Tổng thống Hàn Quốc xin lỗi vì ban bố thiết quân luật

Tổng thống Yoon Suk-yeol

Nguồn hình ảnh, Chung Sung-Jun/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các đảng đối lập đang đẩy nhanh một cuộc bỏ phiếu đối với kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol vào ngày thứ Bảy 7/12
  • Tác giả, Kathryn Armstrong
  • Vai trò, BBC News

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm thứ Bảy 7/12 đã xin lỗi về việc ban bố thiết quân luật vào đầu tuần và cho biết chuyện này sẽ không lặp lại.

Hiện nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội sau khi ban bố thiết quân luật vào đêm thứ Ba 3/12, một bước đi đã bị Quốc hội nhanh chóng lật ngược thế cờ.

Đáp lại bài phát biểu của tổng thống, lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon nói với báo giới rằng ông Yoon không thể nào tiếp tục trọng trách của mình.

"Việc ông ấy từ chức sớm là điều không thể tránh khỏi," ông Han Dong-hoon nói.

Quốc hội Hàn Quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu về đạo luật cố vấn đặc biệt liên quan đến Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee vào lúc 17 giờ Seoul, tức 15 giờ Việt Nam hôm nay, trước khi chuyển sang bỏ phiếu kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol, hãng tin Yonhap đưa tin.

"Tôi rất lấy làm tiếc và muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến những người dân đã bị sốc," ông Yoon nói trong bài phát biểu ngắn trên truyền hình.

Đã có những đồn đoán rằng ông Yoon sẽ sử dụng bài phát biểu trước toàn dân - lần đầu tiên của kể từ khi ban bố thiết quân luật - để tuyên bố từ chức nhưng ông đã không làm như vậy.

Thay vào đó, ông Yoon nói sẽ giao nhiệm vụ ổn định tình hình cho đảng cầm quyền của mình.

Ông Yoon cũng không đề cập đến vấn đề luận tội.

Các đảng đối lập đang đẩy nhanh một cuộc bỏ phiếu đối với kiến nghị luận tội ông Yoon vào ngày thứ Bảy 7/12.

Sẽ cần ít nhất tám thành viên trong đảng của ông Yoon bỏ phiếu ủng hộ để nghị quyết này được thông qua với đa số hai phần ba trong 300 ghế tại Quốc hội Hàn Quốc.

Lãnh đạo đảng đối lập Lee Jae-myung đã bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng những lời bình luận của Tổng thống Yoon sẽ chỉ làm tăng thêm nỗi tức giận và cảm giác bị phản bội của công chúng.

Ông Lee nói thêm rằng ông sẽ làm mọi chuyện có thể để phế truất tổng thống Yoon.

"Rủi ro lớn nhất mà Hàn Quốc phải đối mặt hiện nay chính là việc tổng thống có thể tại vị."

Biểu tình ở Hàn Quốc

Nguồn hình ảnh, Chris Jung/NurPhoto/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hàng ngàn người đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội vào tối ngày thứ Sáu 6/12 để yêu cầu luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol

Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon sẽ gặp Thủ tướng Han Duck-soo vào thứ Bảy 7/12, hãng tin Yonhap đưa tin.

Theo hiến pháp của Hàn Quốc, nếu ông Yoon từ chức hoặc bị luận tội thì thủ tướng, người đã được ông Yoon bổ nhiệm, sẽ trở thành quyền tổng thống.

Một số thành viên của PPP đã hối thúc ông Yoon từ chức trước cuộc bỏ phiếu luận tội ở Quốc hội, nói rằng họ không muốn lặp lại cuộc luận tội năm 2016 đối với tổng thống vào thời điểm đó là bà Park Geun-hye, người đã phải từ nhiệm vì lạm dụng quyền lực, sau nhiều tháng người dân xuống đường thắp nến biểu tình.

Vào thời điểm đó, việc bà Park Geun-hye đánh mất quyền lực đã khiến đảng của bà sụp đổ và phe tự do giành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống và tổng tuyển cử.

Cảnh hàng ngàn người biểu tình cầm nến bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc vào tối thứ Sáu 6/12 yêu cầu luận tội ông Yoon đã gợi nhắc đến những cuộc biểu tình yêu cầu bà Park Geun-hye từ chức cách đây 8 năm.

Dự kiến nhiều cuộc biểu tình khác sẽ diễn ra vào thứ Bảy 7/12 trước thềm cuộc bỏ phiếu về kiến nghị luận tội ông Yoon ở Quốc hội.

Các công tố viên, cảnh sát và Văn phòng Điều tra tham nhũng đối với quan chức cấp cao của Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra nhằm vào ông Yoon và các quan chức cấp cao khác có liên quan đến việc ban bố thiết quân luật nhằm xem xét truy tố các tội danh nổi loạn và lạm dụng quyền lực, cùng những tội danh khác.

Các quan chức này phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố với các tội danh như nổi loạn, lạm dụng quyền lực và cản trở người khác thực hiện quyền của họ.

Nếu bị kết tội, tội lãnh đạo nổi loạn sẽ bị phạt tử hình hoặc tù chung thân, có hoặc không có lao động trong tù.

'Không còn là tổng thống của tôi nữa'

Bà Yang Soon-sil

Không chỉ các chính trị gia bày tỏ nỗi tức giận trước hành động của Tổng thống Yoon.

Bà Yang Soon-sil, 50 tuổi, hiện là chủ một cửa hàng hải sản tại chợ Namdaemun ở thủ đô Seoul.

Bà nói với BBC rằng bản thân đã cảm thấy sợ hãi và không tin nổi chuyện tổng thống ban bố thiết quân luật.

"Tôi đã đánh mất hoàn toàn niềm tin vào ông ta [Yoon] với tư cách là một vị tổng thống, tôi không nghĩ ông ta còn là tổng thống của tôi nữa," bà nói.

"Chúng tôi cần phải chiến đấu đến cùng, chúng tôi không thể để ông ta giữ cái ghế tổng thống của mình."

Cũng tại đây, Han Jung-mo, một người dân đi chợ, nói với BBC rằng lời xin lỗi của ông Yoon là chưa đủ.

"Ông ta phải tự nguyện từ chức hoặc bị luận tội nếu ông ta không sẵn sàng rời ghế," ông chia sẻ và nói thêm rằng Tổng thống Yoon đã đánh mất niềm tin của người dân.

"Nếu ông ta tiếp tục bám lấy chiếc ghế tổng thống, thì đây sẽ là một tình huống rất vô vọng cho ông ta, vì tôi cho rằng đối với ông tổng thống này, chuyện ban bố thiết quân luật này không phải là hành vi sai trái duy nhất mà ông ta đã phạm phải."

Chụp lại video, Hàn Quốc: Thiết quân luật, tại sao và hậu quả như thế nào?

Hàn Quốc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị vào tối thứ Ba 3/12.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gây sốc cho cả nước và thế giới khi bất ngờ ban bố thiết quân luật, lần đầu tiên sau gần 50 năm qua. Tuy nhiên, Quốc hội đã ngay lập tức lật ngược thế cờ.

Quyết định quyết liệt của ông Yoon Suk-yeol - được công bố trên truyền hình vào đêm muộn - được giải thích là nhằm loại trừ "các thế lực chống nhà nước" và mối đe dọa từ các phần tử cộng sản Triều Tiên.

Nhưng không lâu sau đó, quyết định này của ông Yoon cho thấy không xuất phát từ các mối đe dọa bên ngoài mà từ những rắc rối chính trị chưa tìm được lối thoát của chính ông.

Bước đi của ông đã khiến hàng ngàn người tập trung tại Quốc hội để phản đối, trong khi các nhà lập pháp thuộc phe đối lập vội vã đến đó để tổ chức một cuộc bỏ phiếu khẩn cấp nhằm bãi bỏ lệnh thiết quân luật.