Mỹ sẽ bán máy bay quân sự C-130 cho Việt Nam?

Mô hình máy bay vận tải quân sự C-130J của Lockheed Martin được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 tại Hà Nội vào tháng 12/2022

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Mô hình máy bay vận tải quân sự C-130J của Lockheed Martin được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 tại Hà Nội vào tháng 12/2022

Mỹ đang thảo luận với Việt Nam việc bán máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130 Hercules cho Hà Nội, theo Reuters hôm 25/7.

Đây là dấu hiệu cho thấy hai cựu thù đang thắt chặt hơn sự hợp tác an ninh-quốc phòng.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng các cuộc đàm phán hướng đến một thỏa thuận cung cấp trong năm nay. Nếu được thực hiện, đây sẽ là thỏa thuận quân sự lớn nhất của Việt Nam kể từ khi nước này công khai tuyên bố vào cuối năm 2022 rằng họ có ý định đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng, vốn phụ thuộc rất nhiều vào Nga trong nhiều thập kỷ.

"Việt Nam muốn đa dạng hóa các nội dung cần hợp tác quan hệ, trong đó có mua sắm, trang bị vũ khí và vật tư cho Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng," trang Znews dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng vào cuối năm 2022.

Máy bay C-130 có thể chở lính, thiết bị quân sự và hàng hóa khác, đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông với Trung Quốc cũng như với các nước khác trong khu vực.

Các nguồn tin cũng nói với Reuters rằng Mỹ có thể hỗ trợ tài chính cho Việt Nam trong thương vụ này. Một trong các nguồn tin - là một quan chức Mỹ - cho biết con số này có thể lên tới hàng chục triệu đô la để trang trải chi phí bảo trì và các chi phí khác.

Nguồn tin còn lại, là một người Việt Nam được thông báo về các cuộc đàm phán, cho biết mẫu máy bay đang được xem xét là C-130J, phiên bản mới nhất của dòng máy bay này.

Cả hai nguồn tin đều không tiết lộ tổng chi phí cũng như số lượng máy bay của thỏa thuận tiềm năng này. Các nguồn tin từ chối tiết lộ tên vì các cuộc đàm phán chưa được công khai.

Lockheed Martin đã chuyển câu hỏi của Reuters sang chính phủ Mỹ hoặc Việt Nam. Nhà Trắng từ chối bình luận, còn Bộ Quốc phòng Việt Nam thì không trả lời yêu cầu bình luận.

Các cuộc đàm phán về việc cung cấp vũ khí của Mỹ cho Việt Nam đã diễn ra trong nhiều tháng trước khi xảy ra những thay đổi lớn trong dàn lãnh đạo Việt Nam - điều mà các chuyên gia và nhà phân tích cho rằng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lập trường của Việt Nam về đối ngoại và kinh tế.

Những cuộc thảo luận này cho thấy nỗ lực ngày càng lớn của Washington trong việc tăng cường ảnh hưởng đối với Hà Nội sau gần nửa thế kỷ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam.

Giáo sư Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye bình luận với BBC News Tiếng Việt vào tháng 10/2023 rằng việc Việt Nam tìm kiếm các nguồn cung cấp vũ khí hiện đại, trong đó có Mỹ, là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, giảm sự phụ thuộc quá mức vào Nga và hiện đại hóa quân đội.

Ông Vuving nói thêm rằng việc Việt Nam quan tâm đến vũ khí Israel trước đó cho thấy rõ xu hướng này.

Quá trình đa dạng hóa nguồn cung khí tài của Việt Nam dường như càng đẩy mạnh hơn sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine.

“Vì khả năng sản xuất của Nga có hạn và họ phải sử dụng cho cuộc chiến ở Ukraine. Nga hiện tại thậm chí còn phải nhập khẩu vũ khí từ Bắc Hàn, nên Việt Nam không thể chỉ dựa vào Nga,” Tiến sĩ Yang Uk ở Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) nói với BBC News Tiếng Việt vào tháng 5/2024.

Reuters cho biết khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ vào năm 2016, xuất khẩu quốc phòng của Mỹ sang Việt Nam chủ yếu giới hạn ở tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện.

Nguyên nhân đến từ sự lo ngại của Hà Nội về chi phí, sự phê duyệt của chính phủ Mỹ và khả năng tương thích với thiết bị hiện có.

Giáo sư Alexander L. Vuving vào tháng 10/2023 cũng nhận định tương tự:

"Chuyện Việt Nam mua một lượng vũ khí tương đối lớn của Mỹ là chuyện cần phải có thời gian. Yếu tố lớn là vấn đề giá cả. Bởi vì cùng loại vũ khí có tính năng tương đương, chất lượng tương đương thì tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể mua được từ một số nước khác ngoài Mỹ.

"Rồi nữa là vấn đề sự tương thích các hệ thống vũ khí. Vấn đề còn là sự bảo trì. Bảo trì có nghĩa là phải có những kỹ thuật viên của nước sản xuất vũ khí đến và ngồi ở sân bay của mình để tham gia bảo trì."

Vấn đề 'nhạy cảm'

Theo Reuters, Việt Nam đã xem xét việc mua trực thăng do Mỹ sản xuất và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cân nhắc các loại máy bay khác nhau của Mỹ, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 cũng do Lockheed Martin sản xuất.

Quan chức Việt Nam xác nhận có các cuộc đàm phán về máy bay F-16.

Tuy nhiên, vị quan chức cũng cho biết các cuộc đàm phán đó không tiến triển lắm vì máy bay chiến đấu của Mỹ được coi là có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.

Quan chức này nói những chiếc C-130 "ít nhạy cảm" hơn vì chúng có thể được coi là thiết bị phòng thủ hoặc không tham gia chiến đấu.

Máy bay chiến đấu F-16 cất cánh ở Đài Loan vào tháng 7/2024

Nguồn hình ảnh, I-Hwa Cheng/Bloomberg/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Máy bay chiến đấu F-16 cất cánh ở Đài Loan vào tháng 7/2024

Việc được Quốc hội Mỹ phê duyệt đối với máy bay chiến đấu có thể phức tạp hơn so với C-130, theo vị quan chức.

Người này nói thêm rằng Hà Nội cũng lo ngại không biết liệu Mỹ có chấp thuận bán tên lửa để trang bị cho F-16 hay không.

Các báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu lên các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam - điều sẽ làm phức tạp thêm việc phê duyệt chuyển giao vũ khí.

Trước đó vào năm 2023, ngay sau khi thông tin về khả năng Mỹ bán F-16 cho Việt Nam được công bố, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo rằng thỏa thuận này, nếu thành hiện thực, sẽ "gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực".

Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời các chuyên gia quân sự trong nước, bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng đây sẽ là một bước đi nhằm mở rộng ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại khu vực, đồng thời tạo ra sức ép đối với Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông.

Các chuyên gia quốc phòng nhận định với BBC Tiếng Việt vào tháng 5/2024 rằng tuy Trung Quốc không thể can thiệp vào việc Việt Nam mua sắm vũ khí nhưng nước này sẽ tìm cách gây nhiễu.

Tiến sĩ Ian Storey, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore, bình luận với BBC vào tháng 12/2022:

"Nga là người bạn lâu năm. Nhưng bởi vì Việt Nam lo lắng về việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông nên Việt Nam đang theo đuổi các mối quan hệ gần hơn với Mỹ."