Điện hạt nhân Việt Nam: Để tránh mắc kẹt vào công nghệ của một nước

Việt Nam muốn xây nhà máy điện hạt nhân

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Các chuyên gia năng lượng và giới quan sát nhận định rằng Việt Nam nên tính đến việc đa dạng hóa nguồn cung thay vì trói buộc mình vào bất kỳ nhà cung cấp duy nhất nào cho dự án nhà máy điện hạt nhân. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tính đến các rủi ro tiềm ẩn.

Tại hội nghị bất thường Trung ương Đảng vào hôm qua 25/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói về chủ trương tái khởi động việc nghiên cứu triển khai điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Theo ông Tô Lâm, việc phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia là vấn đề quan trọng cần phải đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển với tầm nhìn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030-2045.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định việc tái khởi động nghiên cứu sử dụng điện hạt nhân hiện nay “là rất cần thiết để chuẩn bị cho tương lai”.

Trước đây, Việt Nam đã có chủ trương và triển khai bước đầu dự án điện hạt nhân. Tuy nhiên, theo ông Tô Lâm, “do một số khó khăn nhất định nên Trung ương Đảng đã quyết định dừng việc thực hiện”.

Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng hiện nay, do yêu cầu phát triển đất nước và chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết, Bộ Chính trị báo cáo để Trung ương Đảng cho phép tiếp tục triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia trong giai đoạn mới.

Phát biểu của ông Tô Lâm cho thấy đã có sự thống nhất ở đội ngũ lãnh đạo, vấn đề còn lại là tính toán về cách thức thực hiện.

Như vậy, cùng với đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Việt Nam đang đặt tham vọng và quyết tâm rất lớn trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Khác xem mô hình lò phản ứng hạt nhân của Tập đoàn Mitshubishi Nhật Bản tại một triển lãm về năng lượng hạt nhân được tổ chức tại Hà Nội ngày 28/5/2010. Việt Nam từng có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, dự kiến ​​đi vào hoạt động từ năm 2020

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Khách xem mô hình lò phản ứng hạt nhân của tập đoàn Mitshubishi (Nhật Bản) tại một triển lãm về năng lượng hạt nhân được tổ chức tại Hà Nội ngày 28/5/2010. Việt Nam từng có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, dự kiến ​​đi vào hoạt động từ năm 2020

Phòng ngừa rủi ro

Theo Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales (Úc), rủi ro tiềm ẩn lớn nhất đối với Việt Nam sẽ là khả năng đào tạo đủ kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật một cách liên tục để quản lý mọi khía cạnh của lò phản ứng hạt nhân và công nghệ hạt nhân một cách an toàn.

Việt Nam không phải là quốc gia thường xuyên xảy ra động đất. Tuy nhiên, Việt Nam nên chuẩn bị cho một thảm họa thiên nhiên bất ngờ có quy mô lớn như trận động đất tạo ra sóng thần cao mười lăm mét tấn công các lò phản ứng ở Fukushima của Nhật Bản, vô hiệu hóa hệ thống điện và và gây ra một vụ tai nạn hạt nhân vào năm 2011.

Việt Nam không nên mua uranium làm giàu cao có thể chuyển đổi cho mục đích quân sự, và cầm đảm bảo đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo theo các quy chuẩn toàn cầu tốt nhất về quản lý và an toàn điện hạt nhân.

Đối với các thanh hạt nhân đã qua sử dụng, Việt Nam cần trả lại cho Nga để xử lý an toàn.

"Đây là thông lệ bình thường đối với Nga khi nước này xuất khẩu uranium làm giàu sang các quốc gia không có vũ khí hạt nhân.

"Theo thỏa thuận ban đầu của Việt Nam với Nga về các lò phản ứng hạt nhân dự kiến xây tại Ninh Thuận trước đây, Nga đã cam kết thu hồi nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng," Giáo sư Carl Thayer cho hay.

Còn theo Tiến sĩ Victor Nian, đồng chủ tịch sáng lập Trung tâm Năng lượng và Tài nguyên Chiến lược, một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Singapore, thì các công nghệ điện hạt nhân hiện đại đã trở nên an toàn hơn nhiều, đặc biệt là các lò phản ứng mô đun nhỏ và nhà máy điện hạt nhân nổi.

Đây là loại hình công nghệ mà Việt Nam có thể sẽ lựa chọn, theo các thông tin từ báo chí trong nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý việc sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn và bảo mật vẫn phụ thuộc vào khả năng của từng quốc gia, Tiến sĩ Victor Nian nhận định.

Bên cạn đó, xét đến những diễn biến địa chính trị toàn cầu đang thay đổi, ông cho rằng các quốc gia nên thận trọng để không bị "khóa chặt" vào bất kỳ nhà cung cấp cụ thể nào mà nên đa dạng trong lựa chọn.

Tiến sĩ Victor Nian nói với BBC:

"Đa dạng hóa chuỗi cung ứng là quan trọng, đây là bài học rút ra từ cuộc xung đột Ukraine.

"Với bản chất chiến lược của năng lượng hạt nhân, có khả năng sẽ có nguy cơ 'khóa chặt', không phải vào bất kỳ công ty cụ thể nào, mà vào một quốc gia cụ thể."

"Tuy nhiên, điều này cũng có thể không đúng vì Trung Quốc đã thành công trong việc hợp tác với một số quốc gia như Pháp, Mỹ, Canada và Nga để xây dựng lò phản ứng hạt nhân từ các nhà cung cấp khác nhau. Nhưng thị trường lò phản ứng của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Việt Nam."

Tiếp đó, ở Đông Nam Á, mặc dù năng lượng hạt nhân là quyết định của quốc gia, các nước ASEAN nên thông báo cho các nước láng giềng về các quyết định quan trọng có thể tác động đến khu vực trong trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Liên quan đến vấn đề an toàn và chất thải phóng xạ, Tiến sĩ Victor Nian cho rằng Việt Nam cần một cơ quan độc lập đủ năng lực để quản lý các chương trình điện hạt nhân trong nước.

"Là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, Việt Nam cần thảo luận với các đối tác tiềm năng về vấn đề plutonium và xử lý chất thải phóng xạ. Nga đã đề nghị thu hồi nhiên liệu đã qua sử dụng trong các cuộc thảo luận trước đó và đây có vẻ là một đề nghị hợp lý đối với Việt Nam.

"Việt Nam đã đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư, và tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng một cơ quan quản lý có năng lực cũng quan trọng ngang bằng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, nghiên cứu, kỹ thuật, vận hành, v.v," ông Victor Nian nói với BBC.

Mỹ, Trung Quốc thì sao?

Bên cạnh các đối tác tiềm năng như Nga, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản, Giáo sư Carl Thayer nhận định rằng "có cơ sở cho sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân" dù Hà Nội không nêu tên nước này trong danh sách ba nước đã tham gia đàm phán.

Theo Giáo sư Thayer, sự thống trị của Hoa Kỳ đối với ngành công nghiệp điện hạt nhân đã đạt đến đỉnh điểm. Nhưng Hoa Kỳ và châu Âu không làm tốt trong việc thắng thầu ở các nước đang phát triển.

Nga vẫn là nước dẫn đầu toàn cầu về xây dựng lò phản ứng hạt nhân, thông qua Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga (Rosatom).

Theo Báo cáo Chiến lược Hạt nhân Thế giới, tính đến tháng 7/2023, Nga có 24 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã dừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sau vụ tai nạn Three Mile Island năm 1979.

Hoa Kỳ có 112 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động vào năm 1990 nhưng đến năm 2024, nước này đã ngừng hoạt động gần một phần ba.

Không có giấy phép xây dựng điện hạt nhân nào được cấp ở Mỹ cho đến năm 2012 khi Ủy ban Quản lý Hạt nhân phê duyệt bốn giấy phép.

Ngành công nghiệp điện hạt nhân của Hoa Kỳ đã có từ nhiều thập kỷ trước và nhiều nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động trong một thập kỷ rưỡi tới khi vòng đời của chúng kết thúc.

Trong những năm gần đây, thái độ của Hoa Kỳ đối với năng lượng hạt nhân đã thay đổi.

Chính quyền Biden đã trình Đạo luật Phát triển Năng lượng Nguyên tử lên Quốc hội, nơi Hạ viện thông qua vào ngày 28/2/2024.

Đạo luật này vẫn chưa được Thượng viện chấp thuận.

Đạo luật Phát triển Năng lượng Nguyên tử Mỹ ủng hộ việc triển khai mạnh mẽ các công nghệ năng lượng hạt nhân, chẳng hạn như lò phản ứng hạt nhân tiên tiến.

Hiện nay, các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu (EXIM), Tổng công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và các nhà phát triển lò phản ứng mô đun General Atomics và Bechtel để thúc đẩy bán hàng ra nước ngoài tại Bulgaria, Ghana, Indonesia, Kazakhstan và Philippines.

Tại Việt Nam, Hoa Kỳ đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt theo Chương trình Nguyên tử vì Hòa bình. Vào cuối Chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã tháo dỡ các thanh hạt nhân. Sau khi Việt Nam thống nhất, Nga đã hỗ trợ Việt Nam khởi động lại lò phản ứng Đà Lạt bằng cách cung cấp uranium làm giàu cao. Uranium làm giàu cao có thể được chuyển đổi để sử dụng cho mục đích quân sự.

Vietnam, nuclear

Tháng 11/2006, Tổng thống George W. Bush đã đến thăm Việt Nam. Nhân dịp này, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để vận hành bằng uranium làm giàu thấp.

Năm 2007, Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam để trao đổi thông tin về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Vào tháng 3/2010, một thỏa thuận hợp tác và thương mại đã được ký kết vào tháng 10/2013 và được Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt vào tháng 5/2014. Thỏa thuận này cho phép các công ty Hoa Kỳ kinh doanh tại Việt Nam.

Hoa Kỳ không được liệt kê là nhà cung cấp tiềm năng cho các lò phản ứng hạt nhân ở Việt Nam vì Hoa Kỳ hiện nay thiếu kinh nghiệm kỹ thuật và thương mại cần thiết, theo Giáo sư Carl Thayer.

Dựa trên lịch sử hợp tác hạt nhân giữa Mỹ và Việt Nam cũng như vị trí của Mỹ hiện nay trên thị trường cung cấp lò phản ứng hạt nhân, Giáo sư Carl Thayer cho rằng lựa chọn tốt nhất là các công ty Hoa Kỳ hợp tác với các đối tác ở Nhật Bản để cung cấp cho Việt Nam các lò phản ứng hạt nhân theo hướng của dự án Ninh Thuận 2.