Thực hư chuyện đại học ở Úc dừng nhận học sinh 5 tỉnh thành Việt Nam
Nhiều diễn đàn và trang báo Việt Nam đăng tin một trường đại học ở Úc ngưng nhận sinh viên, học sinh từ 5 tỉnh thành ở Việt Nam khiến mạng xã hội xôn xao, đồn đoán về lý do.
Theo thông tin được nhiều tờ báo trong nước đăng tải, Đại học Wollongong (UOW) đã thông báo cho các đại lý tuyển sinh ở Việt Nam là không nhận hồ sơ của học sinh ở 5 tỉnh thành được xác định là có “rủi ro cao” (high risk), gồm Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Dương từ 15/8.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt vào ngày 21/10, đại diện Đại học Wollongong cho biết trường hoạt động theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ Úc để hỗ trợ các sinh viên xin thị thực học tập tại Úc thành công.
“Trong suốt năm, UOW đã điều chỉnh quy trình tuyển sinh của mình để đảm bảo phù hợp với các yêu cầu hiện tại của Bộ Nội vụ Úc," đại diện này cho biết.
Từ tháng 9/2024, UOW đã liên lạc với các đại lý ở Việt Nam để thông báo chấp nhận đơn đăng ký từ mọi vùng miền của Việt Nam, đánh giá hồ sơ theo từng trường hợp cụ thể. Như vậy, thông tin việc UOW ngưng nhận hồ sơ từ 5 tỉnh thành cụ thể nói trên là không đúng ở thời điểm hiện tại, nhưng việc xét duyệt nghiêm ngặt hơn là có thật.
Trên thực tế thì nước Úc đã và đang liên tục thắt chặt nhiều quy định liên quan đến visa du học và quyền làm việc sau tốt nghiệp và mới đây nhất là đề xuất áp trần tuyển sinh từ đầu năm 2025.
‘Rủi ro cao’
Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, không chỉ UOW mà các trường khác cũng có khả năng sẽ thay đổi quy định tuyển sinh theo hướng nghiêm ngặt hơn.
Giáo sư Hoàng Lan Anh, giảng viên cao cấp về Nghiên cứu Phát triển tại Trường Khoa học Xã hội và Chính trị, Đại học Melbourne, nói với BBC lí do là vì việc nhận những học sinh non-genuine (không có dự định du học trung thực) sẽ chiếm mất chỗ của các học sinh nghiêm túc và gây thiệt hại cả về kinh tế lẫn danh tiếng của các trường.
Bà Lan Anh cho biết mặc dù chính phủ Úc và các trường đại học Úc không có chính sách chính thức về việc từ chối nhận học sinh từ một số địa phương ở Việt Nam, nhưng từ lâu nay đã có thông tin truyền miệng rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở nước này và các trung tâm tư vấn du học, di trú rằng người ở các tỉnh được coi là rủi ro cao rất khó xin visa vào Úc, dù là visa du lịch hay sinh viên.
Cũng theo bà, các tỉnh gồm Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh và Hải Dương nhìn chung đều được coi là rủi ro cao, không chỉ đối với chính phủ và các đại học Úc, mà còn đối với những nơi nhận nhiều lao động xuất khẩu từ Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc,… và danh sách đen của mỗi nơi có thể thay đổi chút dựa trên tỷ lệ vi phạm của người dân các tỉnh đó.
Nhưng theo một người làm trong ngành tư vấn du học lâu năm, danh sách đen các tỉnh này còn dài hơn và đã có từ lâu năm, hơn nữa chuyện các trường giới hạn sinh viên từ một số tỉnh thành ở Việt Nam là “không có gì lạ”.
Bà Ann Nguyen, giám đốc công ty tư vấn du học AGS có trụ sở ở cả Sydney và Việt Nam, cho biết việc các trường, đặc biệt là đại học từ thời nước Úc áp dụng chương trình xét duyệt visa mới SSVF (Simplified student visa framework) có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đã giới hạn nhận học sinh từ một số tỉnh có tỷ lệ cao lợi dụng việc du học để ở lại bất hợp pháp.
“Chuyện này không phải là mới nhưng lâu lâu có một trường gửi email ra thì mạng xã hội lại xôn xao vào thời điểm đó, nhưng nhiều năm nay đã có những trường giới hạn nơi sinh của du học sinh, chỉ có điều là họ không thông báo đến các trung tâm đối tác mà thôi,” bà Ann Nguyen nói.
“Nhưng trong đó vẫn có những trường hợp đặc biệt được cân nhắc vì có rất nhiều học sinh giỏi đến từ các tỉnh miền Trung, dự thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia hay đạt những giải thưởng quốc gia, quốc tế," bà bổ sung.
Theo bà Ann Nguyen, lí do là vì những tỉnh thành này có tỷ lệ cao học sinh xin visa du học rồi lợi dụng thời gian đầu khi Úc qua học tiếng Anh để xin đổi trường, thậm chí là ở lại bất hợp pháp.
Giáo sư Lan Anh tại Đại học Melbourne cho biết người dân ở các tỉnh trên có tỷ lệ cao vi phạm các quy định xuất nhập cảnh và chính sách di dân của nước Úc, nêu dẫn chứng từ một dự án do bà thực hiện, nghiên cứu về di cư từ Việt Nam sang Úc từ năm 2019 đến nay.
“Tất cả những người tôi phỏng vấn, từ trung tâm tư vấn, người nhập cư tạm thời, nhập cư vĩnh viễn, người muốn nhập cư… đều xác nhận thông tin rằng những người từ các địa phương được coi là high-risk rất khó xin visa vào Úc".
Bà Lan Anh nói với BBC rằng có nhiều hình thức vi phạm khác nhau bao gồm:
- Xin visa du lịch và sau khi sang đến Úc thì ở lại quá hạn hoặc tìm cách gia hạn visa hợp lệ bằng cách xin visa du học, visa bảo vệ hoặc kết hôn giả;
- Xin visa du học của một trường đại học uy tín và sau khi sang Úc lại chuyển sang một trường học nghề mà thực chất là trá hình – thu học phí thấp, xét tuyển đầu vào dễ dàng, không thực sự cung cấp dịch vụ giáo dục hoặc nếu có chỉ là che mắt chính quyền, để được sinh sống và làm việc hợp pháp ở Úc chứ thực chất là không học hành gì;
- Xin visa du học và bỏ trốn sau khi sang đến Úc, có khả năng là để tham gia vào các đường dây trồng cần sa và lao động bất hợp pháp ở Úc.
‘80-90% du học sinh muốn ở lại Úc’
Giám đốc Ann Nguyen nói với BBC trong vòng 10 năm trở lại đây, nhu cầu du học tăng rất cao, đặc biệt là sau giai đoạn Covid-19.
Trong đó, Úc là một điểm đến du học hấp dẫn với số lượng sinh viên quốc tế sang tăng kỷ lục, và Việt Nam là một trong những thị trường lớn của nước này.
Dữ liệu của Bộ Giáo dục Úc cho thấy tính đến hết tháng 7/2024, có 793.335 sinh viên quốc tế theo học các khóa ở Úc. Trong đó, số sinh viên Việt Nam là khoảng 37.000 người, xếp ở vị trí thứ 5.
Đại diện trường Đại học Wollongong cho biết du học sinh Việt là một trong những nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất tại UOW, gồm cả UOW College (nơi cung cấp các chương trình chuyển tiếp, khóa học tiếng Anh, học nghề...), với hơn 1.000 người.
“Năm 2025, số lượng sinh viên Việt Nam nộp đơn xin học tại UOW và Cao đẳng UOW vào rất nhiều,” đại diện này cho hay.
Nhiều du học sinh trong số đó có nguyện vọng ở lại Úc để xin việc làm và định cư, thậm chí chọn học những ngành có trong danh sách định cư tay nghề của chính phủ Úc.
Giáo sư Lan Anh cho biết những trung tâm tư vấn ở Việt Nam mà bà từng phỏng vấn cho các dự án nghiên cứu nói rằng có 80-90% du học sinh muốn ở lại Úc sau khi tốt nghiệp.
Bà Ann Nguyen cũng có ước tính tương tự, cho rằng khoảng 80% du học sinh từ Việt Nam có nhu cầu định cư lại Úc sau khi học xong.
“Và trong văn hóa Việt Nam thì bao giờ trong gia đình có người ở nước ngoài cũng muốn gửi gắm những đứa em, đứa cháu đi theo, hoặc bảo lãnh gia đình theo, dẫn đến lượng người nhập cư đông hơn,” bà Ann Nguyen nói.
Siết visa
Dù du học mang về cho nền kinh tế Úc 47,8 tỷ USD vào năm 2023, theo Bộ Giáo dục Úc, gần đây nước này đang siết thị thực du học nhằm giảm người nhập cư.
Bộ trưởng Giáo dục Úc Jason Clare hồi tháng 8/2024 công bố nước này chỉ tuyển mới khoảng 270.000 sinh viên quốc tế vào năm sau, giảm hơn 53.000 so với năm 2023. Theo đó, chỉ tiêu tuyển du học sinh dành cho các đại học công lập là 145.000, trường nghề là 95.000 người.
Nhà chức trách cho hay việc áp trần tuyển sinh nhằm kiềm chế lượng nhập cư ròng, đưa số du học sinh về mức bằng trước đại dịch, góp phần tạo ra hệ thống giáo dục công bằng và ổn định hơn.
Trước đó, vào tháng 2/2024, Úc ra quy định thời gian cho du học sinh ở lại sau tốt nghiệp chỉ còn 2-4 năm, thay vì 4-6 năm như trước.
Tới tháng 5/2024, nước này thông báo giới hạn độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp giảm từ 50 xuống 35.
Bà Ann Nguyen cũng lưu ý đây là năm mà Úc siết chặt quy định “cực kì căng” đối với du học sinh, áp số lượng tuyển sinh trần cho từng trường đại học, cao đẳng một con số thấp hơn rất nhiều so với con số tuyển sinh những năm trước.
Giám đốc trung tâm tư vấn du học AGS cho rằng từ một quốc gia khá “dễ” và “cởi mở” đối với các du học sinh chuyển sang siết chặt như vậy sẽ gây khó khăn cho không những các trường mà còn cả các trung tâm tuyển sinh và du học sinh, khi họ không biết có thể vào được trường mà họ yêu thích hay không.
Tuy nhiên, giáo sư Lan Anh cho rằng những chính sách mới này không ảnh hưởng đến những người thực sự có khả năng xin định cư Úc theo con đường tay nghề cao.
“Mặc dù thời gian được phép ở lại sau khi tốt nghiệp giảm đi thì cơ hội để tìm việc và tài trợ visa khó hơn nhưng nên nhớ là mức 2-3 năm là bằng với khi trước dịch, chính phủ Úc chỉ nâng lên một thời gian ngắn sau dịch rồi rút lại như cũ.”
“Còn về hạn chế độ tuổi 35 là vì theo số liệu thống kê của giới chức, những người trên 35 tuổi có khả năng tìm việc đúng chuyên môn thấp hơn nhiều các sinh viên của dưới độ tuổi này. Tiếng Anh của họ kém hơn, khả năng hòa nhập thị trường lao động Úc thấp hơn,” bà lí giải.
Bà Lan Anh nhấn mạnh rằng người Việt là một trong những cộng đồng có kỹ năng tiếng Anh kém nhất trong các cộng đồng người nhập cư ở Úc nên việc học tập và làm việc chắc chắn có khó khăn. Tuy vậy, bà cũng cho biết những người thực sự có trình độ và tiếng Anh giỏi thì không gặp rào cản lớn.
“Người Việt rất chăm chỉ và nhìn chung giỏi các ngành khoa học tự nhiên, tài chính, kế toán hơn người Úc. Tuy nhiên, người Việt có điểm yếu là về ngôn ngữ, tư duy phản biện, kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo… do chủ yếu không được dạy khi còn ở Việt Nam, nên nhìn chung khó tìm chỗ đứng ở những ngành đòi hỏi kĩ năng này và khó nắm giữ được các vị trí lãnh đạo,” bà nói.
Nữ giáo sư người Việt ở Đại học Melbourne cho rằng những học sinh muốn sang Úc du học nên theo đuổi ngành học mà mình đam mê và có khả năng, chứ không phải theo danh sách định cư tay nghề của chính phủ Úc, vì danh sách này thay đổi liên tục.
Ngoài ra, bà nhận định việc đổ xô vào học những ngành định cư dẫn đến việc cạnh tranh cao trên thị trường lao động.
“Nhiều sinh viên cũ của tôi và những người quen của tôi ở Úc học những ngành không hề có trong danh sách định cư, nhưng họ học giỏi và làm tốt nên xin được việc dễ dàng, và khi chứng minh được năng lực làm việc thì nhà tuyển dụng sẵn sàng tài trợ visa.
“Bản thân tôi cũng theo học ngành Development Studies, một ngành không được định cư và lại còn học ở Anh, không phải ở Úc mà vẫn xin được việc và visa ở Úc,” vị giáo sư cho biết.
“Nước Úc luôn mở cửa chào đón những người thực sự giỏi và có tham vọng về sự nghiệp chứ không phải chăm chăm vào mục đích duy nhất là trèo lên ‘đỉnh OlymPR’ [một cách chơi chữ phổ biến trong cộng đồng người Việt ở Úc]", bà kết luận.