TQ thông qua luật an ninh, Mỹ nói 'Hong Kong không còn quyền tự trị'
Các nhà lập pháp Trung Quốc hôm thứ Năm thông qua đạo luật sẽ nới rộng luật an ninh quốc gia mờ ảo của đất nước này sang Hong Kong, một động thái được tiên đoán và đã thúc đẩy các cuộc biểu tình lớn và cảnh báo từ Washington.
Dự luật được thông qua với 2.878 ủng hộ một phiếu phản đối, khiến quy chế ưu đãi của Hong Kong, một trung tâm kinh tế châu Á bị Washington xét lại. Quy chế ưu đãi này do Mỹ đặt ra cho Hong Kong và có thể thu lại.
Cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp thường niên của Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có thể khiến nhiều quốc gia theo chân Hoa Kỳ trong việc đánh giá lại các thỏa thuận thương mại với Hong Kong, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trước đó đã nói với Quốc hội rằng Hong Kong không còn đủ điều kiện để được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ.
Tuyên bố này có thể có ảnh hưởng to lớn tới vị thế là trung tâm giao thương thế giới của Hong Kong và có khả năng chọc giận Bắc Kinh.
"Không có ai với những suy nghĩ hợp lý mà có thể khẳng định rằng Hong Kong ngày nay vẫn còn duy trì quyền tự trị cao trước Trung Quốc, dựa trên các dữ liệu thực tế", ông nói trong một tuyên bố.
Nhận định của ông Pompeo được đưa ra sau khi Bắc Kinh tiến hành áp đặt Luật an ninh mới đang gây tranh cãi trên lãnh thổ này.
Luật an ninh là "chỉ là động thái mới nhất trong một loạt các hành động mà về cơ bản làm suy yếu quyền tự trị và tự do của Hong Kong", ông Pompeo nói.
"Giờ đây rõ ràng là Trung quốc bắt Hong Kong theo chân họ", ông nói thêm.
Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ hàng trăm người trong đợt biểu tình chống Trung Quốc đại lục đang diễn ra.
Tầm quan trọng của tuyên bố Pompeo đưa ra?
Cho đến hiện nay, Hoa Kỳ đã trao cho Hong Kong - một trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu - cơ chế đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ. Ưu đãi này có hiệu lực từ khi Hong Kong không còn là thuộc địa của Anh và mang đến cho lãnh thổ này nhiều thuận lợi trong việc giao thương.
Nhưng kể từ năm ngoái, Mỹ ra luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, buộc Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm xác nhận Hong Kong còn duy trì được quyền tự chủ hay không, để đặc khu được hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ.
Nếu ngoại trưởng Mỹ không chứng nhận điều này, Quốc hội Hoa Kỳ có thể thu hồi cơ chế thương mại đặc biệt của Hong Kong.
Điều này có nghĩa là đối xử với Hong Kong tương tự như Trung Quốc đại lục trong giao thương và các vấn đề khác.
Twitter. Chúng tôi cần sự đồng ý của quý vị trước khi bất kỳ nội dung nào được tải xuống, bởi việc này có thể đi kèm việc sử dụng cookies và các công nghệ khác. Quý vị có thể đọc chính sách cookie của Twitter trước khi đồng ý. Để xem nội dung này, hãy chọn 'chấp nhận và tiếp tục'.
Cuối Twitter tin
Thu hồi cơ chế đặc biệt gây tác động gì?
Việc thu hồi này có thể gây nguy hại cho thương mại trị giá hàng tỷ đôla giữa Hong Kong và Hoa Kỳ và có thể ngăn cản mọi người đầu tư vào Hong Kong trong tương lai.
Điều này cũng sẽ làm tổn hại đến Trung Quốc đại lục khi sử dụng Hong Kong như một bên trung gian để giao dịch với các nước khác trên thế giới. Các công ty đại lục và các công ty đa quốc gia sử dụng lãnh thổ này như một trụ sở mang tầm quốc tế và khu vực.
Ngay sau tuyên bố của ông Pompeo, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Joshua Wong đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ, châu Âu và châu Á nối tiếp bước của ngoại trưởng Mỹ và xem xét lại cơ chế thương mại đặc biệt của Hong Kong nếu Bắc Kinh áp dụng luật an ninh.
"Một khi luật được thực thi, Hong Kong sẽ bị đồng hóa vào thể chế độc tài của Trung Quốc, trên cả phương diện pháp quyền và bảo vệ nhân quyền", Joshua Wong cảnh báo.
Luật an ninh sẽ gây ra "thiệt hại lớn cho người nước ngoài và nhà đầu tư ở Hong Kong", Joshua Wong nói. Duy trì quyền tự chủ của thành phố là "cách duy nhất" để bảo vệ doanh nghiệp, nhà hoạt động nói thêm.
'Lựa chọn hạt nhân' của Mỹ về vấn đề Hong Kong có thể chọc giận Bắc Kinh
Zhaoyin Feng, BBC Tiếng Trung, Washington
Tuyên bố mới nhất của ông Pompeo nhằm cảnh báo cho Bắc Kinh rằng chế độ ưu đãi đặc biệt của khu vực hành chính có nguy cơ bị thu hồi.
Tuyên bố này mang ý nghĩa kinh tế rất lớn, nhưng ý nghĩa địa chính trị có thể còn lớn hơn. Động thái này có thể sẽ gặp phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh và gây nguy hiểm hơn nữa cho mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã rất mong manh, và dường như đang rơi tự do trong bối cảnh căng thẳng về thương mại, đại dịch và cạnh tranh công nghệ.
Một câu hỏi được đặt ra là việc cắt quy chế ưu đãi thương mại đặc biệt này sẽ giúp ích gì cho người Hong Kong trong việc đấu tranh vì quyền tự chủ và tự do của họ? Hay là việc này sẽ lại giáng lên đầu người dân Hong Kong trong khi lại có tác động rất hạn chế vào Trung Quốc?
Luật an ninh của Bắc Kinh là gì?
Bắc Kinh đã đề xuất áp đặt luật này lên Hong Kong.
Luật này cấm phản quốc, lật đổ và ly khai ở Hong Kong, được đưa ra sau nhiều tháng biểu tình đòi dân chủ vào năm ngoái.
Việc chống đại lục đã được thúc đẩy vào năm ngoái khi luật dẫn độ được đề xuất - và sau đó bị hủy bỏ - dự luật sẽ cho phép nghi phạm hình sự bị dẫn độ sang Trung Quốc.
Giới chỉ trích cho rằng luật an ninh là một nỗ lực trực tiếp nhằm hạn chế quyền tự do vốn đã được quy định trong tiểu hiến pháp khi Hong Kong được bàn giao cho Trung Quốc hồi năm 1997.
Đặc khu trưởng Carrie Lam đã bác bỏ ý kiến cho rằng Luật an ninh quốc gia, dự kiến được bỏ phiếu trong tuần này và có thể được ban hành vào tháng Sáu, sẽ hạn chế quyền của cư dân Hong Kong.
Một nhóm hơn 200 chính trị gia cao cấp từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra tuyên bố chung chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ công bố một phản ứng "rất mạnh mẽ" đối với luật được đề xuất vào trước cuối tuần này. Các kế hoạch của Trung Quốc đã bị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án, ông mô tả chúng là "hồi chuông báo tử" cho các quyền tự do của Hong Kong.
Vương quốc Anh, Úc và Canada cũng đã bày tỏ "mối quan tâm sâu sắc".