Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa Trung Quốc và Philippines
- Tác giả, Tessa Wong & Joel Guinto
- Vai trò, BBC News
Một điểm nóng mới đã xuất hiện trong tranh chấp hàng hải kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines, khi hai nước lại xảy ra va chạm tại một khu vực khác trên Biển Đông.
Cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với nhiều đảo và khu vực trên vùng biển này, và mâu thuẫn ngày càng leo thang trong những năm qua với nhiều vụ va chạm tàu, xô xát và cáo buộc đe dọa bằng vũ lực.
Nhưng tuần trước, tình hình đã căng thẳng hơn khi tàu của Bắc Kinh và Manila va chạm gần bãi cạn Sa Bin - cả hai bên đều cáo buộc tàu của bên kia cố tình đâm vào tàu của mình.
Bãi Sa Bin, tên tiếng Anh là Sabina Shoal, được Trung Quốc gọi là Rạn Tiên Tân (Xianbin Jiao) và phía Philippines gọi là Escoda, nằm cách bờ biển phía tây của Philippines khoảng 75 hải lý (gần 140km) và cách Trung Quốc 630 hải lý (gần 1.170km).
Việt Nam cũng tuyên bố bãi cạn này thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Chuyện gì đã xảy ra ở bãi Sa Bin?
Vào ngày 19/8/2024, một số tàu của Trung Quốc và Philippines đã va chạm gần bãi cạn ở quần đảo Trường Sa, khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt mà cả hai nước đã tranh chấp trong nhiều năm.
Hải cảnh Trung Quốc cho biết tàu Philippines đã "cố tình va chạm", trong khi Philippines cho biết các tàu của Bắc Kinh đã thực hiện "các hành động hung hăng".
Một đợt va chạm thứ hai đã diễn ra hôm 25/8, với việc cả hai bên một lần nữa đổ lỗi cho nhau. Một số quốc gia khác bao gồm Anh, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, cũng như Liên minh châu Âu (EU), đã chỉ trích hành động của Trung Quốc.
Ngày 26/8, Philippines cho biết 40 tàu Trung Quốc đã ngăn cản hai tàu của họ thực hiện một "nhiệm vụ nhân đạo" để tiếp tế cho tàu Teresa Magbuana, một tàu tuần tra của Philippines đã được triển khai đến bãi cạn từ vài tháng trước.
Philippines nghi ngờ Trung Quốc đang cố gắng khai phá đất tại bãi cạn Sa Bin. Manila đã chỉ ra những đống san hô bị nghiền nát trên các bãi cát ở bãi cạn Sa Bin, được lực lượng tuần duyên của họ quay phim lại, nói rằng Bắc Kinh đang sử dụng những vật liệu đó để mở rộng bãi cạn. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã gọi những cáo buộc này là "vô căn cứ".
Nhà chức trách Philippines đã đưa tàu Teresa Magbuana đến bãi cạn Sa Bin vào tháng 4/2024 như một phần của sự hiện diện lâu dài mà họ có kế hoạch duy trì tại đây. Manila coi đây là chìa khóa trong nỗ lực thăm dò dầu khí tại quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, Trung Quốc coi sự hiện diện của con tàu Teresa Magbuana là bằng chứng cho thấy Philippines có ý định chiếm bãi cạn này.
Một bình luận gần đây của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã nhắc đến con tàu BRP Sierra Madre cũ nát từ thời Thế chiến II của Philippines bị mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal, còn Trung Quốc là Rạn Nhân Ái - Ren'ai Jiao) vào năm 1999.
Một số binh lính vẫn đồn trú ở đó và cần được tiếp tế thường xuyên. Trong nhiều năm, con tàu này là nguồn gốc của căng thẳng liên tục giữa hai nước, với việc Trung Quốc thường xuyên tìm cách ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế của Manila cho con tàu.
"25 năm sau, con tàu này vẫn ở đó. Rõ ràng, Philippines đang cố gắng lặp lại kịch bản này tại Bãi Sa Bin," bài bình luận cho biết.
"Trung Quốc sẽ không bao giờ bị Philippines lừa dối nữa", Tân Hoa Xã viết thêm.
Leo thang tranh chấp?
Đã có một loạt các cuộc chạm trán nguy hiểm trong những tháng gần đây khi hai bên tìm cách thực thi các yêu sách của mình đối với các rạn san hô và bãi đá tranh chấp, bao gồm Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough.
Các vụ va chạm thường phát sinh từ trò mèo vờn chuột giữa các tàu, khi bên này tìm cách xua đuổi bên kia đi.
Trung Quốc ngày càng bắn nhiều vòi rồng và tia laser mạnh vào các tàu của Philippines, trong khi phía Manila cũng cáo buộc Bắc Kinh lên tàu của họ dẫn đến xô xát, cũng như tịch thu các vật phẩm và đâm thủng các tàu phao của họ.
Một trong những cáo buộc mới nhất từ Manila là hải cảnh Trung Quốc được trang bị dao, giáo và kiếm đã lên một trong những tàu quân sự của họ và đe dọa thủy thủ Philippines.
Chúng ta đang phải đấu tranh với một đối thủ mạnh hơn," Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tuyên bố ngày 27/8, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "lên án mạnh mẽ Trung Quốc".
Cho đến nay, chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận từ những vụ tranh chấp, mặc dù Philippines cho biết một số thủy thủ của họ đã bị thương. Nhưng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã cảnh báo rằng bất kỳ binh sĩ Philippines nào thiệt mạng do hành động của Trung Quốc gây ra đều được coi là "hành động chiến tranh".
Các nhà quan sát lo ngại rằng tranh chấp giữa hai nước cuối cùng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu lớn hơn trên Biển Đông.
Một nỗ lực trước đó của Philippines để đưa lên Liên Hợp Quốc phân xử đã kết thúc với quyết định rằng Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp trong cái gọi là “đường chín đoạn”, ranh giới mà Trung Quốc sử dụng để tuyên bố chủ quyền đối với một vùng lớn của Biển Đông. Bắc Kinh đã từ chối công nhận phán quyết này.
Nhưng trong những tuần gần đây, cả hai quốc gia đã cố gắng giảm leo thang các xung đột hiện tại trên biển.
Tháng trước, Trung Quốc đã đồng ý cho phép Philippines nối lại việc tiếp tế thực phẩm, hàng hóa và nhân lực cho tiền đồn ở Bãi Cỏ Mây. Kể từ đó, các nhiệm vụ tiếp tế đã diễn ra mà không ghi nhận xung đột.
Tuy nhiên, các sự cố ở bãi Sa Bin đặt ra câu hỏi liệu những hòa hoãn như vậy có hiệu quả hay không khi tranh chấp có thể chuyển sang một địa điểm mới.
Bài viết có sự đóng góp của BBC Monitoring.