Việt Nam giữa ngã ba đường: Cân bằng an ninh quốc gia và thu hút đầu tư công nghệ
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, Việt Nam đã hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc cộng một” (China Plus One), thu hút những tập đoàn công nghệ của các tỉ phú lừng danh như từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Một trong những kết quả minh chứng là kim ngạch xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ sang Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, từ 484 triệu USD vào năm 2018 lên 857 triệu USD vào năm 2023, theo CCIA, một hiệp hội thương mại phi lợi nhuận đại diện cho nhiều công ty truyền thông và công nghệ quốc tế.
Trong một báo cáo vào đầu tháng 11/2024, CCIA cho rằng đầu tư từ Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số, sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá rằng Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường trong việc hoạch định các chính sách không gây kìm hãm đổi mới đồng thời tận dụng được cơ hội vàng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển.
Miền đất hứa
Từ Mỹ, bà Naomi Wilson, Phó chủ tịch phụ trách chính sách, Châu Á và thương mại toàn cầu của Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (ITI), nói với BBC rằng hiện tại đang là thời điểm chín muồi để Việt Nam thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Chuyên gia cấp cao từ ITI, một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty công nghệ lớn bao gồm Meta, Google và Equinix, cho biết Việt Nam được đánh giá cao về lợi thế vị trí địa chính trị, lực lượng lao động dồi dào và tiềm năng thị trường để các tập đoàn đa quốc gia tăng cường sản xuất và đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn.
Thời gian gần đây, hàng loạt gã khổng lồ công nghệ hàng đầu nước Mỹ tỏ thiện chí muốn đổ thêm vốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Chẳng hạn, tập đoàn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg tỏ ý họ vẫn đặt cược vào Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng và cung cấp các sản phẩm đổi mới.
Hồi cuối tháng Chín, Chính phủ Việt Nam loan tin SpaceX của tỷ phú Elon Musk có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, dù không tiết lộ thời điểm hay mục đích thực sự của khoản đầu tư này.
Trong khi đó, Google được cho là đang cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu siêu lớn gần TP HCM.
Tại Hà Nội, người ta bắt gặp tỷ phú Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Nvidia, ngồi ăn phở và uống cà phê trong các quán vỉa hè hồi cuối năm 2023. CEO của gã khổng lồ chế tạo chip AI được cho là đã bày tỏ kế hoạch thiết lập một trung tâm thiết kế tại Việt Nam.
Tiếp theo, CEO Tim Cook của Apple đã đăng ảnh đi uống cà phê trứng với mẹ con ca sĩ Mỹ Linh trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 4/2024 trong bối cảnh Apple nói sẽ tăng cường cam kết với Việt Nam.
“Việt Nam đã trở thành một thị trường ngày càng quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và bán dẫn, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên toàn cầu trong vài năm qua, đặc biệt là khi các công ty tìm cách đa dạng hóa đầu tư ra ngoài Trung Quốc, Việt Nam thực sự có thể tận dụng chính sách đó,” bà Wilson nhận định.
Nhà phân tích Robert Law, Giám đốc Tư vấn và Thông tin chi tiết của Asialink Business thuộc Đại học Melbourne (Úc), bổ sung rằng chính trường Việt Nam dần đi vào thời kỳ ổn định sau một khoảng thời gian liên tục có những diễn biến “long trời lở đất” trong giới lãnh đạo cấp cao.
“Trong vài tháng qua, chúng ta chứng kiến những tiến triển rõ rệt về triển vọng chính trị của Việt Nam, và khi nhìn tới, dường như có thể dự đoán về giai đoạn tiếp theo của chính trường Việt Nam một cách tương đối. Vì vậy, tôi cho rằng đây là một dấu hiệu tốt cho các nhà đầu tư đang cân nhắc Việt Nam từ góc độ rủi ro chính trị,” ông Robert Law trả lời BBC News Tiếng Việt.
“Khi các doanh nghiệp nhìn vào Việt Nam, yếu tố ổn định chính trị có vẻ như ổn định hơn so với những năm trước, và họ sẽ theo dõi rất chặt chẽ chiều hướng hoạch định chính sách dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới,” ông Law giải thích.
Theo nhà phân tích này, dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghệ nói riêng và tất cả các lĩnh vực nói chung sẽ hỗ trợ mục tiêu “đầy tham vọng” của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế 7,5% vào năm 2025.
Đầu tháng 11/2024, Quốc hội Việt Nam đã giao cho Chính phủ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5% và GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD.
Mục tiêu này lạc quan hơn so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng 6,1% trong năm 2025.
Yếu tố then chốt
Dù đánh giá cao tiềm năng thu hút các nhà đầu tư của Việt Nam, nhưng các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng quốc gia 100 triệu dân còn nhiều điểm yếu cần khắc phục.
Trong khi bà Wilson nhấn mạnh về việc nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực thì ông Law nhắc đến sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, điển hình là chuyện thiếu điện đã khiến nhiều nhà máy ở miền Bắc Việt Nam đã phải tạm ngưng hoạt động vào năm 2023.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực ASEAN.
“Cạnh tranh trong khu vực rất khốc liệt và mỗi nước cần phải hành động nhanh chóng”, ông Rober Law nói.
Trên thực tế, khi Việt Nam vẫn chỉ trong “tầm ngắm” thì các quốc gia khác trong khu vực đã nhận được cam kết chính thức từ một số ông lớn công nghệ nước Mỹ.
Trong số đó phải kể đến Google tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Thái Lan để xây dựng trung tâm dữ liệu và đám mây, hay công bố kế hoạch rót 2 tỷ USD vào dịch vụ đám mây chủ quyền tại Malaysia, giúp tạo ra 26.500 việc làm và đóng góp hơn 3 tỷ USD vào GPD nền kinh tế của nước này vào năm 2030.
“Việt Nam có nhiều triển vọng và nhiều cơ hội so với các quốc gia Đông Nam Á khác, nhưng trong một số lĩnh vực Hà Nội vẫn còn tụt hậu hơn các nước cùng khu vực”, giám đốc Asialink Business cho biết.
Nhà phân tích từ Úc nêu ví dụ Malaysia đã đạt được những bước tiến thực sự nhanh chóng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các trung tâm dữ liệu và đang định vị mình là quốc gia dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh rằng môi trường pháp lí mới thực sự là chìa khóa để Việt Nam có thể đạt được tiềm năng tối đa trong việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Các công ty công nghệ Mỹ mới đây đã cảnh báo một dự luật về dữ liệu của chính quyền Hà Nội sẽ cản trở các mạng xã hội và các trung tâm dữ liệu đang phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Việt Nam đã bắt đầu xây dựng các chính sách dữ liệu trong những năm qua, một phần bắt nguồn từ Luật An ninh mạng ban đầu.
Bộ Công an Việt Nam được cho là đã thúc giục ban hành luật này (Dự thảo Luật Dữ liệu) với mục tiêu giúp các cơ quan chức năng dễ dàng tiếp cận thông tin hơn.
Theo hãng tin Reuters, Quốc hội Việt Nam đang thảo luận về dự luật này trong phiên họp kéo dài một tháng và dự kiến sẽ thông qua vào ngày 30/11 "nếu đủ điều kiện".
Theo CCIA, một khi có hiệu lực, luật này “sẽ làm suy yếu thương mại kỹ thuật số song phương mang lại lợi ích cho các thực thể của cả Mỹ và Việt Nam, đồng thời đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về việc Hà Nội tuân thủ các cam kết thương mại của mình”.
“Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng,” bà Naomi Wilson nói với BBC News Tiếng Việt.
Ngã ba đường
Một trong những điều khoản của dự thảo luật là yêu cầu các dữ liệu "cốt lõi" và "quan trọng", vốn chưa được định nghĩa rõ ràng, phải được phê duyệt trước khi chuyển ra nước ngoài.
Theo dự thảo luật, các công ty sẽ phải chia sẻ dữ liệu với chính quyền Việt Nam trong nhiều trường hợp với các định nghĩa mơ hồ, bao gồm cả việc "thực hiện nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công cộng".
“Việc chính phủ Việt Nam dựa vào việc bản địa hóa dữ liệu vì một số lý do khác nhau sẽ khiến cho môi trường hoạt động của các công ty nước ngoài trở nên khó khăn hơn nhiều,” bà Naomi Wilson nhận định.
“Để trở thành một công ty toàn cầu, bạn phải hoạt động xuyên biên giới và chuyển dữ liệu với các mục đích nhân sự, bán hàng, sản xuất, các giao dịch kinh doanh hàng ngày… cho nên khả năng chuyển dữ liệu xuyên biên giới thực sự là nền tảng thiết yếu mà các công ty đa quốc gia thực hiện hàng ngày,” chuyên gia cấp cao của ITI lí giải.
Theo ông Robert Law, đây thực sự là một thách thức lớn đối với chính phủ Việt Nam, và Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với vấn đề này.
“Các quốc gia trên khắp thế giới đang vật lộn với thách thức về cân bằng những tác động mà công nghệ có thể mang lại và cùng lúc bảo vệ an ninh quốc gia. Đó thực sự là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách vì nếu không có quy định phù hợp, công nghệ có thể gây ra những tác động tiêu cực, đặc biệt là với trẻ em”, giám đốc của Asialink Business cho hay.
Vì vậy, theo ông Việt Nam cần cân bằng giữa việc bảo vệ an ninh quốc gia mà không kìm hãm sự đổi mới và đầu tư.
Giữa “ngã ba đường này”, theo các chuyên gia, Việt Nam có thể tạo điều kiện cho các tập đoàn nước ngoài bằng cách thực hiện các thay đổi cụ thể và làm rõ các luật bảo mật dữ liệu và hoàn thiện luật bảo vệ thông tin cá nhân, cũng như làm rõ cách danh mục dữ liệu khác nhau để khiến các nhà đầu tư thấy rằng đây là một thị trường ổn định và có thể dự đoán, từ đó tăng cường rót vốn.
“Thực tế điều mà các công ty mong muốn nói chung là tính ổn định và khả năng họ có dự đoán các quy định của nước sở tại. Điều này có nghĩa là khi có những quy tắc và quy định mới được đề xuất, cần có cơ hội để họ góp ý và đóng góp chuyên môn vào quá trình đó, nhằm giúp chính phủ điều chỉnh các chính sách phù hợp”, bà Wilson nêu quan điểm.
Nhiệm kì thứ hai của ông Trump
Trong khi những cam kết của các Big Tech trong năm nay đã khiến hãng tin Bloomberg nhận định mối quan hệ giữa Thung lũng Silicon với Việt Nam ngày càng sâu sắc, thì một nhân tố được cho là không thể bỏ qua khi Hà Nội tìm cách cân bằng chính sách và thu hút đầu tư: nhiệm kì thứ hai của ông Donald Trump.
Giới phân tích cho rằng khi tổng thống đắc cử của Mỹ lên nhậm chức sẽ có nhiều sự thay đổi về thuế, thương mại, đầu tư. Theo đó, nhiều ngành nghề và lĩnh vực tương ứng của Việt Nam có thể ảnh hưởng.
Bà Wilson cho biết khi xem xét một nhiệm kì Trump 2.0, các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ rõ ràng đang tìm kiếm sự hỗ trợ để mở rộng và tiếp cận thị trường toàn cầu để phát huy hết tiềm năng của họ, trong đó bao gồm thị trường Việt Nam.
“Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, chúng ta thấy được một số tiền lệ và có thể dự đoán phần nào các phương pháp mà chính quyền Trump 2.0 sẽ dựa vào, cũng như những ưu tiên mới của họ,” bà cho biết.
Phó Chủ tịch cấp cao của ITI nhấn mạnh rằng thâm hụt thương mại (mức chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu) từng là một vấn đề trong mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam và chắc chắn cần được lưu ý, cùng với vấn đề thuế quan.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp một mức thuế nhập khẩu nặng, bao gồm thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế 10 - 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu.
Bà Wilson cho biết nếu Việt Nam có thể điều hướng thành công mối quan hệ song phương này, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị thế tốt như một điểm đến “cộng một” trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Robert Law có cùng quan điểm và cho rằng Việt Nam đã làm tốt trong nhiệm kì đầu của ông Trump, và Hà Nội, với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, nên đàm phán để được đối xử khác với các quốc gia khác.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải coi trọng những lời của ông Trump, nhưng không phải theo nghĩa đen. Tức là chúng ta nên coi trọng việc ông ấy có kế hoạch áp dụng thêm thuế quan đối với Trung Quốc dù chưa biết bằng cách nào và vào khi nào, nhưng bạn nên chờ điều đó xảy ra. Còn về mức thuế 10-20% mà ông ấy đã nói áp dụng cho tất cả các nước khác, tôi nghĩ vẫn có thể có chỗ cho đàm phán và mặc cả,” ông Law nhận định.
Vì vậy, ở giữa ngã ba đường, chuyên gia này cho rằng "theo một số cách, đây sẽ là một phép thử đối với ngoại giao của Việt Nam”.