Bước tới nội dung

Hồng Gia quyền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chưởng môn Hà Châu - Hồng Gia quyền truyền thụ võ công cho phó chưởng môn Hà Dũng.
Chưởng môn Hà Châu - Hồng Gia quyền truyền thụ võ công cho phó chưởng môn Hà Dũng.

Hồng Gia quyền (Chữ Hán: 洪家拳), còn được gọi là Thiếu Lâm Hồng gia quyền, Thiếu Lâm Hồng quyền, hay ngắn gọn là Hồng quyền, là một tông phái võ thuật cổ truyền Trung Quốc. Hồng gia quyền được cho là một hệ phái Thiếu Lâm Nam quyền, có nguồn gốc từ Phúc Kiến, phát triển mạnh ở các tỉnh Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam; lan dần đến nhiều nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Singapore, Malaysia... Hồng quyền được xếp đầu trong Ngũ đại phái Nam Thiếu Lâm (Hồng, Lưu, Thái, Lý, Mạc), được xem là một trong những đại biểu tinh hoa của võ thuật Nam Thiếu Lâm.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Quan Đức Hưng, một cao thủ Hồng gia quyền. Ông cũng là diễn viên giữ kỷ lục về số lần giữ vai diễn về nhân vật Hoàng Phi Hồng, một đại tông sư của Hồng gia quyền.

Theo truyền thuyết dân gian, Hồng quyền có nguồn gốc từ chùa Nam Thiếu LâmPhúc Kiến (Trung Quốc), khởi thủy từ Sơ tổ Chí Thiện thiền sư, một cao tăng của chùa. Thời Càn Long, triều đình nhà Thanh đã phái quan binh đốt phá và truy bắt các đệ tử chùa Nam Thiếu Lâm vì tội dung dưỡng các thành viên phong trào "phản Thanh phục Minh". Một đệ tử tục gia của Chí Thiện thiền sư là Hồng Hy Quan trốn thoát được về quê hương ở vùng Phật Sơn (Quảng Đông), mở võ quán truyền bá Thiếu Lâm quyền, nhưng để giấu tung tích nên đã gọi môn võ này là Hồng quyền hay Hồng gia quyền. Tại Phật Sơn, Hồng Hy Quan vừa tập luyện, vừa trao đổi thêm với các bằng hữu Nam Thiếu Lâm khác như Tam Đức hòa thượng, Phương Thế Ngọc, Hồ Huệ Càn, Đồng Thiên Cân hoặc các đệ tử khác của Chí Thiện như Lục A Thái, bổ túc thêm để hoàn thiện Hồng quyền. Nhờ đó, Hồng quyền phát triển, đời sau có nhiều tông sư làm rạng danh môn phái như Hồng Văn Định, Lục A Thái, Hoàng Kỳ Anh, Hoàng Phi Hồng...

Mặc dù năm 2013, Hiệp hội Hồng quyền Quảng Đông từng công bố đã tìm ra ngôi mộ Hồng Hy Quan ở thôn Cương Đầu, trấn Tiểu Lãm, thành phố Trung Sơn, chứng minh Hồng Hy Quan là nhân vật có thật; nhưng theo các nhà nghiên cứu, Hồng quyền được hình thành và phát triển lâu dài trong hơn 300 năm, do sự đóng góp của nhiều thế hệ võ nhân.

Nam Thiếu Lâm Thập Hổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gọi Hồng Gia Quyền rất dễ gây ấn tượng sai rằng đây là Hồng Hy Quan là tổ sư duy nhất của môn võ. Thật sự chùa Nam Thiếu Lâm trước khi hỏa thiêu đã trải qua một giai đoạn cực thịnh, các để tử xuất gia và tục gia có mặt và rải rác khắp vùng Giang Nam. Chùa bị hỏa thiêu phải đi lưu lạc, võ thuật của các vị võ tăng này như những dòng suối nhỏ âm thầm truyền thụ trong nhân gian hợp thành một con sông lớn đó là Hồng Gia Quyền ngày nay [1].

Nam Thiếu Lâm Thập Hổ gồm có các vị Phương Thế Ngọc, Hồ Huệ Càn, Đồng Thiên Cân, Hồng Hy Quan, Lục A Thái, Lưu Dụ Đức, Lý Cẩm Tuyền, Tạ Thế Phúc, Phương Hiếu Ngọc có thể nói đồng thời là những vị tổ của Hồng Gia Quyền, mà trong đó Hồng Hy Quan là nhân vật nổi bật nhất, tài năng nhất.

 Cần phân biệt Nam Thiếu Lâm Thập Hổ với Quảng Đông Thập Hổ, là thế hệ sau (Có Hoàng Kỳ Anh cha của Hoàng Phi Hồng).

 Như vậy Hồng Hy Quan là tổ khai môn nhưng không phải là tổ duy nhất của Hồng Gia Quyền. Đây chỉ là những nhân vật được sử sách ghi lại rõ ràng. Còn rất nhiều vị khác không lưu lại tên nhưng cũng góp phần truyền bá và sáng tạo nên Hồng Gia Quyền.

Hồng Gia Quyền Chợ Lớn Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]
Chưởng môn Hà Châu và phó chưởng môn Hà Dũng.
Chưởng môn Hà Châu và phó chưởng môn Hà Dũng.

Sau đời của Lục A Thái và Hồng Hy Quan thì Hồng Gia Quyền được truyền đến Lâm Phúc Thành, Lưu Hằng, Trình Hoa, Thiết Kiều Tam Lương Khôn, sau đó tiếp tục truyền đến thế hệ các cao thủ Hồng Gia Chợ Lớn là Lưu Thắng, Đàm Long Hải, Lý Thái, Trình Luân, Hà Đức Chung.

Hà Châu học với Trình Luân, còn Hà Cường học của Lưu Thắng, Đàm Long Hải, Lý Thái và cả Trình Luân. Khi còn trẻ Hà Cường, Hà Châu lập đoàn võ thuật biểu diễn toàn quốc thì Hà Châu phụ trách biểu diễn công phá, Hà Cường phụ trách biểu diễn võ thuật.

 Hồng Gia Quyền tuy xuất phát từ Hồng Hy Quan, nhưng càng truyền về đời sau thì càng tích tụ nhiều tinh hoa của những nhân vật khác như các tiền bối trong Quảng Đông Thập Hổ, và cả những vị tiền bối mai danh ẩn tích. Khi truyền đến đời Lý Thái, Đàm Long Hải, Hà Cường đã có trên dưới 100 bài quyền và binh khí độc đáo. Hồng Gia Quyền Chợ Lớn phong phú và đa dạng hơn Hồng Gia Quyền Hồng Kông do kế thừa được từ nhiều nguồn khác nhau.

Võ công của cụ Hà Châu tập trung vào các môn luyện nội công và ngạnh công (công phá). Có thể thấy rằng trong các môn đồ Hồng Gia quyền truyền từ Hồng Hy Quan đến nay chỉ có cụ Hà Châu là luyện đạt thành nội công chân truyền của Nam Thiếu Lâm và cả các môn ngạnh công, như Thiết đầu công, dùng đầu đập vỡ 4-5 viên gạch Tàu dày đến 25-30 phân; và Chưởng pháp, dùng bàn tay không đóng đinh 20 phân rồi nhổ lên cũng bằng tay không, dùng tay không chém vỡ trái dừa khô; cho đến môn Thiên cân trụy, dùng thân mình chịu sức nặng của xe ủi lô làm đường lên đến 12 tấn!

Người đang hướng dẫn tập Hồng Gia

Em ruột của Hà Châu là Hà Cường có thể nói là người tập luyện quyền thuật Hồng Gia công phu và kỹ lưỡng nhất. Ông bắt đầu học Hồng Gia Quyền năm lên 10 với cha ruột là Hà Đức Chung, năm 18 tuổi đã dạy võ, nhưng ông vẫn bái sư tiếp với thêm 4 vị sư phụ nữa và học đến năm 35 tuổi mới ngưng.Hà Châu - Hà Cường tạo thành một nét độc đáo hiếm thấy của võ thuật Hồng Gia nói riêng và với nền võ học Nam Thiếu Lâm nói riêng. Một người đạt đến tuyệt đỉnh công phu - công phá, còn  một người tuyệt đỉnh về quyền thuật - binh khí.

Ngoài võ sư Hà Châu ra, còn có võ sư Huỳnh Thuận Quý từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang Sài Gòn Chợ Lớn (miền nam Việt Nam) vào năm 1968 truyền bá Hồng Quyền Hồng Hy Quan chính tông chân truyền tại hội võ quán Liên Nghĩa Đường tại quận 11 và truyền đến võ sư Huỳnh Kiều. Ngày nay Liên Nghĩa Đường vẫn còn hoạt động với nhiều sinh hoạt múa Lân Sư Rồng trong cộng đồng người Quảng Đông tại Chợ Lớn.

Sài Gòn còn có dòng Hồng Quyền thứ hai là Hồng Gia Quyền La Phù Sơn (Hung Ga Kuen Luofu Shan 洪家拳 羅浮山, tương truyền do Phùng Đạo Đức truyền lại) truyền từ cụ Nguyễn Mạnh Đức (là cháu đích tôn của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến), cụ Nguyễn Mạnh Đức (đã qua đời tại Pháp) học từ Sư Phụ (người Trung Quốc) tại núi La Phù Sơn tỉnh Quảng Đông), Trung Quốc giáp ranh tỉnh Móng Cái miền Bắc Việt Nam. Sau này Cụ có 2 huynh đệ là Lý văn Tân và Phùng tố Hằng cùng về VN sinh sống.

Hoàng Phi Hồng, Lâm Thế Vinh và Hồng Gia Quyền Hồng Kông

[sửa | sửa mã nguồn]
Hoàng Phi Hồng, Chân sư Hồng Gia quyền Quảng Đông vào cuối nhà Thanh.

Dòng Hồng Gia Quyền ở Hồng Kông thì Lục A Thái truyền lại cho Hoàng Thái (Wong Tai), Hoàng Thái truyền lại cho con trai là Hoàng Kỳ Anh (Wong Ky Ying), Hoàng Kỳ Anh truyền lại cho con trai là Hoàng Phi Hồng (Wong Fei Hung - 1847-1924), Hoàng Phi Hồng truyền lại cho Lâm Thế Vinh (Lam Sai Wing - 1850-1943), Lâm Thế Vinh truyền lại cho con trai là Lâm Tổ (Lam Cho - 1910-?) và cháu nội (con của Lâm Tổ) là Lâm Chấn Huy (Lam Chun Fai) sinh năm 1940, Lâm Tổ hiện nay đang sống ở Hồng Kông được 97 tuổi (2007), tất cả các môn đồ Hồng Quyền Hồng Hy Quan ở Quảng Đông và Hoa Kỳ hiện nay đều là học trò của Lâm Thế Vinh và Lâm Tổ.

Lâm Chấn Huy (1940 - ?) hiện nay vẫn còn sống tại Hongkong và là chủ tịch hiệp hội Hồng Gia Quyền Quốc tế, năm 2004 Lâm Chấn Huy đã có chuyến du lịch sang Nga và các nước trong khối liên bang Nga (SNG) để truyền bá Hồng Gia Quyền.Ông Lâm Chấn Huy đã từng sang Việt Nam và ghé thăm võ sư Nguyễn Quang Dũng chủ nhiệm Võ đường Thiếu Lâm Hồng Gia 220 Hàng Bông thuộc dòng Hồng Gia Quyền Quảng Tây của cụ Tô Tử Quang tại Hà Nội và có chụp hình lưu niệm.(xem Video Clip Lâm Chấn Huy diễn một đoạn ngắn Cung Tự Phục Hổ Quyền, Hổ Hạc Song Hình Quyền, Thiết Tuyến Quyền là 3 bài quyền chính yếu trong Hồng Gia Quyền phía dưới bài này trong mục Liên kết ngoài).

Lâm Thế Vinh đã viết 3 cuốn sách nổi tiếng trình bày bộ quyền thuật của Nam Thiếu Lâm là Cung Tự Phục Hổ quyền, Hổ Hạc Song Hình quyền, Thiết Tuyến quyền được xuất bản tại Hồng Kông vào năm 1920 và được dịch xuất bản ra tiếng Việt vào năm 1973 tại Sài Gòn trước năm 1975 (xem mục Tham khảo phía dưới bài này). Họ Lâm còn truyền bá Hồng Gia quyền ra khắp tỉnh Quảng ĐôngHồng Kông, Bắc Mỹ, Anh quốc,...

Các lưu phái khác của Hồng Gia Quyền

[sửa | sửa mã nguồn]

Hồng Gia Quyền do Hồng Hy Quan sáng lập sau này có nhiều người truyền thụ thành những nhánh khác nhau như: Hồng Quyền Quảng Tây của cụ Tô Tử Quang đang lưu truyền tại Quảng Tây (Trung Quốc) và Hà Nội,Hạ Tứ Hổ Hồng Gia Quyền (下四虎洪家拳) và Hồng Quyền Ngũ Hình (洪拳五形) giờ chỉ còn lưu truyền bàng bạc trong dân gian và trên phim ảnh có dấu tích từ Miêu Hiển cũng nổi danh khắp vùng Hoa Nam, Bắc Hồng Quyền (北洪拳) từ đầu vương triều Minh rồi đến Hồng Quyền Lĩnh Nam (洪拳嶺南), Hồng Gia Quyền La Phù Sơn (洪家拳 羅浮山), Hồng QuyềnThiên Địa Hội của Trần Cận Nam là thủ lĩnh Thiên Địa Hội nổi danh khắp vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồng KôngĐài Loan, Hồng Quyền Hổ Hạc Song Hình (虎鶴雙形),...

Kỹ thuật

[sửa | sửa mã nguồn]
Lâm Thế Vinh, học trò của Hoàng Phi Hồng trong chiêu thức Tấn Mã Đầu Tranh Song Hổ Trảo trong bài Cung Tự Phục Hổ quyền của Nam Thiếu Lâm

Các kỹ thuật của Hồng Gia Quyền là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Thiếu Lâm nguyên thủy ở Tung Sơn và Thuyền Quyền cổ xưa vùng Hàng Châu. Do đặc điểm miền sông nước và con người Giang Nam nhỏ con nên võ thuật Thiếu Lâm đã thay đổi và tiếp nhận thêm những kỹ thuật đặt đặc trưng của Thuyền Quyền.

Những đặc điểm của Thuyền Quyền nay còn lưu lại rất rõ  nét trong Hồng Gia Quyền: Mã bộ, côn pháp, kiều thủ, nhãn pháp,  cận chiến. Còn dấu tích của những kỹ thuật Thiếu Lâm cổ (chùa Tung Sơn) chủ yếu được ghi nhận trong phần bái tổ

Võ thuật của Hồng Gia xoay quanh bốn tiêu chí cơ bản: Mã Bộ, Kiều Thủ, Thân Người, Nhãn Pháp.

 Mã Bộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Mã bộ (bộ chân, tiếng Việt còn gọi là bộ tấn) của Hồng Gia mang đậm dấu ấn của Thuyền Quyền theo các nguyên tắc:

  • Túc bất ly địa: chân không rời đất, khi chuyển mã bộ thì bàn chân vẽ thành một vòng cung trên mặt đất chứ không nhấc lên, không di chuyển thẳng. Mục đích để chiều cao của trọng tâm cơ thể ít thay đổi nhất, tạo sự vững chãi khi đứng trên những địa hình không ổn định (đứng trên thuyền, đứng trên thân cây nổi trên mặt nước, đứng trên bề mặt trơn trượt). Khi mã bộ di chuyển thường không quá một bước chân.
  • Ổn mã ngạnh kiều: do đặc điểm người Giang Nam (phía Nam sông Trường Giang) thấp bé nên cần dồn lực đánh mạnh, không chủ về đánh nhiều. Mã bộ của Hồng Gia Quyền yêu cầu phải chắc, cứng như mọc rễ dưới đất. Tương truyền các cao thủ Hồng Gia khi xuống tấn (chứ không phải đạp chân) có thể làm nứt gạch.
  • Tiểu khiêu: bước nhảy ngắn, chiều cao trọng tâm ít thay đổi nhất được gọi là Tiểu Khiêu (xỉu thiu). Bước nhảy này cực kỳ thích hợp với việc chiến đấu trên thuyền nhỏ.

Mã bộ của Hồng Gia Quyền cho thấy sự đối lập rõ nét nhất với các kỹ thuật của Thiếu Lâm Tung Sơn, vốn là vùng núi hiểm trở nên cần bước chân linh hoạt, thiên về nhảy và các bước nhảy thường xa, cao.

Tên các mã bộ của Hồng Gia Quyền:

  • Tứ Bình Mã, còn gọi là Tứ Bình Bát Phân, đây là mã bộ căn bản nhất, tất cả các mã khác đều xuất phát từ tứ bình mã,
  • Tí Ngọ Mã, dùng để tấn công,
  • Điếu Mã, dùng để chuẩn bị,
  • Tẩu Mã, dùng để thoát,
  • Nhị Tự Kiềm Dương Mã (vết tích cổ của Thuyền Quyền)
  • Kim Kê Độc Lập Mã
  • Quỵ Mã

Hồng Gia Quyền quan trọng nhất mã bộ. Tập mã bộ khi mới nhập môn có thể kéo dài tới 3 năm. Hiện nay các nhánh Hồng Gia Quyền xuất phát từ Hồng Kông có khuynh hướng mã bộ quá to, quá dài và phá bỏ các nguyên tắc về mã bộ của Hồng Gia như túc bất ly địa, đi ngược lại với các kỹ thuật chuẩn của Lâm Thế Vinh.

Kiều Thủ

[sửa | sửa mã nguồn]

Kiều thủ (Kiu Sau - 橋 手) là kỹ thuật đòn tay đặc trưng chung trong tất cả các môn võ vùng Giang Nam.

Một người biểu diễn một thế kiều thủ của Thiếu Lâm Hồng Gia

Kiều là tên gọi phần cẳng tay (từ cổ tay đến cùi chỏ). Người tập đánh vào những vật từ mềm cho đến cứng để kích thích phần xương này cứng và to lên.

Có ý kiến cho rằng khoảng cách giữa hai đối thủ như một con sông. Muốn qua được bờ bên kia để đánh thì phải bắc cầu, cũng như muốn phòng thủ không cho đối thủ đánh mình thì phải phá cầu của họ (Phá Kiều - một kỹ thuật thông dụng của các môn võ Nam Phái).

Trường Kiều là kỹ thuật đánh dùng cánh tay thẳng dài và nắm thành quyền, đong đưa hai bên vai và hông như đòn gánh và đứng tấn Đại Mã tức thế tấn rộng và thấp, được sáng tạo ra bởi Chí Thiện Thiền Sư và Hồng Hi Quan/

Đoản Kiều là kỹ thuật đánh nhập nội dùng xương cẳng tay chứ không dùng bàn tay hay nắm đấm.

Kỹ thuật đoản kiều và trường kiều xen kẽ với nhau. Người to cao thích đánh trường kiều (xa), người thấp bé thích đánh đoản kiều (gần).

Trong Hồng Gia Quyền còn lưu truyền những câu quyết: Trường Kiều - Đại Mã, Đoản Kiều - Tiểu Mã, Ổn Mã - Ngạnh Kiều. Một trong những pháp môn cao cấp nhất của Hồng Gia Quyền đó là Thiếu Lâm Thập Nhị Chi Kiều Thủ (12 thế đánh kiều thủ).

Thân Người

[sửa | sửa mã nguồn]

Thân người là một trong những yêu cầu khó của Hồng Gia (khó hơn Mã Bộ, Kiều Thủ). Người tập Hồng Gia cần phải có thân người tự nhiên, tùy theo mỗi thế công thủ mà có thân người ngay ngắn hoặc nghiêng ngả, hoặc trực thân, hoặc phiên thân.

 Nhãn Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhãn pháp là yêu cầu cuối cùng và cao nhất của Hồng Gia. Có câu "Tai nghe bốn phương, mắt nhìn tám hướng" nói lên tầm quan trọng của việc tập luyện nhãn pháp. Các cao thủ Hồng Gia khi giao đấu đều có ánh mắt dữ tợn, nhãn quang như lấn át cả đối thủ, như Quan Đức Hưng, Đàm Long Hải, Lý Thái, Hà Cường

Nhãn pháp của Hồng Gia cũng là một trong những kỹ thuật được kế thừa từ môn Thuyền Quyền [2]. Kỹ thuật tập Nhãn Pháp được áp dụng trong hầu hết các bài quyền.

 Phát Kình

[sửa | sửa mã nguồn]

Cũng như các môn võ thuật khác của Trung Hoa, Hồng Gia có bí quyết về phát kình, nhưng kình pháp của Hồng Gia Quyền thuộc dạng cương, khác với Triền Ty Kình của Thái Cực, Đàn Kình của Bạch Mi hay Liên Châu Kình của Bát Cực. Kình của Hồng Gia khó tập, khó thành.

Cương - Nhu

[sửa | sửa mã nguồn]

Trái với quan niệm phổ biến rằng Hồng Gia là môn chủ về cương mãnh, sự thật hầu hết các kỹ thuật trong môn phái đều có cương nhu bổ trợ lẫn nhau.

Các Bài Quyền

[sửa | sửa mã nguồn]
Tiếng Việt Cantonese English Han Zi Tham khảo

Thập Hình

Sup Ying

Ten Animals

十形拳

Hà Cường

Phá Sơn

Po San

Level The Mountain

破山

Hà Châu

Ngũ Hình

Ng Ying

Five Animals

五形拳

Hà Thiếu Kiệt

Hắc Hổ

Hak Fu

Black Tiger

黑虎拳

Hà Thiếu Vinh

Phi Mao

Fei Mao

Flying Feather

飞毛

Hà Thiếu Kiệt

Lưu Tinh

Lau Sing

Shooting Star

流星

Lê Khôi Nguyên

Truy Hồn Thủ

Zhui Hun Sau

Chasing The Spirit

追魂

Lê Khôi Nguyên

Quỷ Tử Liên Hoàn Quyền

Gui Zi

Little Demon Combination

鬼子

Hổ Hạc Song Hình

Fu Hok Seung Ying

Tiger Crane

虎鶴雙形拳

Chan Hon Chung

Xà Miêu Hạc

Se Miao Hok

Snake Cat Crane

蛇猫鹤

Frank Bolte

Bách Khấu

Baak Kau

Hundred Pulls

百扣

Cung Tự Phục Hổ Quyền

Gung Ji Fuk Fu

Gong Character Taming The Tiger

工字伏虎拳

Chiu Wai

Thập Tự Mai Hoa Quyền

Sup Ji Mui Fa Kyun

Cross Pattern Plump Flower

十字梅花拳

Unknown

La Hán Xuất Động

Lohon Ceot Dung

Arhat Leaving Cave

羅漢出洞

Tô Tử Quang

Dạ Hổ Xuất Lâm

Ye Fu Ceot Lam

Night Tiger Emerge from Forest

夜虎出林

Lương Giám Quang

Thiết Tuyến

Tit sin

Iron Wire

鐵線

Chiu Wai

Đại Tứ Bình

Tai Si Ping

Big Four Level

Tiểu Tứ Bình

Siu Si Ping

Small Four Level

Chiến Chưởng

Chin Cheung

Arrow Palm

戰掌

Oscar Lam

Lưu Gia Quyền

Lau Gar Kuen

Lau Family Fist

劉家拳

Lam Chun Fai

Hồ Điệp Chưởng

Wu Dip Cheung

Butterfly Palm

蝴蝶掌

Mạch Chí Cương

Các Bài Binh Khí

[sửa | sửa mã nguồn]
Tiếng Việt Cantonese English Han Zi Tham khảo
Tề Mi Côn Cai Mei Gwan Eyebrows Pole 齐眉棍 Hà Thiếu Kiệt
Trung Lan Côn Zung Laan Gwan Mid Pole 中欄棍 Tô Tử Quang
Thử Vĩ Côn Syu Mei Gwan Rat Tail Long Pole 鼠尾棍 Unknown
Bổng Peng Short Staff 行者棍 Oscar Lam
Đằng Bài Điệp Teng Pai Dip Rattan Shield 藤牌碟
Ghế Ngựa Wang Tau Dang Flat Head Bench 橫頭凳 Lê Khôi Nguyên
Quan Công Đao Gwaan Dou General Guan Blade 關刀 Kwan Tak Hing
Liễu Diệp Đao Lam Chun Fai
Cửu Hoàn Đao
Nhuyễn Biến Yun Bin Nine Segment Whip Chiu Wai
Thương Cheung Spear Unknown
Hổ Đinh Ba Daai Fu Paa Tiger Fork 大虎扒 Francis Wong
Tam Tiết Côn
Câu
Song Tô Seung Dou Butterfly Knife 蝴蝶雙刀 Phùng Kính Trì

Phả hệ nhân vật Hồng Gia quyền

[sửa | sửa mã nguồn]

Danh sách sau đây cho biết những nhân vật là truyền nhân chính thống của Hồng Gia quyền phát xuất từ Hồng Hy Quan.

Những nhân vật thuộc các nhánh Hồng Gia quyền khác chưa có nguồn tài liệu chính thống và chính xác nên không thể liệt kê vào, điều đó không có nghĩa là phủ nhận các nhánh Hồng Gia quyền khác không phát xuất từ Hồng Hy Quan. Nói chung các nhánh Hồng Gia quyền đều phát xuất từ Hồng Hy Quan, kể cả Hồng Gia quyền La Phù Sơn (Hung Ga Kuen Luo Fu Shan 洪家拳 羅浮山), Bắc Hồng quyền (Bak Hung Kuen 北洪拳), Hồng quyền Ngũ Hình (Ng Jing Hung Kuen 五形洪拳), Hạ Tứ Hổ Hồng Gia Quyền (Ha Sei Fu Hung Gar Kuen 下四虎洪家拳), Hồng Quyền Hổ Hạc Song Hình (Hung Kuen Fu Hok Seung Jing 洪拳虎鶴雙形), Hồng quyền Lĩnh Nam (Hung Kuen Lingnaam 洪拳嶺南)... Ngoại trừ Hồng quyền (Hong Quan) của Lý Tẩu và Tống Thái tổ Triệu Khuông Dẫn tại chùa Thiếu Lâm Tung Sơn ở huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam là không có liên quan.

Cần chú ý danh từ Hồng Quyền (Hung Kuen) viết tắt từ Hồng Gia Quyền (Hung Ga Kuen) hay Hung Style là của Hồng Hy Quan. Trong khi Hồng Quyền của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam được viết là Hong Quan (紅拳) hay Red Fist khi dịch sang tiếng Anh.

Các môn Hồng quyền mà dùng chữ Hung Kuen (洪拳) khi chuyển từ âm Quảng Đông sang tiếng Anh (Latin hóa) chính là viết tắt từ chữ Hồng gia quyền (Hung Ga Kuen 洪家拳) có nguồn gốc từ Hồng Hy Quan với Kỹ pháp đặc trưng là Kiều thủ (Kìu Sẩu 橋 手 - 桥手) còn gọi là Kiều pháp (Kiu Fa 橋 法 - 桥法) và Hồ Điệp Chưởng (Hú Dié Zhǎng, Wùh Dihp Jéung 鶘蝶掌) và không dùng danh từ Trung Bình Tấn mà dùng danh từ khác gọi là Tứ Bình Mã (Sei Ping Ma 四平馬) hay Tứ Bình Bát Phân (Sei Ping Baat Fahn 四平八分) và được dịch sang tiếng Anh là Four Level Horse Stance.

Xin lưu ý chữ HỒNG (紅) trong Hồng quyền (Hong Quan 紅拳) của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam xuất phát từ Lý Tẩu và Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn khác với chữ HỒNG (洪) trong Hồng Gia Quyền (Hung Ga Kuen 洪家拳) gọi tắt là Hồng quyền (Hung Kuen 洪拳) xuất phát từ Hồng Hy Quan.

Hồng quyền phát xuất từ Hồng Hy Quan nổi tiếng với kỹ pháp có câu nói nổi tiếng là Ổn Mã Ngạnh Kiều 穩馬硬橋, Trường Kiều Đại Mã 长橋大馬, Đoản Kiều Tiểu Mã 短橋小馬, tạm dịch là Ngựa Vững Cầu Cứng, Ngựa Lớn Cầu Dài, Ngựa Nhỏ Cầu Ngắn, nghĩa là bộ tấn vững chãi đòn tay rắn chắc, đòn tay dài với bộ tấn rộng thấp, đòn tay ngắn với bộ tấn nhỏ hẹp và cao (Cao Mã).

Danh sách các nhân vật dưới đây có kèm theo âm Latin hóa từ âm Quảng Đông và kèm theo cả Hán tự để cho độc giả có thể đánh máy tên nhân vật vào các trang web trên www.youtube.com để xem các video clip do chính những nhân vật này diễn luyện những bài quyền nổi tiếng của Hồng quyền (Cung Tự Phục Hổ quyền, Hổ Hạc Song Hình quyền và Thiết Tuyến quyền), tên của các nhân vật (âm Latin hóa) chính là từ khóa trên www.google.com, đây là những nhân vật sống động và là truyền nhân chính thống của Hồng Gia quyền vẫn còn đang tồn tại trong thế giới hiện đại.

Phả hệ nhân vật Hồng Gia Quyền

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ The Shaolin Monastery: History, Religion, and the Chinese Martial Arts.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Website Hồng Gia Quyền La Phù Sơn (Hung Ga Kuen Luofu Shan):

Website các tài liệu tham khảo liên quan bài viết: - Nguyên tác Trương Văn Nguyên - Dịch giả Đàm Trung Hòa

Các Website Thiếu Lâm Trung Ngoại Châu Gia (bản tiếng Anh)

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Lược Khảo Võ thuật Trung Hoa - Quốc Kỷ Luận Lược Nguyên tác Từ Triết Đông, dịch giả Trí Chi và Hồ Hiếu Vũ diễn giải - Nhà Xuất Bản Võ thuật Tùng Thư ngày 10 tháng 12 năm 1973
  • Thái cực quyền Toàn Thư - Biên dịch và sưu tầm Nguyễn Anh Vũ - Võ sư Đỗ Đặng Phong hiệu đính - Nhà Sách Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh phát hành - Nhà Xuất Bản Đồng Nai năm 2000
  • Thái cực quyền Thường Thức Vấn Đáp - Nguyên tác Trương Văn Nguyên, dịch giả Đàm Trung Hòa, nguồn tài liệu lưu hành nội bộ
  • Nam Quyền Toàn Thư - Nguyên tác Trương Tuấn Mẫn, dịch giả Thiên Tường - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 1/2004
  • Tiểu Hồng Quyền - Nguyên tác Kim Long - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Đại Hồng Quyền - Nguyên tác Kim Long - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Tam Lộ Pháo Quyền - Nguyên tác Kim Long - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Thiếu Lâm Tự Địa Đàng Mai Hoa Quyền - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Tiểu La Hán Quyền - Nguyên tác Kim Long - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 6/2002
  • Thông Bối Quyền - Nguyên tác Lưu Ba - Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau tháng 3/2004
  • Đàm Thối Quyền - Nguyên tác Vương Hoài Kỳ - Nhà Xuất Bản Thanh Niên tháng 1/1999
  • Nam Quyền - Nguyên tác Nguyễn Anh Vũ - Nhà Xuất Bản Đồng Nai tháng 10/2000
  • Trường Quyền - Nguyên tác Nguyễn Anh Vũ - Nhà Xuất Bản Đồng Nai tháng 10/2000
  • Thập Bát La Hán Quyền - Nguyên tác Lạc Việt - Nhà Xuất Bản Thể dục Thể thao tháng 4/1999
  • Cung Tự Phục Hổ Quyền - Nguyên tác Lâm Thế Vinh (bản dịch tiếng Việt)- Nhà Xuất Bản Võ thuật Hồng Lĩnh Sài Gòn năm 1973
  • Thiết Tuyến Quyền - Nguyên tác Lâm Thế Vinh (bản dịch tiếng Việt)- Nhà Xuất Bản Võ thuật Hồng Lĩnh Sài Gòn năm 1973
  • Hổ Hạc Song Hình Quyền - Nguyên tác Lâm Thế Vinh (bản dịch tiếng Việt)- Nhà Xuất Bản Võ thuật Hồng Lĩnh Sài Gòn năm 1973