Bộ trưởng Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có đúng quy định?
Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, vừa được bổ sung vào Bộ Chính trị. Việc Trung ương Đảng bầu bổ sung là theo quy định nào?
Văn phòng Trung ương Đảng hôm 16/8 cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, vào Bộ Chính trị.
Trước khi được bầu, ông Lương Tam Quang là trường hợp duy nhất từ sau năm 1975, khi làm bộ trưởng Công an mà chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị.
Cùng ngày, một cựu thứ trưởng khác của Bộ Công an là Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, cũng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
Tiêu chuẩn ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều quy định về công tác Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự cấp cao của Đảng, đã được ban hành.
Quy định 214-QĐ/TW về “khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vào ngày 2/1/2020 đã nêu rõ các tiêu chuẩn cho các chức danh chủ chốt trong Đảng và Nhà nước như: tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, thường trực Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng...
Các bộ tiêu chuẩn này kết hợp các yếu tố định tính (đạo đức, yêu nước, bản lĩnh chính trị...) với các yếu tố định lượng (thời gian công tác, các chức vụ đã đảm trách...).
Trong Quy định 214, tiêu chuẩn chức danh đối với ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Bí thư được quy định chung trong một mục (2.2). Trong đó, bên cạnh các tiêu chuẩn mang tính định tính (bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ...) thì có các tiêu chuẩn có thể định lượng cụ thể như sau:
“Là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.”
Như vậy, để vào Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị, một cá nhân cần phải:
- Đã là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên
- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch UBND, HĐND của tỉnh, thành phố), trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương (bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban trực thuộc Chính phủ, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh...).
Theo từ ngữ mà Quy định 214 thể hiện thì các tiêu chuẩn này là “tiêu chuẩn cứng”, tức không có ngoại lệ, hay còn gọi là “trường hợp đặc biệt”.
Cũng trong Quy định 214, có các tiêu chuẩn dành cho các vị trí khác (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch Quốc hội, thường trực Ban Bí thư) thì có nêu rõ “trường hợp đặc biệt”. Theo đó, tùy theo chức danh cụ thể mà “trường hợp đặc biệt” sẽ do cấp cơ quan nào xem xét, quyết định, ví dụ trong trường hợp tổng bí thư thì “trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.
Đối với tiêu chuẩn chức danh ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Bí thư, Quy định 214 không nêu trường hợp đặc biệt, có nghĩa là các điều kiện (chẳng hạn: Đã là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên) là bắt buộc phải đáp ứng.
Trường hợp Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang
Bộ trưởng Lương Tam Quang, sinh năm 1965, đã trải qua quá trình công tác lâu năm trong Bộ Công an.
Ông trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội 13 vào tháng 1/2021, theo hồ sơ chính thức trên trang Xây dựng Chính sách của Chính phủ Việt Nam.
Vị trí “trưởng các ban, bộ, ngành” đầu tiên mà ông nắm là bộ trưởng Bộ Công an, chức danh ông bắt đầu đảm trách vào ngày 6/6/2024, kế nhiệm ghế của ông Tô Lâm sau khi ông Tô Lâm trở thành chủ tịch nước.
Như vậy, xét theo thời gian làm ủy viên Trung ương Đảng thì Bộ trưởng Lương Tam Quang chưa làm trọn một nhiệm kỳ như yêu cầu của Quy định 214.
Thời gian ông làm “trưởng các ban, bộ, ngành” (ở đây là bộ trưởng) cũng mới được hơn hai tháng, không rõ liệu chừng đó đã đủ để có thể được đánh giá là “đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ” hay chưa.
Bên cạnh trường hợp ông Lương Tam Quang thì việc Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, được bổ sung vào Ban Bí thư cũng tương tự.
Ông Nguyễn Duy Ngọc là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, tức đến nay chưa làm trọn một nhiệm kỳ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Vị trí Chánh văn phòng Trung ương Đảng thì ông Nguyễn Duy Ngọc cũng mới nắm giữ từ ngày 3/6/2024, gần như tương đương với thời gian ông Lương Tam Quang làm bộ trưởng Công an.
Chiếu theo Quy định 241 thì ông Ngọc cũng chưa đủ tiêu chuẩn để vào Ban Bí thư, vì ít nhất thì ông chưa “là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên”.
Hai nhân vật còn lại được bổ sung vào Ban Bí thư cùng đợt với ông Nguyễn Duy Ngọc là ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, và Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong đó, ông Trí đã là ủy viên Trung ương Đảng các khóa 12 và 13, tức đáp ứng tiêu chuẩn “trọn một nhiệm kỳ trở lên”, trong khi ông Quyết mới vào Trung ương Đảng từ Đại hội 13, cũng chưa làm đủ một nhiệm kỳ.