Bước tới nội dung

Danh sách quan niệm sai lầm phổ biến

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Dưới đây là danh sách các quan niệm sai lầm phổ biến. Các mục trong bài viết này truyền đạt sự thật, còn bản thân các quan niệm sai lầm chỉ được ngụ ý.

Nghệ thuật và văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Thực phẩm và nấu ăn

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Mì chính không gây đau đầu hay bất cứ triệu chứng gì có liên quan đến cái gọi là hội chứng nhà hàng Trung Quốc, cũng không có bằng chứng nào cho thấy có những người nhạy cảm với mì chính hơn người bình thường.[1]
  • Hầu hết thực phẩm vẫn có thể ăn được trong một thời gian dài sau khi đã hết hạn sử dụng, trừ một số thực phẩm dễ hỏng.[2]
  • Nơi tập trung vị cay của ớt không phải là hạt. Ngược lại, hạt ớt chứa khá ít capsaicin, hợp chất gây ra cảm giác cay ở các động vật có vú. Bộ phận có nồng độ capsaicin cao nhất thực ra là phần cùi gắn kết hạt với vỏ.[3]

Lịch sử thực phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]
Bánh may mắn (fortune cookie) thường được liên hệ với ẩm thực Trung Quốc, nhưng thực ra có nguồn gốc từ Nhật Bản.[4] Người Trung Quốc gần như không bao giờ ăn loại bánh này và ngược lại liên hệ chúng với văn hóa Mỹ.[5]
  • Bánh may mắn (fortune cookie) không tồn tại trong ẩm thực Trung Quốc mặc dù chúng xuất hiện phổ biến trong các nhà hàng Trung Quốc tại Mỹ. Chúng thực ra bắt nguồn và du nhập vào Mỹ từ Nhật Bản.[4] Ở Trung Quốc, loại bánh này rất hiếm gặp và được liên hệ với văn hóa Mỹ.[5]

Lò vi sóng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Lò vi sóng không làm nóng thực phẩm bằng cách cộng hưởng với các phân tử nước trong thực phẩm mà là bằng điện môi.[6]
  • Lò vi sóng không làm nóng thực phẩm từ bên trong. Sóng vi ba 2,45 GHz chỉ có thể xâm nhập khoảng 1 xentimét (38 inch) vào bên trong hầu hết thực phẩm. Ở những thực phẩm có độ dày lớn, phần bên trong được làm nóng bằng nhiệt lượng được dẫn từ phần bên ngoài vào.[7]
  • Lò vi sóng không có khả năng gây ung thư, bởi sóng vi ba không phải là một loại bức xạ ion hóa và vì thế không có nguy cơ gây ung thư như những loại bức xạ ion hóa như tia X. Các nghiên cứu về nguy cơ gây ung thư liên quan đến lò vi sóng chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy bức xạ từ lò vi sóng có thể gây ung thư, ngay cả ở mức bức xạ cao hơn nhiều so với những gì người sử dụng có khả năng gặp phải khi lò vi sóng bị rò rỉ.[8]
  • Nhìn vào lò vi sóng không gây hại cho mắt.[9] Bất cứ lượng nhiệt hay bức xạ nào có thể gây hại cho mắt đều không thể thoát ra bên ngoài lò.[10]

Văn học

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nhiều câu danh ngôn được trích dẫn một cách phổ biến thực ra không có thật hoặc được gán cho những người thực ra không phải là tác giả của chúng. Cũng có nhiều câu trích dẫn khuyết danh hoặc của những tác giả ít được biết đến nhưng được gán cho các nhân vật nổi tiếng hơn. Các nhân vật thường xuyên được trích dẫn sai bao gồm Mark Twain, Albert Einstein, Adolf Hitler, Winston Churchill, Abraham Lincoln, William ShakespearePhật Thích-ca-mâu-ni.[11]
  • Frankenstein (tiêu đề cuốn tiểu thuyết năm 1818 của Mary Shelley) thực ra là tên của nhân vật chính Victor Frankenstein, nhà khoa học đã tạo ra sinh vật trong cuốn tiểu thuyết chứ không phải là tên của sinh vật đó. Trong cuốn tiểu thuyết, sinh vật đó không được đặt tên mà chỉ được gọi là quái vật của Frankenstein. Tuy nhiên, các tác phẩm chuyển thể sau này đã gọi con quái vật là Frankenstein, từ đó cách gọi này trở nên phổ biến.[12][13]

Âm nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]

Tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Do Thái giáo

[sửa | sửa mã nguồn]
Mặc dù trái cấm thường được miêu tả là một quả táo trong nghệ thuật, Sách Sáng Thế không nhắc đến việc nó là loại quả gì.[17]
  • Sách Sáng Thế không viết rằng trái cấm là một quả táo như những gì được miêu tả một cách phổ biến trong nghệ thuật phương Tây.[17] Văn tự gốc viết bằng tiếng Hebrew chỉ nhắc đến các từ "cây" và "quả". Các bản dịch sang tiếng Latin sử dụng từ mali có nghĩa là "xấu xa" hoặc "táo" tùy thuộc vần a được phát âm ngắn hay dài, mặc dù văn nói Latin đã không còn phân biệt nguyên âm ngắn hay dài ở thời điểm đó. Trong các ngữ tộc German cổ, từ apple (quả táo) thường chỉ có nghĩa là "quả". Từ thể kỷ 12 trở đi, các họa sĩ người Đức và Pháp thường vẽ trái cấm là một quả táo, và trong tác phẩm Areopagitica (1644), John Milton trực tiếp viết rằng trái cấm là một quả táo.[18] Các học giả người Do Thái cho rằng trái cấm có thể là một quả nho, quả sung, quả hoặc quả etrog.[19]

Kitô giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Hồi giáo

[sửa | sửa mã nguồn]
Phụ nữ Afghanistan mặc burqa
  • Không phải phụ nữ Hồi giáo nào cũng mặc trang phục phủ kín cơ thể, đầu và mặt tên là burqa. Nhiều phụ nữ Hồi giáo, nhưng không phải tất cả, chỉ che tóc của mình bằng hijab, hoặc che tóc và mặt (trừ hai mắt) bằng niqab.[25]
  • Kinh Qur'an không viết rằng những người tử vì đạo sẽ được ban 72 trinh nữ trên thiên đường; thay vào đó, tất cả mọi người—dù có tử vì đạo hay không—đều được ban những người bạn đồng hành (houri), mặc dù số lượng cụ thể không được ghi rõ. 72 trinh nữ được nhắc đến trong hadith của Imam Tirmidhi trong Sunan al-Tirmidhi.[26][27] Hadith là những câu nói và hành động của nhà tiên tri Muhammad được người khác kể lại, và vì thế không phải là một phần của Kinh Qur'an. Do đó, người Hồi giáo không nhất thiết phải tin vào tất cả mọi hadith, nhất là những hadith có nguồn gốc không rõ ràng như ở trường hợp này.[28]

Thể thao

[sửa | sửa mã nguồn]
Marcos Torregrosa đeo đai đen jiu-jitsu Brasil với một sọc đỏ
  • Trong các môn võ thuật, đai đen không phải lúc nào cũng thể hiện trình độ cao. Đai đen bắt đầu được sử dụng trong môn võ judo vào thập niên 1880 để thể hiện rằng người đeo đã thành thạo tất cả các động tác cơ bản và đạt hạng dan thứ nhất. Khi người đeo đạt các hạng cao hơn, đai đen của họ sẽ có những thay đổi tùy theo môn võ. Trong võ judo và các môn võ bắt nguồn từ judo chẳng hạn như jiu-jitsu Brasil, đai đen được thêm các sọc đỏ và trắng, còn các võ sư ở cấp cao nhất nhất thì đeo đai đỏ tuyền.[29] Các môn võ khác như taekwondo thì thêm các vạch vàng lên đai đen để thể hiện hạng dan của người đeo.

Ngôn ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Không chỉ có một ngôn ngữ ký hiệu duy nhất được sử dụng trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia có ngôn ngữ ký hiệu của riêng mình và một số nước có nhiều hơn một ngôn ngữ ký hiệu (mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa các ngôn ngữ này).[30]

Kiến trúc

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Mặc dù tên gọi "Big Ben" thường được dùng để chỉ một trong những ngọn tháp của cung điện Westminster hoặc thậm chí là cả cung điện, đây thực ra là biệt danh của quả chuông lớn nhất nằm trong ngọn tháp đó. Tên thực sự của ngọn tháp là Tháp Elizabeth.[31]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Cổ đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Các bức điêu khắc Hy Lạp cổ đại vốn được sơn nhiều màu sắc sặc sỡ.[32]

Trung Cổ và Phục Hưng

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Thời Trung Cổ không phải là một "thời kỳ của sự ngu muội, mọi rợmê tín", và Giáo hội cũng không áp đặt quyền hạn của mình lên đời sống cá nhân hay các hoạt động tư duy lý trí.[35] Theo nhà sử học Edward Grant, các tư tưởng duy lí mang tính cách mạng của Thời kỳ Khai Sáng ra đời trên nền tảng rằng "lý luận là một trong những hoạt động quan trọng nhất của con người" được xây dựng trong thời Trung Cổ.[36] Hơn thế nữa, theo nhà sử học David C. Lindberg, trái với quan niệm thông thường, "các học giả cuối thời Trung Cổ hiếm khi phải chịu sự thao túng của Giáo hội" và được "tự do theo đuổi những suy nghĩ và quan sát của mình (đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên)".[37] Tuy nhiên, quan niệm sai lầm rằng giai đoạn này là một "thời kỳ Tăm tối" vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
  • Không có bằng chứng nào cho thấy người trưởng thành thời Trung Cổ thường chỉ sống đến năm 30 hoặc 40 tuổi, mặc dù đúng là tuổi thọ trung bình ở thời này thấp hơn rất nhiều so với thời hiện đại,[38] Theo các số liệu, con số này là tuổi thọ trung bình ở thời điểm chào đời và là kết quả của tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Trong khi đó, những người đã sống đến tuổi trưởng thành có tuổi thọ trung bình cao hơn nhiều.[39] Theo một ước tính, một người đàn ông 21 tuổi ở Anh thời Phục Hưng có thể sống đến năm 64 tuổi.[40] Tuổi thọ trung bình của người trưởng thành có thể khác biệt rất nhiều với tuổi thọ trung bình của trẻ sơ sinh, đặc biệt là trước cuộc cách mạng công nghiệp.[39] Người Neanderthal mới là trường hợp mà phần lớn cá thể thật sự chết trước năm 40 tuổi, chủ yếu là do thương tích.[41]
  • Không có bằng chứng nào cho thấy người Viking từng đội mũ có sừng; những chiếc mũ như vậy sẽ rất bất tiện khi chiến đấu.[42] Trên thực tế, hình ảnh người Viking đội mũ có sừng xuất phát từ đạo cụ của vở opera Der Ring des Nibelungen của Richard Wagner khi nó được biểu diễn vào năm 1876.[43]
  • Người châu Âu thời Trung Cổ không tin rằng Trái Đất phẳng. Các học giả đã biết Trái Đất hình cầu từ muộn nhất là năm 500 TCN.[44] Quan niệm Trái Đất phẳng được các tín đồ đạo Tin lành khởi xướng vào thế kỷ 17 nhằm phủ nhận các giáo lý Công giáo.[45]
  • Christopher Columbus không phải là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến châu Mỹ:[46] Leif Erikson, và rất có thể là những người Viking trước ông, đã khám phá Vinland, nay là hòn đảo Newfoundland thuộc Canada hoặc một khu vực bao gồm Newfoundland và một số vùng khác của lục địa Bắc Mỹ. Các tàn tích ở L'Anse aux Meadows cho thấy người Bắc Âu đã xây dựng ít nhất một khu định cư ở Newfoundland. Columbus cũng không đặt chân lên bất cứ hòn đảo nào thuộc địa phận Hoa Kỳ ngày nay; phần lớn những lần cập bến của Columbus trong chuyến đi thứ tư của ông diễn ra trên các hòn đảo Caribe mà ngày này là những quốc gia độc lập. Tuy nhiên, đúng là Columbus đã đặt chân đến lục địa Nam Mỹ trong chuyến đi thứ ba của ông đến châu Mỹ (1498–1500).

Cận đại

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Câu chuyện Isaac Newton được truyền cảm hứng nghiên cứu bản chất của lực hấp dẫn sau khi bị một quả táo rơi vào đầu gần như chắc chắn không phải là sự thật. Theo lời Newton, ông nảy ra ý tưởng đó khi đang ngồi "trầm tư" và nhìn thấy "một quá táo rơi xuống đất."
  • Những người bị kết tội trong các vụ xét xử phù thủy tại Salem ở Bắc Mỹ không bị thiêu sống; khoảng 15 người chết trong nhà giam, 19 người bị treo cổ và một người bị đè chết bằng đá.[47]

Hiện đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Napoleon trên chiến hạm Bellerophon, một bức tranh vẽ Napoleon I của Charles Lock Eastlake.
  • Napoleon Bonaparte không thấp. Trên thực tế, ông thậm chí còn cao hơn một chút so với mức trung bình của nam giới ở Pháp tại thời điểm đó.[48] Sau cái chết của vị Hoàng đế vào năm 1821, chiều cao của ông được ghi lại là 5 foot 2 inch theo hệ đo lường Pháp, tương đương với 5 foot 7 inch (1,70 m) theo hệ đo lường Anh.[49] Biệt danh le Petit Caporal (viên hạ sĩ nhỏ bé) của ông chỉ đơn giản là một cách gọi thân mật.[50] Napoleon thường đi cùng những cận vệ hoàng gia được tuyển chọn dựa trên chiều cao[51]—điều này cũng có thể đã góp phần dẫn đến quan niệm rằng ông là một người thấp.
  • Mũ cao bồi vốn không phổ biến ở miền Viễn Tây Hoa Kỳ mà mũ derby hay mũ bowler mới là loại mũ được ưa chuộng.[52] Chiến dịch quảng bá cho mẫu mũ cao bồi "Boss of the Plains" được Stetson tiến hành sau cuộc nội chiến là nguyên nhân chính dẫn đến sự nổi tiếng của loại mũ này.[53]
  • Albert Einstein không hề thi trượt một bài kiểm tra toán nào ở trường. Khi thấy bài báo viết như vậy, ông nói "Tôi không thi trượt môn toán bao giờ.... Trước năm 15 tuổi tôi đã thành thạo vi phântích phân."[54] Tuy nhiên, đúng là Einstein đã thi trượt kỳ thi tuyển sinh đầu tiên của ông vào Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH) vào năm 1895, khi ông ít hơn các thí sinh khác hai tuổi, dù đạt điểm rất cao trong phần thi toán và khoa học. Ông đã thi đỗ trong lần thi thứ hai.[55]

Khoa học và công nghệ

[sửa | sửa mã nguồn]

Thiên văn học và du hành không gian

[sửa | sửa mã nguồn]
Trong hình chụp bằng vệ tinh này, Vạn Lý Trường Thành chạy từ góc dưới bên trái lên góc trên bên phải (đừng nhầm lẫn với con sông trông nổi bật hơn chạy từ góc trên bên trái xuống góc dưới bên phải). Khu vực trong ảnh có diện tích 12 nhân 12 kilômét (7,5 mi × 7,5 mi).
  • Vạn Lý Trường Thành không phải là kiến trúc nhân tạo duy nhất có thể được nhìn thấy từ không gian hay từ Mặt Trăng. Không có nhà khoa học nào thuộc Chương trình Apollo cho biết họ có thể nhìn thấy bất cứ vật thể nhân tạo nào từ Mặt Trăng. Ngay cả các nhà khoa học trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất cũng chỉ có thể nhìn thầy bức tường thành qua hình ảnh được phóng đại.[56]
  • Các hố đen không sở hữu khả năng đặc biệt nào trong việc hút vật chất. Chúng có cùng lực hấp dẫn với bất cứ vật thể nào có cùng khối lượng với chúng.[57] Nếu Mặt Trời bị thay thế bởi một hố đen có cùng khối lượng, quỹ đạo của các hành tinh trong hệ Mặt Trời sẽ gần như không bị ảnh hưởng. Một hố đen có thể hút một lượng lớn vật chất xung quanh nó như một cái "máy hút bụi vũ trụ", nhưng điều đó có nghĩa là ngôi sao hình thành nên nó vốn đã có thể làm như thế rồi.[58]
  • Các mùa trong năm không phải là kết quả của việc toàn bộ Trái Đất ở gần Mặt Trời hơn vào mùa hè và ở xa Mặt Trời hơn vào mùa đông, mà là kết quả của độ nghiêng trục quay 23,4 độ của Trái Đất. Bán cầu nào nghiêng về phía Mặt Trời thì ở Bán cầu đó sẽ là mùa hè (cụ thể là tháng 7 đối với Bắc Bán cầu và tháng 1 đối với Nam Bán cầu) và ngược lại với mùa đông.[59][60]
  • Khi một sao băng hoặc tàu vũ trụ rơi vào khí quyển, nhiệt độ cao không được sản sinh (chủ yếu) bởi ma sát, mà là bởi sự nén khí đoạn nhiệt xảy ra ở phía trước vật thể đó.[61][62][63]
  • Mặt Trời thực chất có màu trắng chứ không phải màu vàng.[64] Sự tán xạ trong khí quyển khiến cho nó trông như có màu vàng, cam hay đỏ lúc bình minh hoặc hoàng hôn.[64]

Sinh học

[sửa | sửa mã nguồn]

Động vật có xương sống

[sửa | sửa mã nguồn]
Màu đỏ của tấm vải không phải là điều khiến bò tốt nổi giận
  • Khi sắp chết, các con voi già không rời khỏi bầy đàn của mình và tìm đường đến một địa điểm cụ thể gọi là nghĩa địa voi để chết.[65]
  • Bò tót không nổi giận vì nhìn thấy màu đỏ trên tấm vải của các đấu sĩ. Bò chỉ phân biệt được hai màu, nên màu đỏ không phải là một màu nổi bật đối với chúng. Bò tót tấn công người đấu sĩ đơn giản vì chúng xem là họ là một mối đe dọa.[66]
  • Chó không tiết mồ hôi qua nước bọt[67] mà chủ yếu qua các tuyến mồ hôi ở đệm chân. Tuy nhiên, đúng là chó thở bằng miệng để điều hòa thân nhiệt.[68]
  • Dơi không mù. Khoảng 70% các loài dơi, chủ yếu trong phân bộ Dơi nhỏ, dùng tiếng vang để định hướng, nhưng tất cả các loài dơi đều có mắt và có thể nhìn. Ngoài ra, gần như tất cả các loài trong họ Dơi quạ đều không định hướng bằng tiếng vang và có thể nhìn rất tốt trong đêm tối.[69]
  • Đà điểu không vùi đầu xuống cát để ẩn nấp khỏi kẻ thù hay khi ngủ.[70] Không rõ quan niệm này bắt nguồn từ đâu nhưng có thể là do Gaius Plinius Secundus (23–79 CN) đã viết: đà điểu "tưởng rằng toàn bộ cơ thể của mình đã được che dấu khi chúng vùi đầu và cổ vào một bụi cây."[71]
  • Trí nhớ của cá vàng không chỉ kéo dài trong vài giây mà có thể lên đến một vài tháng.[72][73]
  • Trong một đàn sói, không có con nào là "alpha". Thuật ngữ "sói alpha" bắt nguồn từ một nghiên cứu chỉ được thực hiện trên những con sói trưởng thành không có liên hệ gì với nhau trong điều kiện nuôi nhốt. Trong môi trường hoang dã, các đàn sói có cấu trúc tương tự như gia đình của con người: không có sự phân biệt thứ bậc cụ thể nào, sói bố và sói mẹ dẫn đầu đàn cho đến khi sói con trưởng thành và lập nên những gia đình của riêng mình, các con sói ít tuổi hơn không lật đổ "alpha" để trở thành con đầu đàn mới, và các cuộc đụng độ để khẳng định vị thế chỉ xảy ra trong những hoàn cảnh cá biệt.[74][75]
  • Nhím không thể phóng lông của mình, mặc dù đúng là lông của chúng có thể tách rời khỏi cơ thể.[76][77]
  • Chuột không đặc biệt thích ăn pho mát mà trên thực tế chỉ ăn pho mát nếu không có lựa chọn nào tốt hơn. Chúng thường thích ăn các loại thực phẩm có vị ngọt. Không rõ quan niệm này bắt nguồn từ đâu.[78]
  • Cá Piranha không chỉ ăn thịt mà thực ra là động vật ăn tạp và chỉ bơi thành đàn để bảo vệ lẫn nhau khỏi kẻ săn mồi chứ không phải để tấn công. Chúng rất hiếm khi tấn công con người và chỉ làm như thế khi bị căng thẳng hoặc đe dọa. Người bị tấn công cũng chỉ bị cắn ở tay và chân.[79]

Động vật không xương sống

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Khi bị cắt làm đôi, giun đất không nhân đôi thành hai con khác nhau. Chỉ có một số ít loài giun đất[80] có khả năng tự tái tạo. Nhưng kể cả trong những trường hợp đó, chỉ có nửa trước của con giun (nơi có miệng của nó) mới có thể sống sót, còn nửa sau sẽ chết.[81] Tuy nhiên, một số loài giun dẹp khả năng tách thành hai con mới khi bị cắt ngang hoặc cắt dọc làm đôi.[82]
  • Ruồi nhà có tuổi thọ trung bình từ 20 đến 30 ngày chứ không phải là 24 giờ.[83] Quan niệm này có thể xuất phát từ sự nhầm lẫn giữa ruồi với phù du; ở một số loài thuộc Bộ phù du, con trưởng thành có thể chỉ sống được 5 phút.[84]
  • Quan niệm rằng trong suốt cuộc đời, mỗi người đều nuốt một số lượng nhện nhất định khi đang ngủ là không có căn cứ. Khi ngủ, con người phát ra nhiều âm thanh và rung động từ việc hít thở, ngáy, v.v. và tất cả những điều đó sẽ khiến nhện không muốn lại gần.[85][86]
  • Ong mật châu Âu thường được xem là đóng vai trò thiết yếu đối với hoạt động sản xuất lương thực của con người, dẫn đến những ý kiến cho rằng nếu không có sự thụ phấn của chúng, con người sẽ chết đói và tuyệt chủng.[87] Trên thực tế, nhiều loại hoa màu quan trọng, trong đó có mười loại hoa màu quan trọng nhất cung cấp 60% năng lượng từ thực phẩm cho con người,[88][89] không hề cần đến sự thụ phấn của côn trùng. Câu nói "Nếu ong biến mất khỏi Trái Đất, loài người sẽ chỉ tồn tại thêm được bốn năm" thường được cho là của Albert Einstein nhưng ông chưa từng nói như vậy.[90][91]
  • Bọ ngựa cái hiếm khi ăn thịt con đực khi đang giao phối, đặc biệt là trong môi trường tự nhiên. Trong một nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm tại trường Đại học trung tâm Arkansas, con cái ăn thịt con đực trước khi giao phối trong 1 trên 45 lần quan sát và con đực cũng ăn thịt con cái với tần suất tương tự.[92]

Thực vật

[sửa | sửa mã nguồn]
Hoa hướng dương quay ngược lại với mặt trời.
  • Thực vật ăn thịt vẫn có thể sống sót mà không cần thức ăn. Việc ăn côn trùng giúp chúng phát triển.[93]
  • Hoa hướng dương không phải lúc nào cũng quay về phía mặt trời. Chúng quay về một hướng cố định (thường là hướng Đông) trong suốt cả ngày, nhưng không nhất thiết phải là về phía mặt trời.[94] Chúng thường được bắt gặp quay về phía mặt trời bởi trước khi nở, nụ hoa hướng dương vươn về phía mặt trời (một hiện tượng có tên là hướng sáng), nhưng sau đó chúng sẽ giữ nguyên hướng mà mình đang quay về khi đang nở.[95]

Tiến hóa và cổ sinh vật học

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Mục tiêu của thuyết tiến hóa không phải là giải thích nguồn gốc sự sống[96] hay nguồn gốc và quá trình phát triển của vũ trụ. Thuyết tiến hóa chủ yếu quan tâm đến những thay đổi theo thời gian giữa các thế hệ nối tiếp nhau sau khi sự sống đã bắt đầu.[97] Mô hình khoa học về việc những sinh vật đầu tiên có nguồn gốc từ các phân tử hữu cơ hoặc vô cơ được gọi là abiogenesis, và giả thuyết về sự hình thành của vũ trụ được chấp nhận rộng rãi nhất là mô hình Vụ Nổ Lớn.
Hình vẽ phục dựng Aegyptopithecus, một loài linh trưởng từng tồn tại trước thời điểm con người và khỉ Cựu Thế giới tách rời khỏi nhau trong lịch sử tiến hóa của loài người
  • Loài người không tiến hóa từ tinh tinh, bao gồm cả hai loài tinh tinh còn tồn tại đó là tinh tinh thườngtinh tinh lùn.[98] Tuy nhiên, đúng là loài người và tinh tinh đã tiến hóa từ cùng một tổ tiên.[99][100] Tổ tiên chung gần nhất của người và tinh tinh đã tồn tại khoảng 5 đến 8 triệu năm trước.[101]
  • Tiến hóa không phải là quá trình một sinh vật thấp kém trở nên ưu việt hơn, đồng thời không phải lúc nào cũng là quá trình một sinh vật trở nên phức tạp hơn. Trong quá trình tiến hóa, một quần thể sinh vật hoàn toàn có thể trở nên đơn giản hơn và có bộ gen nhỏ hơn.[102][103]
  • Sự tiến hóa không có "chủ đích" nâng cao khả năng sinh tồn của một sinh vật.[104][105] Quan niệm sai lầm này một phần xuất phát từ việc các nhà sinh học có xu hướng sử dụng cách diễn đạt khiến người nghe hiểu rằng sự tiến hóa xảy ra một cách có chủ đích;[106] chẳng hạn, "Khủng long có thể đã tiến hóa lông vũ để tìm bạn tình" nghe đỡ cồng kềnh hơn "Lông vũ có thể đã được chọn lọc tự nhiên giữ lại bởi chúng mang đến cho khủng long một lợi thế chọn lọc khi tìm bạn tình so với các đối thủ không có lông vũ".[107]
  • Không phải tất cả các loài khủng long đều đã diệt vong trong sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng–Cổ Cận. Chim tiến hóa từ các loài khủng long chân thú có lông vũ nhỏ trong kỷ Jura, và mặc dù đến cuối kỷ Phấn Trắng, phần lớn các loài khủng long đều chấm dứt, nhưng một số loài chim đã sống sót. Vì vậy, khủng long vẫn tồn tại trong hệ động vật ngày nay.[108]
  • Con người và khủng long (trừ chim) không sống cùng thời điểm với nhau.[109] Loài khủng long cuối cùng (mà không phải là tổ tiên của chim) biến mất 66 triệu năm trước trong sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng–Cổ Cận, trong khi những cá thể đầu tiên của chi Người xuất hiện từ 2,3 đến 2,4 triệu năm trước, nghĩa là những khủng long cuối cùng mà không phải tổ tiên của chim và những con người đầu tiên sống cách nhau 63 triệu năm. Tuy nhiên, loài người từng chung sống với voi ma mút lông xoănmèo răng kiếm—những động vật có vú thường được miêu tả nhầm là sống cùng thời với khủng long.[110]
Tyrannosaurus rex, một trong những loài khủng long không phải tổ tiên của chim đã biến mất trong sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng–Cổ Cận xảy ra vào cuối kỷ Phấn Trắng.

Máy tính và Internet

[sửa | sửa mã nguồn]

Khoa học môi trường

[sửa | sửa mã nguồn]
Sự suy giảm ozon không phải là nguyên nhân gây ấm lên toàn cầu.

Cơ thể người và sức khỏe

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Ngủ trong phòng kín bật quạt không gây chết người, trái với quan niệm "chết do quạt" phổ biến ở Hàn Quốc.[120]
  • Đánh thức người đang mộng du không gây hại gì đến họ. Đúng là sau khi thức dậy, họ sẽ cảm thấy bối rối hoặc mất phương hướng một lúc nhưng ngoài ra sẽ không có tác hại gì khác. Trái lại, nếu không được đánh thức, người mộng du có thể tự làm mình bị thương nếu vấp phải vật gì đó hoặc mất thăng bằng.[121]
  • Việc ăn trong vòng một giờ trước khi bơi không làm tăng nguy cơ chuột rút hay chết đuối. Một nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ uống có cồn với chết đuối, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ với việc ăn.[122]
  • Những người xung quanh thường không dễ dàng nhận ra việc một người đang bị đuối nước.[123] Trong hầu hết các trường hợp, phản ứng bản năng khi đuối nước sẽ ngăn nạn nhân vẫy tay hay hét lên,[123] vì thế không nên dựa vào những dấu hiệu này để xác định chuyện gì đang xảy ra. Phần lớn các nạn nhân đuối nước không có biểu hiện kêu cứu nào khi đang trải qua phản ứng này.[124]
  • Máu trong tĩnh mạch người không có màu xanh. Máu nghèo oxy (trong tĩnh mạch) có màu đỏ thẫm, còn máu giàu oxy (trong động mạch) có màu đỏ tươi. Quan niệm này có thể bắt nguồn từ việc các mạch máu dưới da trông giống như có màu xanh lam hoặc xanh lục. Điều này có thể do sự tán xạ dưới bề mặt cũng như cách con người tiếp nhận màu sắc. Một nguyên nhân nữa là nhiều biểu đồ minh họa hệ tuần hoàn sử dụng màu sắc để phân biệt giữa tĩnh mạch và động mạch, trong đó tĩnh mạch thường được tô màu xanh và động mạch thường được tô màu đỏ.[125]
  • Tiếp xúc với chân không hoặc sự giảm áp không kiểm soát (trong hầu hết trường hợp) không làm cho cơ thể nổ tung hay làm các dịch bên trong cơ thể sôi lên. (Tuy nhiên, các dịch trong miệng và phổi sẽ sôi ở độ cao vượt quá giới hạn Armstrong.) Thay vào đó, con người sẽ mất đi ý thức một khi máu trong cơ thể đã cạn kiệt oxy và sau đó chết vì giảm oxy huyết chỉ trong ít phút.[126]
  • Giãn cơ trước hay sau khi tập thể dục đều không làm giảm đau nhức cơ.[127]
  • Người nuốt phải xăng thường không cần điều trị khẩn cấp, miễn là xăng nằm trong dạ dày chứ không phải trong phổi, và việc cố gắng nôn xăng ra có thể sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.[128]
  • Nước tiểu không vô trùng, ngay cả ở trong bàng quang.[129]
  • Khi đột ngột bị ngập trong nước ở nhiệt độ đóng băng, con người thường không chết do hạ thân nhiệt mà do phản ứng sốc lạnh. Phản ứng này có thể gây ngừng tim, nhồi máu cơ tim hoặc thở gấp, từ đó dẫn đến chết đuối.[130]
  • Hài cốt sau khi hỏa táng không phải là tro theo đúng nghĩa. Sau khi quá trình hỏa thiêu kết thúc, các mảnh xương khô sẽ được lấy ra và giã nhỏ thành "tro cốt".[131]

Các giác quan

[sửa | sửa mã nguồn]
Một sơ đồ vị giác đã bị bác bỏ trong đó lưỡi có các vùng nếm được vị đắng (1), vị chua (2), vị mặn (3) và vị ngọt (4). Trên thực tế, bất cứ vùng nào cũng có thể nếm được tất cả các vị.

Da và tóc

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Cạo lông không làm lông mọc lại một cách dày hoặc rậm hơn. Quan niệm này xuất phát từ việc đầu lông chưa cạo được vót nhọn, còn đầu lông sau khi cạo thì cụt và vì thế dày hơn. Lông ngắn cũng không dễ uốn cong bằng lông dài, từ đó góp phần củng cố quan niệm này.[138]
  • Các sản phẩm chăm sóc tóc không thể "phục hồi" tóc chẻ ngọn và hư tổn. Chúng chỉ có thể ngăn tình trạng đó xảy ra trong tương lai và khiến tóc trông như đã được phục hồi.[139]
  • Nguyên nhân chủ yếu gây ra mụn là yếu tố di truyền chứ không phải là sự thiếu vệ sinh, ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ hay các thói quen cá nhân khác.[140]

Dinh dưỡng, thực phẩm và đồ uống

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Chế độ ăn gần như không có tác động gì lên quá trình đào thải độc tố của cơ thể và các chế độ ăn thải độc "không được dựa trên cơ sở khoa học nào".[141] Một số nhà khoa học đã gọi những chế độ ăn như thế là một sự "lãng phí thời gian và tiền bạc".[142] Mặc dù vậy, vẫn tồn tại quan niệm sai lầm rằng có những chế độ ăn cụ thể giúp đẩy nhanh quá trình này hoặc có thể loại bỏ những độc tố mà cơ thể không thể tự đào thải.[143] Các độc tố được đào thải khỏi cơ thể qua gan và thận.[141]
  • Không cần uống 8 cốc (2–3 lít) nước mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe.[144] Lượng nước mà cơ thể cần dựa trên cân nặng, chế độ ăn, mức độ hoạt động, trang phục đang mặc và môi trường xung quanh (nhiệt độ và độ ẩm). Uống nước cũng không phải là cách duy nhất để cung cấp nước cho cơ thể; cơ thể có thể hấp thu nước từ những chất lỏng như nước hoa quả, trà, sữa, súp, v.v. cũng như từ những thực phẩm như hoa quả và rau.[144]
  • Uống cà phê và các đồ uống chứa caffein khác không làm cho người đã quen uống bị mất nước, nhưng điều đó có thể xảy ra ở người không uống thường xuyên.[145]

  • Đường không gây tăng động ở trẻ em.[146] Các thử nghiệm không cho thấy sự khác biệt nào trong hành vi giữa trẻ được cho ăn chế độ ăn nhiều đường và không đường, ngay cả trong những nghiên cứu trên những trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc được xem là nhạy cảm với đường.[147] Một phân tích tổng hợp được thực hiện vào năm 2019 không tìm thấy tác động tích cực nào của việc tiêu thụ đường đối với tâm trạng, nhưng đã tìm thấy mối liên hệ giữa tiêu thụ đường với sự giảm sút trong mức độ tỉnh táo và cảm giác mệt mỏi trong vòng một giờ sau khi tiêu thụ, một hiện tượng được gọi là hạ đường huyết phản ứng hay "sugar crash".[148]
  • Đồ uống có cồn không làm cho toàn bộ cơ thể ấm lên.[149] Cảm giác ấm là kết quả của việc đồ uống có cồn làm giãn các mạch máu, từ đó các đầu dây thần kinh gần bề mặt da được máu (có nhiệt độ ấm) kích thích nhiều hơn mức bình thường. Điều này thực ra còn có thể làm thân nhiệt giảm xuống khi cơ thể dễ dàng trao đổi nhiệt với môi trường bên ngoài hơn.[150]
  • Đồ uống có cồn không trực tiếp khiến tế bào não bị chết.[151] Tuy nhiên, chúng có thể gián tiếp dẫn đến điều đó bằng hai cách: (1) Ở những người thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn đồ uống có cồn, não bộ đã thích nghi với mức độ tiêu thụ này và việc đột ngột dừng tiêu thụ có thể dẫn đến ngộ độc kích thích, gây chết tế bào ở nhiều vùng của não bộ.[152] (2) Ở những người nghiện rượu mà đồ uống có cồn chiếm phần lớn lượng calo nạp vào cơ thể hàng ngày, sự thiếu hụt thiamine có thể dẫn đến hội chứng Korsakoff, một hội chứng có liên hệ với sự tổn thương não nghiêm trọng.[153]
  • Một chế độ ăn chay hoặc chay thuần có thể cung cấp đủ protein cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng.[154] Thậm chí, chệ độ ăn chay ovo-lacto và ăn chay thuần còn có thể cung cấp nhiều protein hơn mức cần thiết.[155] Tuy nhiên, chế độ ăn chay thuần cần được bổ sung vitamin B12 bằng chế phẩm.[154]
  • Khi bị nuốt phải, kẹo cao su không mất bảy năm để tiêu hóa. Trên thực tế, gần như không thể tiêu hóa kẹo cao su và chúng di chuyển qua đường tiêu hóa với tốc độ tương tự như những vật chất khác.[156]
  • Thực phẩm cay và cà phê không ảnh hưởng đáng kể đến việc hình thành viêm loét dạ dày tá tràng.[157]
  • Chất beta carotene trong cà rốt không làm tăng khả năng nhìn trong đêm tối của người bình thường mà điều đó chỉ đúng với người bị thiếu vitamin A.[158] Quan niệm này có thể xuất phát từ một thông tin sai lệch trong chiến tranh thế giới thứ hai để giải thích việc Không quân Hoàng gia Anh chiến đấu hiệu quả hơn về đêm, mà thực ra là nhờ việc sử dụng radar và đèn báo hiệu màu đỏ trên các bảng điều khiển.[159]
  • Nhìn chung, nguyên nhân của béo phì không phải là tốc độ chuyển hóa cơ bản chậm. Tốc độ chuyển hóa cơ bản không khác nhau đáng kể giữa tất cả mọi người. Người thừa cân có xu hướng đánh giá thấp lượng thức ăn mình tiêu thụ, còn người thiếu cân thì lại thường đánh giá cao. Trên thực tế, người thừa cân thậm chí còn có tốc dộ chuyển hóa cao hơn do nhu cầu năng lượng lớn hơn của cơ thể.[160]
  • Đậu nành không gây mất cân bằng nội tiết tố nếu được tiêu thụ ở mức thông thường.[161]
  • Thứ tự tiêu thụ các loại đồ uống có cồn khác nhau (chẳng hạn như bia rồi đến rượu) không ảnh hưởng gì đến mức độ say hay gây ra tác hại gì.[162]

Hành vi tình dục ở người

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Không có cách thủ công nào kiểm tra được trinh tiết và tình trạng màng trinh không nói lên được gì về kinh nghiệm tình dục của một người.[163][164] Việc chảy máu không có mối liên hệ trực tiếp nào đến lần đầu quan hệ tình dục bằng âm đạo và cũng không nói lên được gì về kinh nghiệm tình dục.[163] Các cách kiểm tra trinh tiết thủ công không được dựa trên cơ sở khoa học nào.[165]
  • Cả chủng tộc[166] lẫn kích cỡ bàn tay[167] đều không có mối liên hệ gì với kích cỡ dương vật, nhưng tỉ lệ độ dài của các ngón tay thì có thể có.[168]
  • Đúng là thai nhi của bố mẹ là anh chị em họ trực tiếp có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh nhưng điều này thường bị thổi phồng:[169] nguy cơ đó là 5–6% (tương đương với nguy cơ khi một người phụ nữ 40 tuổi sinh con),[169][170] so với nguy cơ trung bình là 3–4%.[170] Tác động của sự thoái hóa giống là khá nhỏ so với các yếu tố khác và chỉ trở nên rõ rệt nếu được cô lập và duy trì qua nhiều thế hệ.[171]
  • Không có cơ sở sinh lý nào chứng minh rằng quan hệ tình dục trước khi thi đấu thể thao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả thi đấu.[172] Trên thực tế, có khả năng quan hệ tình dục làm tăng nồng độ testosterone ở nam giới và điều này có thể tăng cường hiệu quả thi đấu.[173]
  • Không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh sự tồn tại của điểm G trong âm đạo, và giới khoa học nhìn chung thống nhất rằng trong cơ thể nữ giới không có điểm nào như thế.[174]
Neuronhồi hải mã của người. Con người thường được cho là không thể hình thành tế bào não mới, nhưng nghiên cứu đã cho thấy một số neuron có khả năng tái tạo.
  • Giữa hai bán cầu đại não không có sự phân chia một cách tuyệt đối về các chức năng của não bộ.[175] Một số chức năng như nóingôn ngữ (chẳng hạn như vùng Brocavùng Wernicke), thường kích hoạt một trong hai bán cầu não nhiều hơn hơn bán cầu não còn lại khi thực hiện một số tác vụ nhất định. Nếu một người bị tổn thương hoặc cắt bỏ một bán cầu não lúc còn nhỏ, các chức năng này thường được bán cầu não còn lại khôi phục một phần hoặc thậm chí toàn bộ (xem khả biến thần kinh). Một số chức năng khác, chẳng hạn như kiểm soát vận động, ghi nhớlý trí được cả hai bán cầu não đảm nhận một cách tương đương.[176]
  • Cho đến năm 1998, các chuyên gia y tế từng tin rằng đến năm 2 tuổi, con người đã phát triển toàn bộ số tế bào thần kinh mà mình sẽ có trong suốt cuộc đời.[177] Tuy nhiên, hiện nay khoa học đã phát hiện ra rằng não bộ vẫn có thể tạo ra neuron sau giai đoạn sơ sinh.[178] Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013 cho thấy ở tuổi già, khoảng 700 neuron mới được tạo ra mỗi ngày ở hồi hải mã.[179]
  • Vaccine không gây tự kỷ hay các rối loạn phổ tự kỷ. Quan niệm này bắt nguồn từ kết luận của một nghiên cứu gian dối được thực hiện bởi Andrew Wakefield, một bác sĩ người Anh đã bị tước giấy phép hành nghề. Kết quả của nghiên cứu này không được lặp lại thành công một lần nào và nghiên cứu được kết luận là đã bị thao túng.[180]
  • Con người không chỉ sử dụng 10% não bộ. Mặc dù đúng là ở bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ có một phần nhỏ neuron thần kinh hoạt động cùng lúc nhưng các neuron không hoạt động vẫn quan trọng.[181] Quan niệm sai lầm này trở nên phổ biến từ đầu thế kỷ 20 và được xem là xuất phát từ William James, người dường như chỉ nói như vậy như một phép ẩn dụ.[182]
  • Uống sữa hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa khác không làm tăng sự sản xuất dịch nhầy.[183] Vì thế, không cần tránh tiêu thụ chúng khi bị nghẹt mũi do cúm hoặc cảm lạnh.
  • Cả bẻ khớp lẫn tập thể dục trong điều kiện sức khỏe tốt đều không gây thoái hóa khớp.[184]
  • Ăn các loại hạt không làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa.[185] Các thực phẩm này thực chất còn có tác dụng bảo vệ.[186]
  • Sự căng thẳng không có ảnh hưởng gì lớn đến bệnh cao huyết áp, mặc dù đây là một quan niệm hết sức phổ biến.[187] Nghiên cứu đã cho thấy căng thẳng cấp tính làm tăng huyết áp một cách tạm thời.[187] Căng thẳng mãn tính có thể làm tăng huyết áp một cách kéo dài.[187]
  • Khi bị cảm lạnh, màu sắc của đờm và dịch tiết từ mũi không nói lên điều gì về loại tác nhân gây bệnh.[188]
  • Vitamin C không có khả năng ngăn chặn cảm lạnh. Nếu được hấp thụ hàng ngày, nó có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cơn cảm, nhưng sau khi bệnh đã khởi phát thì nó không còn tác dụng gì nữa.[189]
  • Trong Đông y, sừng tê giác không được dùng làm thuốc kích dục mà được kê để chữa sốt và co giật,[190] tuy nhiên cách dùng này cũng không có cơ sở.
  • Bệnh phong cùi không dễ lây nhiễm mà thậm chí còn là một trong những bệnh truyền nhiễm ít khả năng lây nhiễm nhất.[191] Bên cạnh đó, 95% người nhiễm có thể tự chống lại bệnh.[192]
  • Rỉ sắt không gây nhiễm trùng uốn ván. Vi khuẩn gây uốn ván Clostridium tetani thường xuất hiện ở những môi trường khiến kim loại dễ rỉ, nên nhiều người liên hệ rỉ sắt với uốn ván. Cụ thể, C. tetani cần môi trường nghèo oxy để sinh sản và điều kiện như vậy tồn tại ở những lớp rỉ hình thành trên các bề mặt sắt dễ hấp thụ oxy.[193]
  • Cảm lạnh do mầm bệnh gây ra chứ không phải do nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, nhiệt độ thấp có thể làm suy yếu hệ miễn dịch ở một mức độ nào đó.[194]
  • Thuốc kháng sinh không có tác dụng gì đối với nhiều loại bệnh và việc lạm dụng chúng không phải là vô hại.[195][196]

Phát minh

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Thomas Edison không phải là người phát minh ra bóng đèn.[197] Tuy nhiên, đúng là ông đã phát triển bóng đèn thực tiễn đầu tiên với sợi đốt bằng tre vào năm 1880. Không lâu sau vào năm 1881, Joseph Swan phát minh ra bóng đèn sợi đốt xenlulose có hiệu năng còn cao hơn.
  • Henry Ford không phải là người phát minh ra xe ô tô hay dây chuyền lắp ráp, nhưng đúng là ông đã nâng cao đáng kể hiệu quả của dây chuyền lắp ráp, đôi khi bằng những kỹ thuật của riêng mình nhưng chủ yếu là thông qua việc tài trợ cho các nhân viên của ông.[198] Karl Benz (đồng sáng lập Mercedes-Benz) được xem là người đã phát minh ra xe ô tô hiện đại đầu tiên,[199] và dây chuyền lắp ráp đã tồn tại trước đó từ lâu.
  • James Watt không phải là người phát minh ra động cơ hơi nước,[200] và ông cũng không nảy ra các ý tưởng về động cơ hơi nước từ việc nắp ấm đun nước bị hơi nước làm bật ra.[201] Ông phát triển động cơ hơi nước của mình trên cơ sở cải tiến động cơ Newcomen vốn đã được sử dụng rộng rãi trong các thập niên 1760 và 1770.[202]

Hóa học và khoa học vật liệu

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Phần lớn kim cương không hình thành từ việc than trải qua áp lực cao. Trên 99% số kim cương từng được khai thác hình thành trong điều kiện nhiệt độ và áp suất rất cao ở độ sâu khoảng 140 kilômét (87 mi) dưới bề mặt Trái Đất. Trong khi đó, than hình thành từ các thực vật tiền sử bị chôn vùi ở gần mặt đất hơn nhiều, và ít khả năng lọt xuống độ sâu dưới 3,2 kilômét (2,0 mi) thông qua các quá trình địa chất thông thường. Phần lớn kim cương đã được xác định tuổi đều cổ xưa hơn các loài thực vật đầu tiên, và vì thế kim cương xuất hiện trước than. Kim cương có thể hình thành từ than trong các vùng hút chìm hoặc ở các hố va chạm thiên thạch, nhưng điều này là rất hiếm và nguồn carbon thường là đá cacbonat và carbon hữu cơ trong các lớp trầm tích chứ không phải than.[203]
  • Kim cương không cứng tuyệt đối mà có thể bị mòn hoặc xước: mặc dù kim cương là vật liệu cứng nhất từng được biết đến trên thang Mohs, chúng vẫn có thể bị các viên kim cương khác làm xước,[204] cũng như bị bào mòn bởi những vật liệu không cứng bằng, chẳng hạn như đĩa than.[205]
  • Hiện nay, hộp thiếc không được sản xuất chủ yếu từ thiếc mà từ thép hoặc nhôm.[206]

Toán học

[sửa | sửa mã nguồn]
Tượng bán thân Pythagoras tại bảo tàng Capitoline, Rome.[207] Các nhà sử học cổ điển không thống nhất với nhau về việc ông có thật sự là tác giả của bất cứ phát hiện nào trong lĩnh vực toán học hay không.[208][209]
  • Quan niệm rằng sét không bao giờ đánh hai lần vào cùng một chỗ là không có cơ sở. Trong một cơn bão, các tia sét ở một khu vực nhất định có xu hướng đánh vào những vật và địa điểm có quy mô lớn hoặc độ dẫn điện cao. Tòa nhà Empire State ở Thành phố New York bị sét đánh khoảng 100 lần mỗi năm.[220][221]
  • Một đồng xu được thả xuống từ tòa nhà Empire State không thể gây chết người hay làm nứt vệ đường, nhưng nó có thể gây thương tích.[222]
  • Chết đuổi trong cát lún là điều không thể, trái với những gì các tác phẩm hư cấu thường miêu tả.[223] Tuy nhiên, việc bị mắc kẹt trong cát ở sát một vùng nước có thể gây chết đuối khi mực nước dâng cao.[224]

Tâm lý học

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Tâm thần phân liệt không phải là một rối loạn đa nhân cách.[225] Tên gọi này chỉ sự phân tách về các chức năng tâm thần chứ không phải về nhân cách.[226]
  • Tất cả mọi người đều học hỏi theo những cách tương tự nhau.[227] Cụ thể, không có bằng chứng nào chứng minh sự tồn tại của các phong cách học tập khác nhau,[227] hay cho thấy việc các cách giảng dạy được thiết kế riêng cho những phong cách học tập đó giúp ghi nhớ thông tin tốt hơn.[228]
  • Không có bằng chứng nào cho thấy các trò chơi điện tử mang tính bạo lực gây ảnh hưởng tiêu cực gì đến người chơi (chẳng hạn như "khiến người chơi trở nên bạo lực"). Mặc dù vẫn có những trường hợp trò chơi điện tử có tác động lên hành vi của một số tội phạm cá biệt (ví dụ như thủ phạm trong vụ thảm sát Trường Trung học Columbine), các nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa trò chơi điện tử bạo lực và tính cách hung hãn,[229] trái lại, các trò chơi điện tử trở nên phổ biến cùng lúc với việc tình trạng bạo lực ở giới trẻ giảm xuống.[230] Mặc dù vậy, sự hoảng loạn về đạo đức xung quanh trò chơi điện tử vào các thập niên 1980, 1990 và 2000, cũng như những sự việc và chế tài cá biệt ở một số quốc gia nhiều khả năng đã góp phần củng cố quan niệm này.[231]

Vận tải

[sửa | sửa mã nguồn]
  • tam giác Bermuda không xảy ra nhiều vụ đắm tàu hoặc mất tích bí ẩn hơn so với bất kỳ vùng nước nào khác.[232]
  • Chất thải vệ sinh của hành khách trên máy bay không bao giờ được cố tình đổ xuống từ trên không. Tất cả chất thải được chứa trong các bể và sau đó loại bỏ khi máy bay đã hạ cánh.[233] Tuy nhiên, đúng là tàu hỏa chở khách từng xả chất thải xuống đường ray trong quá khứ; tàu hỏa hiện đại được trang bị bể chứa và không loại bỏ chất thải bằng cách này nữa.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a. Tarasoff, L. (tháng 12 năm 1993). “Monosodium L-glutamate: A double-blind study and review”. Food and Chemical Toxicology. 31 (12): 1019–35. doi:10.1016/0278-6915(93)90012-N. PMID 8282275.
    b. Freeman, M. (tháng 10 năm 2006). “Reconsidering the effects of monosodium glutamate: A literature review”. Journal of the American Academy of Nurse Practitioners. 18 (10): 482–86. doi:10.1111/j.1745-7599.2006.00160.x. PMID 16999713. S2CID 21084909.
  2. ^ a. Xem “Expiration dates”. Consumer Affairs. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2011.
    b. “Food_Product_Dating”. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2015.
  3. ^ “New Mexico State University – College of Agriculture and Home Economics (2005)”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 5 năm 2007.
  4. ^ a b Lee, Jennifer (ngày 16 tháng 1 năm 2008). “Solving a Riddle Wrapped in a Mystery Inside a Cookie”. The New York Times. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2012.
  5. ^ a b Mikkelson, Barbara. “Inscrutable Cookie”. Snopes.com.
  6. ^ Bloomfield, Louis. “Question 1456”. How Everything Works. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2012.
  7. ^ a. “Microwave Technology Penetration Depths”. pueschner.com (bằng tiếng Anh). Püschner GMBH + CO KG MicrowavePowerSystems. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2018.
    b. Health, Center for Devices and Radiological (ngày 12 tháng 12 năm 2017). “Resources for You (Radiation-Emitting Products) – Microwave Oven Radiation”. fda.gov (bằng tiếng Anh). U.S. Food and Drug Administration. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2018.
  8. ^ a. Frei, MR; Jauchem, JR; Dusch, SJ; Merritt, JH; Berger, RE; Stedham, MA (1998). “Chronic, low-level (1.0 W/kg) exposure of mice prone to mammary cancer to 2450 MHz microwaves”. Radiation Research. 150 (5): 568–76. Bibcode:1998RadR..150..568F. doi:10.2307/3579874. JSTOR 3579874. PMID 9806599.
    b. Frei, MR; Berger, RE; Dusch, SJ; Guel, V; Jauchem, JR; Merritt, JH; Stedham, MA (1998). “Chronic exposure of cancer-prone mice to low-level 2450 MHz radiofrequency radiation”. Bioelectromagnetics. 19 (1): 20–31. doi:10.1002/(SICI)1521-186X(1998)19:1<20::AID-BEM2>3.0.CO;2-6. PMID 9453703.
  9. ^ Schupak, Amanda. “How Bad Is It To Look Into The Microwave While It's On?”. SELF (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2021.
  10. ^ Health, Center for Devices and Radiological (ngày 9 tháng 2 năm 2019). “Microwave Oven Radiation”. FDA (bằng tiếng Anh).
  11. ^ See A Book of Misquotations, edited by Elizabeth Knowles, Oxford University Press, 2006.
  12. ^ Evans, Bergen (1962). Comfortable Words. New York City: Random House.
  13. ^ Garner, Bryan A. (1998). A dictionary of modern American usage. New York: Oxford University Press. ISBN 9780195078534.
  14. ^ a. Beales (2006a, 30)
    b. Xem thêm "Quốc tịch của Mozart".
  15. ^ Solomon 1995, tr. 587
  16. ^ “Was Mozart actually poisoned by Salieri?”. Classic fm. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2021.
  17. ^ a b Szpek, Heidi (2002). Voices from the University: The Legacy of the Hebrew Bible. tr. 92. ISBN 978-0-595-25619-8.
  18. ^ Adams, Cecil (ngày 24 tháng 11 năm 2006). “The Straight Dope: Was the forbidden fruit in the Garden of Eden an apple?”. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2010.
  19. ^ a. Babylonian Talmud, Berakhot, 40a
    b. Genesis Rabba 15 7
    c. Adams, Cecil (ngày 24 tháng 11 năm 2006). “Was the forbidden fruit in the Garden of Eden an apple?”. The Straight Dope. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2012.
  20. ^ Bromiley, Geoffrey W. (1995). The International Standard Bible Encyclopedia. Wm. B. Eerdmans Publishing. ISBN 978-0-8028-3781-3. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2011.
  21. ^ Dunn, James DG (2003). Jesus Remembered. Eerdmans Publishing. tr. 324.
  22. ^ “Matthew 2:1-2”. Bible Gateway (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2021.
  23. ^ Schiller, G. (1971). Iconography of Christian Art (English translation from German). I. tr. 96. ISBN 978-0-85331-270-3.
  24. ^ “Religion & Ethics – Beliefs: The Immaculate Conception”. BBC. 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2011.
  25. ^ Vyver, James (ngày 17 tháng 8 năm 2017). “Explainer: Why do Muslim women wear a burka, niqab or hijab?”. Australian Broadcasting Corporation. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2020. Some Muslim women wear niqabs, which are often confused with the burka.
  26. ^ Warraq, Ibn (ngày 12 tháng 1 năm 2002). “Virgins? What virgins?”. The Guardian. London. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2013.
  27. ^ Anjali Nirmal (2009). Urban Terrorism: Myths and Realities. Pointer Publishers. tr. 33. ISBN 978-81-7132-598-6.
  28. ^ Salahuddin Yusuf, Riyadhus Salihin, commentary on Nawawi, Chapter 372, Dar-us-Salam Publications (1999), ISBN 978-1-59144-053-6,ISBN 978-1-59144-053-6
  29. ^ 柔道帯の最高位は、何と紅!? "紅帯"所持者に投げられてきた! (bằng tiếng Nhật). R25.jp. ngày 15 tháng 5 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2008.
  30. ^ a. Lewis, M. Paul; Simons, Gary F.; Fennig, Charles D. biên tập (2013). “Deaf sign language”. Ethnologue: Languages of the World (ấn bản thứ 17). SIL International. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2013.
    b. Supalla, Ted; Webb, Rebecca (ngày 17 tháng 6 năm 2013). “The grammar of international sign: A new look at pidgin languages.”. Trong Reilly, Judy Snitzer; Emmorey, Karen (biên tập). Language, Gesture, and Space. Psychology Press. tr. 333–52. ISBN 978-1-134-77966-6.
    c. Omar, Hasuria Che (2009). The Sustainability of the Translation Field. ITBM. tr. 293. ISBN 978-983-42179-6-9.
  31. ^ “Big Ben bell not actually called Big Ben - and four more fascinating facts”. The Week. ngày 31 tháng 5 năm 2018.
  32. ^ a b a. Brinkmann, Vinzenz (2008). “The Polychromy of Ancient Greek Sculpture”. Trong Panzanelli, Roberta; Schmidt, Eike D.; Lapatin, Kenneth (biên tập). The Color of Life: Polychromy in Sculpture from Antiquity to the Present. Los Angeles, California: The J. Paul Getty Museum and the Getty Research Institute. tr. 18–39. ISBN 978-0-89-236-918-8.
    b. Gurewitsch, Matthew (tháng 7 năm 2008). “True Colors: Archaeologist Vinzenz Brinkmann insists his eye-popping reproductions of ancient Greek sculptures are right on target”. Smithsonian.com. Smithsonian Institution. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2018.
    c. Prisco, Jacopo (ngày 30 tháng 11 năm 2017). 'Gods in Color' returns antiquities to their original, colorful grandeur”. CNN style. CNN. Cable News Network. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2018.
  33. ^ Talbot, Margaret. “The Myth of Whiteness in Classical Sculpture”. The New Yorker (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2020.
  34. ^ a. James Hamilton-Paterson, Carol Andrews, Mummies: Death and Life in Ancient Egypt, p. 190, Collins for British Museum Publications, 1978, ISBN 0-00-195532-2
    b. Charlotte Booth, The Boy Behind the Mask, p. xvi, Oneword, 2007, ISBN 978-1-85168-544-8
    c. Richard Cavendish, "Tutankhamun's Curse?", History Today 64:3 (ngày 3 tháng 3 năm 2014)
  35. ^ Lindberg, David C. (2003). Lindberg, David C.; Numbers, Ronald L. (biên tập). The Medieval Church Encounters the Classical Tradition: Saint Augustine, Roger Bacon, and the Handmaiden Metaphor. When Science & Christianity Meet. Chicago: University of Chicago Press. tr. 8.
  36. ^ Grant, Edward (2001). God and Reason in the Middle Ages. Cambridge. tr. 9.
  37. ^ Peters, Ted (2005). “Science and Religion”. Trong Jones, Lindsay (biên tập). Encyclopedia of Religion (ấn bản thứ 2). Thomson Gale. tr. 8182.
  38. ^ Hawks, John (2009). Human lifespans have not been constant for the last 2000 years.
  39. ^ a b Wanjek, Christopher (2002). Bad Medicine: Misconceptions and Misuses Revealed, from Distance Healing to Vitamin O. Wiley. tr. 70–71. ISBN 047143499X.
  40. ^ "Expectations of Life" by H.O. Lancaster as per”. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2012.
  41. ^ Trinkaus, E. (1995). “Neanderthal mortality patterns”. Journal of Archaeological Science. 22 (1): 121–142. doi:10.1016/S0305-4403(95)80170-7.
  42. ^ Kahn, Charles (2005). World History: Societies of the Past. Portage & Main Press. tr. 9. ISBN 978-1-55379-045-7.
  43. ^ Frank, F. (2000). The Invention of the Viking Horned Helmet. International Scandinavian and Medieval Studies in Memory of Gerd Wolfgang Weber. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2014.
  44. ^ “Busting a myth about Columbus and a flat Earth”. Washington Post (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2018.
  45. ^ “Science Versus Christianity?”. www.patheos.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2018.
  46. ^ a. Eviatar Zerubavel (2003). Terra cognita: the mental discovery of America. Transaction Publishers. tr. 90–91. ISBN 978-0-7658-0987-2.
    b. Sale, Kirkpatrick (1991). The Conquest of Paradise: Christopher Columbus and the Columbian Legacy. tr. 204–09. ISBN 978-1-84511-154-0 – qua Google Books.
  47. ^ a. Rosenthal, Bernard (1995). Salem Story: Reading the Witch Trials of 1692. Cambridge University Press. tr. 209. ISBN 9780521558204.
    b. Adams, Gretchen (2010). The Specter of Salem: Remembering the Witch Trials in Nineteenth-Century America. ReadHowYouWant.com. tr. xxii. ISBN 9781459605824 – qua Google Books.
  48. ^ a. Evans, Rod L. (2010). Sorry, Wrong Answer: Trivia Questions That Even Know-It-Alls Get Wrong. Penguin Books. ISBN 978-0-399-53586-4. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2011.
    b. “Forget Napoleon – Height Rules”. CBS News. ngày 11 tháng 2 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2011.
  49. ^ a. “Fondation Napoléon”. Napoleon.org. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2009.
    b. “La taille de Napoléon” (bằng tiếng Pháp). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2010.
  50. ^ Wilde, Robert. “Was Napoleon Bonaparte Short?”. European History. About.com. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2011.
  51. ^ “Napoleon's Imperial Guard”. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2014.
  52. ^ “The Hat That Won the West”. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2010.
  53. ^ Snyder, Jeffrey B. (1997) Stetson Hats and the John B. Stetson Company 1865–1970. p. 50 ISBN 0-7643-0211-6
  54. ^ a. Isaacson, Walter (ngày 5 tháng 4 năm 2007). “Making the Grade”. Time. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2013.
    b. Jones, Andrew Zimmerman. “Physics Myth Month – Einstein Failed Mathematics?”. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2011.
  55. ^ Kruszelnicki, Karl (ngày 22 tháng 6 năm 2004). “Einstein Failed School”. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2012.
  56. ^ “Space Station Astrophotography”. NASA. ngày 24 tháng 3 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
  57. ^ Wolfson, Richard (2002). Simply Einstein: relativity demystified. W. W. Norton & Company. tr. 261. ISBN 978-0-393-05154-4.
  58. ^ “Frontiers And Controversies In Astrophysics Lecture 9”. Yale University. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2011.
  59. ^ “Sun-Earth Connection”. Adler Planetarium. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2007. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2009.
  60. ^ “Ten Things You Thought You Knew about Sun-Earth Science”. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2009.
  61. ^ “NASA – Spacecraft Design”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2013.
  62. ^ “More booming fireballs”. ngày 30 tháng 3 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2013.
  63. ^ Phil Plait (ngày 14 tháng 12 năm 2008). “Meteor propter hoc”. Bad Astronomy. Discover. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2014.
  64. ^ a b Scherrer, Deborah; và đồng nghiệp. “What Color do YOU think the Sun is?”. Stanford SOLAR Center. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2021.
  65. ^ Spanney, Laura (ngày 28 tháng 1 năm 1995). “Not Many People Know That”. New Scientist. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2011.
  66. ^ a. Smith II, Larry (2007). “Longhorn_Information – handling”. International Texas Longhorn Association. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
    b. Dario, A. (ngày 12 tháng 9 năm 2003). “Cattle – Basic Care” (PDF). IACUC, University of Tennessee. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
    c. Grandin, Temple (2007). “Behavioral Principles of Handling Cattle and Other Grazing Animals under Extensive Conditions”. Trong Moberg, Gary; Mench, Joy A. (biên tập). The Biology of Animal Stress. CABI. tr. 45. ISBN 978-1-84593-219-0.
  67. ^ a. “Cool Pet Facts - North Shore Animal League America.htm”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2011.
    b. “Dog noses – myths and facts about your dog's nose – weekly pet tips by Pets.ca”. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2011.
    c. Varasdi, J. Allen (1989). Myth Information. Ballantine Books. tr. 267. ISBN 978-0-345-35985-8. Dogs do not sweat with their tongues as most people believe. They do have some sweat glands, but the ones of most importance are on the pads, or soles, of their feet.
    d. Segaloff, Nat (2001). The Everything tall tales, legends & outrageous lies book. Adams Media Corp. tr. 265. ISBN 978-1-58062-514-2. Of course, dogs sweat. You would, too, if you had to wear a fur coat in hot weather. Dogs excrete moisture through the pads on their paws.
    e. Olien, Michael D. (1978). The human myth: an introduction to anthropology. New York: Harper & Row. tr. 568. ISBN 978-0-06-044918-6. It is another folk tale that dogs do not sweat except through the tongue. This is an incorrect belief as dogs possess sweat glands all over the body.
    f. Aoki, T.; Wada, M. (ngày 2 tháng 8 năm 1951). “Functional Activity of the Sweat Glands in the Hairy Skin of the Dog”. Science. 114 (2953): 123–24. Bibcode:1951Sci...114..123A. doi:10.1126/science.114.2953.123. PMID 14854926.
    g. Creighton, C (1882). “Three cases of Tumour arising from Skin-glands in the Dog, showing the connection between disorder of the glandular structure and function, and cancerous invasion of the connective tissue”. Medico-Chirurgical Transactions. 65: 53–70.3. doi:10.1177/095952878206500108. PMC 2121351. PMID 20896600.
    h. “British Medical Journal 1899 April 15”. British Medical Journal. 1 (1998): 921–28. 1899. doi:10.1136/bmj.1.1998.921. PMC 2462491. SOME time ago we received from a correspondent an inquiry as to whether the very prevalent belief that a dog perspires through the tongue was a vulgar error or well founded....whether the dog exudes fluid from the tongue of the some kind as that exuded from the human skin. To this question the answer is, No. The skin of the dog is abundantly furnished with glands, having the characteristic disposition and structure of those which in man produce sweat,... in other words, the dog does not sweat by the tongue.
  68. ^ “How Do Dogs Sweat”. Petplace.com. tr. 1. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2012.
  69. ^ a. Di Silvestro, Roger (ngày 1 tháng 2 năm 2003). “The Truth About Animal Clichés”. National Wildlife Federation. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2011.
    b. “Blind as a Bat?”. Geneva, New York: Hobart and William Smith Colleges. ngày 12 tháng 6 năm 2003. Bản gốc (Press release) lưu trữ ngày 7 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2009.
  70. ^ Kruszelnicki, Karl S. (ngày 2 tháng 11 năm 2006). “Ostrich head in sand”. Australian Broadcasting Corporation. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2011.
  71. ^ Smith, Rex (ngày 8 tháng 5 năm 2011). “Maybe ostriches are smarter”. Albany Times-Union. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2011.
  72. ^ Hipsley, Anna (ngày 19 tháng 2 năm 2008). “Goldfish three-second memory myth busted – ABC News (Australian Broadcasting Corporation)”. Australia: ABC. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2009.
  73. ^ “Sinking Titanic: Goldfish Memory”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2011.. 2004 season, Episode 12. MythBusters. Discovery.com. ngày 22 tháng 2 năm 2004.
  74. ^ “Dominance and Dog Training”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2017.
  75. ^ Davis, Lauren. “Why everything you know about wolf packs is wrong”. io9 (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2017.
  76. ^ Encyclopædia Britannica: Or, A Dictionary of Arts, Sciences, and Miscellaneous Literature, Enlarged and Improved. Archibald Constable. 1823. tr. 501–.
  77. ^ Shepard, Thomas Goodwin (1865). The natural history of secession. Derby & Miller. tr. 78–.
  78. ^ “Do mice really love cheese?”. HowStuffWorks (bằng tiếng Anh). ngày 15 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2020.
  79. ^ “Killer Piranhas: Myth or Fact?”. Explorersweb. ngày 7 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2021.
  80. ^ Moment, Gairdner B. (1942). “Simultaneous anterior and posterior regeneration and other growth phenomena in Maldanid polychaetes”. Journal of Experimental Zoology. 117: 1–13. doi:10.1002/jez.1401170102.
  81. ^ “Gardening with children – Worms”. BBC. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2009.
  82. ^ Reddien, Peter W.; Alvarado, Alejandro Sanchez (2004). “Fundamentals of planarian regeneration”. Annual Review of Cell and Developmental Biology. 20: 725–57. doi:10.1146/annurev.cellbio.20.010403.095114. PMID 15473858.
  83. ^ “The Housefly”. Forest Preserve District of Cook County (Illinois). ngày 15 tháng 4 năm 1972. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2011.
  84. ^ Sweeney, Bernard W.; Vannote, Robin L. (1982). “Population Synchrony in Mayflies: A Predator Satiation Hypothesis”. Evolution. 36 (4): 810–822. doi:10.2307/2407894. JSTOR 2407894. PMID 28568232.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  85. ^ “Myth: You unknowingly swallow an average of four live spiders in your sleep each year”. Burke Museum. 2010. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2020.
  86. ^ Sneed, Annie (ngày 15 tháng 4 năm 2014). “Fact or Fiction? People Swallow 8 Spiders a Year While They Sleep”. Scientific American. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2015.
  87. ^ a. Haltiwanger, John. “If All The Bees In The World Die, Humans Will Not Survive”. Elite Daily.
    b. A Devastating Look At Our World If Honeybees Disappeared Lưu trữ 2022-03-17 tại Wayback Machine
    "A world without honeybees would also mean a world without fruits, vegetables, nuts, and seeds."
  88. ^ Goldschein, Eric. “The 10 Most Important Crops In The World”. Business Insider.
  89. ^ “What Are the World's Most Important Staple Foods?”. WorldAtlas.
  90. ^ What Would Happen if All the Bees Went Extinct?
    "First, the easy part: "I've never seen anything definitively link the quote to Einstein," says Mark Dykes, the chief inspector for Texas Apiary Inspection Service. Quote checkers like this one, and this one agree. But debunking its message? That's more complicated."
  91. ^ Would a World Without Bees Be a World Without Us?
    "Albert Einstein is sometimes quoted as saying, "If the bee disappears from the surface of the earth, man would have no more than four years to live." It's highly unlikely that Einstein said that. For one thing, there's no evidence of him saying it. For another, the statement is hyperbolic and wrong (and Einstein was rarely wrong)."
  92. ^ “Do Female Praying Mantises Always Eat the Males?”. EntomologyToday. ngày 22 tháng 12 năm 2013.
  93. ^ “Carnivorous Plants | Encyclopedia.com”. www.encyclopedia.com. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2021.
  94. ^ a. Gerard, John (1597). “Herball, or Generall Historie of Plantes”. London: John Norton. tr. 612–14. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2021. Popular botany book in 17th century England.
    b. Hangarter, Roger P. “Solar tracking: sunflower plants”. Plants-In-Motion website. Indiana University. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2012. Many people are under the misconception that the flower heads of the cultivated sunflower (Helianthus annuus) track the sun... Immature flower buds of the sunflower do exhibit solar tracking and on sunny days the buds will track the sun across the sky from east to west... However, as the flower bud matures and blossoms, the stem stiffens and the flower becomes fixed facing the eastward direction.
    c. Polikarpov, G.G. (1978). “Sunflower's blooming floscule is a compass”. Nature. 272 (5649): 122. Bibcode:1978Natur.272..122P. doi:10.1038/272122c0.
    d. Lang, A.R.G.; Begg, J.E. (1979). “Movements of Helianthus annuus Leaves and Heads”. Journal of Applied Ecology. 16 (1): 299–305. doi:10.2307/2402749. JSTOR 2402749. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2016. Dinural E-W oscillations of the heads occurred initially but ceased as the flowers opened and anthesis commenced, leaving the heads facing east
  95. ^ “When the plant is in the bud stage, it tends to track the movement of the sun across the horizon. Once the flower opens into the radiance of yellow petals, it faces east”. National Sunflower Association. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 11 năm 2013.
  96. ^ “Misconceptions about evolution”. Evolution.berkeley.edu. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2012.
  97. ^ “Five Major Misconceptions about Evolution”. TalkOrigins. ngày 1 tháng 10 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2012.
  98. ^ Johnson, N. A.; Smith, J. J.; Pobiner, B.; Schrein, C. (tháng 2 năm 2012). “Why Are Chimps Still Chimps?”. The American Biology Teacher. 74 (2): 74–80. doi:10.1525/abt.2012.74.2.3. JSTOR 3738744. S2CID 86832904.
  99. ^ De Waal, Frans B. M (ngày 15 tháng 10 năm 2002). Tree of Origin: What Primate Behavior Can Tell Us About Human Social Evolution. tr. 124–26. ISBN 978-0-674-01004-8.
  100. ^ William H. Calvin, 2002. "A Brain for All Seasons: Human Evolution and Abrupt Climate Change." University of Chicago Press. Chicago.
  101. ^ “Evolution: Frequently Asked Questions”. PBS.org. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2009.
  102. ^ “Is the human race evolving or devolving?”. Scientific American. ngày 20 tháng 7 năm 1998. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 6 năm 2012. see also biological devolution.
  103. ^ Moran, Nancy A. (2002). “Microbial MinimalismGenome Reduction in Bacterial Pathogens”. Cell. 108 (5): 583–86. doi:10.1016/S0092-8674(02)00665-7. PMID 11893328. S2CID 18688744.
  104. ^ “Misconceptions about natural selection and adaptation: Natural selection involves organisms 'trying' to adapt.. Misconceptions about evolution. University of California Museum of Paleontology. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2013.
  105. ^ “Misconceptions about natural selection and adaptation: Natural selection gives organisms what they 'need.' . Misconceptions about evolution. University of California Museum of Paleontology. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2013.
  106. ^ Hanke, David (2004). “Teleology: The explanation that bedevils biology”. Trong John Cornwell (biên tập). Explanations: Styles of explanation in science. Oxford & New York: Oxford University Press. tr. 143–55. ISBN 978-0-19-860778-6.
  107. ^ Zelenitsky DK; Therrien F; Erickson GM (ngày 25 tháng 10 năm 2012). “Scientist: "Dinosaurs may have evolved feathers for courtship". Science. 338 (6106): 510–14. Bibcode:2012Sci...338..510Z. doi:10.1126/science.1225376. PMID 23112330. S2CID 2057698. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2013.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  108. ^ Padian K.; Chiappe L. M. (1997). “Bird Origins”. Trong Currie PJ; Padian K (biên tập). Encyclopedia of Dinosaurs. San Diego: Academic Press. tr. 41–96.
  109. ^ “American Adults Flunk Basic Science”. Science Daily. ngày 13 tháng 3 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2014.
  110. ^ “Why Did the Woolly Mammoth Die Out?”. National Geographic. ngày 26 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2016.
  111. ^ Strauss, Bob (ngày 15 tháng 8 năm 2019). “Does Oil Really Come From Dinosaurs?”. ThoughtCo. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2019.
  112. ^ Cowen, R. (2000). History of Life. Oxford, UK.: Blackwell Science. tr. 154. ISBN 978-0-632-04444-3.
  113. ^ Romer, A.S. & Parsons, T.S. (1977). The Vertebrate Body. 5th ed. Saunders, Philadelphia. (6th ed. 1985)[cần số trang]
  114. ^ a. Broersma, Matthew (ngày 24 tháng 6 năm 2004). “Mac OS X Security Myth Exposed”. TechWorld. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2011.
    b. Foresman, Chris (ngày 2 tháng 5 năm 2011). “Fake "MAC Defender" antivirus app scams users for money, CC numbers”. Ars Technica. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 5 năm 2011.
    c. Myth Busting: Is Linux Immune to Viruses? | Linux.com Lưu trữ 2014-04-30 tại Wayback Machine
  115. ^ a. Mookhey, K.K.; và đồng nghiệp (2005). Linux: Security, Audit and Control Features. ISACA. tr. 128. ISBN 9781893209787. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2016.
    b. Toxen, Bob (2003). Real World Linux Security: Intrusion Prevention, Detection, and Recovery. Prentice Hall Professional. tr. 365. ISBN 9780130464569. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2016.
    c. Noyes, Katherine (3 tháng 8 năm 2010). “Why Linux Is More Secure Than Windows”. PCWorld. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 9 năm 2013.
  116. ^ “The Deep Web: Myths And Truths You Need To Know”. Panda Security. Panda Security. ngày 27 tháng 4 năm 2017.
  117. ^ a. Grothaus, Michael (ngày 12 tháng 4 năm 2019). “Incognito mode won't keep your browsing private. Do this instead”. Fast Company (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2019.
    b. B, Anirudh. “Incognito mode while browsing - Myths Busted”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2019.
  118. ^ Jacob, Daniel J. Introduction to Atmospheric Chemistry. Pages 177–87. Princeton: Princeton University Press, 1999.
  119. ^ "Chlorofluorocarbons". NOAA National Centers for Environmental Information. NOAA.<https://www.ncdc.noaa.gov/monitoring-references/faq/greenhouse-gases.php?section=cfc Lưu trữ 2021-05-15 tại Wayback Machine>
  120. ^ “Why Do Koreans Think Electric Fans Will Kill Them?”. Esquire. ngày 22 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2016.
  121. ^ a. Mersch, John. “Sleepwalking: Causes, Symptoms, and Treatments”. MedicineNet, Inc. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2009.
    b. “Sleepwalking”. National Sleep Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2009.
  122. ^ O'Connor, Anahad (ngày 28 tháng 6 năm 2005). “The Claim: Never Swim After Eating”. The New York Times. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2011.; “Hour Missed Brooks”. Snopes. ngày 3 tháng 1 năm 2005. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2011.
  123. ^ a b Vittone, Mario. “It Doesn't Look Like They're Drowning” (PDF). On Scene: The Journal of U.S. Coast Guard Search and Rescue: 14. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2021.
  124. ^ Fletemeyer, John R.; Pia (Chapter author) (1999). “Chapter 14 ("Reflections on Lifeguard surveillance programs")”. Drowning: new perspectives on intervention and prevention. 1998. tr. 234. ISBN 978-1-57444-223-6.
  125. ^ a. Kienle, Alwin; Lilge, Lothar; Vitkin, I.Alex; Patterson, Michael S.; Wilson, Brian C.; Hibst, Raimund; Steiner, Rudolf (ngày 1 tháng 3 năm 1996). “Why do veins appear blue? A new look at an old question” (PDF). Applied Optics. 35 (7): 1151–60. Bibcode:1996ApOpt..35.1151K. doi:10.1364/AO.35.001151. PMID 21085227. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2012.
    b. “Students' Misconceptions in Science: The Color of Blood”. Michigan State University. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2012.
    c. “Home Articles Quick FacDe-oxygenated Blood Turns Dark Red, Not Blue”. Today I Found Out. ngày 3 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2012.
  126. ^ a. “Ask an Astrophysicist”. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2012. If you don't try to hold your breath, exposure to space for half a minute or so is unlikely to produce permanent injury. Holding your breath is likely to damage your lungs,... but theory predicts – and animal experiments confirm – that otherwise, exposure to vacuum causes no immediate injury. You do not explode. Your blood does not boil. You do not freeze. You do not instantly lose consciousness
    b. “Exploding Body in Vacuum”. ABC Science. ngày 6 tháng 4 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2012. ...will we humans explode in the full vacuum of space, as urban legends claim? The answer is that we won't explode, and if the exposure is short enough, we can even survive.
  127. ^ Henschke, Nicholas; Lin, C. Christine (ngày 1 tháng 12 năm 2011). “Stretching before or after exercise does not reduce delayed-onset muscle soreness”. Br J Sports Med (bằng tiếng Anh). 45 (15): 1249–1250. doi:10.1136/bjsports-2011-090599. ISSN 0306-3674. PMID 22006932. S2CID 32498886. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2018.
  128. ^ a. University of Utah Poison Control Center (ngày 24 tháng 6 năm 2014). “Dos and Don'ts in Case of Gasoline Poisoning”. University of Utah.
    b. Agency for Toxic Substances and Disease Registry (ngày 21 tháng 10 năm 2014). “Medical Management Guidelines for Gasoline (Mixture) CAS# 86290-81-5 and 8006-61-9”. Centers for Disease Control and Prevention. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2021.
  129. ^ Engelhaupt, Erika (ngày 22 tháng 5 năm 2014). “Urine is not sterile, and neither is the rest of you”. Science News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2020.
  130. ^ Tipton, M. J.; Collier, N.; Massey, H.; Corbett, J.; Harper, M. (ngày 1 tháng 11 năm 2017). “Cold water immersion: kill or cure?: Cold water immersion: kill or cure?”. Experimental Physiology (bằng tiếng Anh). 102 (11): 1335–1355. doi:10.1113/EP086283. PMID 28833689.
  131. ^ In the Netherlands these are removed by either the undertaker or the hospital where the person died.Green, Jennifer; Green, Michael (2006). Dealing With Death: Practices and Procedures. Jessica Kingsley Publishers. tr. 112. ISBN 1-84310-381-8.
  132. ^ Huang AL, Chen X, Hoon MA, và đồng nghiệp (tháng 8 năm 2006). “The cells and logic for mammalian sour taste detection”. Nature. 442 (7105): 934–38. Bibcode:2006Natur.442..934H. doi:10.1038/nature05084. PMC 1571047. PMID 16929298.
  133. ^ “Beyond the Tongue Map”. Asha.org. ngày 22 tháng 10 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2009.
  134. ^ a. Campbell-Platt, Geoffrey (2009). Food Science and Technology. Wiley. tr. 31. ISBN 978-0-632-06421-2.
    b. “Senses Notes” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
    c. Krulwich, Robert (ngày 5 tháng 11 năm 2007). “Sweet, Sour, Salty, Bitter ... and Umami”. Krulwich Wonders, an NPR Science Blog. NPR. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
  135. ^ Besnard, P (tháng 12 năm 2015). “Taste of Fat: A Sixth Taste Modality?”. Physiological Reviews. 96 (1): 151–176. doi:10.1152/physrev.00002.2015. PMID 26631596.
  136. ^ Cerretani, Jessica (Spring 2010). “Extra Sensory Perceptions”. Harvard Medicine. Harvard College. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
  137. ^ a. “How many senses does a human being have?”. Discovery Health. Discovery Communications Inc. tháng 4 năm 2000. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
    b. “Biology: Human Senses”. CliffNotes. Wiley Publishing, Inc. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
  138. ^ a. “Shaved Hair Grows Darker”. snopes.com. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2009.
    b. “Does shaving make hair grow back thicker?”. Mayoclinic.com. ngày 26 tháng 10 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2012.
    c. “Shaving Tips for Teen Girls”. Webmd.com. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2012.
  139. ^ a. About.com Beauty.about.com Lưu trữ 2010-11-02 tại Wayback Machine
    b. “disabled-world.com”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2009.
    c. “Question: What is up with colour-enhancing shampoos? Do they work?”. Canada: CBC News. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2010.
  140. ^ “Acne – Symptoms and causes”.
  141. ^ a b Compare: Zeratsky, Katherine (ngày 21 tháng 4 năm 2012). “Do detox diets offer any health benefits?”. Mayo Clinic. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2015. [...T]here's little evidence that detox diets actually remove toxins from the body. Indeed, the kidneys and liver are generally quite effective at filtering and eliminating most ingested toxins.
  142. ^ “Scientists dismiss detox schemes”. BBC News. ngày 3 tháng 1 năm 2006. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2013.
  143. ^ a. Barrett, Stephen (ngày 8 tháng 6 năm 2011). "Detoxification" schemes and scams”. Quackwatch. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2014.
    b. “Detox Diets: Cleansing the Body”. WebMD. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
    c. Wanjek, Christopher (ngày 8 tháng 8 năm 2006). “Colon Cleansing: Money Down the Toilet”. LiveScience. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2008.
    d. Kovacs, Jenny Stamos (ngày 8 tháng 2 năm 2007). “Colon Cleansers: Are They Safe? Experts discuss the safety and effectiveness of colon cleansers”. WebMD. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  144. ^ a b a. Valtin, Heinz (2002). “"Drink at least eight glasses of water a day." Really? Is there scientific evidence for "8 × 8"?”. American Journal of Physiology. Regulatory, Integrative and Comparative Physiology. 283 (5): R993–R1004. doi:10.1152/ajpregu.00365.2002. PMID 12376390.
    b. “Über den Durst” (bằng tiếng Đức). Die Zeit. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2012.
    c. “Muss ich wirklich 3 Liter Wasser am Tag trinken” (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2012.
  145. ^ a. Sophie C. Killer, Andrew K. Blannin, Asker E. Jeukendrup (tháng 1 năm 2014). “No Evidence of Dehydration with Moderate Daily Coffee Intake: A Counterbalanced Cross-Over Study in a Free-Living Population”. PLOS ONE. 9 (1): e84154. Bibcode:2014PLoSO...984154K. doi:10.1371/journal.pone.0084154. PMC 3886980. PMID 24416202. S2CID 18643248.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
    b. Erickson, Alexa (ngày 11 tháng 5 năm 2017). Science Just Debunked a Coffee Myth That's Been Around Since 1928. Reader's Digest.
    c. Maughan, Ronald J.; Watson, Phillip; Cordery, Philip A.A.; Walsh, Neil P.; Oliver, Samuel J.; Dolci, Alberto; Rodriguez-Sanchez, Nidia; Galloway, Stuart (ngày 23 tháng 12 năm 2015). “A randomized trial to assess the potential of different beverages to affect hydration status: development of a beverage hydration index”. The American Journal of Clinical Nutrition. 103 (3): 717–723. doi:10.3945/ajcn.115.114769. PMID 26702122. S2CID 378245.
  146. ^ a. Vreeman R. C.; Carroll A.E. (2008). “Festive medical myths”. BMJ. 337: a2769. doi:10.1136/bmj.a2769. PMID 19091758. S2CID 29006871.
    b. “Medical Myths”. University of Arkansas for Medical Sciences. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2011.
  147. ^ Fullerton-Smith, Jill (2007). The Truth About Food. Bloomsbury. tr. 115–17. ISBN 978-0-7475-8685-2. Most parents assume that children plus sugary foods equals raucous and uncontrollable behaviour. ... according to nutrition experts, the belief that children experience a 'sugar high' is a myth.
  148. ^ Mantantzis, Konstantinos; Schlaghecken, Friederike; Sünram-Lea, Sandra I.; Maylor, Elizabeth A. (ngày 1 tháng 6 năm 2019). “Sugar rush or sugar crash? A meta-analysis of carbohydrate effects on mood” (PDF). Neuroscience and Biobehavioral Reviews (bằng tiếng Anh). 101: 45–67. doi:10.1016/j.neubiorev.2019.03.016. PMID 30951762. S2CID 92575160.
  149. ^ a. Brandstadt, William G. (ngày 19 tháng 12 năm 1967). “Popular Misconceptions Regarding Intoxication”. Middlesboro Daily News. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
    b. Pierson, Rebecca (ngày 9 tháng 12 năm 2004). “Hypothermia main outdoors threat”. Elizabethton Star. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
    c. Seixas, Judy (ngày 15 tháng 4 năm 1977). “Writer Tells Of Alcohol Dangers, Misconceptions”. The Virgin Islands Daily News. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
  150. ^ “Alcohol for Warmth”. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2014.
  151. ^ “Study finds alcohol doesn't kill off brain cells | News.com.au”. News Limited. ngày 10 tháng 7 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2019.
  152. ^ Lovinger, D. M. (1993). “Excitotoxicity and Alcohol-Related Brain Damage”. Alcoholism: Clinical and Experimental Research. 17 (1): 19–27. doi:10.1111/j.1530-0277.1993.tb00720.x. PMID 8383925.
  153. ^ Kopelman M. D.; Thomson A.D.; Guerrini I.; Marshall E.J. (2009). “The Korsakoff syndrome: clinical aspects, psychology and treatment”. Alcohol and Alcoholism. 44 (2): 148–54. doi:10.1093/alcalc/agn118. PMID 19151162.
  154. ^ a b a. Webb, Densie (tháng 9 năm 2010). “Defending Vegan Diets – RDs Aim to Clear Up Common Misconceptions About Vegan Diets”. Today's Dietician: 20. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2011.
    b. Matthews, Jessica (ngày 4 tháng 11 năm 2009). “Are vegetarian diets safe?”. Ask the Expert. American Council on Exercise. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2011.
  155. ^ Messina, Virginia; Reed Mangles; Mark Messina (2004). The dietitian's guide to vegetarian diets. Sudbury, MA: Jones and Bartlett Publishers. ISBN 978-0-7637-3241-7.
  156. ^ a. Matson, John (ngày 11 tháng 10 năm 2007). “Fact or Fiction?: Chewing Gum Takes Seven Years to Digest”. Scientific American. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2011.
    b. Claim: Chewing gum takes seven years to pass through the digestive system; FALSE
  157. ^ Raphael Rubin; David S. Strayer; Emanuel Rubin; Gonzalo Aponte biên tập (2012). Rubin's pathology: clinicopathologic foundations of medicine . Philadelphia, PA: Wolters Kluwer Health/Lippincott Williams & Wilkins. tr. 623. ISBN 9781605479682.
  158. ^ “Fact sheet for health professionals: Vitamin A”. Office of Dietary Supplements, National Institutes of Health. ngày 3 tháng 6 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2016.
  159. ^ Maron DF (ngày 23 tháng 6 năm 2014). “Fact or Fiction?: Carrots Improve Your Vision”. Scientific American. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2016.
  160. ^ a. “Does metabolism vary between two people?”. Examine.com. ngày 28 tháng 1 năm 2013.
    b. Hall, Kevin D.; Heymsfield, Steven B.; Kemnitz, Joseph W.; Klein, Samuel; Schoeller, Dale A.; Speakman, John R. (ngày 1 tháng 4 năm 2012). “Energy balance and its components: implications for body weight regulation”. The American Journal of Clinical Nutrition. 95 (4): 989–994. doi:10.3945/ajcn.112.036350. ISSN 1938-3207. PMC 3302369. PMID 22434603.
    c. “The truth about slow metabolism”. Mayo Clinic.
    d. Crowe, Tim. “Monday's medical myth: 'my slow metabolism makes me fat'. The Conversation.
    e. Wang, Catharine; Coups, Elliot J. (ngày 3 tháng 3 năm 2010). “Causal beliefs about obesity and associated health behaviors: results from a population-based survey”. International Journal of Behavioral Nutrition and Physical Activity. 7: 19. doi:10.1186/1479-5868-7-19. ISSN 1479-5868. PMC 2842229. PMID 20199677.
    f. Barry, Colleen L.; Brescoll, Victoria L.; Brownell, Kelly D.; Schlesinger, Mark (2009). “Obesity Metaphors: How Beliefs about the Causes of Obesity Affect Support for Public Policy”. The Milbank Quarterly. 87 (1): 7–47. CiteSeerX 10.1.1.175.4460. doi:10.1111/j.1468-0009.2009.00546.x. PMC 2879183. PMID 19298414.
    g. Oliver, J. Eric; Lee, Taeku (ngày 1 tháng 10 năm 2005). “Public Opinion and the Politics of Obesity in America”. Journal of Health Politics, Policy and Law. 30 (5): 923–954. doi:10.1215/03616878-30-5-923. ISSN 0361-6878. PMID 16477792.
    h. Hankey, C. R.; Eley, S.; Leslie, W. S.; Hunter, C. M.; Lean, M. E. J. (2004). “Eating habits, beliefs, attitudes and knowledge among health professionals regarding the links between obesity, nutrition and health”. Public Health Nutrition. 7 (2): 337–343. doi:10.1079/PHN2003526. ISSN 1368-9800. PMID 15003142.
    i. “How can I speed up my metabolism?”. nhs.uk (bằng tiếng Anh). ngày 26 tháng 4 năm 2018. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2019.
  161. ^ a. Oliveira, Rosane (ngày 9 tháng 6 năm 2015). “The Startling Truth About Soy”. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2021.
    b. “The truth about what soya does to men's bodies”. The Independent. ngày 12 tháng 6 năm 2018.
    c. Stanczyk, Frank Z.; Bhavnani, Bhagu R. (ngày 1 tháng 3 năm 2012). “Misconception and Concerns about Bioidentical Hormones Used for Custom-Compounded Hormone Therapy”. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism. 97 (3): 756–759. doi:10.1210/jc.2011-2492. PMID 22205711.
    d. “Soy” (PDF). www.huhs.edu.
    e. Bowles, Nellie (ngày 25 tháng 7 năm 2018). “The Dawning of Sperm Awareness” – qua NYTimes.com.
  162. ^ Köchling, Jöran; Geis, Berit; Wirth, Stefan; Hensel, Kai O. (ngày 1 tháng 2 năm 2019). “Grape or grain but never the twain? A randomized controlled multiarm matched-triplet crossover trial of beer and wine”. The American Journal of Clinical Nutrition. 109 (2): 345–352. doi:10.1093/ajcn/nqy309. PMC 6410559. PMID 30753321.
  163. ^ a b Perlman, Sally E.; Nakajyma, Steven T.; Hertweck, S. Paige (2004). Clinical protocols in pediatric and adolescent gynecology. Parthenon. tr. 131. ISBN 978-1-84214-199-1.
  164. ^ Green, Hank (ngày 14 tháng 12 năm 2019). “The Hymen Doesn't Tell You Anything About a Person”. SciShow.
  165. ^ “United Nations agencies call for ban on virginity testing”. World Health Organization. ngày 17 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2018.
  166. ^ Mondaini, Nicola; Gontero, Paolo (2005). “Idiopathic short penis: Myth or reality?”. BJU International. 95 (1): 8–9. doi:10.1111/j.1464-410X.2005.05238.x. PMID 15638885.
  167. ^ Christensen, Jen. “Trump: Do small hands equal small penis, or a myth?”. CNN.
  168. ^ II, Thomas H. Maugh (ngày 4 tháng 7 năm 2011). “Judging penis size by comparing index, ring fingers” – qua LA Times.
  169. ^ a b Kershaw, Sarah (ngày 26 tháng 11 năm 2009). “Shaking Off the Shame”. The New York Times.
  170. ^ a b Bennett, Robin L.; Motulsky, Arno G.; Bittles, Alan; Hudgins, Louanne; Uhrich, Stefanie; Doyle, Debra Lochner; Silvey, Kerry; Scott, C. Ronald; Cheng, Edith; McGillivray, Barbara; Steiner, Robert D.; Olson, Debra (2002). “Genetic Counseling and Screening of Consanguineous Couples and Their Offspring”. Journal of Genetic Counseling. 11 (2): 97–119. doi:10.1023/A:1014593404915. PMID 26141656. S2CID 23922750.
  171. ^ a. Ober, C; Hyslop, T; Hauck, WW (tháng 1 năm 1999). “Inbreeding effects on fertility in humans: evidence for reproductive compensation”. Am. J. Hum. Genet. 64 (1): 225–31. doi:10.1086/302198. PMC 1377721. PMID 9915962.
    b. Robert, Alexandre; Toupance, Bruno; Tremblay, Marc; Heyer, Evelyne (2009). “Impact of inbreeding on fertility in a pre-industrial population”. European Journal of Human Genetics. 17 (5): 673–681. doi:10.1038/ejhg.2008.237. PMC 2986271. PMID 19092776.
  172. ^ Ainsworth Claire (ngày 9 tháng 6 năm 2006). “Sex before the big game?”. Nature. doi:10.1038/news060605-16. S2CID 179920555. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2011.
  173. ^ “Sex and Sports: Should Athletes Abstain Before Big Events?”. National Geographic. ngày 22 tháng 2 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2011.
  174. ^ a. Balon, Richard; Segraves, Robert Taylor (2009). Clinical Manual of Sexual Disorders. American Psychiatric Publishing. tr. 258. ISBN 978-1585629053. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2014.
    b. Greenberg, Jerrold S.; Bruess, Clint E.; Oswalt, Sara B. (2014). Exploring the Dimensions of Human Sexuality. Jones & Bartlett Publishers. tr. 102–104. ISBN 978-1449648510. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2014.
    c. Hines T (tháng 8 năm 2001). “The G-Spot: A modern gynecologic myth”. Am J Obstet Gynecol. 185 (2): 359–62. doi:10.1067/mob.2001.115995. PMID 11518892. S2CID 32381437.
    d. Kilchevsky, A; Vardi, Y; Lowenstein, L; Gruenwald, I (tháng 1 năm 2012). “Is the Female G-Spot Truly a Distinct Anatomic Entity?”. The Journal of Sexual Medicine. 9 (3): 719–26. doi:10.1111/j.1743-6109.2011.02623.x. PMID 22240236. Tóm lược dễ hiểuHuffington Post (ngày 19 tháng 1 năm 2012).
  175. ^ Westen et al. 2006 "Psychology: Australian and New Zealand edition" John Wiley p. 107
  176. ^ Goswami, U (2006). “Neuroscience and education: from research to practice?”. Nature Reviews. Neuroscience. 7 (5): 406–11. doi:10.1038/nrn1907. PMID 16607400. S2CID 3113512.
  177. ^ a. Eriksson, Gage; và đồng nghiệp (1998). “Neurogenesis in the adult human hippocampus”. Nature Medicine. 4 (11): 1313–17. doi:10.1038/3305. PMID 9809557.
    b. Gross C. G. (2000). “Neurogenesis in the adult brain: death of a dogma”. Nat Rev Neurosci. 1 (1): 67–73. doi:10.1038/35036235. PMID 11252770. S2CID 2347812.
    c. “Are you born with all your brain cells, or do you grow new ones?”. Brain Briefings. BrainFacts.org. 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2014.
  178. ^ Eriksson, Peter S.; Perfilieva, Ekaterina; Björk-Eriksson, Thomas; Alborn, Ann-Marie; Nordborg, Claes; Peterson, Daniel A.; Gage, Fred H. (1998). “Neurogenesis in the adult human hippocampus”. Nature Medicine. 4 (11): 1313–17. doi:10.1038/3305. PMID 9809557.
  179. ^ “Can you grow new brain cells?”. Harvard Medical School. tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2018.
  180. ^ Godlee, F.; Smith, J.; Marcovitch, H. (2011). “British Medical Journal: Wakefield's article linking MMR vaccine and autism was fraudulent”. BMJ. 342: c7452. doi:10.1136/bmj.c7452. PMID 21209060. S2CID 43640126. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2011.
  181. ^ a. “Snopes on brains”. Snopes.com. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2009.
    b. Radford, Benjamin (March–April 1999). “The Ten-Percent Myth”. Skeptical Inquirer. ISSN 0194-6730. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2009. It's the old myth heard time and again about how people use only ten percent of their brains
  182. ^ Beyerstein, Barry L. (1999). “Whence Cometh the Myth that We Only Use 10% of our Brains?”. Trong Sergio Della Sala (biên tập). Mind Myths: Exploring Popular Assumptions About the Mind and Brain. Wiley. tr. 3–24. ISBN 978-0-471-98303-3.
  183. ^ a. Pinnock, CB; Graham, NM; Mylvaganam, A; Douglas, RM (1990). “Relationship between milk intake and mucus production in adult volunteers challenged with rhinovirus-2”. The American Review of Respiratory Disease. 141 (2): 352–56. doi:10.1164/ajrccm/141.2.352. PMID 2154152.
    b. Patricia Queen Samour; Kathy King Helm (2005). Handbook of pediatric nutrition. Jones & Bartlett Learning. ISBN 978-0-7637-8356-3.
  184. ^ a. Bosomworth NJ (tháng 9 năm 2009). “Exercise and knee osteoarthritis: benefit or hazard?”. Can Fam Physician. 55 (9): 871–78. PMC 2743580. PMID 19752252.
    b. Deweber, K; Olszewski, M; Ortolano, R (Mar–Apr 2011). “Knuckle cracking and hand osteoarthritis”. Journal of the American Board of Family Medicine. 24 (2): 169–74. doi:10.3122/jabfm.2011.02.100156. PMID 21383216.
  185. ^ Atkins, William. “Diverticulitis isn't anti-nut any more”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2011.
  186. ^ Weisberger, L; Jamieson, B (tháng 7 năm 2009). “Clinical inquiries: How can you help prevent a recurrence of diverticulitis?”. The Journal of Family Practice. 58 (7): 381–82. PMID 19607778.
  187. ^ a b c Marshall, IJ; Wolfe, CD; McKevitt, C (ngày 9 tháng 7 năm 2012). “Lay perspectives on hypertension and drug adherence: systematic review of qualitative research”. BMJ . 345: e3953. doi:10.1136/bmj.e3953. PMC 3392078. PMID 22777025.
  188. ^ a. Eccles, Ronald; Weber, Olaf biên tập (2009). Common cold. Basel: Birkhäuser. tr. 7. ISBN 978-3-7643-9894-1.
    b. Rutter, Paul (2009). Community pharmacy: symptoms, diagnosis and treatment (ấn bản thứ 2). Edinburgh: Elsevier/Churchill Livingstone. tr. 7. ISBN 978-0-7020-2995-0.[liên kết hỏng]
  189. ^ a. “Vitamin C for the Common Cold”. WebMD. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2013.
    b. Harri Hemilä; Elizabeth Chalker (tháng 1 năm 2013). “Vitamin C for preventing and treating the common cold”. The Cochrane Database of Systematic Reviews. 1 (1): CD000980. doi:10.1002/14651858.CD000980.pub4. PMC 1160577. PMID 23440782.
  190. ^ Bensky, Dan; Clavey, Steven; Stoger, Erich and Gamble, Andrew (2004) Chinese Herbal Medicine: Materia Medica, 3rd Edition. Eastland Press. ISBN 0-939616-42-4
  191. ^ Solnit, Rebecca (ngày 12 tháng 6 năm 2013). “The Separating Sickness” – qua Harpers.
  192. ^ “Leprosy – Infections”. Merck Manuals Consumer Version.
  193. ^ “Tetanus – Can a Rusty Nail Cause Tetanus?”. Environmental Safety and Health Online. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2015.
  194. ^ a. Sigelman, Carol K. (2012). “Age and Ethnic Differences in Cold Weather and Contagion Theories of Colds and Flu”. Health Education & Behavior. 39 (1): 67–76. doi:10.1177/1090198111407187. PMID 21586668. S2CID 206684728.
    b. Snow LF (1983). “Traditional health beliefs and practices among lower class black Americans”. West J Med. 139 (6): 820–8. PMC 1011011. PMID 6364570.
    c. Snow LF (1983). “Traditional health beliefs and practices among lower class black Americans”. West J Med. 139 (6): 820–8. PMC 1011011. PMID 6364570.
    d. Thomas, Merlin. “Monday's medical myth: you can catch a cold by getting cold”. The Conversation.
    e. “Feeling cold causing colds? – Scientific Scribbles”.
    f. Parker-Pope, Tara (ngày 29 tháng 6 năm 2009). “11 Health Myths That May Surprise You”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 4 năm 2019.
  195. ^ Barnes, Sasha. “Rutgers study finds antibiotic overuse is caused by misconceptions, financial incentives”. The Daily Targum.
  196. ^ Blaser, Martin J.; Melby, Melissa K.; Lock, Margaret; Nichter, Mark (ngày 16 tháng 2 năm 2021). “Accounting for variation in and overuse of antibiotics among humans”. BioEssays. 43 (2): 2000163. doi:10.1002/bies.202000163. PMID 33410142. S2CID 230811912 – qua Wiley Online Library.
  197. ^ Robert, Friedel; Paul Israel (1987). Edison's Electric Light: Biography of an Invention. New Brunswick, New Jersey: Rutgers University Press. tr. 115–17. ISBN 978-0-8135-1118-4.
  198. ^ a. Bản mẫu:Hounshell1984, pp. 15–47.
    b. Sorensen, Charles E.; Williamson, Samuel T. (1956). My Forty Years with Ford. New York: Norton. tr. 128. ISBN 978-0-8143-3279-5. LCCN 56010854.
  199. ^ Stein, Ralph (1967). The Automobile Book. Paul Hamlyn Ltd.
  200. ^ a. Rolt, L. T. C. (1962). James Watt. Batsford. tr. 10. ISBN 978-1-163-47052-7.
    b. Carroll, John Millar (1991). Designing interaction: psychology at the human-computer interface. Cambridge University Press. tr. 76. ISBN 978-0-521-40056-5.
    c. Green, Joey (2005). Contrary to Popular Belief: More Than 250 False Facts Revealed. Broadway Books. tr. 20. ISBN 978-0-7679-1992-0.
    d. “Invention – Myth and Reality”. Physics World. 1990.
  201. ^ Miller, David Philip (2004). “True Myths: James Watt's Kettle, His Condenser, and His Chemistry”. History of Science. 42 (3): 333–60. Bibcode:2004HisSc..42..333M. doi:10.1177/007327530404200304. S2CID 161722497.
  202. ^ “An Evolutionary Framework for Experimental Innovation” (PDF). Australian Government Department of Defence Defence Science and Technology Organisation. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 15 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.
  203. ^ a. King, Hobart (2012). “How do diamonds form? They don't form from coal!”. geology.com. geology.com. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2012.
    b. "10 common scientific misconceptions" Amelia Pak-Harvey CSMonitor ngày 31 tháng 10 năm 2013 http://www.csmonitor.com/Science/2013/1031/10-common-scientific-misconceptions/Diamonds-form-from-pressurized-coal
  204. ^ M. Seal, "The abrasion of diamond", Proceedings of the Royal Society A 248:1254 (ngày 25 tháng 11 năm 1958) doi:10.1098/rspa.1958.0250
  205. ^ Harold D. Weiler, "The wear and care of records and styli", 1954, condensed text
  206. ^ Hertzberg, Ruth; Greene, Janet; Vaughan, Beatrice (ngày 25 tháng 5 năm 2010). Putting Food By: Fifth Edition (bằng tiếng Anh). Penguin. ISBN 9781101539903. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2018.
  207. ^ Joost-Gaugier 2006, tr. 143.
  208. ^ a b Burkert 1972, tr. 428–433.
  209. ^ a b Kahn 2001, tr. 2–3.
  210. ^ Kahn 2001, tr. 1–2.
  211. ^ Gregory 2015, tr. 21–22.
  212. ^ Burkert 1972, tr. 429, 462.
  213. ^ Riedweg 2005, tr. 27.
  214. ^ a b Kahn 2001, tr. 32.
  215. ^ Ferguson 2008, tr. 6–7.
  216. ^ Burkert 1972, tr. 429.
  217. ^ a. Stillwell, John (1994). Elements of algebra: geometry, numbers, equations. Springer. tr. 42.
    b. Bunch, Bryan H. (1982). Mathematical fallacies and paradoxes. Van Nostrand Reinhold. tr. 119. ISBN 0-442-24905-5.
    c. Tall, David; Schwarzenberger, R. L. E. (1978). “Conflicts in the Learning of Real Numbers and Limits” (PDF). Mathematics Teaching. 82: 6, 44–49. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2009.
  218. ^ a. Jesse Galef (ngày 29 tháng 8 năm 2011). “Lies and Debunked Legends about the Golden Ratio”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2013.
    b. "Two other beliefs about [the golden ratio] are often mentioned in magazines and books: that the ancient Greeks believed it was the proportion of the rectangle the eye finds most pleasing and that they accordingly incorporated the rectangle in many of their buildings, including the famous Parthenon. These two equally persistent beliefs are likewise assuredly false and, in any case, are completely without any evidence." Devlin, Keith (2008). The Unfinished Game: Pascal, Fermat, and the Seventeenth-Century Letter that Made the World Modern. Basic Books. tr. 35.
  219. ^ a. Donald E. Simanek. “Fibonacci Flim-Flam”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2013.
    b. Devlin, Keith (tháng 5 năm 2007). “The Myth That Will Not Go Away”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2013. Part of the process of becoming a mathematics writer is, it appears, learning that you cannot refer to the golden ratio without following the first mention by a phrase that goes something like 'which the ancient Greeks and others believed to have divine and mystical properties.' Almost as compulsive is the urge to add a second factoid along the lines of 'Leonardo Da Vinci believed that the human form displays the golden ratio.' There is not a shred of evidence to back up either claim, and every reason to assume they are both false. Yet both claims, along with various others in a similar vein, live on.
  220. ^ “spinoff 2005 – Lightning Often Strikes Twice”. Spinoff. Office of the Chief Technologist, NASA. ngày 25 tháng 3 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  221. ^ Staff (ngày 17 tháng 5 năm 2010). “Full weather report story from WeatherBug.com”. Weather.weatherbug.com. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  222. ^ “Dropping A Penny From The Top Of The Empire State Building Isn't Dangerous”. misconceptionjunction.com. ngày 28 tháng 10 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 9 năm 2011.
  223. ^ Thursday, ngày 29 tháng 9 năm 2005 Patricia ReaneyReuters (ngày 29 tháng 9 năm 2005). “Quicksand myth exposed”. www.abc.net.au (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2020.
  224. ^ Hammond, Claudia. “Can quicksand really suck you to your death?”. www.bbc.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2020.
  225. ^ Citation overkilla. “Schizophrenia”. National Alliance on Mental Illness. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 5 năm 2012.
    b. “10 Myths About Mental Illness”. Mental Health Association. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 5 năm 2011.
    c. “Schizophrenia: Dispelling the Myths”. schizophreniasymptoms.com. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2010.
    c. “Schizophrenia and Cognitive Therapy”. Academy of Cognitive Therapy. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 9 năm 2011.
    d. “5 Myths About Dissociative Identity Disorder”. discovery.com. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 12 năm 2010.
    e. “Schizophrenia vs. Dissociative Identity Disorder”. thebrainhealth.com. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2011.
    f. Picchioni M. M.; Murray R.M. (tháng 7 năm 2007). “Schizophrenia”. BMJ. 335 (7610): 91–95. doi:10.1136/bmj.39227.616447.BE. PMC 1914490. PMID 17626963.
  226. ^ Baucum, Don (2006). Psychology (ấn bản thứ 2). Hauppauge, N.Y.: Barron's. tr. 182. ISBN 9780764134210.
  227. ^ a b Howard-Jones, Paul A. (ngày 1 tháng 12 năm 2014). “Neuroscience and education: myths and messages”. Nature Reviews Neuroscience. 15 (12): 817–24. doi:10.1038/nrn3817. ISSN 1471-003X. PMID 25315391. S2CID 3346477.
  228. ^ Coffield, Frank; và đồng nghiệp (2004). Learning styles and pedagogy in post-16 learning: a systematic and critical review. London: Learning and Skills Research Centre. tr. 119–33. ISBN 978-1853389184. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016.
  229. ^ Etchells, Pete (ngày 6 tháng 4 năm 2019). “Five damaging myths about video games – let's shoot 'em up”. The Guardian. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2020.
  230. ^ a. “Reality Bytes: Eight Myths About Video Games Debunked”. PBS. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2020.
    b. “Misconceptions - Video Game Dissection”. Pennsylvania State University. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2020.[liên kết hỏng]
  231. ^ Markey, Patrick M.; Ferguson, Christopher J. (ngày 1 tháng 10 năm 2017). “Teaching Us to Fear: The Violent Video Game Moral Panic and the Politics of Game Research” (PDF). American Journal of Play: 99–115. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 29 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2020.
  232. ^ a. “Study finds shipwrecks threaten precious seas”. BBC News/science. ngày 7 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2013.
    b. “Bermuda Triangle doesn't make the cut on list of world's most dangerous oceans”. The Christian Science Monitor. ngày 10 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2016.
    c. Kusche, Lawrence David (1975). The Bermuda Triangle Mystery Solved. Buffalo, NY: Prometheus Books. ISBN 0-87975-971-2.
  233. ^ Philips, Matt (ngày 19 tháng 11 năm 2008). “On World Toilet Day, Let Us Praise the Airline Lav”. The Middle Seat Terminal (Wall Street Journal). Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2009.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]