0 đến 34,9 có tỷ lệ tử vong thấp hơn những người có cân nặng bình thường. Điều này được cho là do mọi người thường sụt cân khi tình trạng bệnh ngày càng nặng.[93] Những phát hiện tương tự đã được thấy ở các loại bệnh tim khác. Những người mắc bệnh béo phì độ I và bệnh tim không mắc các vấn đề về tim với tỷ lệ cao hơn những người có cân nặng bình thường cũng mắc bệnh tim tương ứng. Tuy nhiên, ở những người có mức độ béo phì cao hơn, nguy cơ mắc các biến cố tim mạch tiếp theo sẽ tăng lên.[94][95] Ngay cả sau khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, tỷ lệ tử vong ở người thừa cân và béo phì không gia tăng.[96] Một nghiên cứu đã cho thấy sự cải thiện khả năng sống sót có thể được giải thích bằng cách điều trị tích cực hơn mà những người béo phì nhận được sau khi họ gặp một biến cố về tim.[97] Một nghiên cứu khác cho thấy rằng nếu tính đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở những người mắc PAD, lợi ích của bệnh béo phì sẽ không còn tác dụng gì.[92]
Nguyên nhân
[sửa | sửa mã nguồn]Mô hình béo phì "một calo là một calo" (A calorie is a calorie) thừa nhận sự kết hợp giữa việc nạp quá nhiều năng lượng từ thực phẩm và thiếu hoạt động thể chất là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp béo phì.[98] Một số ít trường hợp chủ yếu là do di truyền, lý do y tế hoặc bệnh tâm thần.[15] Ngược lại, ở cấp độ xã hội, tỷ lệ béo phì ngày càng tăng được cho là do chế độ dễ tiếp cận và hợp khẩu vị ăn uống,[99] sự phụ thuộc ngày càng tăng vào ô tô và sản xuất được cơ giới hóa.[100][101]
Một số yếu tố khác được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ béo phì gia tăng trên toàn thế giới, bao gồm ngủ không đủ giấc, rối loạn nội tiết, tăng sử dụng một số loại thuốc (như thuốc chống loạn thần không điển hình),[102] tăng nhiệt độ môi trường, giảm tỷ lệ hút thuốc lá,[103] những thay đổi về nhân khẩu học, tăng tuổi làm mẹ của những người lần đầu tiên trở thành mẹ, những thay đổi về rối loạn điều hòa biểu sinh từ môi trường, tăng sự khác biệt về kiểu hình thông qua giao phối lựa chọn, áp lực xã hội khuyến khích ăn kiêng,[104] cùng những vấn đề khác. Theo một nghiên cứu, những yếu tố như thế này có thể đóng vai trò quan trọng là nguyên nhân béo phì tương tự như việc nạp quá nhiều năng lượng từ thực phẩm và thiếu hoạt động thể chất;[105] tuy nhiên, mức độ tương đối của ảnh hưởng từ bất kỳ nguyên nhân gây béo phì được đề xuất nào đều không giống nhau và không chắc chắn, vì nhìn chung cần có các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trên người trước khi đưa ra tuyên bố dứt khoát.[106]
Theo Hội Nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ, "ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng béo phì là một rối loạn của hệ thống cân bằng nội môi năng lượng, thay vì chỉ đơn giản phát sinh từ sự tích tụ thụ động của trọng lượng dư thừa".[107]
Chế độ ăn uống
[sửa | sửa mã nguồn]Sự thèm ăn quá mức đối với loại thực phẩm ngon miệng, giàu calo (đặc biệt là chất béo, đường và một số protein động vật) được coi là yếu tố chính gây ra béo phì trên toàn thế giới. Điều này có thể là do sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh từ đó ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn.[109] Nguồn cung năng lượng trong khẩu phần ăn bình quân đầu người thay đổi rõ rệt giữa các khu vực và quốc gia khác nhau. Sự thay đổi này là đáng kể theo thời gian.[108] Từ đầu những năm 1970 đến cuối những năm 1990, năng lượng thực phẩm bình quân đầu người hằng ngày (lượng thực phẩm mua được) đã tăng lên ở mọi nơi trên thế giới ngoại trừ Đông Âu. Hoa Kỳ có nguồn cung cấp cao nhất với 3.654 calo (15.290 kJ) mỗi người vào năm 1996.[108] Con số này tăng lên 3.754 calo (15.710 kJ) vào năm 2003.[108] Vào cuối những năm 1990, người châu Âu có nguồn cung năng lượng thực phẩm là 3.394 calo (14.200 kJ) mỗi người, ở các khu vực đang phát triển của châu Á con số đó là 2.648 calo (11.080 kJ), ở châu Phi cận Sahara người dân có bình quân hằng ngày 2.176 calo (9.100 kJ) mỗi người.[108][110] Tổng mức tiêu thụ năng lượng thực phẩm đã được phát hiện là dẫn đến liên quan tình trạng béo phì.[111]
Các hướng dẫn về chế độ ăn uống phổ biến rộng rãi[112] không giải quyết được vấn đề ăn quá nhiều và lựa chọn chế độ ăn uống xấu.[113] Từ năm 1971 đến năm 2000, tỷ lệ béo phì ở Hoa Kỳ tăng từ 14,5% lên 30,9%.[114] Trong cùng thời gian, lượng năng lượng thực phẩm tiêu thụ trung bình đã tăng lên. Đối với phụ nữ, mức tăng trung bình là 335 calo (1.400 kJ) mỗi ngày (1.542 calo (6.450 kJ) vào năm 1971 lên 1.877 calo (7.850 kJ) vào năm 2004), trong khi đối với nam giới mức tăng trung bình là 168 calo (700 kJ) mỗi ngày (2.450 calo (10.300 kJ) vào năm 1971 lên 2.618 calo (10.950 kJ) vào năm 2004). Hầu hết năng lượng thực phẩm bổ sung này đến từ việc tăng tiêu thụ carbohydrate hơn là tiêu thụ chất béo.[115] Nguồn chính của những carbohydrate bổ sung này là đồ uống có đường, hiện chiếm gần 25% năng lượng thực phẩm hàng ngày ở thanh niên tại Mỹ,[116] cùng với khoai tây lát mỏng.[117] Việc tiêu thụ đồ uống có đường như nước ngọt, nước trái cây và trà đá được cho là góp phần làm tăng tỷ lệ béo phì[118][119] và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường loại 2.[120] Thiếu vitamin D dẫn đến các bệnh liên quan béo phì.[121]
Khi xã hội ngày càng phụ thuộc vào các bữa ăn giàu năng lượng, khẩu phần lớn và thức ăn nhanh, mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ ăn nhanh và béo phì ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn.[122] Tại Hoa Kỳ từ năm 1977 đến năm 1995, mức tiêu thụ bữa ăn nhanh tăng gấp ba lần và lượng năng lượng thực phẩm từ những bữa ăn này tăng gấp bốn lần.[123]
Chính sách và kỹ thuật nông nghiệp ở Hoa Kỳ và Châu Âu đã dẫn tới giá lương thực thấp hơn. Tại Hoa Kỳ, việc trợ cấp ngô, đậu nành, lúa mì và gạo thông qua Dự luật trang trại của Hoa Kỳ đã khiến các nguồn thực phẩm chế biến chính trở nên rẻ hơn so với trái cây và rau quả.[124] Luật tính lượng calo và nhãn thông tin dinh dưỡng cố gắng định hướng người tiêu dùng đến việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn, bao gồm cả nhận thức về lượng năng lượng thực phẩm đang được tiêu thụ.
Những người béo phì luôn báo cáo thấp mức tiêu thụ thực phẩm của họ so với những người có cân nặng bình thường.[125] Điều này được hỗ trợ bởi cả các thử nghiệm của những người được thực hiện trong phòng đo nhiệt lượng[126] và bằng quan sát trực tiếp.
Lối sống ít vận động
[sửa | sửa mã nguồn]Một lối sống ít vận động (lối sống tĩnh tại) có thể đóng một vai trò quan trọng đối với bệnh béo phì.[54]:10 Thế giới đã có sự chuyển dịch từ công việc nhiều vận động sang những công việc ít đòi hỏi hoạt động thể chất hơn,[127][128][129] và hiện tại ít nhất 30% dân số thế giới tập thể dục không đủ thời lượng.[128] Nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng phương tiện giao thông cơ giới hóa và sự phổ biến của các máy móc, sản phẩm công nghệ làm việc nhà thay thế sức người.[127][128][129] Ở trẻ em, mức độ hoạt động thể chất ngày càng suy giảm (đặc biệt giảm mạnh về thời gian đi bộ và thời gian thể dục), có thể là do các nguyên nhân như người thân lo sợ sự an toàn, sự thay đổi trong tương tác xã hội (chẳng hạn như ít mối quan hệ gặp gỡ và vui chơi với trẻ em hàng xóm) và thiết kế đô thị không phù hợp (chẳng hạn như có quá ít không gian công cộng cho hoạt động thể chất an toàn).[130] Xu hướng trên thế giới về hoạt động thể chất tích cực trong thời gian rảnh rỗi vẫn chưa rõ ràng. Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng mọi người trên toàn thế giới đang tham gia các hoạt động giải trí ít tính vận động hơn, trong khi nghiên cứu từ Phần Lan[131] cho thấy sự gia tăng và nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy hoạt động thể chất trong thời gian rảnh rỗi không thay đổi đáng kể.[132] Hoạt động thể chất ở trẻ em có thể không phải là yếu tố đóng góp đáng kể trong các hoạt động của chúng.[133]
Ở cả trẻ em và người lớn đều có mối tương quan giữa thời gian xem tivi và nguy cơ béo phì.[134][135][136] Việc tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông làm tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em, với tỷ lệ tăng tỷ lệ thuận với thời gian xem tivi.[137]
Di truyền
[sửa | sửa mã nguồn]Giống như nhiều tình trạng bệnh lý khác, béo phì là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và môi trường.[139] Hiện tượng đa hình trong các gen khác nhau kiểm soát sự thèm ăn và trao đổi chất có xu hướng dẫn đến béo phì khi có đủ năng lượng thực phẩm. Tính đến năm 2006, hơn 41 điểm trong số này trên bộ gen người có liên quan đến sự phát triển của bệnh béo phì khi chúng có được môi trường thuận lợi.[140] Những người có hai bản sao của gen FTO (khối lượng chất béo và gen liên quan đến béo phì) được phát hiện có cân nặng trung bình nhiều hơn 3–4 kg và có nguy cơ béo phì cao hơn 1,67 lần so với những người không có alen nguy cơ.[141] Sự khác biệt về chỉ số BMI giữa những người do di truyền khác nhau tùy thuộc vào đối tượng được kiểm tra từ 6% đến 85%.[142]
Béo phì là đặc điểm chính của một số hội chứng, chẳng hạn như hội chứng Prader–Willi, hội chứng Bardet–Biedl, hội chứng Cohen và hội chứng MOMO (Thuật ngữ "béo phì không do hội chứng" đôi khi được sử dụng để loại trừ các tình trạng này.)[143] Ở những người mắc bệnh béo phì nặng khởi phát sớm (được xác định là khởi phát trước 10 tuổi và chỉ số khối cơ thể vượt quá ba độ lệch chuẩn so với mức bình thường), 7% có đột biến DNA điểm đơn.[144]
Các nghiên cứu tập trung vào các kiểu di truyền hơn là các gen cụ thể đã phát hiện ra rằng 80% con cái của hai cha mẹ bị béo phì cũng bị béo phì, trái ngược với ít hơn 10% con cái của hai người cha và mẹ có cân nặng bình thường.[145] Những người khác nhau tiếp xúc với cùng một môi trường có nguy cơ béo phì khác nhau do yếu tố di truyền cơ bản của họ.[146]
Các bệnh khác
[sửa | sửa mã nguồn]Một số bệnh về thể chất và tinh thần cũng như các loại thuốc men dùng để điều trị chúng có thể làm tăng nguy cơ béo phì. Các bệnh nội khoa làm tăng nguy cơ béo phì bao gồm một số hội chứng di truyền hiếm gặp (được liệt kê ở trên) cũng như một số tình trạng mắc phải hoặc bẩm sinh: suy giáp, Hội chứng Cushing, thiếu hụt hormone tăng trưởng,[147] và một số rối loạn ăn uống như rối loạn ăn uống vô độ và hội chứng ăn đêm.[2] Tuy nhiên, béo phì không được coi là rối loạn tâm thần và do đó không được liệt kê trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần là bệnh tâm thần.[148] Nguy cơ thừa cân và béo phì cao hơn ở những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần so với những người không bị rối loạn tâm thần.[149] Béo phì và trầm cảm có ảnh hưởng lẫn nhau, trong đó béo phì làm tăng nguy cơ trầm cảm lâm sàng và trầm cảm cũng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn.[3]
Béo phì do thuốc
[sửa | sửa mã nguồn]Một số loại thuốc có thể gây tăng cân hoặc làm thay đổi thành phần cơ thể, bao gồm insulin, sulfonylurea, thiazolidinedione, thuốc chống loạn thần không điển hình, thuốc chống trầm cảm, steroid, một số loại thuốc chống co giật (phenytoin và valproate), pizotifen và một số dạng thuốc tránh thai nội tiết tố.[2]
Các yếu tố xã hội quyết định
[sửa | sửa mã nguồn]Mặc dù ảnh hưởng di truyền rất quan trọng để hiểu về bệnh béo phì nhưng chúng không thể giải thích hoàn toàn sự gia tăng đáng kể thấy được ở các quốc gia hoặc trên toàn cầu.[150][151][cần nguồn tốt hơn] Mặc dù đồng ý rằng tiêu thụ năng lượng vượt quá mức tiêu hao năng lượng dẫn đến tăng trọng lượng cơ thể bản thân cá nhân, nguyên nhân thay đổi của hai yếu tố này trên quy mô xã hội vẫn còn nhiều tranh cãi. Có một số giả thuyết về nguyên nhân nhưng hầu hết đều tin rằng đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.[152]
Mối tương quan giữa tầng lớp xã hội và BMI khác nhau trên phạm vi toàn cầu.[153] Nghiên cứu năm 1989 cho thấy ở các nước phát triển, phụ nữ thuộc tầng lớp xã hội cao ít có khả năng bị béo phì hơn. Không có sự khác biệt đáng kể giữa nam giới thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Ở các nước đang phát triển, phụ nữ, nam giới và trẻ em thuộc tầng lớp xã hội cao có tỷ lệ béo phì cao hơn.[154][155][cần nguồn tốt hơn] Vào năm 2007, một nghiên cứu tương tự đã phát hiện ra những mối quan hệ tương ứng, nhưng chúng khá yếu. Sự suy giảm độ mạnh của mối tương quan được cho là do ảnh hưởng của toàn cầu hóa.[156] Trong số các nước phát triển, mức độ béo phì ở người trưởng thành và tỷ lệ trẻ em vị thành niên bị thừa cân có liên quan đến bất bình đẳng thu nhập. Một mối quan hệ tương tự cũng có thể thấy ở các tiểu bang của Hoa Kỳ: nhiều người trưởng thành hơn bị béo phì ở những tiểu bang bất bình đẳng thu nhập hơn, ngay cả ở các tầng lớp xã hội cao hơn.[157]
Nhiều giải thích đã được đưa ra về mối liên hệ giữa BMI và tầng lớp xã hội. Người ta cho rằng ở các nước phát triển, những người giàu có có khả năng mua nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn, họ chịu áp lực xã hội lớn hơn để giữ ngoại hình và có nhiều cơ hội hơn cùng với những kỳ vọng thể chất lớn hơn. Ở các nước chưa phát triển, khả năng đủ tiền mua được thực phẩm, tiêu hao năng lượng cao cùng với lao động thể chất và các giá trị văn hóa cổ xúy cho ngoại hình cơ thể lớn hơn được cho là góp phần vào các hình mẫu ưa nhìn.[156] Thái độ đối với trọng lượng cơ thể của mỗi người trong cuộc đời cũng có thể đóng một vai trò trong việc gây béo phì. Người ta đã tìm thấy mối tương quan về sự thay đổi chỉ số BMI theo thời gian giữa bạn bè, anh chị em và vợ/chồng.[158] Căng thẳng và nhìn nhận địa vị xã hội thấp dường như làm tăng nguy cơ béo phì.[157][159][160]
Hút thuốc lá có ảnh hưởng đáng kể đến cân nặng của một cá nhân. Những người bỏ hút thuốc tăng trung bình 4,4 kg (9,7 lb) đối với nam và 5,0 kg (11,0 lb) đối với nữ trong hơn 10 năm.[161] Tuy nhiên, việc thay đổi tỷ lệ hút thuốc ít ảnh hưởng đến tỷ lệ béo phì nói chung.[162]
Ở Hoa Kỳ, số con cái của một người có liên quan đến nguy cơ béo phì. Nguy cơ của phụ nữ tăng 7% khi có mỗi đứa trẻ, trong khi nguy cơ của đàn ông tăng 4% mỗi đứa trẻ.[163] Điều này có thể được giải thích một phần là do việc có con cái ẵm bồng thường xuyên làm giảm hoạt động thể chất ở các bậc cha mẹ phương Tây này.[164]
Ở các nước đang phát triển, đô thị hóa đang đóng một vai trò trong việc làm tăng tỷ lệ béo phì. Ở Trung Quốc, tỷ lệ béo phì chung là dưới mức 5%; tuy nhiên, ở một số thành phố, tỷ lệ béo phì cao hơn 20%.[165] Một phần điều này có thể là do các vấn đề về thiết kế đô thị (chẳng hạn như không đủ không gian công cộng cho hoạt động thể chất).[130] Thời gian sử dụng phương tiện cơ giới để đi lại ít, trái ngược với các lựa chọn vận chuyển tích cực như đi xe đạp hoặc đi bộ, do đó khiến tăng nguy cơ béo phì.[166][167]
Suy dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời được cho là có vai trò dẫn đến gia tăng tỷ lệ béo phì ở các nước đang phát triển.[168] Những thay đổi nội tiết xảy ra trong thời kỳ suy dinh dưỡng có thể thúc đẩy việc tích trữ chất béo khi có thêm năng lượng thực phẩm.[168]
Vi khuẩn đường ruột
[sửa | sửa mã nguồn]Nghiên cứu về tác động của các tác nhân lây nhiễm nhiễm trùng béo phì lên quá trình trao đổi chất vẫn còn ở giai đoạn đầu. Hệ vi sinh đường ruột khác nhau giữa người gầy và người béo phì đã được chứng minh. Có dấu hiệu cho thấy hệ vi sinh đường ruột có thể ảnh hưởng đến khả năng trao đổi chất. Sự thay đổi rõ ràng này được cho là mang lại khả năng dồn ứ năng lượng thực phẩm lớn hơn, góp phần gây ra béo phì. Cho dù những khác biệt này là nguyên nhân trực tiếp hay là kết quả của bệnh béo phì vẫn chưa được xác định rõ ràng.[169] Việc sử dụng kháng sinh ở trẻ em cũng có liên quan đến béo phì sau này.[170][171]
Mối liên quan giữa virus và bệnh béo phì đã được tìm thấy ở người và một số loài động vật khác nhau. Mức độ của các kết hợp này có thể đã góp phần vào tỷ lệ béo phì gia tăng vẫn chưa được xác định.[172]
Các yếu tố khác
[sửa | sửa mã nguồn]Ngủ không đủ giấc cũng liên quan đến béo phì.[173][174] Điều này có gây ra điều kia hay không thì vẫn chưa rõ ràng.[173] Ngay cả khi giấc ngủ ngắn ngủi làm tăng cân thì vẫn chưa rõ liệu sự tăng cân có ý nghĩa hay việc tăng cường ngủ mang lại lợi ích gì hay không.[175] Một số người đề xuất rằng các hợp chất hóa học được gọi là "chất gây béo phì" có thể đóng vai trò gây ra bệnh béo phì.[176]
Một số khía cạnh của tính cách có liên quan đến béo phì.[177] Sự cô đơn,[178] bất ổn cảm xúc (neuroticism), tính bốc đồng và nhạy cảm với phần thưởng thường gặp hơn ở những người béo phì trong khi sự tận tâm và tự chủ lại ít phổ biến hơn ở họ.[177][179] Bởi vì hầu hết các nghiên cứu về chủ đề này đều dựa trên bảng câu hỏi, có thể những phát hiện khảo sát đã đánh giá quá cao mối quan hệ giữa tính cách và béo phì: những người béo phì có thể nhận thức được sự kỳ thị của xã hội đối với béo phì và câu trả lời câu hỏi của họ có thể bị sai lệch tương ứng.[177] Tương tự như vậy, thay vì những yếu tố tính cách đóng vai trò là yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì, tính cách của những người béo phì khi còn nhỏ có thể bị ảnh hưởng do sự kỳ thị về béo phì.[177]
Liên quan đến hiện tượng toàn cầu hóa, người ta biết rằng tự do hóa thương mại có liên quan đến béo phì; nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ 175 quốc gia trong giai đoạn 1975-2016, cho thấy tỷ lệ béo phì có mối tương quan thuận với độ mở thương mại và mối tương quan này mạnh hơn ở các nước đang phát triển.[180]
Sinh lý bệnh
[sửa | sửa mã nguồn]Hai quá trình riêng biệt nhưng có liên hệ nhau được coi là có liên quan đến sự phát triển của bệnh béo phì: cân bằng năng lượng tích cực được duy trì (năng lượng nạp vào vượt quá năng lượng tiêu hao) và thiết lập lại "điểm đặt" ("set point") trọng lượng cơ thể ở một giá trị gia tăng.[181] Quá trình thứ hai giải thích tại sao việc tìm ra phương pháp điều trị béo phì hiệu quả lại khó khăn. Trong khi cơ chế sinh học cơ bản của quá trình này vẫn chưa chắc chắn, việc nghiên cứu đang bắt đầu làm rõ các cơ chế.[181]
Ở cấp độ sinh học, có nhiều cơ chế sinh lý bệnh có thể liên quan đến sự phát triển và làm kéo dài tình trạng béo phì.[182] Lĩnh vực nghiên cứu này gần như chưa được tiếp cận cho đến khi gen leptin được phát hiện vào năm 1994 bởi phòng thí nghiệm của JM Friedman.[183] Trong khi leptin và ghrelin được sản xuất ở ngoại vi, các chất này kiểm soát sự thèm ăn thông qua hoạt động của chúng trên hệ thần kinh trung ương. Đặc biệt, chúng và các hormone liên quan đến cảm giác thèm ăn khác tác động lên vùng dưới đồi, một vùng trung tâm não điều chỉnh lượng thức ăn ăn vào và tiêu hao năng lượng. Một số mạng lưới thần kinh trong vùng dưới đồi góp phần vào vai trò của nó trong việc điều hòa cảm giác thèm ăn, chất melanocortin được biết rõ nhất.[182] Tín hiệu bắt đầu từ một vùng của vùng dưới đồi gọi là nhân cung, chúng đến lần lượt nhân bên vùng dưới đồi (LH) và nhân bụng của vùng dưới đồi (VMH), trung tâm cảm giác no và nuôi dưỡng não.[184]
Nhân cung chứa hai nhóm neuron riêng biệt.[182] Nhóm đầu tiên đồng thể hiện với peptide thần kinh Y (NPY) và peptide liên quan agouti (AgRP) có đầu vào kích thích đối với LH và đầu vào ức chế đối với VMH. Nhóm thứ hai đồng thể hiện pro-opiomelanocortin (POMC) và bản mã điều chỉnh cocaine và amphetamine (CART) có đầu vào kích thích đối với VMH và đầu vào ức chế đối với LH. Do đó, neuron NPY/AgRP kích thích ăn và ức chế cảm giác no, trong khi neuron POMC/CART kích thích cảm giác no và ức chế ăn. Cả hai nhóm neuron nhân cung đều được điều hòa một phần bởi leptin. Leptin ức chế nhóm NPY/AgRP đồng thời kích thích nhóm POMC/CART. Vì vậy, sự thiếu hụt dấu hiệu của leptin, thông qua thiếu hụt leptin hoặc kháng thể leptin, sẽ dẫn đến việc cho ăn quá nhiều và có thể là nguyên nhân gây ra một số dạng béo phì mắc phải hoặc do di truyền.[182]
Quản lý
[sửa | sửa mã nguồn]Phương pháp điều trị béo phì chính bao gồm giảm cân, phương pháp này thông qua các biện pháp can thiệp lối sống của người béo phì, bao gồm chế độ ăn kiêng và tập thể dục theo quy định.[23][98][185][186] Mặc dù vẫn chưa rõ chế độ ăn kiêng nào có thể hỗ trợ giảm cân lâu dài và mặc dù hiệu quả của chế độ ăn ít calo còn đang được tranh luận,[187] nhưng việc thay đổi lối sống nhằm giảm tiêu thụ calo hoặc tăng cường thể chất tập thể dục trong thời gian dài sẽ có xu hướng giảm cân bền vững, mặc dù cân nặng có thể sẽ tăng lại chậm rãi theo thời gian.[23][187][188][189] Mặc dù 87% người tham gia Cơ quan đăng ký kiểm soát cân nặng quốc gia có thể duy trì giảm cân cơ thể ở mức 10% trong 10 năm,[190][cần giải thích] phương pháp ăn kiêng phù hợp nhất trong việc duy trì giảm cân có thời hạn lâu dài vẫn chưa rõ.[191] Ở Hoa Kỳ, người ta khuyến khích các biện pháp can thiệp hành vi chuyên sâu kết hợp cả thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục cùng lúc.[23][185][192] Nhịn ăn gián đoạn không tạo thêm lợi ích nào trong việc giảm cân so với việc hạn chế năng lượng liên tục.[191] Sự tuân thủ là yếu tố quan trọng đối với việc giảm cân thành công hơn bất kỳ loại chế độ ăn kiêng nào mà một cá nhân đang thực hiện.[191][193]
Một số chế độ ăn kiêng ít calo tỏ ra có hiệu quả.[23] Trong thời gian ngắn, chế độ ăn cacbohydrat thấp có vẻ tốt hơn chế độ ăn ít chất béo nhằm giảm cân.[194] Tuy nhiên, về lâu dài, tất cả các loại chế độ ăn ít carbohydrate và ít chất béo đều có lợi như nhau.[194][195] Nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường liên quan đến các chế độ ăn khác nhau dường như là tương tự nhau.[196] Khuyến khích chế độ ăn có trọng tâm (Mediterranean) ở những người béo phì có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.[194] Giảm lượng nước ngọt có ga cũng giúp giảm cân.[194] Việc duy trì giảm cân lâu dài bằng cách thay đổi lối sống có tỷ lệ thành công thấp, dao động từ 2–20%.[197] Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có hiệu quả trong việc hạn chế tăng cân quá mức trong thai kỳ đồng thời cải thiện kết quả cho cả mẹ và con.[198] Những người vừa béo phì vừa có các yếu tố nguy cơ khác mắc bệnh tim được khuyến khích tư vấn hành vi chuyên sâu.[199]
Chính sách y tế
[sửa | sửa mã nguồn]Béo phì là một vấn đề phức tạp về chính sách và y tế công cộng vì mức độ phổ biến, chi phí và ảnh hưởng sức khỏe của nó.[200] Do đó, việc quản lý đòi hỏi những thay đổi trong bối cảnh xã hội rộng lớn hơn và nỗ lực chung của cộng đồng, chính quyền địa phương và chính phủ.[192] Nền y tế công cộng tìm cách thông hiểu và điều chỉnh các yếu tố môi trường gây ra tỷ lệ béo phì ngày càng tăng trong dân số. Việc thay đổi các yếu tố gây tiêu thụ năng lượng thực phẩm dư thừa và ức chế hoạt động thể chất được xem xét. Những nỗ lực bao gồm các chương trình bữa ăn trong trường học được liên bang chi trả, hạn chế tiếp thị đồ ăn vặt trực tiếp cho trẻ em,[201] và giảm khả năng tiếp cận đồ uống có đường trong trường học.[202] Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị đánh thuế đồ uống có đường.[203] Khi xây dựng môi trường sống ở đô thị, người ta đã cố gắng tăng cường khả năng tiếp cận công viên và phát triển các tuyến đường dành cho người đi bộ.[204]
Các chiến dịch truyền thông đại chúng dường như có hiệu quả hạn chế trong việc thay đổi hành vi ảnh hưởng đến béo phì, nhưng có thể nâng cao kiến thức và nhận thức về hoạt động thể chất và chế độ ăn uống, do đó có thể dẫn đến những thay đổi về lâu dài. Các chiến dịch cũng làm giảm lượng thời gian ngồi hoặc nằm và ảnh hưởng tích cực đến ý định hoạt động thể chất.[205][206] Việc dán nhãn dinh dưỡng với thông tin năng lượng trên thực đơn có thể giúp giảm lượng năng lượng nạp vào khi dùng bữa tại nhà hàng.[207] Một số người kêu gọi chính sách chống lại thực phẩm chế biến sẵn.[208][209]
Can thiệp y tế
[sửa | sửa mã nguồn]Thuốc
[sửa | sửa mã nguồn]Kể từ khi ra mắt các loại thuốc điều trị béo phì vào những năm 1930, nhiều hợp chất đã được thử nghiệm. Hầu hết chúng đều làm giảm trọng lượng cơ thể chỉ một lượng nhỏ và một số trong đó đã không còn được bán trên thị trường do tác dụng phụ. Trong số 25 loại thuốc giảm cân bị rút khỏi thị trường từ năm 1964 đến năm 2009, có 23 loại hoạt động bằng cách thay đổi chức năng của các chất dẫn truyền thần kinh hóa học trong não. Tác dụng phụ phổ biến nhất sau khi dừng sử dụng thuốc là rối loạn tâm thần, tác dụng phụ về tim và lạm dụng hoặc phụ thuộc vào ma túy. Nhiều trường hợp tử vong được cho là có liên quan đến bảy sản phẩm thuốc giảm cân.[210]
Năm loại thuốc có lợi khi sử dụng lâu dài là: orlistat, lorcaserin, liraglutide, phentermine–topiramate và naltrexone–bupropion.[211] Chúng giúp giảm cân sau một năm từ 3,0 đến 6,7 kg (6,6-14,8 lbs) so với giả dược.[211] Orlistat, liraglutide và naltrexone–bupropion được cung cấp ở cả Hoa Kỳ và Châu Âu, phentermine–topiramate chỉ có ở Hoa Kỳ.[212] Các cơ quan quản lý châu Âu đã từ chối lorcaserin và phentermine-topiramate, một phần vì liên quan đến các vấn đề về van tim của lorcaserin và các vấn đề chung về tim và mạch máu do phentermine-topiramate gây ra.[212] Lorcaserin đã có mặt ở Hoa Kỳ và sau đó bị loại khỏi thị trường vào năm 2020 do có liên quan đến bệnh ung thư.[213] Việc sử dụng Orlistat có liên quan đến các tác dụng phụ về đường tiêu hóa với tỷ lệ cao[214] và đã làm dấy lên mối lo ngại về tác dụng tiêu cực lên thận.[215] Không có thông tin về việc những loại thuốc này ảnh hưởng như thế nào đến các biến chứng lâu dài của bệnh béo phì như bệnh tim mạch hoặc tử vong;[5] tuy nhiên, liraglutide khi được sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 sẽ làm giảm các biến cố tim mạch.[216]
Năm 2019, một đánh giá có hệ thống đã so sánh tác dụng của các liều fluoxetine khác nhau (60 mg/ngày, 40 mg/ngày, 20 mg/ngày, 10 mg/ngày) lên cân nặng ở người trưởng thành béo phì.[217] Khi so sánh với giả dược, tất cả các liều fluoxetine dường như góp phần giảm cân nhưng dẫn đến tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, mất ngủ và buồn nôn trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, những kết luận này là từ bằng chứng có độ chắc chắn thấp.[217] Khi so sánh trong cùng một đánh giá, tác dụng của fluoxetine đối với cân nặng của người lớn béo phì với các thuốc chống béo phì khác, acid béo Omega-3 và việc không được điều trị, các nhà nghiên cứu không thể đạt được kết quả cuối cùng hoặc bằng chứng do chất lượng kém của thuốc.[217]
Trong số các thuốc chống loạn thần điều trị bệnh tâm thần phân liệt, clozapine là hiệu quả nhất nhưng chúng có nguy cơ gây ra hội chứng chuyển hóa cao nhất, trong đó béo phì là biểu hiện chính. Đối với những người tăng cân do clozapine, dùng metformin có thể cải thiện ba trong số năm thành phần của hội chứng chuyển hóa: chu vi vòng eo, đường huyết lúc đói và chất béo trung tính lúc đói.[218]
Phẫu thuật
[sửa | sửa mã nguồn]Phương pháp điều trị béo phì hiệu quả nhất là phẫu thuật giảm béo.[6][23] Các loại thủ thuật bao gồm thắt đai dạ dày có điều chỉnh (AGB), cắt dạ dày Roux-en-Y, cắt dạ dày hình ống (VSG) và chuyển dòng mật tụy.[211] Phẫu thuật cho bệnh béo phì nghiêm trọng có liên quan đến việc giảm cân lâu dài, cải thiện các tình trạng liên quan đến béo phì,[219] và giảm tỷ lệ tử vong chung; tuy nhiên, sức khỏe trao đổi chất được cải thiện là do giảm cân chứ không phải do phẫu thuật.[220] Một nghiên cứu cho thấy giảm cân từ 14% đến 25% (tùy thuộc vào loại thủ thuật được thực hiện) sau 10 năm làm giảm 29% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân khi so sánh với các biện pháp giảm cân tiêu chuẩn.[221] 17% trường hợp có biến chứng và 7% trường hợp cần phẫu thuật lại.[219]
Dịch tễ học
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày trước, béo phì rất hiếm và chỉ có thể đạt được bởi một nhóm nhỏ tầng lớp thượng lưu, và đã được công nhận là một vấn đề sức khỏe. Nhưng khi sự thịnh vượng tăng lên trong thời kỳ Cận đại, nó đã ảnh hưởng đến nhiều nhóm dân cư ngày càng lớn hơn.[222] Trước những năm 1970, béo phì là một tình trạng tương đối hiếm ngay cả ở những quốc gia giàu có nhất, và nó có xu hướng xảy ra ở những người giàu có. Sau đó, một loạt các sự kiện bắt đầu thay đổi. Chỉ số BMI trung bình của dân số ở các nước thuộc Thế giới thứ nhất bắt đầu tăng, trong đó tỷ lệ người thừa cân và béo phì tăng lên nhanh chóng.[223]
Năm 1997, WHO chính thức công nhận béo phì là một đại dịch toàn cầu.[116] Tính đến năm 2008, WHO ước tính có ít nhất 500 triệu người trưởng thành (hơn 10%) bị béo phì, với tỷ lệ ở phụ nữ cao hơn nam giới.[224] Tỷ lệ béo phì trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi từ năm 1980 đến năm 2014. Năm 2014, hơn 600 triệu người trưởng thành bị béo phì, tương đương với khoảng 13% dân số trưởng thành trên thế giới.[225] Tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì ở Hoa Kỳ tính đến năm 2015–2016 nói chung là khoảng 39,6% (37,9% nam và 41,1% nữ).[226] Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng thừa cân và béo phì đang thay thế các mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng truyền thống như suy dinh dưỡng và các bệnh truyền nhiễm, và hiện là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sức khỏe kém.[227]
Tỷ lệ béo phì cũng tăng theo độ tuổi bao gồm trên 50 hoặc 60 tuổi[54]:5 và béo phì trầm trọng ở Hoa Kỳ, Úc và Canada đang gia tăng nhanh hơn tỷ lệ béo phì chung.[32][228][229] OECD đã dự đoán tỷ lệ béo phì sẽ gia tăng ít nhất cho đến năm 2030, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, Mexico và Anh với tỷ lệ lần lượt là 47%, 39% và 35%.[230]
Từng được coi là vấn đề chỉ của riêng các nước có thu nhập cao, tỷ lệ béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến cả các nước phát triển và các nước đang phát triển.[231] Những sự gia tăng này được cảm nhận rõ rệt nhất ở môi trường đô thị.[224]
Sự khác biệt về giới tính và dựa trên giới tính cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ béo phì. Trên toàn cầu, phụ nữ béo phì nhiều hơn nam giới, nhưng con số này khác nhau tùy thuộc vào cách đo lường béo phì.[232][233]
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Thái độ lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Y học Hy Lạp cổ đại công nhận béo phì là một chứng rối loạn y tế và ghi chép rằng người Ai Cập cổ đại cũng nhìn nhận tương tự như vậy.[222] Hippocrates đã viết rằng "Thừa cân không chỉ là một căn bệnh mà còn là điềm báo những điều khác".[2] Bác sĩ phẫu thuật người Ấn Độ Sushruta (thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên) liên hệ béo phì với bệnh tiểu đường và rối loạn tim.[235] Ông khuyên nên tập thể dục để giúp chữa bệnh và chữa các tác dụng phụ của nó.[235] Trong phần lớn lịch sử loài người, nhân loại phải vật lộn với tình trạng khan hiếm lương thực.[236] Do đó, trong lịch sử béo phì được coi là dấu hiệu của sự giàu có và thịnh vượng. Quan niệm này phổ biến trong giới quan lại chức cao trong các nền văn minh Đông Á cổ đại.[237] Vào thế kỷ 17, tác giả y học người Anh Tobias Venner được ghi nhận là một trong những người đầu tiên gọi thuật ngữ béo phì như một căn bệnh xã hội trong một cuốn sách tiếng Anh đã xuất bản của ông.[222][238]
Với sự khởi đầu của Cách mạng Công nghiệp, người ta nhận ra rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của các quốc gia phụ thuộc vào cả kích cỡ cơ thể lẫn sức mạnh của binh lính và công nhân của họ.[116] Việc tăng chỉ số khối cơ thể trung bình từ mức hiện được coi là thiếu cân lên mức bình thường đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các xã hội công nghiệp hóa.[116] Do đó, chiều cao và cân nặng con người đều tăng trong suốt thế kỷ 19 ở các nước phát triển. Trong thế kỷ 20, khi dân số đạt đến tiềm năng di truyền về chiều cao, cân nặng bắt đầu tăng nhiều hơn chiều cao, dẫn đến béo phì.[116] Vào những năm 1950, sự giàu có ngày càng tăng ở các nước phát triển đã làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nhưng khi trọng lượng cơ thể tăng lên, bệnh tim và thận trở nên phổ biến hơn.[116][239] Trong thời kỳ này, các công ty bảo hiểm nhận ra mối liên hệ giữa cân nặng và tuổi thọ cũng như việc tăng phí bảo hiểm cho người béo phì.[2]
Nhiều nền văn hóa trong suốt lịch sử đã coi béo phì là kết quả của một khuyết điểm về tính cách. Nhân vật béo phì hay mập ú trong hài kịch Hy Lạp cổ đại là một kẻ háu ăn và hay giễu cợt. Trong thời đại Cơ đốc giáo, thức ăn được coi là cửa ngõ dẫn đến tội lỗi lười biếng và ham muốn.[21] Trong văn hóa phương Tây hiện đại, thừa cân thường được coi là kém hấp dẫn và béo phì thường gắn liền với nhiều định kiến tiêu cực khác nhau. Những người béo ở mọi lứa tuổi đều có thể phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội và có thể là mục tiêu của những kẻ bắt nạt hoặc bị bạn bè xa lánh.[240]
Nhận thức của công chúng phương Tây về trọng lượng cơ thể khỏe mạnh khác với nhận thức về cân nặng được coi là lý tưởng – và cả hai đều đã thay đổi kể từ đầu thế kỷ 20. Trọng lượng được coi là lý tưởng đã trở nên thấp hơn kể từ những năm 1920. Điều này được minh họa bằng việc chiều cao trung bình của những người chiến thắng cuộc thi Hoa hậu Mỹ tăng 2% từ năm 1922 đến năm 1999, trong khi cân nặng trung bình của họ giảm 12%.[241] Mặt khác, quan điểm của mọi người về cân nặng khỏe mạnh lại thay đổi theo hướng ngược lại. Ở Anh, cân nặng mà mọi người coi là thừa cân vào năm 2007 cao hơn đáng kể so với năm 1999.[242] Những thay đổi này được cho là do tỷ lệ béo phì ngày càng tăng dẫn đến việc đẩy mạnh sự chấp nhận lượng mỡ thừa trong cơ thể như một điều bình thường.[242]
Béo phì hiện vẫn được coi là dấu hiệu của sự giàu có và hạnh phúc ở nhiều nơi tại Châu Phi. Điều này đã trở nên đặc biệt phổ biến kể từ khi đại dịch HIV bùng nổ.[2]
Nghệ thuật
[sửa | sửa mã nguồn]Những tác phẩm điêu khắc đầu tiên về cơ thể con người được tạo ra cách đây 20.000–35.000 năm mô tả những phụ nữ béo phì. Một quan điểm cho rằng Tượng thần Vệ nữ có xu hướng nhấn mạnh đến khả năng sinh sản trong khi quan điểm khác cho rằng chúng đại diện cho sự "mập mạp" của con người thời đó.[21] Tuy nhiên, sự thô thiển này không có trong văn hóa nghệ thuật Hy Lạp lẫn La Mã, lý tưởng của họ là sự điều độ. Điều này tiếp tục diễn ra trong phần lớn lịch sử Cơ đốc giáo ở châu Âu, chỉ những người có địa vị kinh tế xã hội thấp mới được miêu tả là béo phì.[21]
Trong thời kỳ Phục hưng, một số tầng lớp thượng lưu bắt đầu phô trương vóc dáng to lớn của họ, như có thể thấy trong các bức chân dung của Henry VIII của Anh và Alessandro dal Borro.[21] Rubens (1577–1640) thường xuyên miêu tả những người phụ nữ to béo trong các bức tranh của mình, từ đó bắt nguồn thuật ngữ "Rubenesque". Tuy nhiên, những phụ nữ được vẽ này vẫn duy trì tiêu chuẩn thân hình "đồng hồ cát" vì mối liên hệ với khả năng sinh sản.[243] Quan điểm về béo phì đã thay đổi trong thế giới phương Tây vào thế kỷ 19. Sau nhiều thế kỷ béo phì đồng nghĩa với sự giàu có và địa vị xã hội, thân hình mảnh mai bắt đầu được coi là tiêu chuẩn đáng mơ ước.[21] Trong bản in năm 1819 của George Cruikshank, The Belle Alliance, or the Female Reformers of Blackburn!!!,, ông đã chỉ trích công việc của các nhà cải cách nữ ở Blackburn và dùng hình ảnh béo phì như một phương tiện để miêu tả họ là không nữ tính.[244]
Xã hội và văn hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Tác động kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Ngoài những ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe, béo phì còn dẫn đến nhiều vấn đề khác, bao gồm những bất lợi trong việc làm[245]:29[246] và làm tăng chi phí kinh doanh.
Năm 2005, chi phí y tế cho béo phì ở Mỹ ước tính khoảng 190,2 tỷ USD hay 20,6% tổng chi phí y tế,[247][248][249] trong khi chi phí cho bệnh béo phì ở Canada ước tính khoảng 2 tỷ CA$ vào năm 1997 (2,4% tổng chi phí y tế).[98] Tổng chi phí trực tiếp hàng năm chi cho tình trạng thừa cân và béo phì ở Úc năm 2005 là 21 tỷ đô la Úc. Những người thừa cân và béo phì ở Úc cũng nhận được 35,6 tỷ đô la Úc trợ cấp của chính phủ.[250] Phạm vi ước tính chi tiêu hàng năm cho các sản phẩm ăn kiêng là từ 40 tỷ đến 100 tỷ USD chỉ riêng ở Hoa Kỳ.[251]
Ủy ban The Lancet về Béo phì vào năm 2019 đã kêu gọi một hiệp ước toàn cầu—theo mô hình Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO—cam kết các quốc gia giải quyết tình trạng béo phì và suy dinh dưỡng, loại trừ rõ ràng ngành công nghiệp thực phẩm khỏi việc phát triển chính sách. Họ ước tính chi phí của bệnh béo phì trên toàn cầu là 2 nghìn tỷ USD mỗi năm, khoảng 2,8% GDP thế giới.[252]
Các chương trình phòng ngừa béo phì đã được chứng minh là làm giảm chi phí điều trị các bệnh liên quan đến béo phì. Tuy nhiên, con người càng sống lâu thì chi phí y tế càng phải gánh chịu lâu dài. Do đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc giảm béo phì có thể cải thiện sức khỏe cộng đồng nhưng khó có thể làm giảm chi tiêu y tế tổng thể.[253] Các loại thuế như thuế đồ uống có đường đã được thực hiện ở một số quốc gia trên toàn cầu nhằm hạn chế thói quen ăn uống không lành mạnh, cũng như nhằm bù đắp phí tổn kinh tế.[254]
Béo phì có thể dẫn đến sự kỳ thị của xã hội và bất lợi trong môi trường việc làm.[245]:29 Khi so sánh với những người có cân nặng bình thường, những người lao động béo phì trung bình họ có tỷ lệ nghỉ làm cao hơn và nghỉ ốm nhiều hơn, do đó làm tăng chi phí cho người sử dụng lao động và giảm năng suất lao động.[256] Một nghiên cứu kiểm tra các nhân viên của Đại học Duke cho thấy những người có chỉ số BMI trên 40 kg/m2 đã nộp đơn yêu cầu bồi thường cho người lao động nhiều gấp đôi so với những người có chỉ số BMI là 18,5–24,9 kg/m2. Họ cũng có số ngày làm việc ít đi nhiều hơn gấp 12 lần. Các thương tích thường gặp nhất ở nhóm này là do ngã và nâng cao, ảnh hưởng đến hai chân, cổ tay hoặc bàn tay và lưng.[257] Ủy ban Bảo hiểm Nhân viên Tiểu bang Alabama đã thông qua một kế hoạch gây tranh cãi nhằm tính phí bảo hiểm y tế cho những người lao động béo phì 25 đô la một tháng, và chỉ sẽ miễn phí trừ khi họ thực hiện các bước để giảm cân và cải thiện sức khỏe của mình. Các biện pháp này bắt đầu vào tháng 1 năm 2010 và áp dụng cho những công chức nhà nước có chỉ số BMI vượt quá 35 kg/m2 mà không cải thiện được sức khỏe sau một năm.[258]
Một số nghiên cứu cho thấy những người béo phì ít có cơ hội được tuyển dụng làm việc và ít có khả năng được thăng chức.[240] Những người béo phì cũng được trả lương thấp hơn so với những người không béo phì cho một công việc tương đương; trung bình phụ nữ béo phì kiếm được ít hơn 6% và đàn ông béo phì kiếm được ít hơn 3%.[245]:30
Ngành hàng không, y tế và thực phẩm, có những mối quan tâm đặc biệt đối với lao động và khách hàng béo phì. Do tỷ lệ béo phì ngày càng tăng, các hãng hàng không phải đối mặt với chi phí nhiên liệu cao hơn và áp lực phải tăng chiều rộng chỗ ngồi.[259] Năm 2000, trọng lượng tăng thêm của hành khách béo phì khiến các hãng hàng không thiệt hại 275 triệu USD.[260] Ngành chăm sóc sức khỏe đã phải đầu tư vào các cơ sở vật chất đặc biệt để đáp ứng phục vụ những bệnh nhân béo phì nghiêm trọng, bao gồm thiết bị nâng đặc biệt và xe cứu thương dành cho người béo phì.[261] Chi phí cho các nhà hàng tăng lên do kiện tụng cáo buộc họ gây ra béo phì cho thực khách.[262] Năm 2005, Quốc hội Hoa Kỳ thảo luận về luật ngăn chặn các vụ kiện dân sự chống lại ngành công nghiệp thực phẩm liên quan đến béo phì; tuy nhiên đã không thành công.[262]
Vào năm 2013, với việc Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) phân loại béo phì là một bệnh mãn tính,[24] người ta cho rằng các công ty bảo hiểm y tế sẽ có nhiều khả năng phải chi trả cho việc điều trị, tư vấn và phẫu thuật béo phì cũng như chi phí nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị béo phì hoặc phương pháp điều trị bằng liệu pháp gen sẽ có giá cả phải chăng hơn nếu các công ty bảo hiểm giúp trợ cấp chi phí cho họ.[263] Tuy nhiên, việc phân loại của AMA không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nên các công ty bảo hiểm y tế vẫn có quyền từ chối bảo hiểm cho bất kỳ một phương pháp điều trị hoặc phẫu thuật nào.[263]
Năm 2014, Tòa án Công lý Châu Âu đã ra phán quyết rằng bệnh béo phì là một khuyết tật. Tòa án cho rằng nếu tình trạng béo phì của một nhân viên ngăn cản họ "tham gia đầy đủ và hiệu quả vào đời sống nghề nghiệp trên cơ sở bình đẳng với những người lao động khác", thì đó sẽ bị coi là khuyết tật và việc sa thải ai đó vì lý do béo phì là phân biệt đối xử.[264]
Ở các nước thu nhập thấp, béo phì có thể là dấu hiệu của sự giàu có. Một nghiên cứu thực nghiệm năm 2023 cho thấy những người béo phì ở Uganda có nhiều khả năng tiếp cận tín dụng hơn.[265]
Chấp nhận kích thước
[sửa | sửa mã nguồn]Mục tiêu chính của phong trào chấp nhận chất béo là làm giảm sự phân biệt đối xử đối với những người thừa cân và béo phì.[267][268] Tuy nhiên, một số người trong phong trào này cũng đang cố gắng đối mặt thách thức về mối quan hệ giữa béo phì và các kết quả sức khỏe tiêu cực của béo phì.[269]
Một số tổ chức tồn tại nhằm thúc đẩy việc chấp nhận béo phì. Họ ngày càng nổi bật vào nửa sau của thế kỷ 20.[270] Hiệp hội quốc gia thúc đẩy việc chấp nhận chất béo (NAAFA) có trụ sở tại Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1969 và tự mô tả mình là một tổ chức dân quyền chuyên về chấm dứt sự phân biệt đối xử liên quan kích cỡ ngoại hình.[271]
Hiệp hội Chấp nhận Kích thước Quốc tế (ISAA) là một tổ chức phi chính phủ (NGO) được thành lập vào năm 1997. Hiệp hội này có định hướng toàn cầu hơn các tổ chức khác và họ mô tả sứ mệnh của mình là thúc đẩy việc chấp nhận kích thước cũng như giúp chấm dứt sự phân biệt đối xử dựa trên trọng lượng.[272] Các tổ chức thường tranh luận về việc công nhận béo phì là một tình trạng khuyết tật theo Đạo luật Khuyết tật Hoa Kỳ năm 1990 (ADA). Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Hoa Kỳ đã quyết định rằng chi phí y tế công cộng tiềm ẩn sẽ vượt quá lợi ích của việc mở rộng luật chống phân biệt đối xử này để chi trả cho bệnh béo phì.[269]
Ảnh hưởng của ngành đến nghiên cứu
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 2015, tờ New York Times đã đăng một bài báo trên Mạng lưới Cân bằng Năng lượng Toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2014 nhằm mục đích vận động mọi người tập trung vào việc tăng cường tập thể dục hơn là giảm lượng calo nạp vào để tránh béo phì và để khỏe mạnh hơn. Tổ chức này được thành lập với nguồn tài trợ ít nhất 1,5 triệu đô la từ Công ty Coca-Cola và kể từ năm 2008, công ty đã chu cấp 4 triệu đô la tài trợ nghiên cứu cho hai nhà khoa học sáng lập là Gregory A. Hand và Steven N. Blair.[273][274]
Báo cáo
[sửa | sửa mã nguồn]Nhiều tổ chức đã công bố các báo cáo liên quan đến bệnh béo phì. Năm 1998, tài liệu hướng dẫn đầu tiên của Liên bang Hoa Kỳ được xuất bản với tiêu đề "Hướng dẫn lâm sàng về xác định, đánh giá và điều trị thừa cân và béo phì ở người lớn: Báo cáo bằng chứng" ("Clinical Guidelines on the Identification, Evaluation, and Treatment of Overweight and Obesity in Adults: The Evidence Report").[275] Năm 2006, Canadian Obesity Network, hiện được gọi là Obésité Canada đã xuất bản "Hướng dẫn Thực hành Lâm sàng Canada (CPG) về Quản lý và Phòng ngừa Béo phì ở Người lớn và Trẻ em" ("Canadian Clinical Practice Guidelines (CPG) on the Management and Prevention of Obesity in Adults and Children"). Đây là hướng dẫn toàn diện dựa trên bằng chứng nhằm phục vụ công việc quản lý và phòng ngừa thừa cân và béo phì ở người lớn và trẻ em.[98]
Năm 2004, Trường Cao đẳng Bác sĩ Hoàng gia Luân Đôn, Khoa Y tế Công cộng và Trường Cao đẳng Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia đã công bố báo cáo "Lưu trữ các vấn đề" ("Storing up Problems"), trong đó nhấn mạnh vấn đề béo phì đang gia tăng ở Anh.[276] Cùng năm, Ủy ban Lựa chọn Chăm sóc Sức khỏe và Xã hội của Hạ Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã công bố "cuộc điều tra toàn diện nhất [...] từng được thực hiện" về tác động của béo phì đối với sức khỏe và xã hội ở Anh và các phương pháp tiếp cận có thể giải quyết vấn đề.[277] Năm 2006, Viện Tài năng Y tế và Chăm sóc Sức khỏe (NICE) đã ban hành hướng dẫn về chẩn đoán và quản lý bệnh béo phì, cũng như các gợi ý chính sách cho các tổ chức phi-chăm sóc sức khỏe như các hội đồng địa phương.[278] Một báo cáo năm 2007 do Derek Wanless thực hiện cho Quỹ King (King's Fund) đã cảnh báo rằng trừ khi có bước hành động tiếp theo, hiện béo phì có khả năng làm suy yếu tài chính của Dịch vụ Y tế Quốc gia.[279] Vào năm 2022, Viện Nghiên cứu Chăm sóc và Sức khỏe Quốc gia (NIHR) đã công bố một đánh giá toàn diện về nghiên cứu về những gì chính quyền địa phương có thể làm để giảm béo phì.[205]
The Obesity Policy Action (OPA) phân chia các chính sách thượng nguồn (upstream), chính sách trung nguồn (midstream) và chính sách hạ nguồn (downstream). Các chính sách thượng nguồn liên quan đến việc thay đổi xã hội, trong khi các chính sách trung nguồn cố gắng thay đổi các hành vi được cho là góp phần gây ra béo phì ở cấp độ cá nhân, trong khi các chính sách hạ nguồn điều trị cho những người béo phì hiện nay.[280]
Béo phì ở trẻ em
[sửa | sửa mã nguồn]Phạm vi của BMI khỏe mạnh thay đổi theo độ tuổi và giới tính của trẻ em. Béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên được định nghĩa là chỉ số BMI lớn hơn 95 %.[281] Dữ liệu tham khảo mà các chỉ số phần trăm này dựa vào là dữ liệu từ năm 1963 đến năm 1994 và do đó không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng tỷ lệ béo phì gần đây.[282] Béo phì ở trẻ em đã đạt đến mức độ đại dịch trong thế kỷ 21, với tỷ lệ ngày càng gia tăng ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em trai Canada đã tăng từ 11% vào những năm 1980 lên hơn 30% vào những năm 1990, trong khi cùng thời gian này tỷ lệ béo phì ở trẻ em Brazil tăng từ 4 lên 14%.[283] Tại Anh, số trẻ em béo phì năm 2005 nhiều hơn 60% so với năm 1989.[284] Tại Mỹ, tỷ lệ trẻ em thừa cân và béo phì tăng lên 16% vào năm 2008, tăng 300% so với 30 năm trước đó.[285]
Cũng giống như béo phì ở người lớn, có nhiều yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em. Thay đổi chế độ ăn uống và giảm hoạt động thể chất được cho là hai nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em gần đây.[286] Quảng cáo các loại thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em cũng góp phần vì nó làm tăng mức tiêu thụ sản phẩm của chúng.[287] Dùng thuốc kháng sinh trong 6 tháng đầu đời có liên quan đến tình trạng thừa cân ở độ tuổi từ 7 đến 12 tuổi.[171] Vì béo phì ở trẻ em thường kéo dài đến tuổi trưởng thành và có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính nên trẻ béo phì thường được kiểm tra bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu và bệnh gan nhiễm mỡ.[98]
Các phương pháp điều trị béo phì được sử dụng ở trẻ em chủ yếu là can thiệp vào lối sống và kỹ thuật hành vi, mặc dù những nỗ lực nhằm tăng cường vận động ở trẻ có rất ít thành công.[288] Tại Hoa Kỳ, việc dùng thuốc sử dụng cho nhóm tuổi này không được FDA chấp thuận.[283] Các biện pháp can thiệp ngắn hạn để kiểm soát cân nặng ở cơ sở chăm sóc ban đầu (ví dụ do bác sĩ hoặc y tá thực hiện) chỉ có tác dụng tích cực nhẹ trong việc giảm tình trạng thừa cân hoặc béo phì ở trẻ em.[289] Các biện pháp can thiệp thay đổi hành vi đa dạng bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và hoạt động thể chất có thể làm giảm BMI trong thời gian ngắn ở trẻ từ 6 đến 11 tuổi, mặc dù lợi ích rất nhỏ và bằng chứng chất lượng thấp.[290]
Động vật khác
[sửa | sửa mã nguồn]Béo phì ở thú cưng là tình trạng phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại Hoa Kỳ, 23–41% chó bị thừa cân và khoảng 5,1% bị béo phì.[291] Tỷ lệ béo phì ở mèo cao hơn một ít, ở mức 6,4%.[291] Tại Úc, tỷ lệ béo phì ở chó trong môi trường thú y là 7,6%.[292] Nguy cơ béo phì ở chó liên quan đến việc chủ của chúng có bị béo phì hay không; tuy nhiên, không có mối tương quan tương tự giữa mèo và chủ của chúng.[293]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Mức huyết áp cao bình thường
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f g h i “Obesity and overweight Fact sheet N°311”. WHO. tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2016.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z aa ab ac ad Haslam DW, James WP (tháng 10 năm 2005). “Obesity”. Lancet (Review). 366 (9492): 1197–1209. doi:10.1016/S0140-6736(05)67483-1. PMID 16198769. S2CID 208791491.
- ^ a b Luppino FS, de Wit LM, Bouvy PF, Stijnen T, Cuijpers P, Penninx BW, Zitman FG (tháng 3 năm 2010). “Overweight, obesity, and depression: a systematic review and meta-analysis of longitudinal studies”. Archives of General Psychiatry. 67 (3): 220–9. doi:10.1001/archgenpsychiatry.2010.2. PMID 20194822.
- ^ a b Yazdi FT, Clee SM, Meyre D (2015). “Obesity genetics in mouse and human: back and forth, and back again”. PeerJ. 3: e856. doi:10.7717/peerj.856. PMC 4375971. PMID 25825681.
- ^ a b c Yanovski SZ, Yanovski JA (tháng 1 năm 2014). “Long-term drug treatment for obesity: a systematic and clinical review”. JAMA (Review). 311 (1): 74–86. doi:10.1001/jama.2013.281361. PMC 3928674. PMID 24231879.
- ^ a b c Colquitt JL, Pickett K, Loveman E, Frampton GK (tháng 8 năm 2014). “Surgery for weight loss in adults”. The Cochrane Database of Systematic Reviews (Meta-analysis, Review). 2014 (8): CD003641. doi:10.1002/14651858.CD003641.pub4. PMC 9028049. PMID 25105982.
- ^ NCD Risk Factor Collaboration (NCD-RisC) (29 tháng 2 năm 2024). “Worldwide trends in underweight and obesity from 1990 to 2022: a pooled analysis of 3663 population-representative studies with 222 million children, adolescents, and adults”. The Lancet. 403 (10431): 1027–1050. doi:10.1016/S0140-6736(23)02750-2. ISSN 0140-6736. PMC 7615769. PMID 38432237.
- ^ Powell-Wiley TM, Poirier P, Burke LE, Després JP, Gordon-Larsen P, Lavie CJ, Lear SA, Ndumele CE, Neeland IJ, Sanders P, St-Onge MP (tháng 5 năm 2021). “Obesity and Cardiovascular Disease: A Scientific Statement From the American Heart Association”. Circulation. 143 (21): e984–e1010. doi:10.1161/CIR.0000000000000973. PMC 8493650. PMID 33882682.
- ^ CDC (21 tháng 3 năm 2022). “Causes and Consequences of Childhood Obesity”. Centers for Disease Control and Prevention (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2022.
- ^ “Policy Finder”. American Medical Association (AMA). Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b Kanazawa M, Yoshiike N, Osaka T, Numba Y, Zimmet P, Inoue S (2005). “Criteria and Classification of Obesity in Japan and Asia-Oceania”. Nutrition and Fitness: Obesity, the Metabolic Syndrome, Cardiovascular Disease, and Cancer. World Review of Nutrition and Dietetics. 94. tr. 1–12. doi:10.1159/000088200. ISBN 978-3-8055-7944-5. PMID 16145245. S2CID 19963495.
- ^ “Obesity - Symptoms and causes”. Mayo Clinic (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021.
- ^ a b c Chiolero A (tháng 10 năm 2018). “Why causality, and not prediction, should guide obesity prevention policy”. The Lancet. Public Health. 3 (10): e461–e462. doi:10.1016/S2468-2667(18)30158-0. PMID 30177480.
- ^ Kassotis CD, Vandenberg LN, Demeneix BA, Porta M, Slama R, Trasande L (tháng 8 năm 2020). “Endocrine-disrupting chemicals: economic, regulatory, and policy implications”. The Lancet. Diabetes & Endocrinology. 8 (8): 719–730. doi:10.1016/S2213-8587(20)30128-5. PMC 7437819. PMID 32707119.
- ^ a b Bleich S, Cutler D, Murray C, Adams A (2008). “Why is the developed world obese?”. Annual Review of Public Health (Research Support). 29: 273–295. doi:10.1146/annurev.publhealth.29.020907.090954. PMID 18173389.
- ^ Strohacker K, Carpenter KC, McFarlin BK (15 tháng 7 năm 2009). “Consequences of Weight Cycling: An Increase in Disease Risk?”. International Journal of Exercise Science. 2 (3): 191–201. PMC 4241770. PMID 25429313.
- ^ Imaz I, Martínez-Cervell C, García-Alvarez EE, Sendra-Gutiérrez JM, González-Enríquez J (tháng 7 năm 2008). “Safety and effectiveness of the intragastric balloon for obesity. A meta-analysis”. Obesity Surgery. 18 (7): 841–846. doi:10.1007/s11695-007-9331-8. PMID 18459025. S2CID 10220216.
- ^ Encyclopedia of Mental Health (ấn bản thứ 2). Academic Press. 2015. tr. 158. ISBN 978-0-12-397753-3.
- ^ NCD Risk Factor Collaboration (NCD-RisC) (29 tháng 2 năm 2024). “Worldwide trends in underweight and obesity from 1990 to 2022: a pooled analysis of 3663 population-representative studies with 222 million children, adolescents, and adults”. The Lancet. 403 (10431): 1027–1050. doi:10.1016/S0140-6736(23)02750-2. ISSN 0140-6736. PMC 7615769. PMID 38432237.
- ^ “One in eight people are now living with obesity”. www.who.int (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2024.
- ^ a b c d e f Woodhouse R (2008). Obesity in art: a brief overview. Frontiers of Hormone Research. 36. tr. 271–86. doi:10.1159/000115370. ISBN 978-3-8055-8429-6. PMID 18230908.
- ^ “The implications of defining obesity as a disease: a report from the Association for the Study of Obesity 2021 annual conference - eClinicalMedicine”.
- ^ a b c d e f Jensen MD, Ryan DH, Apovian CM, Ard JD, Comuzzie AG, Donato KA, Hu FB, Hubbard VS, Jakicic JM, Kushner RF, Loria CM, Millen BE, Nonas CA, Pi-Sunyer FX, Stevens J, Stevens VJ, Wadden TA, Wolfe BM, Yanovski SZ, Jordan HS, Kendall KA, Lux LJ, Mentor-Marcel R, Morgan LC, Trisolini MG, Wnek J, Anderson JL, Halperin JL, Albert NM, Bozkurt B, Brindis RG, Curtis LH, DeMets D, Hochman JS, Kovacs RJ, Ohman EM, Pressler SJ, Sellke FW, Shen WK, Smith SC, Tomaselli GF (tháng 6 năm 2014). “2013 AHA/ACC/TOS guideline for the management of overweight and obesity in adults: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines and The Obesity Society”. Circulation. 129 (25 Suppl 2): S102–S138. doi:10.1161/01.cir.0000437739.71477.ee. PMC 5819889. PMID 24222017.
- ^ a b Pollack A (18 tháng 6 năm 2013). “A.M.A. Recognizes Obesity as a Disease”. The New York Times. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 6 năm 2013.
- ^ Weinstock M (21 tháng 6 năm 2013). “The Facts About Obesity”. H&HN. American Hospital Association. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2013.
- ^ a b The SuRF Report 2 (PDF). The Surveillance of Risk Factors Report Series (SuRF). World Health Organization. 2005. tr. 22.
- ^ a b “25% dân số Việt Nam đang bị thừa cân béo phì”. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. 21 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2024.
- ^ a b c d “Obesity and overweight”. World Health Organization. 9 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2022.
- ^ “Defining Adult Overweight and Obesity”. U.S. Centers for Disease Control and Prevention. 7 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2022.
- ^ “BMI-for-age (5–19 years)”. World Health Organization. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2022.
- ^ a b Bei-Fan Z (tháng 12 năm 2002). “Predictive values of body mass index and waist circumference for risk factors of certain related diseases in Chinese adults: study on optimal cut-off points of body mass index and waist circumference in Chinese adults”. Asia Pac J Clin Nutr. 11 (Suppl 8): S685–93. doi:10.1046/j.1440-6047.11.s8.9.x.; Ban đầu được in dưới dạng Zhou BF (tháng 3 năm 2002). “Predictive values of body mass index and waist circumference for risk factors of certain related diseases in Chinese adults--study on optimal cut-off points of body mass index and waist circumference in Chinese adults”. Biomedical and Environmental Sciences. 15 (1): 83–96. PMID 12046553.
- ^ a b Sturm R (tháng 7 năm 2007). “Increases in morbid obesity in the USA: 2000–2005”. Public Health. 121 (7): 492–6. doi:10.1016/j.puhe.2007.01.006. PMC 2864630. PMID 17399752.
- ^ Seidell JC, Flegal KM (1997). “Assessing obesity: classification and epidemiology” (PDF). British Medical Bulletin. 53 (2): 238–252. doi:10.1093/oxfordjournals.bmb.a011611. PMID 9246834.
- ^ Lin, Ting-Yun; Lim, Paik-Seong; Hung, Szu-Chun (23 tháng 12 năm 2017). “Impact of Misclassification of Obesity by Body Mass Index on Mortality in Patients With CKD”. Kidney International Reports. 3 (2): 447–455. doi:10.1016/j.ekir.2017.12.009. ISSN 2468-0249. PMC 5932305. PMID 29725649.
- ^ “Regular Exercise: How It Can Boost Your Health”.
- ^ “NFL Players Not at Increased Heart Risk: Study finds they showed no more signs of cardiovascular trouble than general male population”.
- ^ a b Yamauchi T, Abe T, Midorikawa T, Kondo M (2004). “Body composition and resting metabolic rate of Japanese college Sumo wrestlers and non-athlete students: are Sumo wrestlers obese?”. Anthropological Science. 112 (2): 179–185. doi:10.1537/ase.040210.
- ^ a b Blüher M (tháng 5 năm 2019). “Obesity: global epidemiology and pathogenesis”. Nature Reviews. Endocrinology. 15 (5): 288–298. doi:10.1038/s41574-019-0176-8. PMID 30814686. S2CID 71146382.
- ^ a b c d Whitlock G, Lewington S, Sherliker P, Clarke R, Emberson J, Halsey J, Qizilbash N, Collins R, Peto R (tháng 3 năm 2009). “Body-mass index and cause-specific mortality in 900 000 adults: collaborative analyses of 57 prospective studies”. Lancet. 373 (9669): 1083–96. doi:10.1016/S0140-6736(09)60318-4. PMC 2662372. PMID 19299006.
- ^ Barness LA, Opitz JM, Gilbert-Barness E (tháng 12 năm 2007). “Obesity: genetic, molecular, and environmental aspects”. American Journal of Medical Genetics. Part A. 143A (24): 3016–34. doi:10.1002/ajmg.a.32035. PMID 18000969. S2CID 7205587.
- ^ Mokdad AH, Marks JS, Stroup DF, Gerberding JL (tháng 3 năm 2004). “Actual causes of death in the United States, 2000”. JAMA. 291 (10): 1238–45. doi:10.1001/jama.291.10.1238. PMID 15010446. S2CID 14589790.
- ^ Allison DB, Fontaine KR, Manson JE, Stevens J, VanItallie TB (tháng 10 năm 1999). “Annual deaths attributable to obesity in the United States”. JAMA. 282 (16): 1530–8. doi:10.1001/jama.282.16.1530. PMID 10546692.
- ^ Aune D, Sen A, Prasad M, Norat T, Janszky I, Tonstad S, Romundstad P, Vatten LJ (tháng 5 năm 2016). “BMI and all cause mortality: systematic review and non-linear dose-response meta-analysis of 230 cohort studies with 3.74 million deaths among 30.3 million participants”. BMJ. 353: i2156. doi:10.1136/bmj.i2156. PMC 4856854. PMID 27146380.
- ^ a b Di Angelantonio E, Bhupathiraju S, Wormser D, Gao P, Kaptoge S, Berrington de Gonzalez A, Cairns BJ, Huxley R, Jackson C, Joshy G, Lewington S, Manson JE, Murphy N, Patel AV, Samet JM, Woodward M, Zheng W, Zhou M, Bansal N, Barricarte A, Carter B, Cerhan JR, Smith GD, Fang X, Franco OH, Green J, Halsey J, Hildebrand JS, Jung KJ, Korda RJ, McLerran DF, Moore SC, O'Keeffe LM, Paige E, Ramond A, Reeves GK, Rolland B, Sacerdote C, Sattar N, Sofianopoulou E, Stevens J, Thun M, Ueshima H, Yang L, Yun YD, Willeit P, Banks E, Beral V, Chen Z, Gapstur SM, Gunter MJ, Hartge P, Jee SH, Lam TH, Peto R, Potter JD, Willett WC, Thompson SG, Danesh J, Hu FB, và đồng nghiệp (The Global BMI Mortality Collaboration) (tháng 8 năm 2016). “Body-mass index and all-cause mortality: individual-participant-data meta-analysis of 239 prospective studies in four continents”. Lancet. 388 (10046): 776–86. doi:10.1016/S0140-6736(16)30175-1. PMC 4995441. PMID 27423262.
- ^ Calle EE, Thun MJ, Petrelli JM, Rodriguez C, Heath CW (tháng 10 năm 1999). “Body-mass index and mortality in a prospective cohort of U.S. adults”. The New England Journal of Medicine. 341 (15): 1097–105. doi:10.1056/NEJM199910073411501. PMID 10511607.
- ^ Pischon T, Boeing H, Hoffmann K, Bergmann M, Schulze MB, Overvad K, van der Schouw YT, Spencer E, Moons KG, Tjønneland A, Halkjaer J, Jensen MK, Stegger J, Clavel-Chapelon F, Boutron-Ruault MC, Chajes V, Linseisen J, Kaaks R, Trichopoulou A, Trichopoulos D, Bamia C, Sieri S, Palli D, Tumino R, Vineis P, Panico S, Peeters PH, May AM, Bueno-de-Mesquita HB, van Duijnhoven FJ, Hallmans G, Weinehall L, Manjer J, Hedblad B, Lund E, Agudo A, Arriola L, Barricarte A, Navarro C, Martinez C, Quirós JR, Key T, Bingham S, Khaw KT, Boffetta P, Jenab M, Ferrari P, Riboli E (tháng 11 năm 2008). “General and abdominal adiposity and risk of death in Europe”. The New England Journal of Medicine. 359 (20): 2105–20. doi:10.1056/NEJMoa0801891. PMID 19005195. S2CID 23967973.
- ^ Carmienke S, Freitag MH, Pischon T, Schlattmann P, Fankhaenel T, Goebel H, Gensichen J (tháng 6 năm 2013). “General and abdominal obesity parameters and their combination in relation to mortality: a systematic review and meta-regression analysis”. European Journal of Clinical Nutrition. 67 (6): 573–85. doi:10.1038/ejcn.2013.61. PMID 23511854.
- ^ WHO Expert Consultation (tháng 1 năm 2004). “Appropriate body-mass index for Asian populations and its implications for policy and intervention strategies”. Lancet. 363 (9403): 157–63. doi:10.1016/s0140-6736(03)15268-3. PMID 14726171. S2CID 15637224.
- ^ “Obesity”. www.who.int (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2022.
- ^ Peeters A, Barendregt JJ, Willekens F, Mackenbach JP, Al Mamun A, Bonneux L (tháng 1 năm 2003). “Obesity in adulthood and its consequences for life expectancy: a life-table analysis” (PDF). Annals of Internal Medicine. 138 (1): 24–32. doi:10.7326/0003-4819-138-1-200301070-00008. hdl:1765/10043. PMID 12513041. S2CID 8120329.
- ^ Grundy SM (tháng 6 năm 2004). “Obesity, metabolic syndrome, and cardiovascular disease”. The Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism. 89 (6): 2595–600. doi:10.1210/jc.2004-0372. PMID 15181029. S2CID 7453798.
- ^ “Obesity linked to long Covid-19, RAK hospital study finds”. Khaleej Times. 12 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2021.
- ^ Kompaniyets L, Pennington AF, Goodman AB, Rosenblum HG, Belay B, Ko JY, Chevinsky JR, Schieber LZ, Summers AD, Lavery AM, Preston LE, Danielson ML, Cui Z, Namulanda G, Yusuf H, Mac Kenzie WR, Wong KK, Baggs J, Boehmer TK, Gundlapalli AV (tháng 7 năm 2021). “Underlying Medical Conditions and Severe Illness Among 540,667 Adults Hospitalized With COVID-19, March 2020 – March 2021”. Preventing Chronic Disease. Centers for Disease Control and Prevention. 18: E66. doi:10.5888/pcd18.210123. PMC 8269743. PMID 34197283.
- ^ a b c Seidell JC (2005). “Epidemiology – definition and classification of obesity”. Trong Kopelman PG, Caterson ID, Stock MJ, Dietz WH (biên tập). Clinical obesity in adults and children: In Adults and Children. Blackwell Publishing. tr. 3–11. ISBN 978-1-4051-1672-5.
- ^ a b Bray GA (tháng 6 năm 2004). “Medical consequences of obesity”. The Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism. 89 (6): 2583–9. doi:10.1210/jc.2004-0535. PMID 15181027.
- ^ Shoelson SE, Herrero L, Naaz A (tháng 5 năm 2007). “Obesity, inflammation, and insulin resistance”. Gastroenterology. 132 (6): 2169–80. doi:10.1053/j.gastro.2007.03.059. PMID 17498510.
- ^ Shoelson SE, Lee J, Goldfine AB (tháng 7 năm 2006). “Inflammation and insulin resistance”. The Journal of Clinical Investigation. 116 (7): 1793–801. doi:10.1172/JCI29069. PMC 1483173. PMID 16823477.
- ^ Dentali F, Squizzato A, Ageno W (tháng 7 năm 2009). “The metabolic syndrome as a risk factor for venous and arterial thrombosis”. Seminars in Thrombosis and Hemostasis. 35 (5): 451–7. doi:10.1055/s-0029-1234140. PMID 19739035. S2CID 260320617.
- ^ Lu Y, Hajifathalian K, Ezzati M, Woodward M, Rimm EB, Danaei G (tháng 3 năm 2014). “Metabolic mediators of the effects of body-mass index, overweight, and obesity on coronary heart disease and stroke: a pooled analysis of 97 prospective cohorts with 1·8 million participants”. Lancet. 383 (9921): 970–83. doi:10.1016/S0140-6736(13)61836-X. PMC 3959199. PMID 24269108.
- ^ Aune D, Sen A, Norat T, Janszky I, Romundstad P, Tonstad S, Vatten LJ (tháng 2 năm 2016). “Body Mass Index, Abdominal Fatness, and Heart Failure Incidence and Mortality: A Systematic Review and Dose-Response Meta-Analysis of Prospective Studies”. Circulation. 133 (7): 639–49. doi:10.1161/CIRCULATIONAHA.115.016801. PMID 26746176. S2CID 115876581.
- ^ Darvall KA, Sam RC, Silverman SH, Bradbury AW, Adam DJ (tháng 2 năm 2007). “Obesity and thrombosis”. European Journal of Vascular and Endovascular Surgery. 33 (2): 223–33. doi:10.1016/j.ejvs.2006.10.006. PMID 17185009.
- ^ a b c d Yosipovitch G, DeVore A, Dawn A (tháng 6 năm 2007). “Obesity and the skin: skin physiology and skin manifestations of obesity”. Journal of the American Academy of Dermatology. 56 (6): 901–16, quiz 917–20. doi:10.1016/j.jaad.2006.12.004. PMID 17504714.
- ^ Hahler B (tháng 6 năm 2006). “An overview of dermatological conditions commonly associated with the obese patient”. Ostomy/Wound Management. 52 (6): 34–6, 38, 40 passim. PMID 16799182.
- ^ a b c Arendas K, Qiu Q, Gruslin A (tháng 6 năm 2008). “Obesity in pregnancy: pre-conceptional to postpartum consequences”. Journal of Obstetrics and Gynaecology Canada. 30 (6): 477–488. doi:10.1016/s1701-2163(16)32863-8. PMID 18611299.
- ^ a b c d Dibaise JK, Foxx-Orenstein AE (tháng 7 năm 2013). “Role of the gastroenterologist in managing obesity”. Expert Review of Gastroenterology & Hepatology (Review). 7 (5): 439–51. doi:10.1586/17474124.2013.811061. PMID 23899283. S2CID 26275773.
- ^ Harney D, Patijn J (2007). “Meralgia paresthetica: diagnosis and management strategies”. Pain Medicine (Review). 8 (8): 669–77. doi:10.1111/j.1526-4637.2006.00227.x. PMID 18028045.
- ^ Bigal ME, Lipton RB (tháng 1 năm 2008). “Obesity and chronic daily headache”. Current Pain and Headache Reports (Review). 12 (1): 56–61. doi:10.1007/s11916-008-0011-8. PMID 18417025. S2CID 23729708.
- ^ Sharifi-Mollayousefi A, Yazdchi-Marandi M, Ayramlou H, Heidari P, Salavati A, Zarrintan S, Sharifi-Mollayousefi A (tháng 2 năm 2008). “Assessment of body mass index and hand anthropometric measurements as independent risk factors for carpal tunnel syndrome”. Folia Morphologica. 67 (1): 36–42. PMID 18335412.
- ^ Beydoun MA, Beydoun HA, Wang Y (tháng 5 năm 2008). “Obesity and central obesity as risk factors for incident dementia and its subtypes: a systematic review and meta-analysis”. Obesity Reviews (Meta-analysis). 9 (3): 204–18. doi:10.1111/j.1467-789X.2008.00473.x. PMC 4887143. PMID 18331422.
- ^ Wall M (tháng 3 năm 2008). “Idiopathic intracranial hypertension (pseudotumor cerebri)”. Current Neurology and Neuroscience Reports (Review). 8 (2): 87–93. doi:10.1007/s11910-008-0015-0. PMID 18460275. S2CID 17285706.
- ^ Munger KL, Chitnis T, Ascherio A (tháng 11 năm 2009). “Body size and risk of MS in two cohorts of US women”. Neurology (Comparative Study). 73 (19): 1543–50. doi:10.1212/WNL.0b013e3181c0d6e0. PMC 2777074. PMID 19901245.
- ^ Basen-Engquist K, Chang M (tháng 2 năm 2011). “Obesity and cancer risk: recent review and evidence”. Current Oncology Reports. 13 (1): 71–6. doi:10.1007/s11912-010-0139-7. PMC 3786180. PMID 21080117.
- ^ a b c Poulain M, Doucet M, Major GC, Drapeau V, Sériès F, Boulet LP, Tremblay A, Maltais F (tháng 4 năm 2006). “The effect of obesity on chronic respiratory diseases: pathophysiology and therapeutic strategies”. CMAJ. 174 (9): 1293–9. doi:10.1503/cmaj.051299. PMC 1435949. PMID 16636330.
- ^ Poly TN, Islam MM, Yang HC, Lin MC, Jian WS, Hsu MH, Jack Li YC (5 tháng 2 năm 2021). “Obesity and Mortality Among Patients Diagnosed With COVID-19: A Systematic Review and Meta-Analysis”. Frontiers in Medicine. 8: 620044. doi:10.3389/fmed.2021.620044. PMC 7901910. PMID 33634150.
- ^ Aune D, Norat T, Vatten LJ (tháng 12 năm 2014). “Body mass index and the risk of gout: a systematic review and dose-response meta-analysis of prospective studies”. European Journal of Nutrition. 53 (8): 1591–601. doi:10.1007/s00394-014-0766-0. PMID 25209031. S2CID 38095938.
- ^ Tukker A, Visscher TL, Picavet HS (tháng 3 năm 2009). “Overweight and health problems of the lower extremities: osteoarthritis, pain and disability”. Public Health Nutrition (Research Support). 12 (3): 359–68. doi:10.1017/S1368980008002103. PMID 18426630.
- ^ Molenaar EA, Numans ME, van Ameijden EJ, Grobbee DE (tháng 11 năm 2008). “[Considerable comorbidity in overweight adults: results from the Utrecht Health Project]”. Nederlands Tijdschrift voor Geneeskunde (English abstract) (bằng tiếng Hà Lan). 152 (45): 2457–63. PMID 19051798.
- ^ Corona G, Rastrelli G, Filippi S, Vignozzi L, Mannucci E, Maggi M (2014). “Erectile dysfunction and central obesity: an Italian perspective”. Asian Journal of Andrology. 16 (4): 581–91. doi:10.4103/1008-682X.126386. PMC 4104087. PMID 24713832.
- ^ Hunskaar S (2008). “A systematic review of overweight and obesity as risk factors and targets for clinical intervention for urinary incontinence in women”. Neurourology and Urodynamics (Review). 27 (8): 749–57. doi:10.1002/nau.20635. PMID 18951445. S2CID 20378183.
- ^ Ejerblad E, Fored CM, Lindblad P, Fryzek J, McLaughlin JK, Nyrén O (tháng 6 năm 2006). “Obesity and risk for chronic renal failure”. Journal of the American Society of Nephrology (Research Support). 17 (6): 1695–702. doi:10.1681/ASN.2005060638. PMID 16641153.
- ^ Makhsida N, Shah J, Yan G, Fisch H, Shabsigh R (tháng 9 năm 2005). “Hypogonadism and metabolic syndrome: implications for testosterone therapy”. The Journal of Urology (Review). 174 (3): 827–34. CiteSeerX 10.1.1.612.1060. doi:10.1097/01.ju.0000169490.78443.59. PMID 16093964.
- ^ Pestana IA, Greenfield JM, Walsh M, Donatucci CF, Erdmann D (tháng 10 năm 2009). “Management of "buried" penis in adulthood: an overview”. Plastic and Reconstructive Surgery (Review). 124 (4): 1186–95. doi:10.1097/PRS.0b013e3181b5a37f. PMID 19935302. S2CID 36775257.
- ^ Denis GV, Hamilton JA (tháng 10 năm 2013). “Healthy obese persons: how can they be identified and do metabolic profiles stratify risk?”. Current Opinion in Endocrinology, Diabetes, and Obesity. 20 (5): 369–376. doi:10.1097/01.med.0000433058.78485.b3. PMC 3934493. PMID 23974763.
- ^ a b Blüher M (tháng 5 năm 2020). “Metabolically Healthy Obesity”. Endocrine Reviews. 41 (3): bnaa004. doi:10.1210/endrev/bnaa004. PMC 7098708. PMID 32128581.
- ^ a b c Smith GI, Mittendorfer B, Klein S (tháng 10 năm 2019). “Metabolically healthy obesity: facts and fantasies”. The Journal of Clinical Investigation. 129 (10): 3978–3989. doi:10.1172/JCI129186. PMC 6763224. PMID 31524630.
- ^ Garvey WT, Mechanick JI, Brett EM, Garber AJ, Hurley DL, Jastreboff AM, Nadolsky K, Pessah-Pollack R, Plodkowski R (tháng 7 năm 2016). “American Association of Clinical Endocrinologists and American College of Endocrinology Comprehensive Clinical Practice Guidelines for Medical Care of Patients with Obesity”. Endocrine Practice. 22 (Suppl 3): 1–203. doi:10.4158/EP161365.GL. PMID 27219496. S2CID 3996442.
- ^ van Vliet-Ostaptchouk JV, Nuotio M, Slagter SN, Doiron D, Fischer K, Foco L, Gaye A, Gögele M, Heier M, Hiekkalinna T, Joensuu A (tháng 2 năm 2014). “The prevalence of metabolic syndrome and metabolically healthy obesity in Europe: a collaborative analysis of ten large cohort studies”. BMC Endocrine Disorders. BioMed Central (Springer Nature). 14: 9. doi:10.1186/1472-6823-14-9. ISSN 1472-6823. PMC 3923238. PMID 24484869.
- ^ Stolk R (26 tháng 11 năm 2013). “The Healthy Obese Project (HOP)” (PDF). BioSHaRE Newsletter (4): 2. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2022.
- ^ Scott D, Shore-Lorenti C, McMillan LB, Mesinovic J, Clark RA, Hayes A, Sanders KM, Duque G, Ebeling PR (tháng 3 năm 2018). “Calf muscle density is independently associated with physical function in overweight and obese older adults”. Journal of Musculoskeletal and Neuronal Interactions. Likovrisi: Hylonome Publications. 18 (1): 9–17. ISSN 1108-7161. PMC 5881124. PMID 29504574.
- ^ Karelis AD (tháng 10 năm 2008). “Metabolically healthy but obese individuals”. The Lancet (bằng tiếng Anh). 372 (9646): 1281–1283. doi:10.1016/S0140-6736(08)61531-7. PMID 18929889. S2CID 29584669.
- ^ a b Schmidt DS, Salahudeen AK (2007). “Obesity-survival paradox-still a controversy?”. Seminars in Dialysis (Review). 20 (6): 486–92. doi:10.1111/j.1525-139X.2007.00349.x. PMID 17991192. S2CID 37354831.
- ^ a b U.S. Preventive Services Task Force (tháng 6 năm 2003). “Behavioral counseling in primary care to promote a healthy diet: recommendations and rationale”. American Family Physician (Review). 67 (12): 2573–6. PMID 12825847.
- ^ Habbu A, Lakkis NM, Dokainish H (tháng 10 năm 2006). “The obesity paradox: fact or fiction?”. The American Journal of Cardiology (Review). 98 (7): 944–8. doi:10.1016/j.amjcard.2006.04.039. PMID 16996880.
- ^ Romero-Corral A, Montori VM, Somers VK, Korinek J, Thomas RJ, Allison TG, Mookadam F, Lopez-Jimenez F (tháng 8 năm 2006). “Association of bodyweight with total mortality and with cardiovascular events in coronary artery disease: a systematic review of cohort studies”. Lancet (Review). 368 (9536): 666–78. doi:10.1016/S0140-6736(06)69251-9. PMID 16920472. S2CID 23306195.
- ^ Oreopoulos A, Padwal R, Kalantar-Zadeh K, Fonarow GC, Norris CM, McAlister FA (tháng 7 năm 2008). “Body mass index and mortality in heart failure: a meta-analysis”. American Heart Journal (Meta-analysis, Review). 156 (1): 13–22. doi:10.1016/j.ahj.2008.02.014. PMID 18585492. S2CID 25332291.
- ^ Oreopoulos A, Padwal R, Norris CM, Mullen JC, Pretorius V, Kalantar-Zadeh K (tháng 2 năm 2008). “Effect of obesity on short- and long-term mortality postcoronary revascularization: a meta-analysis”. Obesity (Meta-analysis). 16 (2): 442–50. doi:10.1038/oby.2007.36. PMID 18239657. S2CID 205524756.
- ^ Diercks DB, Roe MT, Mulgund J, Pollack CV, Kirk JD, Gibler WB, Ohman EM, Smith SC, Boden WE, Peterson ED (tháng 7 năm 2006). “The obesity paradox in non-ST-segment elevation acute coronary syndromes: results from the Can Rapid risk stratification of Unstable angina patients Suppress ADverse outcomes with Early implementation of the American College of Cardiology/American Heart Association Guidelines Quality Improvement Initiative”. American Heart Journal (Research Support). 152 (1): 140–8. doi:10.1016/j.ahj.2005.09.024. PMID 16824844.
- ^ a b c d e Lau DC, Douketis JD, Morrison KM, Hramiak IM, Sharma AM, Ur E (tháng 4 năm 2007). “2006 Canadian clinical practice guidelines on the management and prevention of obesity in adults and children [summary]”. CMAJ (Practice Guideline, Review). 176 (8): S1–13. doi:10.1503/cmaj.061409. PMC 1839777. PMID 17420481.
- ^ Drewnowski A, Specter SE (tháng 1 năm 2004). “Poverty and obesity: the role of energy density and energy costs”. The American Journal of Clinical Nutrition (Review). 79 (1): 6–16. doi:10.1093/ajcn/79.1.6. PMID 14684391.
- ^ Nestle M, Jacobson MF (2000). “Halting the obesity epidemic: a public health policy approach”. Public Health Reports (Research Support). 115 (1): 12–24. doi:10.1093/phr/115.1.12 (không hoạt động 31 January 2024). JSTOR 4598478. PMC 1308552. PMID 10968581.Quản lý CS1: DOI không hoạt động tính đến tháng 1 2024 (liên kết)
- ^ James WP (tháng 3 năm 2008). “The fundamental drivers of the obesity epidemic”. Obesity Reviews (Review). 9 (Suppl 1): 6–13. doi:10.1111/j.1467-789X.2007.00432.x. PMID 18307693. S2CID 19894128.
- ^ Masand PS. "Weight gain associated with psychotropic drugs". Expert opinion on pharmacotherapy. 2000;1:377–389.
- ^ Baum, Charles L. "The effects of cigarette costs on BMI and obesity." Health Economics 18.1 (2009): 3-19. APA
- ^ Memon AN, Gowda AS, Rallabhandi B, Bidika E, Fayyaz H, Salib M, Cancarevic I (tháng 9 năm 2020). “Have Our Attempts to Curb Obesity Done More Harm Than Good?”. Cureus. 12 (9): e10275. doi:10.7759/cureus.10275. PMC 7538029. PMID 33042711. S2CID 221794897.
- ^ Keith SW, Redden DT, Katzmarzyk PT, Boggiano MM, Hanlon EC, Benca RM, Ruden D, Pietrobelli A, Barger JL, Fontaine KR, Wang C, Aronne LJ, Wright SM, Baskin M, Dhurandhar NV, Lijoi MC, Grilo CM, DeLuca M, Westfall AO, Allison DB (tháng 11 năm 2006). “Putative contributors to the secular increase in obesity: exploring the roads less traveled”. International Journal of Obesity (Review). 30 (11): 1585–1594. doi:10.1038/sj.ijo.0803326. PMID 16801930. S2CID 342831.
- ^ McAllister, Emily J và cộng sự. "Ten putative contributors to the obesity epidemic". Critical reviews in food science and nutrition vol. 49,10 (2009): 868-913. doi:10.1080/10408390903372599
- ^ Schwartz MW, Seeley RJ, Zeltser LM, Drewnowski A, Ravussin E, Redman LM, Leibel RL (tháng 8 năm 2017). “Obesity Pathogenesis: An Endocrine Society Scientific Statement”. Endocrine Reviews (Professional society guidelines). 38 (4): 267–296. doi:10.1210/er.2017-00111. PMC 5546881. PMID 28898979.
- ^ a b c d e f “EarthTrends: Nutrition: Calorie supply per capita”. World Resources Institute. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2009.
- ^ Bojanowska E, Ciosek J (15 tháng 2 năm 2016). “Can We Selectively Reduce Appetite for Energy-Dense Foods? An Overview of Pharmacological Strategies for Modification of Food Preference Behavior”. Current Neuropharmacology. 14 (2): 118–42. doi:10.2174/1570159X14666151109103147. PMC 4825944. PMID 26549651.
- ^ “USDA: frsept99b”. United States Department of Agriculture. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2009.
- ^ “Diet composition and obesity among Canadian adults”. Statistics Canada.
- ^ National Control for Health Statistics. “Nutrition For Everyone”. Centers for Disease Control and Prevention. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2008.
- ^ Marantz PR, Bird ED, Alderman MH (tháng 3 năm 2008). “A call for higher standards of evidence for dietary guidelines”. American Journal of Preventive Medicine. 34 (3): 234–40. doi:10.1016/j.amepre.2007.11.017. PMID 18312812.
- ^ Flegal KM, Carroll MD, Ogden CL, Johnson CL (tháng 10 năm 2002). “Prevalence and trends in obesity among US adults, 1999–2000”. JAMA. 288 (14): 1723–7. doi:10.1001/jama.288.14.1723. PMID 12365955.
- ^ Centers for Disease Control Prevention (CDC) (tháng 2 năm 2004). “Trends in intake of energy and macronutrients—United States, 1971–2000”. MMWR. Morbidity and Mortality Weekly Report. 53 (4): 80–2. PMID 14762332.
- ^ a b c d e f Caballero B (2007). “The global epidemic of obesity: an overview”. Epidemiologic Reviews. 29: 1–5. doi:10.1093/epirev/mxm012. PMID 17569676.
- ^ Mozaffarian D, Hao T, Rimm EB, Willett WC, Hu FB (tháng 6 năm 2011). “Changes in diet and lifestyle and long-term weight gain in women and men”. The New England Journal of Medicine (Meta-analysis). 364 (25): 2392–404. doi:10.1056/NEJMoa1014296. PMC 3151731. PMID 21696306.
- ^ Malik VS, Schulze MB, Hu FB (tháng 8 năm 2006). “Intake of sugar-sweetened beverages and weight gain: a systematic review”. The American Journal of Clinical Nutrition (Review). 84 (2): 274–88. doi:10.1093/ajcn/84.2.274. PMC 3210834. PMID 16895873.
- ^ Olsen NJ, Heitmann BL (tháng 1 năm 2009). “Intake of calorically sweetened beverages and obesity”. Obesity Reviews (Review). 10 (1): 68–75. doi:10.1111/j.1467-789X.2008.00523.x. PMID 18764885. S2CID 28672221.
- ^ Malik VS, Popkin BM, Bray GA, Després JP, Willett WC, Hu FB (tháng 11 năm 2010). “Sugar-sweetened beverages and risk of metabolic syndrome and type 2 diabetes: a meta-analysis”. Diabetes Care (Meta-analysis, Review). 33 (11): 2477–83. doi:10.2337/dc10-1079. PMC 2963518. PMID 20693348.
- ^ Wamberg L, Pedersen SB, Rejnmark L, Richelsen B (tháng 12 năm 2015). “Causes of Vitamin D Deficiency and Effect of Vitamin D Supplementation on Metabolic Complications in Obesity: a Review”. Current Obesity Reports. 4 (4): 429–40. doi:10.1007/s13679-015-0176-5. PMID 26353882. S2CID 809587.
- ^ Rosenheck R (tháng 11 năm 2008). “Fast food consumption and increased caloric intake: a systematic review of a trajectory towards weight gain and obesity risk”. Obesity Reviews (Review). 9 (6): 535–47. doi:10.1111/j.1467-789X.2008.00477.x. PMID 18346099. S2CID 25820487.
- ^ Lin BH, Guthrie J, Frazao E (1999). “Nutrient contribution of food away from home”. Trong Frazão E (biên tập). Agriculture Information Bulletin No. 750: America's Eating Habits: Changes and Consequences. Washington, DC: US Department of Agriculture, Economic Research Service. tr. 213–39. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2012.
- ^ Pollan M (22 tháng 4 năm 2007). “You Are What You Grow”. The New York Times. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2021.
- ^ Kopelman P, Caterson I (2005). “An overview of obesity management”. Trong Kopelman PG, Caterson ID, Stock MJ, Dietz WH (biên tập). Clinical obesity in adults and children: In Adults and Children. Blackwell Publishing. tr. 319–326 (324). ISBN 978-1-4051-1672-5.
- ^ Schieszer J. Metabolism alone doesn't explain how thin people stay thin. The Medical Post.
- ^ a b “Obesity and overweight”. World Health Organization. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2009.
- ^ a b c “WHO | Physical Inactivity: A Global Public Health Problem”. World Health Organization. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2009.
- ^ a b Ness-Abramof R, Apovian CM (tháng 2 năm 2006). “Diet modification for treatment and prevention of obesity”. Endocrine (Review). 29 (1): 5–9. doi:10.1385/ENDO:29:1:135. PMID 16622287. S2CID 31964889.
- ^ a b Salmon J, Timperio A (2007). “Prevalence, Trends and Environmental Influences on Child and Youth Physical Activity”. Pediatric Fitness (Review). Medicine and Sport Science. 50. tr. 183–99. doi:10.1159/000101391. ISBN 978-3-318-01396-2. PMID 17387258.
- ^ Borodulin K, Laatikainen T, Juolevi A, Jousilahti P (tháng 6 năm 2008). “Thirty-year trends of physical activity in relation to age, calendar time and birth cohort in Finnish adults”. European Journal of Public Health (Research Support). 18 (3): 339–44. doi:10.1093/eurpub/ckm092. PMID 17875578.
- ^ Brownson RC, Boehmer TK, Luke DA (2005). “Declining rates of physical activity in the United States: what are the contributors?”. Annual Review of Public Health (Review). 26: 421–43. doi:10.1146/annurev.publhealth.26.021304.144437. PMID 15760296.
- ^ Wilks DC, Sharp SJ, Ekelund U, Thompson SG, Mander AP, Turner RM, Jebb SA, Lindroos AK (tháng 2 năm 2011). “Objectively measured physical activity and fat mass in children: a bias-adjusted meta-analysis of prospective studies”. PLOS ONE. 6 (2): e17205. Bibcode:2011PLoSO...617205W. doi:10.1371/journal.pone.0017205. PMC 3044163. PMID 21383837.
- ^ Gortmaker SL, Must A, Sobol AM, Peterson K, Colditz GA, Dietz WH (tháng 4 năm 1996). “Television viewing as a cause of increasing obesity among children in the United States, 1986–1990”. Archives of Pediatrics & Adolescent Medicine (Review). 150 (4): 356–62. doi:10.1001/archpedi.1996.02170290022003. PMID 8634729.
- ^ Vioque J, Torres A, Quiles J (tháng 12 năm 2000). “Time spent watching television, sleep duration and obesity in adults living in Valencia, Spain”. International Journal of Obesity and Related Metabolic Disorders (Research Support). 24 (12): 1683–8. doi:10.1038/sj.ijo.0801434. PMID 11126224. S2CID 26129544.
- ^ Tucker LA, Bagwell M (tháng 7 năm 1991). “Television viewing and obesity in adult females”. American Journal of Public Health. 81 (7): 908–11. doi:10.2105/AJPH.81.7.908. PMC 1405200. PMID 2053671.
- ^ Emanuel EJ (2008). “Media + Child and Adolescent Health: A Systematic Review” (PDF). Common Sense Media. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2009.
- ^ Jones M. “Case Study: Cataplexy and SOREMPs Without Excessive Daytime Sleepiness in Prader Willi Syndrome. Is This the Beginning of Narcolepsy in a Five Year Old?”. European Society of Sleep Technologists. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2009.
- ^ Albuquerque D, Nóbrega C, Manco L, Padez C (tháng 9 năm 2017). “The contribution of genetics and environment to obesity”. British Medical Bulletin. 123 (1): 159–173. doi:10.1093/bmb/ldx022. PMID 28910990.
- ^ Poirier P, Giles TD, Bray GA, Hong Y, Stern JS, Pi-Sunyer FX, Eckel RH (tháng 5 năm 2006). “Obesity and cardiovascular disease: pathophysiology, evaluation, and effect of weight loss”. Arteriosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology (Review). 26 (5): 968–76. CiteSeerX 10.1.1.508.7066. doi:10.1161/01.ATV.0000216787.85457.f3. PMID 16627822. S2CID 6052584.
- ^ Loos RJ, Bouchard C (tháng 5 năm 2008). “FTO: the first gene contributing to common forms of human obesity”. Obesity Reviews (Review). 9 (3): 246–50. doi:10.1111/j.1467-789X.2008.00481.x. PMID 18373508. S2CID 23487924.
- ^ Yang W, Kelly T, He J (2007). “Genetic epidemiology of obesity”. Epidemiologic Reviews (Review). 29: 49–61. doi:10.1093/epirev/mxm004. PMID 17566051.
- ^ Walley AJ, Asher JE, Froguel P (tháng 7 năm 2009). “The genetic contribution to non-syndromic human obesity”. Nature Reviews. Genetics (Review). 10 (7): 431–42. doi:10.1038/nrg2594. PMID 19506576. S2CID 10870369.
- ^ Farooqi S, O'Rahilly S (tháng 12 năm 2006). “Genetics of obesity in humans”. Endocrine Reviews (Review). 27 (7): 710–18. doi:10.1210/er.2006-0040. PMID 17122358.
- ^ Kolata G (2007). Rethinking thin: The new science of weight loss – and the myths and realities of dieting. Picador. tr. 122. ISBN 978-0-312-42785-6.
- ^ Walley AJ, Asher JE, Froguel P (tháng 7 năm 2009). “The genetic contribution to non-syndromic human obesity”. Nature Reviews. Genetics (Review). 10 (7): 431–42. doi:10.1038/nrg2594. PMID 19506576. S2CID 10870369.
However, it is also clear that genetics greatly influences this situation, giving individuals in the same 'obesogenic' environment significantly different risks of becoming obese.
- ^ Rosén T, Bosaeus I, Tölli J, Lindstedt G, Bengtsson BA (tháng 1 năm 1993). “Increased body fat mass and decreased extracellular fluid volume in adults with growth hormone deficiency”. Clinical Endocrinology. 38 (1): 63–71. doi:10.1111/j.1365-2265.1993.tb00974.x. PMID 8435887. S2CID 25725625.
- ^ Zametkin AJ, Zoon CK, Klein HW, Munson S (tháng 2 năm 2004). “Psychiatric aspects of child and adolescent obesity: a review of the past 10 years”. Journal of the American Academy of Child and Adolescent Psychiatry (Review). 43 (2): 134–50. doi:10.1097/00004583-200402000-00008. PMID 14726719.
- ^ Chiles C, van Wattum PJ (2010). “Psychiatric aspects of the obesity crisis”. Psychiatr Times. 27 (4): 47–51.
- ^ Yach D, Stuckler D, Brownell KD (tháng 1 năm 2006). “Epidemiologic and economic consequences of the global epidemics of obesity and diabetes”. Nature Medicine. 12 (1): 62–6. doi:10.1038/nm0106-62. PMID 16397571. S2CID 37456911.
- ^ DR Sherly Williams E, Dr Razeena Karim L (2018). PHYSIOLOGICAL PSYCHOLOGY. Notion Press. tr. xem. ISBN 9781643242668.
- ^ Juliann Moen (2017). Basic Health Care Series: Obesity. VIJ Books (India) PVT Limited. tr. xem. ISBN 9789386834485.
- ^ Ranajit Chakraborty, C.R. Rao, Pranab K. Sen (2012). Bioinformatics in Human Health and Heredity. Newnes. tr. 461 (2). ISBN 9780080930985.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ Sobal J, Stunkard AJ (tháng 3 năm 1989). “Socioeconomic status and obesity: a review of the literature”. Psychological Bulletin (Review). 105 (2): 260–75. doi:10.1037/0033-2909.105.2.260. PMID 2648443.
- ^ Ranajit Chakraborty, C.R. Rao, Pranab K. Sen (2012). Bioinformatics in Human Health and Heredity. Newnes. tr. 461. ISBN 9780080930985.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ a b McLaren L (2007). “Socioeconomic status and obesity”. Epidemiologic Reviews (Review). 29: 29–48. doi:10.1093/epirev/mxm001. PMID 17478442.
- ^ a b Wilkinson R, Picket K (2009). The Spirit Level: Why More Equal Societies Almost Always Do Better. London: Allen Lane. tr. 91–101. ISBN 978-1-84614-039-6.
- ^ Christakis NA, Fowler JH (tháng 7 năm 2007). “The spread of obesity in a large social network over 32 years”. The New England Journal of Medicine (Research Support). 357 (4): 370–9. CiteSeerX 10.1.1.581.4893. doi:10.1056/NEJMsa066082. PMID 17652652. S2CID 264194973.
- ^ Björntorp P (tháng 5 năm 2001). “Do stress reactions cause abdominal obesity and comorbidities?”. Obesity Reviews. 2 (2): 73–86. doi:10.1046/j.1467-789x.2001.00027.x. PMID 12119665. S2CID 23665421.
- ^ Goodman E, Adler NE, Daniels SR, Morrison JA, Slap GB, Dolan LM (tháng 8 năm 2003). “Impact of objective and subjective social status on obesity in a biracial cohort of adolescents”. Obesity Research (Research Support). 11 (8): 1018–26. doi:10.1038/oby.2003.140. PMID 12917508.
- ^ Flegal KM, Troiano RP, Pamuk ER, Kuczmarski RJ, Campbell SM (tháng 11 năm 1995). “The influence of smoking cessation on the prevalence of overweight in the United States”. The New England Journal of Medicine. 333 (18): 1165–70. doi:10.1056/NEJM199511023331801. PMID 7565970.
- ^ Chiolero A, Faeh D, Paccaud F, Cornuz J (tháng 4 năm 2008). “Consequences of smoking for body weight, body fat distribution, and insulin resistance”. The American Journal of Clinical Nutrition (Review). 87 (4): 801–9. doi:10.1093/ajcn/87.4.801. PMID 18400700.
- ^ Weng HH, Bastian LA, Taylor DH, Moser BK, Ostbye T (2004). “Number of children associated with obesity in middle-aged women and men: results from the health and retirement study”. Journal of Women's Health (Comparative Study). 13 (1): 85–91. doi:10.1089/154099904322836492. PMID 15006281.
- ^ Bellows-Riecken KH, Rhodes RE (tháng 2 năm 2008). “A birth of inactivity? A review of physical activity and parenthood”. Preventive Medicine (Review). 46 (2): 99–110. doi:10.1016/j.ypmed.2007.08.003. PMID 17919713.
- ^ “Obesity and Overweight” (PDF). World Health Organization. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2009.
- ^ McCormack GR, Virk JS (tháng 9 năm 2014). “Driving towards obesity: a systematized literature review on the association between motor vehicle travel time and distance and weight status in adults”. Preventive Medicine. 66: 49–55. doi:10.1016/j.ypmed.2014.06.002. hdl:1880/115549. PMID 24929196. S2CID 12470420.
- ^ King DM, Jacobson SH (tháng 3 năm 2017). “What Is Driving Obesity? A Review on the Connections Between Obesity and Motorized Transportation”. Current Obesity Reports. 6 (1): 3–9. doi:10.1007/s13679-017-0238-y. PMID 28243840. S2CID 207474312.
- ^ a b Caballero B (tháng 3 năm 2001). “Introduction. Symposium: Obesity in developing countries: biological and ecological factors”. The Journal of Nutrition (Review). 131 (3): 866S–870S. doi:10.1093/jn/131.3.866s. PMID 11238776.
- ^ DiBaise JK, Zhang H, Crowell MD, Krajmalnik-Brown R, Decker GA, Rittmann BE (tháng 4 năm 2008). “Gut microbiota and its possible relationship with obesity”. Mayo Clinic Proceedings (Review). 83 (4): 460–9. doi:10.4065/83.4.460. PMID 18380992.
- ^ “Antibiotics: repeated treatments before the age of two could be a factor in obesity”. Prescrire International. 2018. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2018.
- ^ a b Cox LM, Blaser MJ (tháng 3 năm 2015). “Antibiotics in early life and obesity”. Nature Reviews. Endocrinology. 11 (3): 182–190. doi:10.1038/nrendo.2014.210. PMC 4487629. PMID 25488483.
- ^ Falagas ME, Kompoti M (tháng 7 năm 2006). “Obesity and infection”. The Lancet. Infectious Diseases (Review). 6 (7): 438–46. doi:10.1016/S1473-3099(06)70523-0. PMID 16790384.
- ^ a b Cappuccio FP, Taggart FM, Kandala NB, Currie A, Peile E, Stranges S, Miller MA (tháng 5 năm 2008). “Meta-analysis of short sleep duration and obesity in children and adults”. Sleep. 31 (5): 619–626. doi:10.1093/sleep/31.5.619. PMC 2398753. PMID 18517032.
- ^ Miller MA, Kruisbrink M, Wallace J, Ji C, Cappuccio FP (tháng 4 năm 2018). “Sleep duration and incidence of obesity in infants, children, and adolescents: a systematic review and meta-analysis of prospective studies”. Sleep. 41 (4). doi:10.1093/sleep/zsy018. PMID 29401314.
- ^ Horne J (tháng 5 năm 2011). “Obesity and short sleep: unlikely bedfellows?”. Obesity Reviews. 12 (5): e84–e94. doi:10.1111/j.1467-789X.2010.00847.x. PMID 21366837. S2CID 23948346.
- ^ Kirchner S, Kieu T, Chow C, Casey S, Blumberg B (tháng 3 năm 2010). “Prenatal exposure to the environmental obesogen tributyltin predisposes multipotent stem cells to become adipocytes”. Mol. Endocrinol. 24 (3): 526–39. doi:10.1210/me.2009-0261. PMC 2840805. PMID 20160124.
- ^ a b c d Gerlach G, Herpertz S, Loeber S (tháng 1 năm 2015). “Personality traits and obesity: a systematic review”. Obesity Reviews. 16 (1): 32–63. doi:10.1111/obr.12235. PMID 25470329. S2CID 46500679.
- ^ Lauder W, Mummery K, Jones M, Caperchione C (tháng 5 năm 2006). “A comparison of health behaviours in lonely and non-lonely populations”. Psychology, Health & Medicine. 11 (2): 233–245. doi:10.1080/13548500500266607. PMID 17129911. S2CID 24974378.
- ^ Jokela M, Hintsanen M, Hakulinen C, Batty GD, Nabi H, Singh-Manoux A, Kivimäki M (tháng 4 năm 2013). “Association of personality with the development and persistence of obesity: a meta-analysis based on individual-participant data”. Obesity Reviews. 14 (4): 315–323. doi:10.1111/obr.12007. PMC 3717171. PMID 23176713.
- ^ An R, và đồng nghiệp (tháng 7 năm 2019). “Trade openness and the obesity epidemic: a cross-national study of 175 countries during 1975-2016”. Annals of Epidemiology. 37: 31–36. doi:10.1016/j.annepidem.2019.07.002. PMID 31399309.
- ^ a b Schwartz MW, Seeley RJ, Zeltser LM, Drewnowski A, Ravussin E, Redman LM, và đồng nghiệp (2017). “Obesity Pathogenesis: An Endocrine Society Scientific Statement”. Endocr Rev. 38 (4): 267–296. doi:10.1210/er.2017-00111. PMC 5546881. PMID 28898979.
- ^ a b c d Flier JS (tháng 1 năm 2004). “Obesity wars: molecular progress confronts an expanding epidemic”. Cell (Review). 116 (2): 337–50. doi:10.1016/S0092-8674(03)01081-X. PMID 14744442. S2CID 6010027.
- ^ Zhang Y, Proenca R, Maffei M, Barone M, Leopold L, Friedman JM (tháng 12 năm 1994). “Positional cloning of the mouse obese gene and its human homologue”. Nature (Research Support). 372 (6505): 425–32. Bibcode:1994Natur.372..425Z. doi:10.1038/372425a0. PMID 7984236. S2CID 4359725.
- ^ Boulpaep EL, Boron WF (2003). Medical physiology: A cellular and molecular approach. Philadelphia: Saunders. tr. 1227. ISBN 978-0-7216-3256-8.
- ^ a b US Department of Health and Human Services. (2017). “2015–2020 Dietary Guidelines for Americans - health.gov”. health.gov. Skyhorse Publishing Inc. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2019.
- ^ Arnett DK, Blumenthal RS, Albert MA, Buroker AB, Goldberger ZD, Hahn EJ, Himmelfarb CD, Khera A, Lloyd-Jones D, McEvoy JW, Michos ED, Miedema MD, Muñoz D, Smith SC, Virani SS, Williams KA, Yeboah J, Ziaeian B (tháng 9 năm 2019). “2019 ACC/AHA Guideline on the Primary Prevention of Cardiovascular Disease: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines”. Circulation. 140 (11): e596–e646. doi:10.1161/CIR.0000000000000678. PMC 7734661. PMID 30879355.
- ^ a b Strychar I (tháng 1 năm 2006). “Diet in the management of weight loss”. CMAJ (Review). 174 (1): 56–63. doi:10.1503/cmaj.045037. PMC 1319349. PMID 16389240.
- ^ Shick SM, Wing RR, Klem ML, McGuire MT, Hill JO, Seagle H (tháng 4 năm 1998). “Persons successful at long-term weight loss and maintenance continue to consume a low-energy, low-fat diet”. Journal of the American Dietetic Association. 98 (4): 408–413. doi:10.1016/S0002-8223(98)00093-5. PMID 9550162.
- ^ Tate DF, Jeffery RW, Sherwood NE, Wing RR (tháng 4 năm 2007). “Long-term weight losses associated with prescription of higher physical activity goals. Are higher levels of physical activity protective against weight regain?”. The American Journal of Clinical Nutrition (Randomized Controlled Trial). 85 (4): 954–959. doi:10.1093/ajcn/85.4.954. PMID 17413092.
- ^ Thomas JG, Bond DS, Phelan S, Hill JO, Wing RR (tháng 1 năm 2014). “Weight-loss maintenance for 10 years in the National Weight Control Registry”. American Journal of Preventive Medicine. 46 (1): 17–23. doi:10.1016/j.amepre.2013.08.019. PMID 24355667.
- ^ a b c Yannakoulia M, Poulimeneas D, Mamalaki E, Anastasiou CA (tháng 3 năm 2019). “Dietary modifications for weight loss and weight loss maintenance”. Metabolism. 92: 153–162. doi:10.1016/j.metabol.2019.01.001. PMID 30625301.
- ^ a b Curry SJ, Krist AH, Owens DK, Barry MJ, Caughey AB, Davidson KW, Doubeni CA, Epling JW, Grossman DC, Kemper AR, Kubik M, Landefeld CS, Mangione CM, Phipps MG, Silverstein M, Simon MA, Tseng CW, Wong JB (tháng 9 năm 2018). “Behavioral Weight Loss Interventions to Prevent Obesity-Related Morbidity and Mortality in Adults: US Preventive Services Task Force Recommendation Statement”. JAMA. 320 (11): 1163–1171. doi:10.1001/jama.2018.13022. PMID 30326502.
- ^ Gibson AA, Sainsbury A (tháng 7 năm 2017). “Strategies to Improve Adherence to Dietary Weight Loss Interventions in Research and Real-World Settings”. Behavioral Sciences. 7 (3): 44. doi:10.3390/bs7030044. PMC 5618052. PMID 28696389.
- ^ a b c d Swedish Agency for Health Technology Assessment and Assessment of Social Services (SBU) (1987). “Dietary treatment of obesity”. Annals of the New York Academy of Sciences. 499 (1): 250–263. Bibcode:1987NYASA.499..250B. doi:10.1111/j.1749-6632.1987.tb36216.x. PMID 3300485. S2CID 45507530. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2016.
- ^ Johnston BC, Kanters S, Bandayrel K, Wu P, Naji F, Siemieniuk RA, Ball GD, Busse JW, Thorlund K, Guyatt G, Jansen JP, Mills EJ (tháng 9 năm 2014). “Comparison of weight loss among named diet programs in overweight and obese adults: a meta-analysis”. JAMA. 312 (9): 923–33. doi:10.1001/jama.2014.10397. PMID 25182101.
- ^ Naude CE, Schoonees A, Senekal M, Young T, Garner P, Volmink J (2014). “Low carbohydrate versus isoenergetic balanced diets for reducing weight and cardiovascular risk: a systematic review and meta-analysis”. PLOS ONE (Research Support). 9 (7): e100652. Bibcode:2014PLoSO...9j0652N. doi:10.1371/journal.pone.0100652. PMC 4090010. PMID 25007189.
- ^ Wing RR, Phelan S (tháng 7 năm 2005). “Long-term weight loss maintenance”. The American Journal of Clinical Nutrition (Review). 82 (1 Suppl): 222S–225S. doi:10.1093/ajcn/82.1.222S. PMID 16002825.
- ^ Thangaratinam S, Rogozinska E, Jolly K, Glinkowski S, Roseboom T, Tomlinson JW, Kunz R, Mol BW, Coomarasamy A, Khan KS (tháng 5 năm 2012). “Effects of interventions in pregnancy on maternal weight and obstetric outcomes: meta-analysis of randomised evidence”. BMJ (Meta-analysis). 344: e2088. doi:10.1136/bmj.e2088. PMC 3355191. PMID 22596383.
- ^ LeFevre ML (tháng 10 năm 2014). “Behavioral counseling to promote a healthful diet and physical activity for cardiovascular disease prevention in adults with cardiovascular risk factors: U.S. Preventive Services Task Force Recommendation Statement”. Annals of Internal Medicine. 161 (8): 587–93. doi:10.7326/M14-1796. PMID 25155419. S2CID 262280720.
- ^ Satcher D (2001). The Surgeon General's Call to Action to Prevent and Decrease Overweight and Obesity. Publications and Reports of the Surgeon General. U.S. Dept. of Health and Human Services, Public Health Service, Office of Surgeon General. ISBN 978-0-16-051005-2.
- ^ Barnes B (18 tháng 7 năm 2007). “Limiting Ads of Junk Food to Children”. The New York Times. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2008.
- ^ “Fewer Sugary Drinks Key to Weight Loss”. U.S. Department of Health and Human Services. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2009.
- ^ “WHO urges global action to curtail consumption and health impacts of sugary drinks”. WHO. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2016.
- ^ Brennan Ramirez LK, Hoehner CM, Brownson RC, Cook R, Orleans CT, Hollander M, Barker DC, Bors P, Ewing R, Killingsworth R, Petersmarck K, Schmid T, Wilkinson W (tháng 12 năm 2006). “Indicators of activity-friendly communities: an evidence-based consensus process”. American Journal of Preventive Medicine (Research Support). 31 (6): 515–24. doi:10.1016/j.amepre.2006.07.026. PMID 17169714.
- ^ a b “How can local authorities reduce obesity? Insights from NIHR research”. NIHR Evidence (Plain English summary). National Institute for Health and Care Research. 19 tháng 5 năm 2022.
- ^ Stead M, Angus K, Langley T, Katikireddi SV, Hinds K, Hilton S, Lewis S, Thomas J, Campbell M, Young B, Bauld L (tháng 5 năm 2019). “Mass media to communicate public health messages in six health topic areas: a systematic review and other reviews of the evidence”. Public Health Research (bằng tiếng Anh). 7 (8): 1–206. doi:10.3310/phr07080. PMID 31046212.
- ^ Crockett RA, King SE, Marteau TM, Prevost AT, Bignardi G, Roberts NW, Stubbs B, Hollands GJ, Jebb SA (tháng 2 năm 2018). “Nutritional labelling for healthier food or non-alcoholic drink purchasing and consumption”. The Cochrane Database of Systematic Reviews. 2 (2): CD009315. doi:10.1002/14651858.CD009315.pub2. PMC 5846184. PMID 29482264.
- ^ Nestle M (tháng 6 năm 2022). “Regulating the Food Industry: An Aspirational Agenda”. American Journal of Public Health. 112 (6): 853–858. doi:10.2105/AJPH.2022.306844. PMC 9137006. PMID 35446606.Quản lý CS1: cấm vận PMC hết hạn (liên kết)
- ^ Finlay M, van Tulleken C, Miles ND, Onuchukwu T, Bury E (20 tháng 4 năm 2023). “How did ultra-processed foods take over, and what are they doing to us?”. the Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ Onakpoya IJ, Heneghan CJ, Aronson JK (tháng 11 năm 2016). “Post-marketing withdrawal of anti-obesity medicinal products because of adverse drug reactions: a systematic review”. BMC Medicine. 14 (1): 191. doi:10.1186/s12916-016-0735-y. PMC 5126837. PMID 27894343.
- ^ a b c Heymsfield SB, Wadden TA (tháng 1 năm 2017). “Mechanisms, Pathophysiology, and Management of Obesity”. The New England Journal of Medicine. 376 (3): 254–266. doi:10.1056/NEJMra1514009. PMID 28099824. S2CID 20407626.
- ^ a b Wolfe SM (tháng 8 năm 2013). “When EMA and FDA decisions conflict: differences in patients or in regulation?”. BMJ. 347: f5140. doi:10.1136/bmj.f5140. PMID 23970394. S2CID 46738622.
- ^ “Belviq, Belviq XR (lorcaserin) by Eisai: Drug Safety Communication – FDA Requests Withdrawal of Weight-Loss Drug”. FDA (bằng tiếng Anh). 13 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2020.
- ^ Rucker D, Padwal R, Li SK, Curioni C, Lau DC (tháng 12 năm 2007). “Long term pharmacotherapy for obesity and overweight: updated meta-analysis”. BMJ (Meta-analysis). 335 (7631): 1194–9. doi:10.1136/bmj.39385.413113.25. PMC 2128668. PMID 18006966.
- ^ Wood S. “Diet Drug Orlistat Linked to Kidney, Pancreas Injuries”. Medscape. Medscape News. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2011.
- ^ Lin CH, Shao L, Zhang YM, Tu YJ, Zhang Y, Tomlinson B, Chan P, Liu Z (tháng 2 năm 2020). “An evaluation of liraglutide including its efficacy and safety for the treatment of obesity”. Expert Opinion on Pharmacotherapy. 21 (3): 275–285. doi:10.1080/14656566.2019.1695779. PMID 31790314. S2CID 208610508.
- ^ a b c Serralde-Zúñiga AE, Gonzalez Garay AG, Rodríguez-Carmona Y, Melendez G, và đồng nghiệp (Cochrane Metabolic and Endocrine Disorders Group) (tháng 10 năm 2019). “Fluoxetine for adults who are overweight or obese”. The Cochrane Database of Systematic Reviews. 10 (10): CD011688. doi:10.1002/14651858.CD011688.pub2. PMC 6792438. PMID 31613390.
- ^ Siskind DJ, Leung J, Russell AW, Wysoczanski D, Kisely S (15 tháng 6 năm 2016). Holscher C (biên tập). “Metformin for Clozapine Associated Obesity: A Systematic Review and Meta-Analysis”. PLOS ONE. 11 (6): e0156208. Bibcode:2016PLoSO..1156208S. doi:10.1371/journal.pone.0156208. PMC 4909277. PMID 27304831.
- ^ a b Chang SH, Stoll CR, Song J, Varela JE, Eagon CJ, Colditz GA (tháng 3 năm 2014). “The effectiveness and risks of bariatric surgery: an updated systematic review and meta-analysis, 2003–2012”. JAMA Surgery (Meta-analysis, Review). 149 (3): 275–87. doi:10.1001/jamasurg.2013.3654. PMC 3962512. PMID 24352617.
- ^ Yoshino M, Kayser BD, Yoshino J, Stein RI, Reeds D, Eagon JC, Eckhouse SR, và đồng nghiệp (19 tháng 8 năm 2020). “Effects of Diet versus Gastric Bypass on Metabolic Function in Diabetes”. New England Journal of Medicine. 383 (8): 721–732. doi:10.1056/NEJMoa2003697. PMC 7456610. PMID 32813948.
- ^ Sjöström L, Narbro K, Sjöström CD, Karason K, Larsson B, Wedel H, Lystig T, Sullivan M, Bouchard C, Carlsson B, Bengtsson C, Dahlgren S, Gummesson A, Jacobson P, Karlsson J, Lindroos AK, Lönroth H, Näslund I, Olbers T, Stenlöf K, Torgerson J, Agren G, Carlsson LM (tháng 8 năm 2007). “Effects of bariatric surgery on mortality in Swedish obese subjects”. The New England Journal of Medicine (Research Support). 357 (8): 741–752. doi:10.1056/NEJMoa066254. PMID 17715408. S2CID 20533869.
- ^ a b c Haslam D (tháng 3 năm 2007). “Obesity: a medical history”. Obesity Reviews (Review). 8 (Suppl 1): 31–6. doi:10.1111/j.1467-789X.2007.00314.x. PMID 17316298. S2CID 43866948.
- ^ Prentice AM (2018). “The Double Burden of Malnutrition in Countries Passing through the Economic Transition”. Ann Nutr Metab. 72 (72 (suppl 3)): 47–54. doi:10.1159/000487383. PMID 29635233. S2CID 4928218.
- ^ a b “Obesity and overweight”. World Health Organization. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2009.
- ^ FAO, IFAD, UNICEF, WFP and WHO. 2017. The State of Food Security and Nutrition in the World 2017. Building resilience for peace and food security. Rome, FAO
- ^ Hales CM, Carroll MD, Fryar CD, Ogden CL (tháng 10 năm 2017). “Prevalence of Obesity Among Adults and Youth: United States, 2015–2016”. NCHS Data Brief (288): 1–8. PMID 29155689.
- ^ World Health Organization (2000). Obesity: preventing and managing the global epidemic (Bản báo cáo). World Health Organization. tr. 1–2. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2014.
- ^ Howard NJ, Taylor AW, Gill TK, Chittleborough CR (tháng 3 năm 2008). “Severe obesity: Investigating the socio-demographics within the extremes of body mass index”. Obesity Research & Clinical Practice. 2 (1): I–II. doi:10.1016/j.orcp.2008.01.001. PMID 24351678.
- ^ Tjepkema M (6 tháng 7 năm 2005). “Measured Obesity–Adult obesity in Canada: Measured height and weight”. Nutrition: Findings from the Canadian Community Health Survey. Ottawa, Ontario: Statistics Canada.
- ^ “Obesity Update 2017” (PDF). Organisation for Economic Co-operation and Development. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2018.
- ^ Tsigos C, Hainer V, Basdevant A, Finer N, Fried M, Mathus-Vliegen E, Micic D, Maislos M, Roman G, Schutz Y, Toplak H, Zahorska-Markiewicz B (tháng 4 năm 2008). “Management of obesity in adults: European clinical practice guidelines” (PDF). Obesity Facts. 1 (2): 106–16. doi:10.1159/000126822. PMC 6452117. PMID 20054170. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 4 năm 2012.
- ^ Robertson C, Archibald D, Avenell A, Douglas F, Hoddinott P, van Teijlingen E, Boyers D, Stewart F, Boachie C, Fioratou E, Wilkins D, Street T, Carroll P, Fowler C (tháng 5 năm 2014). “Systematic reviews of and integrated report on the quantitative, qualitative and economic evidence base for the management of obesity in men”. Health Technology Assessment. 18 (35): v–vi, xxiii–xxix, 1–424. doi:10.3310/hta18350. PMC 4781190. PMID 24857516.
- ^ “Managing obesity in men”. NIHR Evidence (bằng tiếng Anh). 10 tháng 5 năm 2016. doi:10.3310/highlight-000844. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2022.
- ^ Bloomgarden ZT (tháng 11 năm 2003). “Prevention of obesity and diabetes”. Diabetes Care (Review). 26 (11): 3172–8. doi:10.2337/diacare.26.11.3172. PMID 14578257.
- ^ a b “History of Medicine: Sushruta – the Clinician – Teacher par Excellence” (PDF). Dwivedi, Girish & Dwivedi, Shridhar. 2007. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2008.
- ^ Mazzone T, Fantuzzi G (2006). Adipose Tissue And Adipokines in Health And Disease (Nutrition and Health). Totowa, NJ: Humana Press. tr. 222. ISBN 978-1-58829-721-1.
- ^ Keller K (2008). Encyclopedia of Obesity. Thousand Oaks, Calif: Sage Publications, Inc. tr. 49. ISBN 978-1-4129-5238-5.
- ^ Gilman SL (2004). Fat Boys: A Slim Book. University of Nebraska Press. tr. 18. ISBN 978-0-8032-2183-3.
tobias venner obesity.
- ^ Breslow L (tháng 9 năm 1952). “Public health aspects of weight control”. American Journal of Public Health and the Nation's Health. 42 (9): 1116–20. doi:10.2105/AJPH.42.9.1116. PMC 1526346. PMID 12976585.
- ^ a b Puhl R, Brownell KD (tháng 12 năm 2001). “Bias, discrimination, and obesity”. Obesity Research (Review). 9 (12): 788–805. doi:10.1038/oby.2001.108. PMID 11743063.
- ^ Rubinstein S, Caballero B (2000). “Is Miss America an undernourished role model?”. JAMA (Letter). 283 (12): 1569. doi:10.1001/jama.283.12.1569. PMID 10735392.
- ^ a b Johnson F, Cooke L, Croker H, Wardle J (tháng 7 năm 2008). “Changing perceptions of weight in Great Britain: comparison of two population surveys”. BMJ. 337: a494. doi:10.1136/bmj.a494. PMC 2500200. PMID 18617488.
- ^ Fumento M (1997). The Fat of the Land: Our Health Crisis and How Overweight Americans Can Help Themselves. Penguin (Non-Classics). tr. 126. ISBN 978-0-14-026144-8.
- ^ Kitchener C (2022). “Sisters of the Earth: The Landscapes, Radical Identities and Performances of Female Reformers in 1819”. Journal for Eighteenth-Century Studies (bằng tiếng Anh). 45 (1): 77–93. doi:10.1111/1754-0208.12778. ISSN 1754-0208. S2CID 246984311.
- ^ a b c Puhl R, Henderson K, Brownell K (2005). “Social consequences of obesity”. Trong Kopelman PG, Caterson ID, Stock MJ, Dietz WH (biên tập). Clinical obesity in adults and children: In Adults and Children. Blackwell Publishing. tr. 29–45. ISBN 978-1-4051-1672-5.
- ^ Johansson E, Böckerman P, Kiiskinen U, Heliövaara M (tháng 3 năm 2009). “Obesity and labour market success in Finland: the difference between having a high BMI and being fat”. Economics and Human Biology. 7 (1): 36–45. doi:10.1016/j.ehb.2009.01.008. PMID 19249259.
- ^ Cawley J, Meyerhoefer C (tháng 1 năm 2012). “The medical care costs of obesity: an instrumental variables approach”. Journal of Health Economics. 31 (1): 219–30. doi:10.1016/j.jhealeco.2011.10.003. PMID 22094013. S2CID 6717295.
- ^ Finkelstein EA, Fiebelkorn IA, Wang G (1 tháng 1 năm 2003). “National medical spending attributable to overweight and obesity: How much, and who's paying”. Health Affairs. 22 (May): W3–219–W3–226. doi:10.1377/hlthaff.w3.219. PMID 14527256.
- ^ “Obesity and overweight: Economic consequences”. Centers for Disease Control and Prevention. 22 tháng 5 năm 2007. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2007.
- ^ Colagiuri S, Lee CM, Colagiuri R, Magliano D, Shaw JE, Zimmet PZ, Caterson ID (tháng 3 năm 2010). “The cost of overweight and obesity in Australia”. The Medical Journal of Australia (Comparative Study). 192 (5): 260–4. doi:10.5694/j.1326-5377.2010.tb03503.x. PMID 20201759. S2CID 1588787.
- ^ Cummings L (5 tháng 2 năm 2003). “The diet business: Banking on failure”. BBC News. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2009.
- ^ “Public health experts call for global food treaty”. Financial Times. 27 tháng 1 năm 2019. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2019.
- ^ van Baal PH, Polder JJ, de Wit GA, Hoogenveen RT, Feenstra TL, Boshuizen HC, Engelfriet PM, Brouwer WB (tháng 2 năm 2008). “Lifetime medical costs of obesity: prevention no cure for increasing health expenditure”. PLOS Medicine (Comparative Study). 5 (2): e29. doi:10.1371/journal.pmed.0050029. PMC 2225430. PMID 18254654.
- ^ Tavernise, Sabrina (11 tháng 10 năm 2016). “W.H.O. urges Tax on Sugary Drinks to Fight Obesity”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2016.
- ^ Bakewell J (2007). “Bariatric furniture: Considerations for use”. Int J Ther Rehabil. 14 (7): 329–33. doi:10.12968/ijtr.2007.14.7.23858. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 10 năm 2011.
- ^ Neovius K, Johansson K, Kark M, Neovius M (tháng 1 năm 2009). “Obesity status and sick leave: a systematic review”. Obesity Reviews (Review). 10 (1): 17–27. doi:10.1111/j.1467-789X.2008.00521.x. PMID 18778315. S2CID 20420379.
- ^ Ostbye T, Dement JM, Krause KM (tháng 4 năm 2007). “Obesity and workers' compensation: results from the Duke Health and Safety Surveillance System”. Archives of Internal Medicine (Research Support). 167 (8): 766–73. doi:10.1001/archinte.167.8.766. PMID 17452538.
- ^ “Alabama "Obesity Penalty" Stirs Debate”. Don Fernandez. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2009.
- ^ DiCarlo L (24 tháng 10 năm 2002). “Why Airlines Can't Cut The Fat”. Forbes.com. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2008.
- ^ Dannenberg AL, Burton DC, Jackson RJ (tháng 10 năm 2004). “Economic and environmental costs of obesity: the impact on airlines”. American Journal of Preventive Medicine (Letter). 27 (3): 264. doi:10.1016/j.amepre.2004.06.004. PMID 15450642.
- ^ Cox L (2 tháng 7 năm 2009). “Who Should Pay for Obese Health Care?”. ABC News. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2012.
- ^ a b “109th U.S. Congress (2005–2006) H.R. 554: 109th U.S. Congress (2005–2006) H.R. 554: Personal Responsibility in Food Consumption Act of 2005”. GovTrack.us. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2008.
- ^ a b Basulto D (20 tháng 6 năm 2013). “A changing battlefield in the fight against fat”. The Washington Post. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2013.
- ^ “Obesity can be deemed a disability at work – EU court”. Reuters. 18 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2014.
- ^ Macchi E (2023). “Worth Your Weight: Experimental Evidence on the Benefits of Obesity in Low-Income Countries”. American Economic Review (bằng tiếng Anh). 113 (9): 2287–2322. doi:10.1257/aer.20211879. hdl:10419/251433. ISSN 0002-8282. S2CID 244396815.
- ^ Hanna S (31 tháng 1 năm 2022). “Fat Shaming im Netz: Ricarda Lang, die Angegriffene”. stuttgarter-nachrichten.de (bằng tiếng Đức). Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2023.
- ^ “What is NAAFA”. National Association to Advance Fat Acceptance. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2009.
- ^ “ISAA Mission Statement”. International Size Acceptance Association. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2009.
- ^ a b Pulver A (2007). An Imperfect Fit: Obesity, Public Health, and Disability Anti-Discrimination Law. Social Science Electronic Publishing. doi:10.2139/ssrn.1316106. S2CID 153699669. SSRN 1316106.
- ^ Neumark-Sztainer D (tháng 3 năm 1999). “The weight dilemma: a range of philosophical perspectives”. International Journal of Obesity and Related Metabolic Disorders (Review). 23 (Suppl 2): S31–7. doi:10.1038/sj.ijo.0800857. PMID 10340803.
- ^ National Association to Advance Fat Acceptance (2008). “We come in all sizes”. NAAFA. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2008.
- ^ “International Size Acceptance Association – ISAA”. International Size Acceptance Association. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2009.
- ^ O'Connor A (9 tháng 8 năm 2015). “Coca-Cola Funds Scientists Who Shift Blame for Obesity Away From Bad Diets”. The New York Times.
- ^ Nestle M (tháng 11 năm 2016). “Food Industry Funding of Nutrition Research: The Relevance of History for Current Debates”. JAMA Internal Medicine. 176 (11): 1685–1686. doi:10.1001/jamainternmed.2016.5400. PMID 27618496. S2CID 29815670.
- ^ National Heart, Lung, and Blood Institute (1998). Clinical Guidelines on the Identification, Evaluation, and Treatment of Overweight and Obesity in Adults (PDF). International Medical Publishing, Inc. ISBN 978-1-58808-002-8.
- ^ Storing up problems; the medical case for a slimmer nation. London: Royal College of Physicians. 11 tháng 2 năm 2004. ISBN 978-1-86016-200-8.
- ^ Great Britain Parliament House of Commons Health Committee (tháng 5 năm 2004). Obesity – Volume 1 – HCP 23-I, Third Report of session 2003–04. Report, together with formal minutes. London: TSO (The Stationery Office). ISBN 978-0-215-01737-6. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Obesity: guidance on the prevention, identification, assessment and management of overweight and obesity in adults and children” (PDF). National Institute for Health and Clinical Excellence (NICE). National Health Services (NHS). 2006. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2009.
- ^ Wanless D, Appleby J, Harrison A, Patel D (2007). Our Future Health Secured? A review of NHS funding and performance. London: The King's Fund. ISBN 978-1-85717-562-2.
- ^ Sacks G, Swinburn B, Lawrence M (tháng 1 năm 2009). “Obesity Policy Action framework and analysis grids for a comprehensive policy approach to reducing obesity”. Obesity Reviews. 10 (1): 76–86. doi:10.1111/j.1467-789X.2008.00524.X. hdl:10536/DRO/DU:30017330. PMID 18761640. S2CID 30908778.
- ^ “Healthy Weight: Assessing Your Weight: BMI: About BMI for Children and Teens”. Center for disease control and prevention. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2009.
- ^ Flegal KM, Ogden CL, Wei R, Kuczmarski RL, Johnson CL (tháng 6 năm 2001). “Prevalence of overweight in US children: comparison of US growth charts from the Centers for Disease Control and Prevention with other reference values for body mass index”. The American Journal of Clinical Nutrition. 73 (6): 1086–93. doi:10.1093/ajcn/73.6.1086. PMID 11382664.
- ^ a b Flynn MA, McNeil DA, Maloff B, Mutasingwa D, Wu M, Ford C, Tough SC (tháng 2 năm 2006). “Reducing obesity and related chronic disease risk in children and youth: a synthesis of evidence with 'best practice' recommendations”. Obesity Reviews (Review). 7 (Suppl 1): 7–66. doi:10.1111/j.1467-789X.2006.00242.x. PMID 16371076. S2CID 5992031.
- ^ Lawrence J (tháng 2 năm 2005). “Childhood obesity”. British Journal of Perioperative Nursing. 15 (2): 84, 86–84, 90. doi:10.1177/175045890501500204. PMID 15736809. S2CID 31102802.
- ^ Brownback S (tháng 1 năm 2008). “Confronting Childhood Obesity”. The Annals of the American Academy of Political and Social Science. 615 (1): 219–221. doi:10.1177/0002716207308894. ISSN 0002-7162. S2CID 144317779.
- ^ Dollman J, Norton K, Norton L (tháng 12 năm 2005). “Evidence for secular trends in children's physical activity behaviour”. British Journal of Sports Medicine (Review). 39 (12): 892–7, discussion 897. doi:10.1136/bjsm.2004.016675. PMC 1725088. PMID 16306494.
- ^ Russell SJ, Croker H, Viner RM (tháng 4 năm 2019). “The effect of screen advertising on children's dietary intake: A systematic review and meta-analysis”. Obesity Reviews. 20 (4): 554–568. doi:10.1111/obr.12812. PMC 6446725. PMID 30576057.
- ^ Metcalf B, Henley W, Wilkin T (tháng 9 năm 2012). “Effectiveness of intervention on physical activity of children: systematic review and meta-analysis of controlled trials with objectively measured outcomes (EarlyBird 54)”. BMJ (Review, Meta-analysis). 345: e5888. doi:10.1136/bmj.e5888. hdl:10871/11391. PMID 23044984.
- ^ Sim LA, Lebow J, Wang Z, Koball A, Murad MH (tháng 10 năm 2016). “Brief Primary Care Obesity Interventions: A Meta-analysis”. Pediatrics. 138 (4): e20160149. doi:10.1542/peds.2016-0149. PMID 27621413. S2CID 26039769.
- ^ Mead E, Brown T, Rees K, Azevedo LB, Whittaker V, Jones D, Olajide J, Mainardi GM, Corpeleijn E, O'Malley C, Beardsmore E, Al-Khudairy L, Baur L, Metzendorf MI, Demaio A, Ells LJ (tháng 6 năm 2017). “Diet, physical activity and behavioural interventions for the treatment of overweight or obese children from the age of 6 to 11 years”. The Cochrane Database of Systematic Reviews. 2017 (6): CD012651. doi:10.1002/14651858.CD012651. PMC 6481885. PMID 28639319.
- ^ a b Lund EM (2006). “Prevalence and Risk Factors for Obesity in Adult Dogs from Private US Veterinary Practices” (PDF). Intern J Appl Res Vet Med. 4 (2): 177–86.
- ^ McGreevy PD, Thomson PC, Pride C, Fawcett A, Grassi T, Jones B (tháng 5 năm 2005). “Prevalence of obesity in dogs examined by Australian veterinary practices and the risk factors involved”. The Veterinary Record. 156 (22): 695–702. doi:10.1136/vr.156.22.695. PMID 15923551. S2CID 36725298.
- ^ Nijland ML, Stam F, Seidell JC (tháng 1 năm 2010). “Overweight in dogs, but not in cats, is related to overweight in their owners”. Public Health Nutrition. 13 (1): 102–6. doi:10.1017/S136898000999022X. PMID 19545467.
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- “Obesity 2015”. The Lancet. 2015.
Series from the Lancet journals
- Jebb S, Wells J (2005). “Measuring body composition in adults and children”. Trong Kopelman PG, Caterson ID, Stock MJ, Dietz WH (biên tập). Clinical obesity in adults and children: In Adults and Children. Blackwell Publishing. tr. 12–28. ISBN 978-1-4051-1672-5.
- National Heart, Lung, and Blood Institute (NHLBI) (1998). Clinical Guidelines on the Identification, Evaluation, and Treatment of Overweight and Obesity in Adults (PDF). International Medical Publishing, Inc. ISBN 978-1-58808-002-8.
- “Obesity: guidance on the prevention, identification, assessment and management of overweight and obesity in adults and children” (PDF). National Institute for Health and Clinical Excellence(NICE). National Health Services (NHS). 2006. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2009.
- World Health Organization (WHO) (2000). Technical report series 894: Obesity: Preventing and managing the global epidemic (PDF). Geneva: World Health Organization. ISBN 978-92-4-120894-9. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2006.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]