Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2006/12
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
KölnKöln, trong tiếng Việt còn được viết là Cologne, là thành phố lớn thứ tư của Đức theo dân số và diện tích. Thành phố có lịch sử 2.000 năm, có nhiều di sản kiến trúc và văn hóa, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng. Cho đến năm 1919 thành phố có tên Cöln, dưới thời của người La Mã đầu tiên là oppidum ubiorum, rồi Colonia Claudia Ara Agrippinensium. Năm 1850, dân số thành phố vượt quá con số 100.000, từ đó Köln trở thành một thành phố lớn theo lối hiểu ngày nay. Giữa năm 2005, dân số chính thức (có đăng ký cư trú) của Köln là 975.907. Thế nhưng, nếu tính cả những người đăng ký Köln là nơi cư trú thứ hai, thành phố có tổng cộng 1.022.627 dân cư. Vì thế mà Köln được gọi là thành phố triệu dân, mặc dù về mặt chính thức, Köln chỉ là thành phố triệu dân trong những năm 1975 và 1976 do sáp nhập hành chính mà sau này lại bị hủy bỏ. |
Đập Tam HiệpĐập Tam Hiệp là đập chặn sông Dương Tử (sông dài thứ ba trên thế giới) tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1994. Nó sẽ là đập thủy điện lớn nhất thế giới khi hoàn thành vào năm 2009. Hồ chứa nước của nó đã bắt đầu có nước vào ngày 1 tháng 6 năm 2003, và sẽ chiếm toàn bộ vị trí hiện tại của khu vực Tam Hiệp thơ mộng, nằm giữa các thành phố Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc) và Phù Lăng (thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh). Giống như nhiều đập nước đang xây dựng khác, dự án này cũng gây ra nhiều ý kiến trái ngược về sự đúng sai. Các đề xuất xây dựng dựa vào các lợi ích kinh tế từ việc kiểm soát ngập lụt và năng lượng từ thủy điện. Các ý kiến chống lại chủ yếu là do các e ngại về tương lai của 1,9 triệu người sẽ phải di chuyển chỗ ở do mực nước tăng lên, sự mất đi của nhiều địa điểm có giá trị khảo cổ học và văn hóa, cũng như các tác động tới môi trường. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chứng nghiện rượuChứng nghiện rượu là một bệnh nghiện mãn tính. Bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10 liệt chứng nghiện rượu vào loại rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất tác động tâm thần. Chất gây ra là rượu, chính xác hơn là êtanol hình thành khi lên men rượu. Chứng nghiện rượu có thể bắt đầu ngay khi uống đều đặn một lượng nhỏ. Không phải lúc nào người nghiện rượu cũng ở trong trạng thái say sưa. Chứng nghiện rượu diễn tiến một cách tương đối chậm chạp và khó nhận thấy. Những người mang chứng bệnh này thường không ý thức được tính nghiêm trọng của chứng bệnh. Uống quá nhiều rượu là nguyên nhân gây ra các bệnh cơ thể và tâm thần trầm trọng và lâu dài khác (xơ gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ…). |
Kinh điển Phật giáoKinh điển Phật giáo có số lượng rất lớn. Mặc dù có thể không lên đến "84.000 pháp môn" (bài giảng) như truyền thống thường nói, nhưng có lẽ chúng cũng đủ để làm các Phật tử hoa mắt khi mới học Đạo. Kinh văn Phật giáo truyền miệng hoặc được viết trên giấy mực được chia theo nội dung làm ba loại là Kinh, Luật và Luận. Phật tử theo các tông phái khác nhau đặt các bộ kinh, luận này ở những vị trí khác nhau. Họ cho rằng các bộ kinh, luận có tầm quan trọng khác nhau đối với họ và giữ thái độ khác nhau đối với kinh điển: Từ tôn kính một loại kinh văn nhất định cho đến bác bỏ, xem thường một vài kinh văn nào đó, cho là nguỵ tạo. Thế nên, các bộ kinh, luận khó có thể được gọi là Thánh kinh (scripture) với nghĩa được hiểu như thánh kinh của Thiên Chúa giáo hoặc các tôn giáo khác. Kinh văn Phật giáo có thể chia ra hai loại dựa trên nguồn gốc hình thành kinh như loại tiêu chuẩn (hoặc chủ yếu, canonical) và loại ngoài tiêu chuẩn (hoặc thứ yếu, non-canonical). Thuộc về kinh văn tiêu chuẩn là các bài Kinh (經, sa. sūtra, pi. sutta), chép lại lời dạy của chính vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni – “Phật lịch sử” ở đây được hiểu một cách chính xác hoặc như một ẩn dụ. Thuộc loại ngoài tiêu chuẩn là các bài luận giải những bộ kinh hoặc luận, cũng như những văn bản trích dẫn kinh, lịch sử hình thành kinh, văn phạm… của các Đại sư, Luận sư. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Julius CaesarGāius Jūlius Caesar (đọc như “Ga-gius Giu-li-us Khai-xa”; 12 tháng 7 hoặc 13 tháng 7 năm 100 TCN – 15 tháng 3 năm 44 TCN) là một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã và là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Ông đóng một vai trò then chốt trong sự chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã. Cuộc chinh phục xứ Gaul (nước Pháp) của ông mở cho La Mã con đường tiếp cận Đại Tây Dương, và ông còn là người phát động cuộc xâm lăng đầu tiên của La Mã vào xứ Britannia (nước Anh ngày nay) năm 55 TCN. Caesar được xem là một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất, chính trị gia xuất sắc nhất và là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của lịch sử thế giới thời La Mã cổ đại. Vào năm 42 TCN, hai năm sau khi Caesar bị mưu sát, viện nguyên lão La Mã chính thức thánh hóa, xem ông là một trong những vị thần của La Mã. |