Mỹ truy tố cựu kỹ sư Google người Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp bí mật AI
- Tác giả, Kathryn Armstrong
- Vai trò, BBC News
Một cựu kỹ sư phần mềm của Google đã bị truy tố ở Mỹ với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại về trí tuệ nhân tạo (AI) khi bí mật làm việc cho hai công ty Trung Quốc.
Đinh Lâm Vĩ, còn được gọi là Leon Ding, đã bị truy tố bốn với tội danh ở bang California và bị bắt hôm 6/3.
Kỹ sư người Trung Quốc này bị cáo buộc đã đánh cắp hơn 500 hồ sơ mật.
Ông Đinh phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và 250.000 USD tiền phạt cho mỗi tội danh.
Hiện chưa xác định được luật sư bào chữa cho ông Đinh, theo truyền thông địa phương.
Cựu kỹ sư Google bị cáo buộc đánh cắp thông tin liên quan đến cơ sở hạ tầng của các trung tâm dữ liệu siêu máy tính của Google, được sử dụng để lưu trữ và đào tạo các mô hình AI lớn.
Theo cáo trạng, ông Đinh được Google thuê vào năm 2019 với công việc liên quan đến phát triển phần mềm.
Ông Đinh bị cáo buộc đã bắt đầu tải các thông tin được lưu trữ trong hệ thống của Google lên tài khoản Google cá nhân vào tháng 5/2022. Hành vi này diễn ra định kỳ trong suốt một năm sau đó.
Cùng thời gian, kỹ sư này được cho là đã làm việc vài tháng tại Trung Quốc cho Beijing Rongshu Lianzhi Technology - công ty công nghệ khởi nghiệp đã tiếp cận ông.
Bản cáo trạng cho biết ông Đinh được công ty này đề nghị mức lương 14.800 USD mỗi tháng với vị trí giám đốc công nghệ.
Ông cũng được cho là đã thành lập công ty công nghệ của riêng mình, có tên Shanghai Zhisuan Technology, tập trung vào AI và máy học, đồng thời đảm nhận vị trí giám đốc điều hành.
BBC đã liên lạc với công ty Rongshu, trong khi chưa thể liên lạc được với Zhisuan để đề nghị bình luận.
Các công tố viên cáo buộc ông Đinh chưa bao giờ nói với Google về công việc của mình ở cả hai công ty trên.
Bản cáo trạng nêu rõ rằng ông Đinh đã nộp đơn vào một tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc để giúp phát triển hoạt động kinh doanh và trình bày nội dung này tại một hội nghị các nhà đầu tư ở Trung Quốc vào tháng 11/2023.
Vào tháng tiếp theo, dù bị Google nghi ngờ khi cố tải thêm dữ lịệu lên máy tính cá nhân của mình khi ở Trung Quốc, nhưng ông Đinh nói với điều tra viên của Google rằng việc đó là để cung cấp bằng chứng cho thấy ông đang làm việc cho gã khổng lồ công nghệ này.
Khi trở về Mỹ và không báo cho công ty Google, ông Đinh được cho là đã đặt vé một chiều từ San Francisco đến Bắc Kinh, trước khi từ chức vào ngày 26/12.
Vài ngày sau, Google một lần nữa nghi ngờ sau khi biết về hoạt động của ông Đinh tại hội nghị nhà đầu tư và đình chỉ quyền truy cập của ông - đồng thời truy vết lịch sử hoạt động của cựu nhân viên này và phát hiện ra các nội dung được tải lên trái phép.
Người phát ngôn của Google là José Castañeda cho biết công ty có "các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt để ngăn chặn hành vi trộm cắp thông tin và bí mật thương mại của chúng tôi", đồng thời nói thêm rằng công ty đã nhanh chóng thông báo cho chính quyền khi tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái bị cáo buộc.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết trong một thông cáo hôm 6/3 rằng Đinh Lâm Vĩ đang tìm cách làm giàu cho bản thân bằng cách bí mật làm việc cho các công ty đang "tìm kiếm lợi thế trong cuộc đua công nghệ AI".
“Bộ Tư pháp sẽ không khoan nhượng đối với hành vi ăn cắp trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng tôi,” ông Garland nói.
Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết các hành vi bị cáo buộc của ông Đinh "là minh họa mới nhất về mức độ" mà các công ty ở Trung Quốc sẽ thực hiện để "đánh cắp thành tựu đổi mới sáng tạo của Mỹ".
Những năm gần đây, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên gay gắt khi cả hai bên đều cố gắng giành lợi thế cạnh tranh so với bên kia.
Cạnh tranh đã khiến cả hai nước áp đặt thuế quan lên hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của đối phương.
Quan hệ thương mại Mỹ-Trung đã trở nên xấu đi dưới thời chính quyền Biden, khi hai bên áp đặt các rào cản thương mại mới, bao gồm cả các hạn chế đối với xuất khẩu chip máy tính.