Bước tới nội dung

Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

"Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" là câu nói chỉ trích chính trị vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Câu nói này chỉ trích những người Việt Nam hưởng lợi lộc từ chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) nhưng lại đi ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam.[1][2] Trong tiểu thuyết Đường về Sài Gòn của tác giả Nam Hà xuất bản vào năm 1990 đã trích dẫn câu nói này là một câu nói nổi tiếng.[3]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong quyển Lịch sử Đồng Tháp Mười xuất bản năm 2003, trích dẫn câu nói này là của Ngô Đình Diệm.[4] Theo Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản thì câu nói này được người Pháp sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Câu nói dùng chửi bới những thành phần tri thức Việt Nam được nền giáo dục của Pháp dạy và đào tạo nhưng đông đảo trong số đó đã đi theo cách mạng chống lại họ.[5] Các tri thức đương thời ủng hộ cách mạng có Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Văn Hiền, Bùi Tường Chiểu, Phạm Khắc Quảng, Đặng Văn Chung, Đinh Văn Thắng,...được người Pháp gọi là "tri thức trùm chăn",[a] "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".[6]

Sử dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Câu nói này đã được sử dụng trong Nội san Quốc hội của chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra mắt năm 1963, ở tập 2. Nội dung liên quan chính sách Ấp chiến lược, chính sách này được chính phủ VNCH đánh giá cao về tầm quan trọng nhưng lại đặt ra vấn đề những người Việt Nam bị lùa vào các ấp đó có thể nhận lợi ích của chính phủ Quốc gia nhưng trong lòng họ vẫn theo cộng sản.[7]

Năm 1968, trong tài liệu của Thế Uyên, chính quyền Quốc gia[b] thực thi biện pháp mạnh cùng lúc, một mặt tiêu diệt cán bộ cộng sản nằm vùng, một mặt tiêu diệt thành phần "Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".[8] Trong năm nay, tại Sơn Phú thuộc Bến Tre diễn ra một cuộc tấn công của Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhắm vào quân Giải phóng miền Nam. Quân Giải phóng đã thoát một cuộc bao vây của một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một tiểu đoàn bộ binh của sư đoàn 7 VNCH. Chỉ huy quân VNCH, Tư lệnh vùng 4 đã tức giận lệnh bắt một thiếu tá đơn vị thiết giáp vì cho rằng chính ông này đã để "Việt Cộng" thoát vòng vây, qui tội "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản".[9]

Sau sự kiện Tết Mậu Thân, một sự kiện có lượng thương vong rất lớn quân Giải phóng miền Nam, tại một địa điểm mà ngày nay thuộc phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM, người dân lập miếu thờ những người là quân Giải phóng đã chết. Cảnh sát quốc gia VNCH đã tức giận đập phá và chửi bới bằng câu nói này.[10]

Năm 1970, trong một tài liệu viết bởi tác giả Trần Văn Ân, nhan đề Việt Nam trước vận hội mới, ông sử dụng câu nói này để chỉ dẫn đó là nhược điểm của phe Quốc gia Việt Nam và cũng là nhược điểm của Khối Dân chủ.[11] Năm 1972, trong một tài liệu chính trị chống cộng khác của ông, ông cũng đề cập một lần nữa "Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".[12]

Năm 1971, trong quyển Hiện tình kinh tế Việt Nam: Thử bàn đến một kế hoạch hậu chiến tương lai, Tập 3 của tác giả Lê Khoa, câu nói này là một khẩu hiệu chính trị.[13]

Năm 1975, vào thời điểm diễn ra trận Buôn Mê Thuột, sinh viên là Đỗ Tấn Sĩ và một người khác đại diện Hội người Việt ở Cộng hòa liên bang Đức mang Nghị quyết cùng Lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đến tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Bruxelles, Bỉ. Các quan chức Việt Nam Cộng hòa đã gọi họ là "hai tên sinh viên ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng sản".[14]

Vào năm 2015, tưởng niệm sự kiện 30 tháng 4 lần thứ 40, tác giả Bảo Giang đã viết bài báo tựa đề Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975, trong đó ghi thành phần "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản", thành phần vốn dĩ sợ hãi chính quyền Quốc gia, là thành phần được hưởng ngày Giải phóng.[15]

Vào năm 2016, Giáo sư Lý Chánh Trung, một người được đánh giá là nhà tri thức hàng đầu miền Nam thời kỳ Việt Nam cộng hòa qua đời. Trên VOA tiếng Việt đã có những bài báo chỉ trích ông "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".[16] Nhà sư Thích Nhất Hạnh, một người tu hành nổi tiếng trong giới Phật giáo cũng từng bị những người Việt Nam Cộng hòa lưu vong chỉ trích là "cộng sản nằm vùng", "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".[17]

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nữ kịch sĩ Kim Cương cũng từng bị những người ủng hộ chế độ Việt Nam Cộng hòa lên án là "cộng sản nằm vùng", "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".[18]

Phản hồi

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối với phe Cách mạng của Đảng Cộng sản, câu nói này là lời tả của các chính phủ VNCH từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm đến tổng thống Nguyễn Văn Thiệu oán trách những người không chịu theo mình chống cộng.[19] Câu nói này bị xem là dùng để quy kết tội những người Việt Nam yêu sách hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền.[20] Đồng thời, câu nói được dùng để chửi những người thuộc tầng lớp công chức[21] hay tri thức ủng hộ Đảng Cộng sản.[22][23]

Câu nói xếp nhóm những người bất hợp tác với chính phủ VNCH, có xu hướng ủng hộ cách mạng của Đảng Cộng sản.[24] Những người này sẽ bị người của chính phủ Quốc gia bắt bớ, ám hại.[25] Hơn nữa, câu nói này chỉ cả những người trong chính phủ Quốc gia, bao gồm viên chức và binh lính, là người của Quốc gia nhưng hoạt động cho cộng sản.[26] Câu nói thường được sử dụng để gọi bộ phận dân cư miền Nam theo phe cộng sản, những người dân che dấu, cung cấp thực phẩm, thuốc men cho họ.[27]

Trong Một thập kỷ bài báo hay của tác giả Trường Giang xuất bản năm 1999, tường thuật cuộc nói chuyện giữa một người và một đại úy VNCH. Vị đại úy cáo buộc: "Bộ ông ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản phải không ?" Người đàn ông đã trả lời: "Ủa, ông đại uý nói chi kỳ vậy. Việc tui tui mần, cơm tui tui ăn, chứ cơm mô của quốc gia".[28] Nữ nhà văn Minh Quân từng tranh cãi với một người đàn ông vì bị cáo buộc câu nói này, bà trình bày khi trả lời câu hỏi của một người quen: "Chả nói chị ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, em nghĩ có điên tiết không? Chị ăn cơm của chị chứ cơm nào của quốc gia?".[29]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Nguyễn Thanh Hoàng 1995, tr. 60.
  2. ^ Võ Duy Linh 1985, tr. 289.
  3. ^ Nam Hà 1990, tr. 110.
  4. ^ Võ Trần Nhã 2003, tr. 218.
  5. ^ Viết Phước (ngày 5 tháng 10 năm 2023). "Học vấn không có quê hương". Tuyên giáo Trà Vinh. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2024.
  6. ^ Kim Thanh (ngày 7 tháng 10 năm 2014). “Người đứng đầu nhân sĩ, trí thức Hà Nội ký tên vào bản kiến nghị đòi hoà bình”. Bảo tàng lịch sử. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  7. ^ Nội san Quốc hội 1963, tr. 112.
  8. ^ Thế Uyên 1968, tr. 221.
  9. ^ Nguyễn Hữu Vị. “Tháo vây - Chuyển bại thành thắng (kỳ 2)”. Biển - biên giới biển Bến Tre. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  10. ^ Mai Hương (ngày 4 tháng 2 năm 2013). “Miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân”. báo tuổi Trẻ. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  11. ^ Trần Văn Ân 1970, tr. 66.
  12. ^ Trần Văn Ân 1972, tr. 10.
  13. ^ Lê Khoa 1971, tr. 516.
  14. ^ Bùi Thuận (ngày 9 tháng 3 năm 2024). “Nhà khoa học Việt kiều Đỗ Tấn Sĩ nặng lòng với quê hương”. báo Đồng Nai. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  15. ^ Bảo Giang (ngày 23 tháng 4 năm 2015). “Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975”. Vietcatholic. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  16. ^ Thiện Ý (ngày 30 tháng 3 năm 2016). “Một trí thức thiếu tri thức đã tin theo cộng sản vừa nằm xuống”. VOA tiếng Việt. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2024.
  17. ^ Nguyễn Phương Mai (ngày 24 tháng 1 năm 2022). “Thích Nhất Hạnh và những quan điểm đối chọi khi nói về ông”. BBC. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2024.
  18. ^ Như Ngã. “Trịnh Công Sơn và những thị phi”. Học viện cảnh sát quốc gia Việt Nam cộng hòa. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  19. ^ Hồ Sĩ Khuê 1993, tr. 19.
  20. ^ Hữu Thọ 2000, tr. 214.
  21. ^ Cao Văn Lượng 1991, tr. 78.
  22. ^ Tạp chí văn học 1977, tr. 111.
  23. ^ Trịnh Bá Truyền (ngày 29 tháng 4 năm 2019). "ĂN CƠM QUỐC GIA, THỜ MA CỘNG SẢN". The Saigon Post. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2024.
  24. ^ Tổ quốc 1975, tr. 16.
  25. ^ Nguyễn Viết Tá 1993, tr. 26.
  26. ^ Ngôn ngữ và đời sống 2005, tr. 45.
  27. ^ Vũ Quang Đồng (ngày 5 tháng 10 năm 2021). “Cuốn theo cuộc chiến”. báo Vĩnh Phúc. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  28. ^ Trường Giang 1999, tr. 599.
  29. ^ Phạm Chu Sa (ngày 25 tháng 5 năm 2023). “Minh Quân - Nhà văn nữ đậm chất nhân văn”. báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  1. ^ Tiếng Pháp: Les attentistes
  2. ^ Chính quyền Quốc gia ở đây là chỉ chính quyền ở miền Nam lúc bấy giờ, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Tài liệu

[sửa | sửa mã nguồn]