Quân đội và chính phủ Trung Quốc mua chip Nvidia bất chấp lệnh cấm của Mỹ
Trong năm qua, các cơ quan quân sự, viện nghiên cứu AI và các trường đại học do nhà nước Trung Quốc quản lý đã mua những lô nhỏ chip bán dẫn từ Nvidia, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc của chính phủ Mỹ. Reuters đưa tin sau khi xem tài liệu đấu thầu.
Hầu hết người bán là các nhà cung cấp vô danh Trung Quốc. Việc này cho thấy thế khó của Washington trong nỗ lực cắt hoàn toàn Bắc Kinh khỏi nguồn cung chip cao cấp của Mỹ, vốn có thể tạo ra bước đột phá trong AI và các loại máy tính phức tạp dùng trong quân sự.
Mua bán các dòng chip tiên tiến của Mỹ không phải hoạt động bất hợp pháp ở Trung Quốc. Các tài liệu đấu thầu công khai cho thấy đã có hàng chục tổ chức ở nước này đã mua và nhận hàng từ Nvidia kể từ khi các lệnh cấm được áp dụng.
Chúng bao gồm chip A100 và dòng mạnh hơn, H100 - vốn đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kong vào tháng 9/2022. Ngoài ra còn có A800 và H800, là những dòng chip thấp hơn được Nvidia phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc nhưng cũng đã bị cấm vào tháng 10 năm ngoái.
Trong ứng dụng AI, các chip xử lý đồ họa do Nvidia chế tạo được cho là vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm đối thủ do chúng có thể xử lý được lượng lớn dữ liệu cần dùng cho các tác vụ học máy.
Nhu cầu về chip Nvidia cũng cho thấy các công ty Trung Quốc đang thiếu lựa chọn thay thế đủ tốt, cho dù đã có những tiến bộ từ các sản phẩm non trẻ của đối thủ Huawei và các nhà sản xuất khác. Trước lệnh cấm, Nvidia chiếm tới 90% thị phần chip AI ở nước này.
Người mua bao gồm các trường đại học hàng đầu và hai tổ chức có tên trong danh sách cấm xuất khẩu của Mỹ là Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (HIT) và Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc (UESTC). Hai đơn vị này vốn bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động quân sự hoặc liên quan đến một tổ chức quân sự bất lợi cho Mỹ.
HIT đã mua sáu chip Nvidia A100 vào tháng Năm năm ngoái để huấn luyện một mô hình học chuyên sâu. Còn UESTC mua một chip A100 vào tháng 12/2022, chưa rõ mục đích sử dụng.
Các bên mua được đề cập trong bài viết này đều không phản hồi yêu cầu bình luận.
Theo tài liệu Reuters thu thập, cả Nvidia và các đại lý chính thức đều không nằm trong số những nhà cung cấp đã được xác định danh tính. Hiện chưa rõ những nhà cung cấp này nhập chip Nvidia từ nguồn nào.
Sau các lệnh cấm của Mỹ, một thị trường chip chợ đen đã mọc lên ở Trung Quốc. Trước đây, các nhà bán chip Trung Quốc từng cho biết nguồn cung của họ đến từ hàng dư thừa sau khi Nvidia giao số lượng lớn chip cho các công ty của Mỹ, hoặc nhập khẩu thông qua các công ty bản địa từ Ấn Độ, Đài Loan và Singapore.
Reuters đã liên hệ với 10 nhà cung cấp trong danh sách hồ sơ thầu, bao gồm cả những cái tên được đề cập trong bài viết này, nhưng không bên nào trả lời.
Nvidia khẳng định họ tuân thủ tất cả các lệnh cấm xuất khẩu hiện hành và cũng yêu cầu khách hàng của mình tuân thủ.
Một người phát ngôn của công ty cho biết: “Nếu phát hiện khách hàng bán lại cho bên thứ ba một cách bất hợp pháp, chúng tôi sẽ có hành động kịp thời và thích đáng”.
Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về sự việc. Trước đó, chính quyền nước này tuyên bố sẽ lấp các lỗ hổng trong các lệnh cấm xuất khẩu và đã có động thái hạn chế các chi nhánh ở hải ngoại của các công ty Trung Quốc tiếp cận nguồn chip.
Chris Miller, giáo sư tại Đại học Tufts, tác giả cuốn sách “Chiến tranh chip: Cuộc chiến vì công nghệ quan trọng nhất thế giới’ ("Chip War: The Fight for the World's Most Critical Technology"), cho biết việc kỳ vọng các lệnh cấm của Mỹ chặt chẽ tuyệt đối là phi thực tế, vì chip có kích thước nhỏ và có thể dễ dàng buôn lậu.
Ông nói thêm, mục đích chính ở đây là “ném cát vào bánh răng phát triển AI của Trung Quốc” bằng cách gây khó khăn cho việc chế tạo các cụm chip tiên tiến có khả năng huấn luyện hệ thống AI.
Quân đội - người mua AI
Tài liệu Reuters có bao gồm hơn 100 cuộc đấu thầu cho thấy các cơ quan nhà nước đã mua chip A100, cũng như hàng chục cuộc đấu thầu giao dịch A800 kể từ lệnh cấm tháng 10 năm ngoái.
Các hồ sơ thầu công bố vào tháng trước cũng cho thấy Đại học Thanh Hoa đã mua hai con chip H100, trong khi một phòng thí nghiệm thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin mua một chip.
Trong hồ sơ gọi thầu lấy từ một cơ sở dữ liệu quân sự, danh sách người mua bao gồm một đơn vị giấu tên thuộc quân đội Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Theo đó, đơn vị này tìm mua 3 chip A100 vào tháng 10/2023 và một chip H100 trong tháng này.
Tài liệu đấu thầu quân sự ở Trung Quốc thường được biên tập lại nhiều nên không thể xác định được lý do mua hàng hay ai đã thắng thầu.
Hầu hết các hồ sơ thầu đều cho thấy mục đích sử dụng của số chip này là AI. Tuy nhiên, số lượng mua trong phần lớn các giao dịch đều rất nhỏ, ít hơn nhiều mức cần thiết để xây mới một mô hình AI ngôn ngữ lớn phức tạp.
Theo công ty nghiên cứu TrendForce, một mô hình tương tự như GPT của OpenAI sẽ cần hơn 30.000 card đồ họa Nvidia A100. Nhưng với một vài chip cũng đủ để chạy các tác vụ học máy phức tạp và bổ sung cho các mô hình AI sẵn có.
Một ví dụ là Viện Trí tuệ Nhân tạo Sơn Đông đã ký hợp đồng mua 5 chip A100 trị giá 290.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ VNĐ) từ công ty Công nghệ Điện tử Shandong Chengxiang vào tháng trước.
Nhiều hợp đồng thầu yêu cầu bên cung cấp phải giao hàng và lắp đặt sản phẩm trước khi thanh toán. Hầu hết các trường đại học cũng công bố thông báo cho biết giao dịch đã hoàn tất.
Đại học Thanh Hoa, nơi được mệnh danh là Viện Công nghệ Massachusetts của Trung Quốc, nằm trong số những nhà gọi thầu lớn. Kể từ lệnh cấm năm 2022, đơn vị này đã mua khoảng 80 chip A100.
Vào tháng 12, Đại học Trùng Khánh công bố mời thầu một chip A100, trong đó nêu rõ yêu cầu phải là hàng mới, chưa từng qua sử dụng hoặc tháo rời. Đơn hàng đã giao xong vào tháng này, một thông báo cho hay.