Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên y án tử hình

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên phúc thẩm sáng nay 3/12/2024

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bà Trương Mỹ Lan tại phiên phúc thẩm sáng nay 3/12/2024

Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phúc y án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo cập nhật của cộng tác viên BBC News Tiếng Việt có mặt tại Tòa án Nhân dân TP HCM trên Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, thì khoảng 9 giờ 20, Hội đồng xét xử mới vào phòng tuyên án.

Các phóng viên không được mang theo thiết bị ghi âm, ghi hình, thay vào đó, tòa phát cho phóng viên máy tính (không kết nối được mạng).

Thứ duy nhất các phóng viên được mang vào phòng xử án là thẻ nhớ USB để lưu trữ nội dung mà họ gõ trên máy tính của tòa cấp. Phiên tòa cũng có tình trạng bị phá sóng.

Bà Lan là người duy nhất trong số 86 bị cáo của vụ án bị kết án tử hình, đồng thời cũng là một trong số ít nữ doanh nhân bị tuyên án tử hình về tội kinh tế trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Trả lời BBC News ngày 2/12, một luật sư của bà Trương Mỹ Lan nói ông cùng các luật sư khác đã làm hết sức nên không bình luận thêm được gì. Tuy nhiên, về vấn đề tài sản thì luật sư cho hay, nếu tính tổng giá trị tài sản của bà Lan thì con số "lớn hơn số tiền phải có trách nhiệm đền bù".

"Chỉ có điều cần có thời gian và cơ chế để bán, vì đó là bất động sản nên cần thời gian chứ còn tài sản của bà ấy thì lớn hơn số tiền đền bù. Tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án, nếu không bán được thì nhà nước sẽ tổ chức đem phát mại. Bà Trương Mỹ Lan muốn tòa tạo điều kiện để tiếp tục đền bù," luật sư này nói.

Ở phiên sơ thẩm, bà Lan bị tuyên 3 tội danh gồm: Tham ô tài sản (tử hình), Đưa hối lộ (20 năm tù), Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (20 năm tù).

Theo Hội đồng xét xử, bản án sơ thẩm xử bà Trương Mỹ Lan với mức án tử hình về tội Tham ô tài sản là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Theo tòa, bà Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng nhiều công ty khác hoạt động theo mô hình tập đoàn lấy Vạn Thịnh Phát làm trọng tâm, kiểm soát hoạt động của các công ty còn lại.

Hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ xác định bà Lan đã thâu tóm Ngân hàng SCB trong 10 năm trời và tính đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã nắm giữ đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên giùm.

Dù bà Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bà gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên trên thực tế là người chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB, từ việc tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB cho đến việc chỉ đạo hợp thức hồ sơ vay vốn để rút tiền từ SCB.

Từ đó, tòa xác định bà Lan là chủ thể của tội Tham ô tài sản (đây là tội danh khiến bà lãnh án tử hình), bác bỏ lập luận của luật sư về trách nhiệm của bà.

Với số tiền bà Lan bị buộc tội tham ô là 304.096 tỷ đồng, bà phải khắc phục ít nhất 75% con số này thì mới thoát án tử
Chụp lại hình ảnh, Với số tiền bà Lan bị buộc tội tham ô là 304.096 tỷ đồng, bà phải khắc phục ít nhất 75% con số này thì mới thoát án tử

Tòa cũng cho rằng, hành vi phạm tội của bà Lan là "đặc biệt nghiêm trọng", xâm phạm đến chính sách quản lý tiền tệ của ngân hàng, làm mất niềm tin của khách hàng gửi tiền tại SCB.

Trong quá trình phiên xử phúc thẩm, bà Lan nhận tội và không kêu oan nhưng xin tòa cho cơ chế đặc biệt để xử lý tài sản, cam kết trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước và tiền cho trái chủ. Đồng thời, bà cũng xin tòa tính toán lại số tiền quy buộc bà đã chiếm đoạt của SCB - 415.000 tỷ đồng nợ gốc.

Bà Lan nói rằng khi được tiếp cận tài liệu mới, bà phát hiện số tiền mà bà bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB có cả khoản nợ gốc lên tới 125.000 tỷ đồng là của nhiều khách hàng để lại thời điểm trước khi bà tham gia tái cơ cấu, cũng như nhiều khoản vay khác, mà từ khi bị bắt bà không có điều kiện đối chiếu. Do đó, quy trách nhiệm cho bà số tiền này là không thỏa đáng.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng đề nghị tòa định giá lại các tài sản bị kê biên, cho rằng mức định giá của Công ty Hoàng Quân (đơn vị được chọn định giá trong vụ án) là quá thấp.

Riêng hai người thân của bà Lan trong vụ án là ông Chu Lập Cơ - chồng bà Lan được giảm từ 9 năm xuống còn 7 năm tù. Cháu bà Lan là bà Trương Huệ Vân phiên phúc thẩm được giảm từ 17 năm tù xuống còn 13 năm tù.

Quang cảnh phiên tuyên phúc thẩm sáng nay 3/12/2024

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Quang cảnh phiên tuyên phúc thẩm sáng nay 3/12/2024

Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định những trường hợp mà người phạm tội tham ô tài sản bị kết án tử hình nhưng không thi hành án tử hình có nêu như sau:

"Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn."

Như vậy, bà Trương Mỹ Lan nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô thì sẽ được miễn án phạt tử hình.

Trước đó, trong phần tranh luận, theo Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP HCM, đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan mà đã nộp được 3/4 tài sản, tức nộp 280.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, thì mới có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình trong giai đoạn thi hành án.

Bên cạnh đó, dù tòa tuyên y án tử hình thì ở giai đoạn thi hành án, nếu bà Lan vẫn tiếp tục nộp tài sản 3/4 tài sản để khắc phục hậu quả thì bà vẫn có thể được xem xét giảm từ tử hình xuống chung thân.

Trước đó, vào tháng 4, tại phiên sở thẩm giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Lan bị buộc phải bồi thường cho SCB tổng cộng số tiền 677.000 tỷ đồng.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bà Lan kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tuy nhiên, cuối cùng tòa phúc thẩm đã tuyên y án tử hình.