Bước tới nội dung

Thành viên:Băng Tỏa/Biên dịch văn nói

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trong bài bách khoa và các nguồn để viết ra bách khoa, văn nói thường xuất hiện ở các dạng sau đây:

  • các bài báo (không phải bài báo nào cũng viết bằng văn phong trang trọng)
  • các bài bình luận / đánh giá (ví dụ, các bài đánh giá phim)
  • quan điểm, cảm nghĩ của các cá nhân
  • hội thoại (các bài phỏng vấn, hội thoại trong tác phẩm văn học,…)
  • nội dung trần thuật nhằm kể lại sự việc đã xảy ra trong quá khứ
  • và nhiều dạng khác

Đặc điểm của văn nói là không khô khan như văn viết luận, mà còn bao hàm cả cảm xúc và thái độ của người nói. Vì thế nên văn nói không dễ dịch. Dịch bằng máy càng cho ra thành phẩm dở tệ. Cách dịch bao gồm:

  • Hiểu ý mà người nói muốn truyền tải. Ví dụ, một câu khen rất phổ biến trên show truyền hình âm nhạc là "It's a brilliant performance!", tra từ điển thì brilliant là "sáng" với "thông minh". Nhưng thật ra ý người nói là gì? Người ta muốn khen đó là tiết mục hay, xuất sắc, cho nên không thể dùng từ "sáng" với "thông minh" được.
  • Quên cái vỏ chữ đi. Tìm ý tưởng tương đương trong tiếng Việt rồi viết ra. Xem show âm nhạc VN thường người ta hay khen như thế nào? "Tiết mục hay quá!" / "Tiết mục xuất sắc!" / "Màn trình diễn tuyệt vời!"...
  • Đọc lại xem có tối nghĩa không. Ví dụ, nếu bạn lỡ dịch thành "Tiết mục này sáng / thông minh đấy!" thì cần nhận ra là câu này vô nghĩa.
  • Tùy trường hợp mà có thể cần phải viết đi viết lại nhiều lần, vắt óc ngồi nghĩ mãi mới ra được thành quả ổn áp. Hoặc nhờ người giỏi tiếng Việt biên tập giúp.
  • Khi gặp phải các cảm xúc và thái độ phức tạp (mỉa mai, cay cú, giỡn hớt, châm biếm, trào phúng…), hoặc các thể loại đặc thù (hài hước, tuyên truyền...) cần tinh tế nhận ra để truyền tải một cách uyển chuyển, thoát khỏi mặt chữ, hoặc chọn lối viết phù hợp. Bám mặt chữ là kiểu gì cũng thất bại, vì cách người Việt biểu đạt cảm xúc bằng tiếng Việt khác với 7.000 ngôn ngữ còn lại trên thế giới.

Anh-Việt

[sửa | sửa mã nguồn]

Ví dụ 1

Hai người thích nhau tỏ tình với nhau:

X: I love you.

Y: This feeling is mutual.

Lạy các chế, đừng dịch thành "Cảm giác này là chung" nhé. Chắc tôi cười chết. Phải viết cái gì mà ai đọc vào cũng hiểu ấy.


Ví dụ 2

I'm obsessed with K-pop.

Câu này mà dịch thành "Tôi ám ảnh với K-pop" thì sẽ mang nghĩa tiêu cực. Người nghe sẽ nghĩ: à chắc hàng xóm suốt ngày bật nhạc K-pop âm lượng khủng bố nên giờ bạn ghê sợ K-pop. Vì trong tiếng Việt, "ám ảnh" có nghĩa là sợ.


Ví dụ 3

Every day after work, I go for a 20-minute walk to clear my head.

Nếu bạn hiểu đây là "dọn sạch tâm trí" thì đúng rồi, nhưng vẫn cần tìm từ tiếng Việt lột tả được sự việc này mà không cần vay mượn chữ tiếng Anh. Từ này không khó đến mức không có từ tiếng Việt tương đương đâu. Nhưng bạn phải tự tìm, không có từ điển nào có thể giúp bạn cả. Tương tự, khi đụng trúng thành ngữ, phrasal verb, colloquial phrase... đều phải tự dịch hết.


Ví dụ 4

At the end of the day, it's not about money.

"Đến cuối ngày, tiền bạc không phải tất cả" là tiêu đề một tập podcast phỏng vấn rapper Thái VG của công ty truyền thông Vietcetera (bạn search YouTube với Spotify là ra chứ mình không chèn liên kết vào đây được). Họ chỉ mới ghi ra được vỏ chữ nhưng chưa dịch được cái hồn chữ. Chưa kể, ai không biết tiếng Anh sẽ tưởng đó là "đến cuối ngày" theo nghĩa đen. Thật ra, đây là một câu thành ngữ chỉ tồn tại trong tiếng Anh, không có trong tiếng Việt. Bạn cần thật sự hiểu câu thành ngữ này có nghĩa là gì, viết ý hiểu của bạn ra. Viết hẳn vài thứ ra, càng nhiều càng tốt để có cái lựa. Đấy mới là đáp án mà bạn đang tìm.

Thoại của loạt phim Wednesday trên Netflix, tập 1 Sửa bằng trình soạn thảo trực quan


Đáp án lấy từ bản dịch tiếng Việt chính thức của Netflix. Cảm quan cá nhân: Băng Tỏa đánh giá cao bản dịch tiếng Việt của series phim này.

Thoại Có thể bị dịch thành Tại sao sai? Đáp án
"That girl is the closest thing Nevermore has to royalty." "Đó là người gần nhất với hoàng gia ở trường này." hoặc "Cô ta là người gần huyết thống với hoàng gia nhất trường." Ý câu này là "She's the most popular girl in school." chứ không liên quan gì với hoàng gia cả. Hiểu sai thì sẽ dịch sai, cho nên phải tìm cách hiểu chính xác ý của nguyên tác. Nếu ở Nevermore có vua chúa, thì cô ta là ứng cử viên số một.
"People like Dalton shouldn't be allowed to procreate." Những người như Dalton không được phép sinh sản. Không sai nhưng sượng trân. Cần viết lại hoàn toàn bằng tiếng Việt tự nhiên, miễn là vẫn giữ được tinh thần của người nói. Không cần "những" để câu gãy gọn hơn. Kẻ như Dalton nên bị tuyệt tự.
"That's on a need-to-know basis." Đó là trên cơ sở cần hẵng biết. Tối nghĩa quá vì nặng ngữ pháp Anh. Đọc giải nghĩa thành ngữ ở đây rồi viết lại cho thuần Việt nhé. "Người nào cần biết tôi mới nói." hoặc "Khi nào cần biết tôi mới nói."

Tập 2

Thoại Có thể bị dịch thành Tại sao sai? Đáp án
"Says the boy whose life was served on a silver platter." Xem cậu chàng có cuộc đời trên đĩa bạc nói kìa. "whose life was served on a silver platter" là thành ngữ để chỉ con nhà giàu, sinh ra trong nhung lụa, cậu ấm cô chiêu. Cho nên cần diễn đạt bằng tiếng Việt thuần Việt thì khán giả mới hiểu. Xem công tử sống trong nhung lụa nói kìa.
Xavier: Girls in glass houses…

Wednesday: ...should throw bigger stones.

Xavier: Gái trong nhà kính...

Wednesday: ...nên ném đá to hơn
Đọc lại xem dịch vầy thì ai hiểu gì?

Xavier định nói "Girls in glass houses shouldn't throw stones", lấy từ câu thành ngữ people who live in glass houses shouldn't throw stones, ý nghĩa tương tự chó chê mèo lắm lông trong tiếng Việt. Wednesday cắt ngang Xavier và đáp lại rất xéo sắc "should throw bigger stones", ý là "(chính vì chúng ta đồng gia cảnh) nên tôi càng phải chê cậu mạnh hơn, gay gắt hơn". Khi dịch, phải xem cả 2 vế và dịch sao cho khớp nhau. Nếu dịch vế đầu là "Chó thì đừng chê mèo lắm lông" cũng không sai, nhưng như vậy thì vế hai viết gì cho khớp? Đây là bài toán mà biên dịch viên bắt buộc phải giải. Trong trường hợp này, sự ăn khớp của 2 vế là quan trọng nhất, quan trọng hơn mặt chữ nhiều. Xavier: Cậu thì khác gì tôi…

Wednesday: ...nên càng phải chê mạnh chứ sao.

Enid: Want to take a stab at being social?

Wednesday: I do like stabbing. The social part, not so much.

Enid: Thử giao lưu xem sao không?

Wednesday: Tôi thích phần đâm nhau. Còn giao lưu thì không.

Thành ngữ take a stab at doing something có sẵn giải nghĩa trên Soha rồi, mọi người tự tra được. Lưu ý là trong trường hợp này, hiệu ứng chơi chữ là quan trọng nhất. Thoại của Wednesday bắt buộc phải có 2 phần "tôi thích...., còn giao lưu thì không", cho nên thoại của Enid cũng phải có từ "giao lưu" và một từ gì đó nữa. Từ gì thì biên dịch phải tự nghĩ ra sao cho hợp với tiếng Việt và tính cách của Wednesday. Enid: Thử giao lưu xem có chết không?

Wednesday: Chết nghe hay đấy. Còn giao lưu thì không hay lắm.

Dịch thoại phim khó ở chỗ là không có nguồn tham khảo như bài bách khoa trên Wikipedia. Dịch bài bách khoa, chỗ nào không hiểu thì bạn có thể đọc nguồn để hiểu, nhưng thoại phim thì không thể.

Hàn-Việt

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Có những câu thoại tiếng Hàn rất ngắn nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dài, đến mức không thể cắt bớt được. Chẳng hạn tiếng Hàn có câu 너나 잘해 chỉ có bốn ký tự, nhưng khi dịch ra thì khá nhiều chữ "Bạn nên lo làm việc của bạn trước đi".
  • Tiếng Hàn có từ 결혼하다 /kyeol-hon/ có nghĩa là kết hôn, từ này phát âm cũng gần giống kết hôn nên người ta thường dùng luôn từ kết hôn trong khi tiếng Việt có rất nhiều biểu hiện đa dạng như cưới, dựng vợ gả chồng, lập gia đình, ra ở riêng.
  • Một biểu hiện cũng thường xuất hiện trong phim Hàn là 콩밥을 먹다, nghĩa đen là ăn cơm đậu nhưng nghĩa bóng là đi tù. Khi dịch sang tiếng Việt, biên dịch có thể chọn các từ như đi tù, bóc lịch, ngồi nhà đá, ăn cơm tù… tùy vào ngữ cảnh và thái độ trong thoại của nhân vật.[1]

Đức-Việt

[sửa | sửa mã nguồn]
  • "Bitte beachten Sie die Pflicht zur Mund-Nasen-Bedeckung.": nếu dịch máy móc sẽ thành "Hãy lưu ý nghĩa vụ về sự che mũi và miệng" (đọc vào không hiểu gì cả). Nếu xét ngữ cảnh thì thật ra đây là biển báo bắt đeo khẩu trang của chính quyền địa phương, cho nên viết lại sao cho dễ hiểu là được, chẳng hạn như "Bắt buộc đeo khẩu trang".

Đúc kết

[sửa | sửa mã nguồn]
Hãy tập tư duy ngôn ngữ linh hoạt và uyển chuyển như dòng nước
  • Nếu bạn không hiểu hết nội dung bên tiếng Anh thì rút ra những ý chính cũng được, gọi là lược dịch. Bạn có thể không hiểu hết từng câu từng chữ người ta nói, nhưng bạn hiểu cái ý cốt lõi, vậy cứ ghi ý đó ra.
  • Trong ngôn ngữ, ngữ cảnh là quan trọng nhất. Cùng là always nhưng trong Harry Potter, Lý Lan có thể dịch thành 16 thứ khác nhau sao cho hợp với ngữ cảnh của từng trường hợp. Cho nên, đừng tư duy ngôn ngữ quá máy móc.
  • Hiểu sai thì chắc chắn sẽ dịch sai. Nhưng hiểu quá sát nghĩa, chỉ hiểu nghĩa thô nhất của từ rồi dịch thì cũng sai luôn.
  • Đôi khi, các yếu tố văn hóa nước ngoài có thể sẽ bị rơi rớt, tùy trường hợp. Dễ thấy nhất là chơi chữ và thơ ca, mấy cái này khi dịch xong đều bị mất, trừ phi bạn bỏ công ra viết các câu chơi chữ mới và tự làm thơ tự gieo vần. Ví dụ tiêu biểu là việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh: nếu chỉ dịch suông thì không có vần, còn muốn có vần để nghe cho hay thì phải viết lại (đọc thử một số bản dịch tiếng Anh tại en:The Tale of Kieu)

Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Khi dùng tiếng Anh, bạn phải viết sao cho gần với tiếng Anh tự nhiên của người bản xứ nhất có thể. Tương tự, khi dùng tiếng Việt hoặc dịch ra tiếng Việt, hãy viết sao cho gần với tiếng Việt của người Việt nhất có thể. Văn nói tiếng Việt như thế nào là do người Việt định đoạt. Muốn làm ra những nội dung khiến người Việt dễ hiểu và dễ đồng cảm thì phải dùng tiếng Việt mà đại đa số người Việt đều đang dùng…. Lấy ví dụ dễ hiểu, nước ngoài có rất nhiều kênh YouTube phổ cập kiến thức bổ ích bằng tiếng Anh nhưng nếu giờ bạn lập một kênh YouTube dịch máy các nội dung đó sang tiếng Việt thì sẽ chẳng ai coi cả vì nghe tiếng Việt dịch máy vừa khó hiểu vừa nhức đầu.
  • Do đó, đừng lậm tiếng Anh, đừng bám rịt vào câu chữ hay ngữ pháp tiếng Anh, đừng lạm dụng bị động, đừng lạm dụng chủ ngữ giả “nó”, đừng lạm dụng “đã”.
  • Sau khi dịch thô, có thể bạn sẽ cần phải biên tập lại nội dung thô đó sao cho trôi chảy, xuôi tai. Công đoạn này tốn thời gian, tốn chất xám và chỉ dễ với những ai tư duy tiếng Việt tốt, vững ngữ pháp, vốn liếng phong phú. Viết lại nhiều lần mới ra được bản cuối cùng là chuyện bình thường.

Bài tập

[sửa | sửa mã nguồn]

Đang viết.

  1. ^ “Dịch phim cho Netflix? Chỉ người trong ngành hiểu!”. Vietcetera. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.