Vi phạm bản quyền ở Việt Nam: Cần làm gì để ngăn ngừa, kiểm soát?
"Tại Việt Nam, vi phạm bản quyền luôn ở mức cao so với thế giới và khu vực, ngày càng phát triển về số lượng, quy mô, và thậm chí có tính chất xuyên biên giới thông qua internet." - Thạc sĩ Luật học, Luật sư Sở hữu trí tuệ - Hợp đồng - Thương mại tại Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam Trương Thị Dạ Thảo trao đổi với BBC.
Theo bà Dạ Thảo, vi phạm bản quyền ở Việt Nam là một vấn đề "nhức nhối", diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực như điện ảnh, văn học, thể thao, mỹ thuật....
"Hiện nay, việc vi phạm bản quyền có thể được thực hiện bằng những cách thức vô cùng đơn giản nhờ sự phát triển của công nghệ số, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trong tay là ai cũng có thể dễ dàng sao chép, quay chụp hay livestream lại một chương trình, tác phẩm có bản quyền." - bà Dạ Thảo nói.
"Phức tạp hơn, đó có thể là việc sử dụng các phần mềm vượt tường lửa, bảo mật để tiếp cận các tác phẩm phải trả phí để xem trên Internet."
"Như vậy có thể thấy, vi phạm bản quyền hiện nay tại Việt Nam đang diễn ra phổ biến và rất đa dạng, cả về loại hành vi và hình thức, phạm vi thực hiện. Tất cả các đối tượng bảo hộ đều có thể bị vi phạm bản quyền."
Quay lén phim Doctor Strange 2 tràn lan trên mạng xã hội
Bộ phim về siêu anh hùng Doctor Strange in the Multiverse of Madness vừa ra mắt khán giả Việt Nam tuần trước. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được thưởng thức bom tấn Hollywood mới này trên toàn thế giới, sớm 2 ngày so với nhiều thị trường lớn khác.
Theo truyền thông, riêng trong ngày công chiếu chính thức 04/05, bộ phim đã thu về 20 tỷ đồng, lập kỷ lục doanh thu trong năm 2022 tính đến nay và hiện đang "cháy vé" tại các rạp chiếu phim trên khắp cả nước.
Từ ngày 03/05, Marvel đã thực hiện một nỗ lực chưa từng nhằm ngăn chặn việc phát tán spoil (tiết lộ nội dung phim) là tắt toàn bộ bình luận có liên quan đến Doctor Strange 2 trên tất cả các tài khoản mạng xã hội của hãng từ Twitter, Facebook và Instagram.
Dòng tiểu sử của Marvel trên Twitter cũng được đổi thành: "Hãy khám phá bộ phim ở rạp, không phải trên mạng".
Twitter. Chúng tôi cần sự đồng ý của quý vị trước khi bất kỳ nội dung nào được tải xuống, bởi việc này có thể đi kèm việc sử dụng cookies và các công nghệ khác. Quý vị có thể đọc chính sách cookie của Twitter trước khi đồng ý. Để xem nội dung này, hãy chọn 'chấp nhận và tiếp tục'.
Cuối Twitter tin
Tuy nhiên, mặc cho những nỗ lực của nhà sản xuất, chỉ sau vài ngày công chiếu, những video quay lén phim được đăng tải tràn lan trên các mạng xã hội Việt Nam, đặc biệt là TikTok.
Đại điện truyền thông của hệ thống rạp CGV tại Việt Nam từ chối trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt về nạn quay lén trong rạp vì lý do đề tài nhạy cảm.
Ý kiến của luật sư
Luật sư Dạ Thảo cho biết: "Hành vi livestream, quay lén phim chiếu rạp có thể được coi là việc sao chép tác phẩm khi không được sự cho phép, đồng ý của chủ thể quyền."
"Theo quy định tại Khoản 6, Điều 28 và Khoản 5, Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 và 2019, việc sao chép tác phẩm không được sự đồng ý của tác giả mà không phải để phục vụ mục đích giảng dạy, nghiên cứu cá nhân hay lưu trữ thư viện để nghiên cứu là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan."
Trao đổi với BBC, bà Dạ Thảo cho biết nếu bản sao của tác phẩm không bị phát tán rộng rãi thì thiệt hại đối với chủ thể quyền sẽ không quá lớn.
"Tuy nhiên, nếu bản sao này được phổ biến rộng rãi sẽ có thể ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của bộ phim bởi nhà sản xuất sẽ khó có thể truy xuất và thu tiền sử dụng tác phẩm đối với tất cả những người xem."
"Ngoài ra, điều này còn có thể tiếp tay cho những hành vi xâm phạm khác nữa như cắt xén phim rồi trình chiếu nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của diễn viên. Từ đó, những tác hại trực tiếp này có thể dẫn đến việc triệt tiêu động lực sáng tạo của những người làm phim, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần và sự phát triển của xã hội."
"Không khác gì ăn cướp"
Nhà thiết kế đồ họa Phạm Minh Hoàng, hay còn được biết đến nhiều hơn với tên gọi Người Đá, là một người hâm mộ lâu năm của dòng phim Marvel. Minh Hoàng cho biết đã phải đặt vé xem phim sớm nhất có thể để tránh bị tiết lộ nội dung, gây ảnh hưởng sâu sắc đến trải nghiệm điện ảnh khi là người xem sau.
"Tôi bài trừ việc quay lén rồi phát lên mạng xã hội vì cái đó không khác gì ăn cướp," anh nói với BBC.
"Mỗi lần thấy những video như vậy trên mạng xã hội là tôi bấm bỏ qua ngay, dù đã xem phim hay chưa xem cũng bấm bỏ qua."
Minh Hoàng cho rằng cần lên án không chỉ những người quay lén trong rạp rồi phát tán mà còn cần lên án những người đón xem những đoạn video này.
"Bức xúc chung trong ngành sáng tạo ở Việt Nam"
Bản thân Minh Hoàng cho hay anh cũng chính là một trong những nạn nhân bị vi phạm bản quyền.
Bộ tranh vẽ các siêu anh hùng Marvel mặc áo dài do anh vẽ từng nhận được nhiều lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng anh nói đã bị nhiều trang trên Facebook ăn cắp chất xám trắng trợn.
"Có một trang nào đó lấy bộ ảnh của tôi, đổi màu một tí rồi đăng lên làm như của họ làm" - Minh Hoàng nói.
"Bức xúc thì là của chung trong ngành sáng tạo ở Việt Nam, mọi người xào nấu ý tưởng của nhau, hoặc thẳng tay ăn cắp luôn như chuyện thường ngày."
"Có trang ăn cắp content (nội dung), xóa credit (nguồn trích dẫn) tác giả và nhận là của mình, và thường không bao giờ phản hồi khi nhận phản ánh."
"Nhưng một số trang khác như Truyện Tranh Nhảm Nhí, Man + của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thì khi nhận phản hồi của tác giả thì xin lỗi, hoặc gửi email xin lỗi và sửa liền".
Theo Minh Hoàng, những trang này thường vô tình lấy nội dung về mà không biết nguồn.
Còn những trang đã cố tình ăn cắp nội dung thì "mặt dày lắm, và thường lơ mình luôn", anh chia sẻ.
Không truy đuổi vì "phiền phức, không có cơ chế rõ ràng"
Không chỉ bị vi phạm bản quyền trên mạng, những sáng tạo của Minh Hoàng và các đồng nghiệp còn bị nhiều nơi ngang nhiên lấy in ra trên ốp điện thoại hoặc áo dài rồi rao bán.
"Thời gian đầu tôi có đi liên hệ, yêu cầu người ta bổ sung thông tin hoặc in bài. Trang nào lì lợm và kém văn minh thì tôi cũng từng đăng lên Facebook bóc phốt nhẹ, nhưng sau này thì quá nhiều nên tôi mệt và không làm nữa."
"Chỉ có những dự án quan trọng mà tôi đang cộng tác với nhiều đối tác, khách hàng mà bị ăn cắp quá đáng, ví dụ lấy hình của tôi rồi bảo là của họ, rồi đi truyền thông và bán thu lợi nhuận thương mại tôi mới truy đuổi."
Minh Hoàng nói với BBC anh chỉ đi liên hệ hoặc đăng bài trên mạng để cảnh báo với cộng đồng chứ chưa bao giờ đụng tới pháp luật, vì "phiền phức, mà cũng ko có cơ chế gì rõ ràng về mấy vấn đề này".
Cơ chế xử lý ở Việt Nam
Luật sư Dạ Thảo cho biết: "Chủ thể xâm phạm bản quyền tùy vào mức độ và hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật."
"Về xử phạt hành chính, theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng."
"Về xử lý hình sự, căn cứ Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan sẽ có khung hình phạt cao nhất lên đến có thể lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
"Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội vẫn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp chủ sở hữu quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật của mình gây nên."
Bà Dạ Thảo nói rằng hiện nay, bằng công cụ pháp luật, cơ quản quản lý nhà nước đã có những biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm.
"Gần đây vào tháng 8/2021, việc lần đầu tiên khởi tố vụ án hình sự về vi phạm bản quyền tác giả đối với những vi phạm của Phimmoi (trang web chiếu phim lậu) là cột dấu mốc cực kỳ quan trọng trong việc xử lý vi phạm bản quyền. Đây chính là một hồi chuông cảnh báo đối với tất cả tổ chức, cá nhân vi phạm."
Vi phạm bất chấp vì "chưa mang tính răn đe cao"
Nhưng cũng theo bà Dạ Thảo, so với những thiệt hại của chủ thể quyền và lợi nhuận bất chính thu được từ hành vi xâm phạm, việc xử phạt hành chính chưa mang tính răn đe cao đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thậm chí, một số tổ chức, cá nhân đã bất chấp thực hiện các hành vi vi phạm dù đã bị xử phạt hành chính.
Thạc sĩ Luật học nêu ra những động cơ của những người vi phạm bản quyền tại Việt Nam, bao gồm: phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của bản thân; thu lợi, kinh doanh bất chính từ các tác phẩm bản quyền; xâm hại uy tín, danh dự của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; sử dụng tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác nhằm mục đích nghiên cứu; và nâng cao danh tiếng của bản thân.
Trong đó, thu lợi bất chính là trường hợp dễ thấy nhất. "Ví dụ điển hình là việc các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép các tác phẩm văn học, âm nhạc (truyền đạt tác phẩm đến công chúng, xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền) để xúc tiến việc bán sản phẩm của mình hay thậm chí là thu tiền từ người xem, nghe tác phẩm."
"Cần lên án" trường hợp của người nổi tiếng
Hồi tháng Tư, theo truyền thông Việt Nam, nhãn hàng Ren của nhà thiết kế Haixi Ren đăng đàn chỉ trích người mẫu Ngọc Trinh vì "mặc đồ nhái thiết kế dành riêng cho Kendall Jenner".
Khi được hỏi về vụ việc này, luật sư Dạ Thảo cho biết: "Một thiết kế thời trang trên thực tế có thể được pháp luật bảo vệ theo các hình thức là: một tác phẩm nghệ thuật; một kiểu dáng công nghiệp; hàng hóa có nhãn hiệu được bảo hộ."
"Căn cứ Khoản 2 Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì thiết kế thời trang được pháp luật xem là một loại tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và được bảo hộ. Việt Nam và Hoa Kỳ đều là các thành viên của Công ước Berne về quyền tác giả, quyền liên quan."
"Vì vậy, quyền tác giả, quyền liên quan đối với thiết kế thời trang của nhà thiết kế Haixi Ren được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam."
"Trong trường hợp thiết kế của nhà thiết kế Haixi Ren đáp ứng điều kiện bảo hộ của một tác phẩm nghệ thuật (có tính sáng tạo và tính nguyên gốc), thì hành vi sao chép tác phẩm không được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ."
"Suy xét đến những lợi ích của cộng đồng, xã hội nói chung (như không kích thích được ý tưởng sáng tạo của nhà thiết kế để tạo ra những sản phẩm sáng tạo mới cho cộng đồng) và các tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả nói riêng (như những lợi ích mà họ xứng đáng được nhận cho sự sáng tạo hay đầu tư cho sáng tạo của mình), chúng ta cần thiết phải lên án mạnh mẽ và ngăn chặn hành vi xâm phạm này."
Kiểm soát vi phạm bản quyền tại Việt Nam?
Việc thực thi quyền tác giả đang gặp nhiều thử thách lớn trong thời đại công nghệ số.
Bà Dạ Thảo đã nêu ra những giải pháp cụ thể với vấn đề vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
"Như hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới, để hạn chế và kiểm soát được vấn nạn xâm phạm bản quyền tại Việt Nam, trong cơ chế và chính sách quản lý của Nhà nước liên quan đến các vấn đề này, nhà nước ta cần xây dựng lộ trình để giải quyết tận gốc rễ các vấn đề sau:
"Thứ nhất, nâng cao hiểu biết của cộng đồng, người dân trong việc tôn trọng quyền tác giả và quyền liên quan bằng các biện pháp tuyên truyền, truyền thông.
"Thứ hai, đẩy mạnh việc thực thi bảo vệ và chống xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số.
"Thứ ba, sửa đổi, cập nhật quy định pháp luật để phù hợp với xu thế hiện tại và đưa ra các hình phạt có giá trị răn đe ở cả 3 mảng hành chính, dân sự và hình sự."
"Bên cạnh đó, các chủ thể quyền cũng cần xây dựng những biện pháp bảo vệ kỹ thuật mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm quyền. Ví dụ như việc rạp chiếu phim có thể lắp đặt hệ thống phát hiện thiết bị quay, ghi âm hay chụp ảnh để xử lý người sử dụng ngay lập tức, tránh bản sao được sử dụng hoặc phát tán. Hoặc ví dụ như các trang web của các tạp chí khoa học có thể xây dựng hệ thống tường lửa mạnh mẽ hơn để ngăn chặn phần mềm vượt tường kỹ thuật." - Luật sư Dạ Thảo kết luận.
Đọc thêm: