Chúng tôi đã cập nhật Chính sách về Riêng tư và Cookie
Chúng tôi có một số thay đổi quan trọng về Chính sách Riêng tư và Cookie, và muống bạn biết ý nghĩa của nó đối với bạn và dữ liệu của bạn.
Nguyễn Viện, đã đến phía đông âm phủ
- Tác giả, Nguyễn Đức Tùng
- Vai trò, Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Canada
Ở phía đông âm phủ là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Viện vừa được Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (Mỹ) ấn hành.
Tác phẩm gồm 2 truyện Và, Hắn đã đến và Ở phía đông âm phủ.
Cả hai tiểu thuyết ngắn này đều cùng theo đuổi một chủ đề chính trị và con người, một chủ đề nhạy cảm trong hoàn cảnh Việt Nam đương đại. Đây cũng là chủ đề quen thuộc của nhà văn Nguyễn Viện được thể hiện dưới dạng truyện – kịch, một thể loại “rất hiếm trong văn học Việt Nam”.
Nhà văn không có địa chỉ cư trú tại phía đông âm phủ, anh chỉ tới đó để tường trình về những gì thấy được, nghe được, theo kiểu của anh.
Cách vào đề của cả hai tiểu thuyết Ở phía đông âm phủ và Và, hắn đã đến đều trực tiếp, ngay lập tức, đưa người đọc vào tình huống có phần khó khăn. Tôi nói khó khăn, vì chúng nằm ngoài sự chờ đợi của độc giả. Thay vì mô tả tỉ mỉ tính cách của các nhân vật theo lối cổ điển, Nguyễn Viện chú trọng hơn đến việc thiết lập các tình huống (situation). Các nhà phê bình thường nhắc tới khái niệm bối cảnh của tiểu thuyết (setting), nhưng tôi nghĩ chữ tình huống áp dụng thích hợp hơn cho văn chương Nguyễn Viện. Vì nó sôi động ngay từ đầu. Sôi động không phải vì các sự kiện ồn ào, tiếng súng nổ, hay các hành động mạo hiểm, mà vì cách tạo lập quan hệ mới giữa người và người.
Chân của ông minh gác lên đùi ông diệm. Họ nằm hút thuốc.
Điều ấy có thể xảy ra được không? Có thể xảy ra được trong một thế giới khác, ví dụ phía đông vườn địa đàng, tên của cuốn tiểu thuyết của Steinbeck, hoặc phía đông âm phủ, nếu bạn muốn. Tên hai ông minh và diệm không viết hoa. Chỉ trong vài câu, Nguyễn Viện thiết lập được không khí huyền ảo, sự hài hước có phần chua chát, sự phi tang các dữ kiện lịch sử. Anh hình như là người có khuynh hướng viết các tiểu thuyết ngắn, có người gọi là tân truyện, nouvella. Hai tiểu thuyết này mỗi truyện không tới một trăm trang.
Trụ sở Liên Hiệp Quốc. Phòng họp đại hội đồng.
Tôi đã đến đó trong một ngày vắng lặng. Bàn ghế trống. Đại biểu của các quốc gia đã bỏ về từ hai hôm trước, sau một cuộc tranh cãi gay gắt về qui chế của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là vai trò và quyền hạn của các thành viên thường trực, đã dẫn đến việc tẩy chay của tất cả các đại biểu ngoài hội đồng đó đang có mặt trong hội nghị.
Dư âm của những tiếng nói phản đối bất công đã gây chấn động khắp thế giới và còn vang vang trong hội trường. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế. Một con người nhỏ nhoi của mặt đất này giữa diễn đàn lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới. Một vô nghĩa trong muôn vàn những ý nghĩa mà cái cơ quan này muốn nhắm tới. Con người vẫn luôn luôn vô danh. Vẫn luôn luôn vắng mặt. Và tôi ngồi đó, âm vang của chiến tranh và đói khổ hiện trên màn hình, xuất lộ trên mọi hàng ghế bỏ trống. Tiếng nói của súng đạn vẫn là tiếng nói có thẩm quyền nhất.
Nguyễn Viện là người viết nhiều, sáng tạo dồn dập, điều đó không hạn chế việc anh quan sát sâu và khả năng tổng quát hóa. Các truyện của anh kỳ lạ, có tính huyền thoại, tính lịch sử, các nhân vật xuất hiện không như trong hình dung của công chúng, chúng bị lệch đi dưới cái nhìn của tác giả. Có một mối quan hệ kỳ bí giữa các nhân vật với các khúc quanh lịch sử, vốn có thật.
Các đối thoại trong Ở phía đông âm phủ thẳng thắn, mang nặng tư tưởng nhưng cũng vì vậy mà thiếu tính hài hước, vốn là điểm mạnh của Nguyễn Viện. Những đối thoại giữa hai nhân vật minh và diệm rõ ràng gợi ý về các nhân vật lịch sử có thật, là cuộc đối thoại hào hứng, kéo dài, làm nên trung tâm của sách. Điều thú vị của tiểu thuyết này là bất kỳ sự mô tả nào, lời nói nào, cũng có thể khởi phát một cuộc tranh luận lý thú. Thí dụ:
Chúng ta đều là những kẻ độc tài, vì chúng ta biết tự do có nghĩa gì.
Tôi có thể tranh luận với anh ở đây rằng những kẻ độc tài thật sự không bao giờ thú nhận như thế, ngay cả với những người thân cận nhất. Câu chuyện của tác giả tựa như lời tâm sự giữa hai người bạn già hơn là cuộc đối thoại gay cấn giữa hai chính khách đối đầu nhau. Hay là có một thế giới mà ở đó con người trở nên trung thực hoàn toàn?
Sự bất ngờ xảy ra trong tác phẩm của Nguyễn Viện. Sự bất ngờ ấy nằm ở mối quan hệ lạ lùng giữa nhân vật diệm và minh hay ánh và huệ. Sự chuyển đổi của câu chuyện là khi lịch sử cận đại nhảy vọt về một trăm năm mươi năm trước, giữa hai nhân vật huệ và ánh: huệ và ánh, minh và diệm, giữa họ có gì giống và khác nhau? Câu chuyện tựa như một giấc mơ, như sự phiêu lưu vào các thời gian và không gian khác nhau, cuối cùng vẫn đem ta trở lại với cuộc đối thoại ban đầu, mối quan hệ thân mật và đầy xung đột, bi kịch của họ, sự cô độc của họ. Tiểu thuyết như một lời ai điếu dành cho người chết, nhưng cũng là bài hát về nỗi buồn, về hận thù, về khả năng tha thứ.
Tôi muốn dành nhiều dòng hơn cho cuốn tiểu thuyết mà tôi quan tâm, truyện Ở phía đông âm phủ, nhưng bạn đọc chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị khác và bất ngờ không kém, trong truyện thứ hai, Và, hắn đã đến, với số trang tương đương:
Pilatus:
-Dường như mọi nỗ lực của con người đều vô ích cả. Những bóng ma vẫn ám ảnh con người và những kẻ đã chết mới thật sự dẫn dắt thế giới này.
Tôi:
-Các ông là ma?
Pilatus:
-Bạn thấy có gì khác không?
Tôi không biết nói sao. Tôi cần bước ra khỏi nơi bị ma ám này, mặc dù tôi không cảm thấy sợ.
Thế giới bên ngoài. Đường phố dày đặc xe cộ. Chúng di chuyển như giả tưởng. Vô hồn. Tôi không biết đi đâu. Thành phố lạnh lùng. Bất chợt một chiếc xe dừng lại, người Do Thái ở phố Wall đứng trước mặt tôi.
-Welcome bạn đến New York.
Theo tôi, tiểu thuyết của Nguyễn Viện ít nhiều có hơi hướng của Kafka, với tính chất huyễn tưởng, kỳ dị, nhưng cách tiếp cận của anh mới hơn, đôi khi táo bạo hơn, với rất nhiều tra vấn.
Những câu hỏi là đặc trưng của văn Nguyễn Viện. Anh là người quan tâm đến lịch sử và các tình cảnh xã hội. Giọng và giọng điệu, từ ngữ, xây dựng nhân vật, cấu trúc truyện, mà anh chọn, tỏ ra thích hợp với những quan tâm có tính ám ảnh ấy. Anh không phải là người viết theo phong cách (stylist). Lời văn của anh giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn. Giọng anh điềm đạm, chừng mực, và khác với những cuốn khác, không có những cách nói và các chữ quá táo bạo. Tuy vậy, câu chuyện anh kể, các diễn tiến, các bí mật chờ ta sau khúc quanh, làm nên khí quyển khác thường.
Giọng của tác giả, người kể chuyện, và của các nhân vật, là khá giống nhau, bình tĩnh, trí thức nhưng không quá nghiêm trang, hài hước nhưng không quá phóng túng. Có một nỗi buồn thấp thoáng trong tâm hồn họ, trong những hồi tưởng về các vết thương sâu, tưởng đã quá lâu không còn đau đớn. Có sự diễu nhại, sự mô phỏng, các giai thoại, những thủ pháp hậu hiện đại, nhưng chúng không nổi bật trong hai cuốn tiểu thuyết này, so với các cuốn khác.
Sự chọn lựa người kể chuyện ở ngôi thứ ba làm cho tác giả dễ dàng di chuyển các điểm nhìn, quan sát mọi góc cạnh, đọc được cả nội tâm của nhân vật. Tuy vậy, anh giới hạn việc mô tả trong cái nhìn của một người đứng từ bên ngoài, như một cái tôi, và chỉ ghi lại các đối thoại. Điểm mạnh của chọn lựa này đã làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên đáng tin cậy hơn đối với người đọc, và dừng việc quan sát ở bên ngoài, và người đọc chỉ đọc được các nhân vật qua lời nói của họ. Như thế bạn phải giả thiết rằng lời nói của nhân vật xuất phát từ đáy lòng.
Những năm gần đây, ngày càng phổ biến một loại tiểu thuyết lịch sử mới, tuy dựa trên cuộc đời có thật của các nhân vật lịch sử, nhưng mở rộng giới hạn tưởng tượng đến vô cùng.
Ở phía đông âm phủ độc đáo ở chỗ tác giả không miêu tả trực tiếp nhân vật, mà để cho họ nói năng như trên sân khấu, như trong một vở kịch. Hình thức tiểu thuyết - kịch rất hiếm trong văn học Việt Nam. Người viết không nhất thiết phải trung thành với lịch sử, tiểu sử, hay các sự kiện khách quan, nhưng các kết luận mà tác giả hướng tới đều phải có tính thuyết phục. Kỹ thuật nhân vật hóa của nhà tiểu thuyết đòi hỏi anh ta có khả năng mang người đọc vào sâu trong tâm hồn nhân vật, nhìn thấy thế giới và các động cơ của họ từ bên trong.
Cuối cùng động lực của nhân vật minh và diệm, ánh và huệ là gì? Vì sao họ hành xử và nói năng như thế, ở một thế giới khác? Vì họ muốn chứng minh là mình đúng, hay vì họ thực tâm muốn đi tìm sự công bằng, sự giải thích đối với các sự kiện? Tự biện hộ hay tìm chân lý?
Tôi tin rằng chúng cũng là các ý định của tác giả, mặc dù không ai có thể chứng minh các ý định này. Có một nhu cầu ở người viết và người đọc, và lý do của những nhu cầu ấy. Chúng ta đọc tiểu thuyết để giải trí, đọc vì cái đẹp, đọc để mở rộng nhận thức. Trước khi tôi tìm thấy câu trả lời về các hành động trong quá khứ, tôi muốn lắng nghe câu chuyện được kể lại. Tôi là người muốn biết điều gì đã xảy ra trong lịch sử, trên bản tin nhật báo, nhưng tôi còn muốn biết điều gì đã xảy ra trong tâm hồn các nhân vật lịch sử ấy. Đó là câu hỏi của Nguyễn Viện.
Trong hai tác phẩm này, không có nhân vật chính diện và phản diện, kẻ thắng và người bại, họ đã thoát khỏi cõi trần gian tạm bợ, mặc dù chưa chắc đã được lên thiên đường. Đó là âm phủ, coi bộ nhàn nhã hơn cách mà tôi hình dung về nơi ấy. Có Bastos xanh khói vờn khét lẹt và Phillip Moris thơm ngát hoang đàng thì coi ra sống ở đó cũng không đến nỗi nào.
Cuốn tiểu thuyết này mang chúng ta tới gần các nhân vật, phía sau sân khấu, các động lực tâm hồn có tính cá nhân, và nhờ đó tìm cách giải thích lịch sử. Anh hùng, gian hùng, kẻ có công, người có tội, người có thật, người ngụy tạo, những bản ngã bị bóp méo, tất cả nằm sâu trong đối thoại của Nguyễn Viện.
Mỗi người đến thế giới này như một kẻ xa lạ, không phải vì họ xa lạ mà bởi vì họ được nhìn bởi người khác, trong đó có các nhà văn, như kẻ xa lạ. Bi kịch của con người là ở chỗ họ quá khác nhau, ở các học thuyết và các niềm tin, ở các quyết định và hành động, nhưng sâu thẳm họ giống nhau khi rắp tâm đi tìm sự thật cuối cùng.
Không có công lý và sự thật phổ biến cho mọi trường hợp, và con người luôn luôn chọn đứng về một phía, và đó là bi kịch và hài kịch của họ. Những xung đột giữa người và người, giữa các quốc gia, các chủ nghĩa, đỉnh cao là chiến tranh, ở mức cá nhân là hận thù, những xung đột ấy chỉ có hy vọng hóa giải khi con người nhìn thấy sự thật phía sau câu chuyện lịch sử, những động cơ tâm hồn bên dưới sự thật. Sự hiểu biết ấy, và sự vui thú sinh ra từ hiểu biết ấy, làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết.
Cả hai tiểu thuyết này của Nguyễn Viện không chỉ nói về những người đã chết, mà còn có cả những người đang thao túng thế giới. Những người nổi tiếng về một mặt nào đó, hoặc của dân tộc hoặc của nhân loại. Họ đều bị ám ảnh bởi quá khứ và đều muốn tìm cách nhận thức lại về chúng, thậm chí thoát khỏi chúng. Những quan sát của anh sắc bén, và trong một ngôn ngữ đẹp, giản dị, tinh tế, dí dỏm, tôi thiết nghĩ anh đã thành công trong việc đánh thức ý thức lịch sử và xúc cảm cá nhân nơi người đọc.
* Tác giả Nguyễn Đức Tùng là nhà thơ, nhà phê bình văn chương sống tại Canada.
Tin chính
BBC giới thiệu
Đọc nhiều nhất
Nội dung không có