Có gì sau cơ chế đối thoại chiến lược '3+3' Trung Quốc và Việt Nam vừa thiết lập?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương ĐCS Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì Phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam - Trung Quốc ngày 10/12/2024 tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh

Nguồn hình ảnh, Website ĐCSVN

Chụp lại hình ảnh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương ĐCS Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì Phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam - Trung Quốc ngày 10/12/2024 tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh

Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của cơ chế đối thoại chiến lược '3 + 3' về ngoại giao, quốc phòng và an ninh vào ngày 9/12, trước thềm Phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin về sự kiện '3+3', trong khi tin tức này không được đăng tải trên các tờ báo lớn của Việt Nam.

Một số website tại Việt Nam đề cập thoáng qua về sự kiện, nhưng không nhắc đến cái tên '3+3', và gọi đây là cuộc họp 'cấp thứ trưởng'.

Chẳng hạn, Báo cáo viên, trang tin của Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam, có đôi dòng đề cập về "Phiên họp lần thứ nhất Đối thoại cấp Thứ trưởng giữa các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an trong khuôn khổ Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc."

Cũng theo trang tin này, tại đối thoại, hai bên đã đi sâu trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, tăng cường hợp tác về ngoại giao, quốc phòng, an ninh...

Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc bàn chi tiết hơn, nhấn mạnh rằng '3+3' là một sự kiện 'chưa từng có' trong cơ chế đối thoại chiến lược của cả hai nước với bất cứ một quốc gia đối tác nào khác.

Cơ chế '3+3' do các quan chức thuộc các bộ ngoại giao, quân đội và công an của hai nước đồng chủ trì, theo Hoàn Cầu Thời Báo, đánh dấu cách thức đối thoại chiến lược chính thức đầu tiên giữa hai nước trên 3 lĩnh vực này.

Trung Quốc đã thiết lập cơ chế đối thoại '2+2' về ngoại giao và quốc phòng với các nước như Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan và Indonesia nhưng vẫn chưa thiết lập cơ chế '3+3' với bất kỳ quốc gia nào khác.

Ngược lại, Việt Nam có các cuộc đối thoại chiến lược về ngoại giao (hoặc chính trị), quốc phòng và an ninh với Hoa Kỳ, Nga và Hàn Quốc, cũng như các cuộc đối thoại ngoại giao (hoặc an ninh) và quốc phòng với Úc và Pháp.

Tuy nhiên, các cơ chế này thường do các thứ trưởng ngoại giao lãnh đạo với sự tham gia của các quan chức cấp bộ từ các cơ quan quốc phòng và an ninh, không cấu thành cơ chế đối thoại chiến lược '2+2' hoặc '3+3' thực sự, theo Hoàn Cầu Thời Báo.

Bài báo trên Hoàn Cầu Thời báo khẳng định: "Do đó, việc thiết lập cơ chế '3+3' giữa Trung Quốc và Việt Nam là nỗ lực tiên phong của cả hai nước, đại diện cho cơ chế '3+3' quốc tế đầu tiên như vậy trên quy mô toàn cầu."

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc viết thêm rằng tại đối thoại 3+3, hai bên đã 'trao đổi thẳng thắn' nhiều vấn đề về hợp tác chiến lược toàn diện, và 'đạt được đồng thuận rộng rãi'.

Hai bên cũng nhất trí rằng "việc thiết lập cơ chế đối thoại này phản ánh bản chất cấp cao và chiến lược của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, cung cấp một nền tảng để tăng cường giao tiếp chiến lược giữa hai nước và nêu gương trong việc thúc đẩy lòng tin chính trị giữa các quốc gia láng giềng."

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng nhắc lại rằng "bản chất chiến lược của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam" được "phát triển từ phương châm 16 chữ , tinh thần "Bốn tốt", hợp tác chiến lược toàn diện, đến xây dựng một cộng đồng chung chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược.

"Chìa khóa để Trung Quốc và Việt Nam thực hiện bước đi thiết lập cơ chế '3+3' nằm ở các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên và sự tin tưởng chính trị sâu sắc giữa hai nước," tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết.

Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Website ĐCSVN

Chụp lại hình ảnh, Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc

Tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh

Kể từ đầu năm nay, đã có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quốc phòng và an ninh của Trung Quốc và Việt Nam.

Trong khuôn khổ Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc hôm 10/12 tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tham dự Lễ kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước Biên giới và 15 năm ký ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Hai ông cũng tham quan Triển lãm ảnh phân giới cắm mốc và hợp tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Trương Hựu Hiệp đã đến thăm Việt Nam tháng 10/2024, các bộ trưởng quốc phòng của Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ tám và các cơ quan an ninh của cả hai nước đã tổ chức cuộc họp nhóm công tác chung về an ninh chính trị.

Trong các tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 8/2024 của Tổng bí thư Tô Lâm và chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 10/2024 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, cả hai bên đều nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường hợp tác thể chế trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, quốc phòng và an ninh.

Lực lượng cảnh sát của Trung Quốc và Việt Nam đã kết thúc khóa đào tạo chung chống khủng bố vào tháng Tám.

Sau khi ông Tô Lâm, một người có xuất thân từ công an và ít kinh nghiệm đối ngoại, nhậm chức tổng bí thư, chính sách ngoại giao của Việt Nam đang được chú ý.

Hồi cuối tháng 8/2024, trong chuyến thăm ba ngày tới Trung Quốc trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã có một lịch trình nghị sự dày đặc về hợp tác chính trị, kinh tế và giải quyết bất đồng trên Biển Đông.

Trong các cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình luôn khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam "là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng". Tương tự, ông Tô Lâm khẳng định Việt Nam "luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu" quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Việc khẳng định "luôn coi trọng và ưu tiên" quan hệ với Trung Quốc được cho là để Trung Quốc cảm thấy yên lòng trước những tiến triển trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ.

Biến động chính trị ở Việt Nam trong thời gian gần đây được đánh giá là khiến Trung Quốc lo ngại.

Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được xây dựng dựa trên chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, chiến dịch "đốt lò" đã trở nên vô cùng dữ dội trong thời gian gần đây. Từ đầu năm, chiến dịch "đốt lò" đã khiến một loạt quan chức cấp cao mất chức, tạo ra môi trường được đánh giá là "bất ổn chính trị" ở Việt Nam.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), các nhà quan sát Trung Quốc và nước ngoài đều đánh giá rằng Bắc Kinh đang lo ngại về những biến động chính trị chưa từng có trong thời gian qua ở Việt Nam.