Lính Mỹ chạy sang Bắc Hàn: Biên giới hai miền Triều Tiên được canh phòng nghiêm ngặt
- Tác giả, Atahualpa Amerise
- Vai trò, BBC World Service
Ngược lại với tên gọi, khu phi quân sự bán đảo Triều Tiên (DMZ) lại là một trong những đường biên giới được quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới.
Băng qua đường biên giới này được xem là điều gần như không thể do sự hiện diện dày đặc của binh lính - ngoài ra còn bị cấm theo luật pháp ở cả Hàn Quốc và Bắc Hàn.
Đây là lý do tại sao mỗi lần có ai đó vượt qua lằn ranh này đều sẽ trở thành đề tài nóng trên báo chí.
Trong gần bảy thập niên lịch sử của DMZ, chỉ có một số ít người bí mật tìm cách vượt qua nơi đây. Thường thì người Bắc Hàn chạy sang miền Nam để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, trong khi người Hàn Quốc quyết định đến miền Bắc để hoạt động hoặc vì các lý do khác.
Trường hợp của Travis King thậm chí bất thường hơn, khi anh ta là lính Mỹ.
Binh nhì King, một trong số 28.500 quân nhân mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc, đã cố tình vượt biên trái phép vào Bắc Hàn hôm 19/7, theo các nhà chức trách Mỹ và Hàn Quốc.
Họ cho rằng King đang bị giam giữ ở đó và đã liên lạc với quân đội Bắc Hàn để cố gắng giải quyết vụ việc.
Người lính này đã phải đối mặt với hình thức kỷ luật trước khi vượt biên - anh ta đã bị giam giữ vì hành vi hành hung và đã trên đường bị áp giải trở lại Mỹ trước khi trốn thoát.
Biểu tượng của một cuộc chiến chưa kết thúc
DMZ là một dải đất rộng 4 km và dài 263 km phân chia hai miền Triều Tiên, Bắc Hàn theo chế độ cộng sản và Hàn Quốc theo chế độ tư bản ở đường vĩ tuyến số 38.
DMZ được xem là biểu tượng lớn nhất trong sự đối đầu giữa hai quốc gia, xét về mặt cơ bản, vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) chỉ kết thúc bằng một lệnh đình chiến, trong khi một hòa ước cuối cùng chưa bao giờ được ký kết.
Khu phi quân sự được phân định vào năm 1953, khi hai quốc gia ký lệnh ngừng bắn sau khi cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 3 năm kết thúc không phân định thắng thua, khiến 5 triệu thường dân và binh lính thiệt mạng.
Theo lệnh ngừng bắn, khu vực này là vùng đệm cho những căng thẳng có thể xảy ra giữa hai nước cho đến khi một hòa ước có thể được ký kết, một điều chưa bao giờ xảy ra.
Thỏa thuận ngừng bắn năm 1953 được ký kết tại làng Bàn Môn Điếm, nơi có Khu vực An ninh Chung (JSA) nổi tiếng. Đây là trụ sở của các cuộc đàm phán và là nơi binh lính của cả hai nước đứng canh gác mặt đối mặt.
Lằn ranh xi-măng đánh dấu biên giới phân chia Bắc và Nam, cũng như các gian phòng dành cho các cuộc họp liên Triều, là hai trong số những biểu tượng chính đã thu hút khách du lịch nước ngoài khi họ đến thăm bán đảo này trong những thập niên gần đây.
Cột mốc lịch sử
Hai miền Triều Tiên đã trải qua nhiều chu kỳ căng thẳng và hạ nhiệt trong bảy thập niên qua.
DMZ đã nhiều lần trở thành không gian để đối thoại và nối lại mối quan hệ, mặc dù nơi đây cũng đã chứng kiến những biến cố khác nhau.
Vùng biên giới này trở nên đáng chú ý trong thời kỳ sáng kiến hòa hoãn quan trọng nhất cho đến nay, được gọi là "Chính sách Ánh dương" từ năm 1998 đến 2008.
Gần đây hơn, vào năm 2018, tại Bàn Môn Điếm đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước, đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Bắc Hàn đặt chân lên lãnh thổ của Hàn Quốc kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Năm 2019, ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến Bắc Hàn, khi ông gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự DMZ.
Căng thẳng và biến cố
Vùng đất này liên tục được các lực lượng vũ trang của Bắc Hàn, Hàn Quốc và Mỹ giám sát và tuần tra.
Hầu như không có bất kỳ sự hiện diện dân sự nào trong khu vực này, không có các khu dân cư hoặc các hoạt động thương mại, giúp thiên nhiên hoang dã và nền đa dạng sinh học phát triển mạnh - điều không có ở nhiều khu vực đông dân cư của Hàn Quốc.
Và, bất chấp sự giám sát chặt chẽ, DMZ đôi khi là nơi xảy ra bạo lực.
Năm 1976, hai lính Mỹ thiệt mạng sau khi bị người Bắc Hàn tấn công bằng rìu.
Năm 2017, một người lính Bắc Hàn đã tìm cách đào tẩu khỏi đất nước và vượt biên sang phía nam. Anh ta sống sót dù bị bắn năm phát đạn khi chạy trốn.
Một số ít người Bắc Hàn đã tìm cách vượt biên thành công và một số người Hàn Quốc cũng đã thành công đi theo con đường ngược lại để đến miền Bắc.
Tuy nhiên, việc băng qua vùng đất này khó khăn đến mức đa số người Bắc Hàn cố chạy sang miền Nam đều chọn thực hiện hành trình nguy hiểm dài hàng ngàn km qua Trung Quốc, với mục đích đến một nước thứ ba và xin tị nạn.
Trong bối cảnh căng thẳng tăng và hạ nhiệt, Khu phi quân sự (DMZ) vẫn là một lời gợi nhắc thường xuyên về sự phân cực trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và một quốc gia bị chia cắt thành hai miền như thế nào.