Có gì đằng sau cuộc đua giành khoáng sản khổng lồ ở Greenland?
- Tác giả, Adrienne Murray
- Vai trò, Phóng viên kinh doanh
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói ông nghĩ Mỹ sẽ giành quyền kiểm soát Greenland, nhấn mạnh tới tuyên bố mà ông đã lặp lại nhiều lần gần đây về hòn đảo Bắc Cực này. Có lần, ông còn nói "an ninh kinh tế" là lý do.
Trong khi lãnh thổ tự trị của Đan Mạch đã nhanh chóng phản hồi rằng họ không phải để bán, nguồn tài nguyên khoáng sản rộng lớn và hầu hết chưa được khai thác của Greenland đang nhận được nhiều sự chú ý.
Những đỉnh núi xám lởm chởm đột ngột xuất hiện trước mắt chúng tôi khi chiếc thuyền máy len lỏi qua vùng nước biển ven bờ dập dềnh và các vịnh hẹp hùng vĩ ở mũi phía nam Greenland.
"Những ngọn núi cao chót vót đó cơ bản là một vành đai vàng," ông Eldur Olafsson, giám đốc điều hành của công ty khai thác Amaroq Minerals, vừa nói, vừa chỉ tay.
Sau hai giờ đi thuyền, chúng tôi lên bờ tại một thung lũng hiu quạnh nằm dưới chân núi Nalunaq. Đây là nơi công ty Amaroq đang đào vàng.
Sau khi mua được giấy phép thăm dò trải rộng hơn 10.000 km vuông, công ty cũng đang khảo sát các dãy núi và thung lũng xung quanh, săn lùng các loại khoáng sản quý giá khác.
"Chúng tôi đang tìm đồng, niken và đất hiếm," ông chủ người Iceland nói.
"Vùng đất này chưa được khám phá và vẫn có tiềm năng có nhiều khu mỏ lớn."
Khu trại chính gồm một cụm các tòa nhà di động và lều trại màu cam sáng. Đây là nơi ở của hơn 100 nhân viên, gồm người Greenland, người Úc và những người Anh từng là thợ mỏ than.
Một con đường dẫn từ đó lên phía trên thung lũng. Chúng tôi lái xe trực tiếp vào khu mỏ vàng, tiến sâu vào một đường hầm tối vào bên trong và hướng lên phía trên của núi.
"Nhìn đây này," ông Olafsson nói khi chỉ vào một mạch thạch anh trắng và một đường kẻ mỏng sẫm màu.
"Vàng, vàng, vàng. Nhìn ra xa luôn. Quá tuyệt đúng không?"
Mỏ vàng, được Amaroq mua lại vào năm 2015, đã vận hành phần lớn thời gian của thập kỷ trước đó, nhưng đã phải đóng cửa do giá vàng giảm và chi phí vận hành cao.
Amaroq tin rằng giờ đây khu mỏ này có thể sinh lời.
Công ty có kế hoạch gia tăng sản lượng trong năm nay. Họ đã xây dựng một nhà máy chế biến mới để nghiền quặng và tinh chế kim loại quý thành vàng thỏi.
"Mỗi tháng, chúng tôi có thể rời khỏi khu mỏ với một va li đựng vàng, thay vì phải có một con tàu 30.000 tấn [để chở quặng]," ông Olafsson giải thích.
Ông nói rằng Greenland mang tới một cơ hội có một không hai do trữ lượng khoáng sản khổng lồ ở đây gần như chưa được khai thác.
"Greenland có thể là nhà cung cấp tất cả các loại khoáng sản mà phương Tây sẽ cần trong nhiều thập kỷ," ông Olafsson nói thêm.
"Và đó là một vị thế rất độc đáo."
Tuy nhiên, hiện tại chỉ có hai mỏ đang hoạt động trên toàn đảo này.
Greenland là một lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch nhưng tự kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của mình.
Thiên nhiên ban cho Greenland trữ lượng các nguyên tố đất hiếm lớn thứ tám thế giới. Đây là loại khoáng sản rất quan trọng để sản xuất nhiều thứ, như điện thoại di động, pin và động cơ điện.
Hòn đảo này cũng có trữ lượng lớn các kim loại quan trọng khác, như lithium và coban.
Cũng có dầu và khí đốt ở Greenland, nhưng việc khoan mới bị cấm. Việc khai thác đáy biển cũng không thể thực hiện.
Christian Kjeldsen, giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Greenland, cho biết "tình hình địa chính trị toàn cầu hiện nay đang thúc đẩy sự quan tâm dành cho hòn đảo lớn nhất thế giới".
Ông chỉ ra rằng Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, trong khi phương Tây muốn đảm bảo nguồn cung thay thế.
"Có một Trung Quốc rất mạnh đang nắm giữ rất nhiều nguyên liệu thô quan trọng," ông nói.
Điều đó đã khiến các quốc gia phương Tây ngày càng để ý tới việc tiếp cận trữ lượng khoáng sản của Greenland. Trung Quốc cũng rất muốn vào cuộc, nhưng bị hạn chế thâm nhập thị trường.
Gần đây, Reuters đưa tin rằng Mỹ đã vận động một công ty khai thác mỏ của Úc không bán dự án đất hiếm lớn nhất của Greenland cho các nhà mua tiềm năng của Trung Quốc.
Bà Naaja Nathanielsen, bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Thương mại và Nguyên liệu thô của Greenland, , cho biết mối quan tâm đến khoáng sản của hòn đảo này đã "tăng lên rõ ràng trong khoảng năm năm trở lại đây".
Bà nói thêm:
"Chúng tôi đã quen với việc trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi muốn trở thành một phần của giải pháp."
Giấy phép hiện đã được cấp cho 100 khu vực trên khắp Greenland, nơi các công ty đang tìm kiếm các mỏ có thể khai thác.
Các công ty khai thác mỏ của Anh, Canada và Úc là những chủ sở hữu giấy phép nước ngoài lớn nhất, trong khi người Mỹ chỉ nắm giữ một giấy phép.
Nhưng vẫn còn nhiều bước phải làm trước khi những địa điểm này trở thành những khu mỏ tiềm năng.
Tuy Greenland có thể đang ngồi trên một lượng tài nguyên khoáng sản khổng lồ, bất kỳ "cơn sốt vàng" nào cũng đang định hình một cách chậm chạp.
Nền kinh tế của Greenland, với GDP hàng năm hơn 3 tỷ USD, vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực công và ngành đánh bắt cá.
Lãnh thổ này cũng dựa vào khoản trợ cấp hàng năm trị giá 600 triệu USD từ Đan Mạch.
Các chính trị gia Greenland hy vọng rằng doanh thu từ khai thác mỏ sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào khoản trợ cấp 600 triệu USD nói trên và thúc đẩy các nỗ lực giành độc lập.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Greenland đang kiếm được nhiều tiền hơn từ ngành du lịch.
Theo ông Javier Arnaut, trưởng khoa Khoa học Xã hội Bắc Cực tại Đại học Greenland, khai thác mỏ vẫn là một yếu tố quan trọng cho mục tiêu độc lập.
"Nhưng trên thực tế, có thể thấy rằng rất ít giấy phép khai thác mỏ được cấp," ông nói.
Bà Nathanielsen thừa nhận rằng dù Greenland đang phát triển các mối quan hệ đối tác với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhưng "chúng tôi vẫn chưa thấy lượng tiền lớn đổ vào lĩnh vực này".
Bà mong rằng sẽ có thêm từ ba đến năm mỏ hoạt động trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, việc khai thác mỏ ở Greenland không hề dễ dàng vì vị trí địa lý xa xôi và thời tiết khắc nghiệt.
Đây là hòn đảo lớn nhất thế giới, với 80% diện tích được bao phủ bởi một lớp băng dày. Greenland có những dãy núi gồ ghề và không có đường bộ nối liền giữa các khu dân cư.
"Đây là một dạng địa hình Bắc Cực," ông Jakob Kløve Keiding từ Cục Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, đơn vị đã lập bản đồ tài nguyên của hòn đảo này, cho biết.
"Chúng tôi gặp nhiều khó khăn do điều kiện khí hậu khắc nghiệt và hạ tầng cơ sở hạn chế. Nên là việc mở mỏ rất tốn kém."
Những chi phí cao kể trên, cùng với giá kim loại toàn cầu thấp, đã khiến các nhà đầu tư chùn bước.
Một số người cho rằng chính các thủ tục hành chính phức tạp đã khiến ngành khai thác mỏ tăng trưởng chậm chạp.
Greenland có các quy định môi trường và yêu cầu về tác động xã hội nghiêm ngặt, khiến việc xin giấy phép mất nhiều thời gian.
Bà Nathanielsen khẳng định rằng hầu hết cộng đồng ở Greenland đều ủng hộ hoạt động khai thác mỏ và cho rằng nó thúc đẩy kinh tế địa phương.
"Nhân viên các công ty khai thác mỏ nước ngoài này mua sắm tại các cửa hàng địa phương. Họ thuê nhân công địa phương. Họ thuê tàu hoặc trực thăng của địa phương," bà nói.
Tuy nhiên, Heidi Mortensen Møller, một cư dân tại Qaqortoq - thị trấn lớn nhất phía Nam của Greenland, ngờ vực về việc liệu các mỏ mới có mang lại việc làm cho người dân địa phương hay không.
"Khi họ nói rằng họ sẽ mang lại việc làm, họ đang nói về ai?"
Jess Berthelsen, người đứng đầu công đoàn địa phương, SIK, cho biết nhiều người nghĩ rằng thu nhập từ khai thác mỏ "sẽ bị chuyển ra khỏi đất nước" và không mang lại lợi ích cho Greenland.
Nhưng ông ủng hộ sự phát triển của lĩnh vực này.
"Greenland cần thêm thu nhập và kiếm tiền từ các cách khác ngoài đánh bắt cá."
Không rõ nước cờ mới nhất của ông Trump sẽ được thực hiện ra sao.
Tuy nhiên, Thủ tướng Greenland Mute Egede hồi đầu tháng Một đã nói rằng "chúng ta cần phải làm ăn với Mỹ" và "cánh cửa của lĩnh vực khai thác mỏ đang mở".
Ông Kjeldsen, từ hiệp hội doanh nghiệp, hy vọng nước cờ của ông Trump sẽ mang lại cho lĩnh vực này mức "đầu tư rất cần thiết"
"Mặt khác, nếu các tín hiệu từ ông Trump không chắc chắn và tiếp diễn trong một thời gian dài hơn, có nguy cơ điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư."