Bước tới nội dung

Tả Thanh Oai

20°56′08″B 105°48′23″Đ / 20,935617°B 105,806372°Đ / 20.935617; 105.806372
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Nguyencuong37 (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 08:03, ngày 24 tháng 9 năm 2024. Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Tả Thanh Oai
Xã Tả Thanh Oai
Đình Hoa Xá - Minh Ngự Lâu, nơi thờ vua Lê Đại Hành và người con gái bản địa sau là Đô Hồ phi nhân
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
Thành phốHà Nội
HuyệnThanh Trì
Địa lý
Tọa độ: 20°56′08″B 105°48′23″Đ / 20,935617°B 105,806372°Đ / 20.935617; 105.806372
Tả Thanh Oai trên bản đồ Hà Nội
Tả Thanh Oai
Tả Thanh Oai
Vị trí xã Tả Thanh Oai trên bản đồ Hà Nội
Tả Thanh Oai trên bản đồ Việt Nam
Tả Thanh Oai
Tả Thanh Oai
Vị trí xã Tả Thanh Oai trên bản đồ Việt Nam
Khác
Mã hành chính00649[1]

Tả Thanh Oai là một xã thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Vị trí địa lý

Xã Tả Thanh Oai nằm ở phần phía Tây của huyện Thanh Trì, phía Bắc giáp xã Thanh Liệt của Thanh Trì, góc phía Tây Bắc giáp xã Tân Triều của Thanh Trì và phường Phúc La quận Hà Đông, phía Tây giáp xã Hữu Hòa của Thanh Trì (ranh giới là sông Nhuệ), phía Tây Nam và Nam giáp huyện Thanh Oai (các xã Cự Khê, Mỹ Hưng) ranh giới là sông Nhuệ. Phía Đông, Tả Thanh Oai tiếp giáp với các xã cùng huyện: Đại Áng (ở phía Đông Nam), Vĩnh Quỳnh (chính giữa phía Đông), Tam Hiệp (phía Đông Bắc). Tả Thanh Oai nằm bê bờ tả sông Nhuệ, phía Bắc có đường 70A Văn Điển-Hà Đông chạy qua, ngang qua chính giữa xã là tuyến đường sắt vành đai Văn Điển - Ba La - Phú Diễn chạy từ hướng xã Vĩnh Quỳnh sang xã Hữu Hòa.

Xã Tả Thanh Oai gồm các thôn làng: Tả Thanh Oai, Thượng Phúc, Nhân Hòa, Siêu Quần.

Lịch sử

Vào đầu thế kỷ 19, vùng đất Tả Thanh Oai ngày nay là các xã, thôn (làng) của 2 tổng Tả Thanh Oai (Tả Thanh Oai, Nguyễn Thượng, Ngũ Phúc - Hạ Thanh Oai) và Đại Định (Siêu Quần), đều của huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên (tức Ứng Hòa) trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1831, thành lập tỉnh Hà Nội, các làng xã này cùng toàn bộ phủ Ứng Hòa nhập về tỉnh Hà Nội.

Ngày 21 tháng 4 năm 1965, xã Tả Thanh Oai cùng với các xã Liên Ninh, Ngọc Hồi, Đại Áng chuyển về huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Tây (hợp nhất 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây).

Ngày 29 tháng 12 năm 1975, xã Tả Thanh Oai nằm trong huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Sơn Bình do hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978, 4 xã ở phía bắc huyện Thường Tín là: Đại Áng, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Tả Thanh Oai được sáp nhập vào huyện Thanh Trì, TP Hà nội.

Làng Tả Thanh Oai

Làng Tả Thanh Oai (làng Tó hay Tó Tả) thuộc xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì được cả nước biết đến là làng khoa bảng với 12 người đỗ đại khoa, gồm 4 Hoàng giáp và 8 Tiến sĩ, có họ Ngô với dòng Ngô gia văn phái và các danh nhân Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Văn Giáp đã đi vào lịch sử đất nước. Ngoài ra còn có 27 hương cống thời Lê, 10 cử nhân thời Nguyễn.

Những người đỗ đại khoa thuộc 4 họ: Nguyễn Khai Khoa, Ngô Vi, Ngô Thì và Nguyễn Thế. Họ Nguyễn Khai Khoa có 3 tiến sĩ là Nguyễn Chỉ (đỗ năm 1453), Nguyễn Khánh Dung (1478). Nguyễn Tông Trình (1754). Trước đây, đầu dịp hội làng (ngày 14 tháng giêng), quan viên trong làng phải ra lễ ở mộ tổ và ở nhà thờ họ này.

Họ Ngô Thì (Ngô Thời) có 6 tiến sĩ là: Ngô Tuấn Dị (đỗ năm 1688), Ngô Đình Thạc (1700), Ngô Đình Chất (em Đình Thạc, 1721), Ngô Thì Sĩ (Hoàng giáp, 1766), Ngô Thì Nhậm (1775) và Ngô Điền (Hoàng giáp, 1841).

Họ Ngô Vi là dòng họ lập ấp đầu tiên, có hai người đỗ là Ngô Vi Thực (Hoàng giáp, 1691) và Ngô Vi Nho (1694).

Những người đỗ đại khoa của làng Tó có Ngô Đình Thạc làm Tham tụng (Tể tướng), Ngô Đình Chất, Ngô Thì Nhậm làm Thượng thư, 2 người phụng mệnh đi sứ là Ngô Đình Thạc, Ngô Thì Nhậm (Chánh sứ sang nhà Thanh, có nhiều đóng góp cho việc ngoại giao của triều Tây Sơn). Ngô Thì Sĩ có nhiều công lao trong việc giữ yên và phát triển vùng biên giới Lạng Sơn. Ngô Đình Thạc là Trấn thủ Lạng Sơn, khi thành bị quân phỉ vây, ông chịu chết chứ không đầu hàng.

Đóng góp lớn nhất của các nhà khoa bảng làng Tó là về văn học, giáo dục. Hai cha con Ngô Thì Sĩ - Ngô Thì Nhậm là những danh nhân kiệt xuất, học vấn sâu rộng, làm rạng rỡ cho tông phái nhà Nho, vừa là quan văn, vừa là tướng, vừa là nhà sử học, nhà thơ, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Họ Ngô còn nổi tiếng với dòng Ngô gia văn phái, với thiên tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí có giá trị lớn về tư liệu lịch sử.

Cuối TK XIX, Họ Nguyễn Khai khoa sáng ngời trang sử cứu Nước của Danh Nhân Nguyễn Văn Giáp (1837-1887) một Thủ lĩnh xuất sắc của phong trào Cần vương chống thực dân Pháp trong cuộc khởi nghĩa Tây Bắc(Việt Nam) vua Hàm Nghi phong Hiệp Đốc Bắc kỳ quân vụ Đại thần,Phấn Trung tướng quân, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc kiên cường chống Pháp.

Để có sự thành đạt về khoa bảng, làng Tả Thanh Oai chế độ khuyến học thỏa đáng. Làng dành 40 mẫu ruộng để làm học điền. Những người đỗ đạt được trọng vọng. Trong tâm thức của người làng, thế đất của làng phát đạt về mặt học hành nên có ý thức với việc học. Cuốn Lư sử điển yếu điều lệ (soạn năm 1791), viết: "Làng Tả Thanh Oai đất do sông Tô dẫn mạch, miếu do sông Nhuệ bồi cơ, danh đăng khoa giáp, thế phiết thi thư, quý mà không phú, phần nhiều là sĩ dân sính về đường học, coi là việc hàng đầu..."

Làng Tả Thanh Oai trước đây có 2 đình là đình Tổ Thị và đình Hoa Xá (nay chỉ còn đình Hoa Xá), thờ Lê Hoàn và Bà Chúa Hến – cô gái làng Tó được Lê Hoàn lấy làm phi trong dịp dẫn đại quân theo đường sông ra Bắc để tiêu diệt quân xâm lược Tống, ghé thăm làng (năm 981). Hội làng tổ chức trong 3 ngày: 13, 14, 15 tháng Giêng, có rước cỗ thờ và rước Giầu vàng từ đình Hoa Xá đến Minh Ngự Lâu (nhà Bà Chúa Hến) để kỉ niệm cuộc gặp gỡ tình duyên giữa Bà và Vua Lê Đại Hành. Ngoài ra còn các nghi lễ hát xướng ca ngợi công đức thành hoàng, cảnh đẹp, có đọc "Mục lục" đề cao truyền thống văn vật của làng, cầu chúc dân làng an khang thịnh vượng. Làng còn giữ được 4 chùa và đặc biệt là 4 nhà thờ của các dòng họ khoa bảng, nhà thờ các danh nhân Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm- các di tích phản ánh truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng.

Làng Thượng Phúc

Làng Thượng Phúc nay là một thôn của xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), vốn là hai làng Nguyễn Thượng và Ngũ Phúc (có tên Nôm là kẻ Hạ). Đầu thế kỷ XIX, hai làng này là hai thôn độc lập thuộc xã Hạ Thanh Oai, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), các quan trấn Bắc Thành đề nghị cho nhập hai thôn này thành một thôn mang tên Thượng Phúc. Đây là một làng đông dân (năm 1926, làng có 2092 nhân khẩu).

Theo "Lư sử điển yếu điều lệ" do Ngô Thì Nhậm soạn năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794) thì làng được hình thành từ lâu, đến giữa thế kỷ XV, một bộ phận tù binh Chiêm Thành bị đày ra đây khai khẩn vùng đất trũng, mở mang làng xóm.

Thượng Phúc xưa kia là một làng nông nghiệp chiêm trũng. Đồng quanh năm trắng nước, việc cấy lúa rất vất vả, không chắc ăn. Vào năm 1939, chính quyền thuộc địa Pháp đã cho nắn đoạn sông Nhuệ, từ địa phận làng Siêu Quần xuống làng Đan Nhiễm, làm cho nước của con sông này thoát nhanh hơn vào mùa mưa lũ. Đồng ruộng của Thượng Phúc và 16 làng trong vùng tiêu nước dễ hơn, nạn úng lụt đã giảm đáng kể, việc làm ruộng thuận tiện hơn. Ngoài làm ruộng, dân làng còn khai thác nguồn thủy sản dồi dào trong đồng chiêm trũng, kết hợp buôn bán.

Làng Thượng Phúc có chùa Bảo Tháp, dân gian thường gọi là chùa Bồ Tát. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền do Nhà sư Lý Thầm - em trai Vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224) dựng nên rồi tu hành tại đây. Điều này còn được minh chứng qua một số câu đối ở cột đồng trụ của Tam bảo chùa.

Đến gần cuối đời Trần, có một vị Cao tăng họ Hồ, dòng dõi hoàng thân quốc thích đã từ bỏ bổng lộc, quan tước về đây tu hành. Ngoài việc bỏ tiền của để tu tạo chùa, vị Cao tăng này còn chiêu tìm hàng trăm trẻ mồ côi, những người già nua không nơi nương tựa về nuôi dưỡng, trẻ em được cho ăn họ. Tiếng tăm của Hòa thượng đồn xa khắp mọi nơi. Biết ơn Hòa thượng, dân làng, nhất là những người cô quả đã tạc tượng sống Ngài. Khi Hòa thượng đắc đạo, được nhân dân và triều đình suy tôn là Bồ Tát và gọi chùa Bảo Tháp theo tên được tôn vinh của Ngài. Về sau, có vị Minh Từ Hoàng Thái hậu của Vua Trần về đây lánh nạn giặc Chiêm Thành tàn phá Kinh đô. Thấy Bà là người nhân đức, mộ đạo, Hòa thượng đã giao chùa cho Bà, rồi Ngài cho lập ngay hỏa đàn, trèo lên đàn tụng kinh và sai các đệ tử châm đàn. Lửa cháy rừng rực bốn bề mà Bồ Tát vẫn điềm nhiên đọc kinh Đại Tạng rồi toàn thân Ngài hóa thành than. Hôm đó là ngày 14 tháng Tư, nên hàng năm, dân làng và quanh vùng lấy ngày này làm ngày giỗ Tổ Chùa. Cho đến ngày nay, dân làng Thượng Phúc và trong vùng vẫn tế Bồ Tát bằng bài thơ Nôm thể lục bát.

Sau khi Bồ Tát hỏa thiêu, bà Hoàng Thái hậu trở thành Ni sư sớm hôm đèn nhang thờ Phật, trông nom và mở mang chùa. Dân làng Thượng Phúc kính phục Bà, xin được lập sinh từ ở mé trước chùa để thờ phụng sau này. Ba năm sau, có lệnh Bà phải về Kinh đô. Trước lúc về Kinh, Bà Thái hậu mở yến tiệc đãi dân làng vào ngày 16 tháng Hai. Tiệc đang vui thì Thái hậu trúng gió và qua đời.Vua Trần nghe tin, lệnh cho làng Thượng Phúc thờ Thái hậu làm Phúc thần cùng với Bồ Tát, tại cả chùa và đình (được lập về sau).

Đối chiếu với ghi chép trong chính sử (sách Đại Việt sử ký toàn thư) thì thấy, việc quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga chỉ huy vào tàn phá Kinh đô Thăng Long diễn ra vào năm Tân Hợi - 1371 dưới thời Vua Trần Nghệ Tông. Vì thế, bà Thái hậu về lánh nạn ở chùa Bảo Tháp làng Thượng Phúc chính là vợ Vua Nghệ Tông và là cô ruột của Hồ Quý Ly. Chút ít tư liệu này góp phần bổ sung lịch sử phong phú của Thăng Long- Hà Nội đời Trần.

Làng Nhân Hòa

Làng Nhân Hòa nay là một thôn của xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Lúc đầu gọi là trang Lữ Xuyên (hay Lữ Xuân); cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn đổi tên thành Phú Điền và là một xã độc lập thuộc tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng. Thời Minh Mạng (1820 - 1841), làng được đổi tên thành Nhân Hòa, và thuộc tỉnh Hà Nội (năm 1902 đổi tên phần đất ngoại thành làm tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 lại đổi làm tỉnh Hà Đông).

Trong kháng chiến chống Pháp, làng Nhân Hòa nhập với các làng Tả Thanh Oai, Siêu Quần, Thượng Phúc thành xã Đại Thanh thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Năm 1965, xã Đại Thanh đổi tên thành Tả Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây (từ cuối năm 1975 là tỉnh Hà Sơn Bình). Đầu năm 1979, xã được chuyển về huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Theo cuốn "Lư sử điển yếu điều lệ" - sách chữ Hán do nhóm Ngô gia văn phái soạn vào năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794), Tiến sĩ triều Lê Nguyễn Đăng Sớ viết lời tựa, hiện còn lưu ở đình làng Tả Thanh Oai thì trang Lữ Xuyên - làng Nhân Hòa do các tù binh Chiêm Thành bị bức ra đây từ thời Lý để khai thác vùng đất trũng - nơi hợp lưu của sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Qua bao thế kỷ, di duệ của những người Chăm đã hòa huyết, hòa đồng với người Việt sở tại để tạo lập nên làng xóm trù phú. Dấu ấn Chăm Pa còn lại rất mờ nhạt. Cơ cấu tổ chức, các sinh hoạt văn hóa của dân làng mang đậm phong cách người Việt.

Nhân Hòa là một làng nhỏ, năm 1926 chỉ 462 nhân khẩu. Dân đinh trong làng được chia làm hai giáp: giáp Hậu và giáp Hữu. Dân làng sống chủ yếu bằng trồng lúa và khai thác các nguồn thủy sản trong đồng trũng.

Đình làng Nhân Hòa dựng vào thời Lê - Trịnh, thờ hai vị thành hoàng là: Phương Dung Hoàng Thái hậu thời Lý Triệu Thị Lã và Đông Hải đại vương Đoàn Thượng - một thế lực quân sự mạnh vào cuối thời Lý. Có ý kiến cho rằng, bà Phương Dung Hoàng Thái hậu Triệu Thị Lã là Nhũ mẫu của Vua Lý Huệ Tông (cuối thế kỷ XII) và có công giúp đỡ cả Đoàn Thượng. Tại đình làng hiện còn đôi câu đối nói về việc này. Hai vị thành hoàng được các triều vua phong 38 đạo sắc hiện còn lưu trong đình. Đạo sớm nhất vào năm Đức Long thứ tư (1632).

Làng Nhân Hòa có ngôi chùa Phúc Lâm khá khang trang. Giá trị nhất của chùa là còn lưu hai tấm bia gắn với sự nghiệp của Lê Thời Hiến - vị tướng tài thời Lê - Trịnh. Bia "Bảo Đức bi ký" soạn vào niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1727), nói về đức độ, tài năng của Lê Thời Hiến và đóng góp của vợ ông - bà Quận chúa) với chùa. Tấm bia thứ hai "Phúc Lâm tự, khâm minh văn" soạn năm Vĩnh Thịnh thứ hai (1706) nói về đóng góp của dân làng, các quý tộc, trong đó có gia đình Lê Thì Hiến trong việc tu bổ chùa.

Cả đình và chùa Nhân Hòa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa (năm 1992).

Làng Nhân Hòa còn một di tích là đền Nghĩa. Theo bia "Tân tạo Nghĩa điền kim bi" soạn năm Thịnh Đức thứ hai (1654), hai giáp Hữu và Hậu thuộc xã Lữ Xuyên dựng đền này để thờ Tín chủ là bà Nguyễn Thị Ngọc Quyến và Thượng tướng quân Đô Chỉ huy sứ ty Nguyễn Quý Công, tự Phúc Thuận đã hiến cho làng 4 mẫu 7 sào ruộng và vườn, chia đều cho 2 giáp cày cấy. Hàng năm 2 giáp cúng giỗ ông bà theo ghi trong văn bia.

Làng Siêu Quần

Đường làng Siêu Quần

Làng Siêu Quần, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Đại Định, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 là tỉnh Hà Nội, năm đầu đời Thành Thái - 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông).

Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng Tả Thanh Oai, Nhân Hòa, Thượng Phúc thành xã Đại Thanh thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Năm 1965, xã Đại Thanh đổi tên thành Tả Thanh Oai. Từ đầu năm 1979, xã được chuyển về huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội.

Xã Siêu Quần những năm TK19-20

Làng Siêu Quần(超羣) xưa là một trang có tên là Quần Cư (羣居), tên nôm là kẻ Gùn (惃)

Quần Cư trang là một làng Việt cổ nằm bên dòng sông Nhuệ, xưa kia nơi đây là vùng đầm lầy, lau sậy, nước ngập mênh mông. Vùng đất này là nơi tụ hội của các hào kiệt sau các cuộc khởi nghĩa thất bại, trong thời kỳ chiến tranh Nam Bắc triều..., nhiều nghĩa sĩ và người dân đã phiêu dạt về đây lập nghiệp sinh nhai bằng nghề bắt cua cá, cấy trồng đến việc chặn đường ăn cướp. Do vậy có một thời người ta gọi đây là nơi "đất nghịch".

Theo truyền thuyết, lúc đầu, dân cư tập trung ở dọc bờ Bắc sông Nhuệ (nay là xứ đồng Hạ, dọc bờ sông Nhuệ, xưa kia tại đây có một ngôi miếu và 2 gốc gạo lớn). Sau một trận lũ lớn, nước ngập đến mái nhà, có một con chó mẹ tha đàn con đến một gò đất chếch về phía đông. Dân làng thấy đó là điềm tốt nên sau trận lũ đã chuyển đến gò đất đó sinh sống, tức trung tâm làng bây giờ. Sau đó, dân các nơi thấy đất này dễ làm ăn, con người thuần hậu nên kéo về ngày một đông như câu ngạn ngữ "Lang bạt Siêu Quần, cao quan Kẻ Lủ".

Làng là nơi dân cư từ nhiều địa phương tới sinh sống, trong đó một bộ phận lớn là từ Thanh HóaThừa Thiên Huế chuyển ra từ đầu thời Lê Trung Hưng. Theo gia phả các dòng họ lớn như Lê, Nguyễn tại đây đã được 17~20 đời. Mặc cho gần 500 năm trôi qua nhưng người dân ở đây vẫn giữ được những âm gốc ở quê mình, chính điều này đã tạo nên nét văn hóa đặc sắc riêng biệt so với những vùng dân cư xung quanh.

Dân làng Siêu Quần xưa kia chủ yếu làm ruộng, song đa phần ruộng ở đây là chiêm trũng, hàng năm thường bị úng ngập bởi nước lũ sống Nhuệ nên năng suất lúa thấp và bấp bênh. Năm 1939, chính quyền thuộc địa Pháp cho nắn đoạn sông Nhuệ, từ địa phận của làng xuống làng Đan Nhiễm (huyện Thường Tín), làm cho đồng ruộng của làng cùng 16 làng khác trong vùng tiêu nước dễ hơn, nạn úng lụt đã giảm đáng kể. Đến năm 1942, người Pháp lại cho đào con máng từ gò Quán làng Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng) xuống cống Hai Cửa giáp làng Siêu Quần, để hạn chế thêm nạn úng lụt.

Xã Siêu Quần thời Nguyễn được chia làm 4 thôn: thôn Thượng, thôn Trung, thôn Mỹ và thôn Hạ nay tương ứng với 4 xóm xóm Thượng, xóm Trung, xóm Mỹ (Me), xóm Hạ (Dõn).

Thời vua Tự Đức làng Siêu Quần được ban biển ngạch "Mỹ tục khả phong - 美俗可風" do có công quyên góp cứu tế bần nông.

Đình Siêu Quần - 2022
Hôi làng Siêu Quần năm - 1994

Các di tích lịch sử:

  • Đình làng Siêu Quần

Đình Siêu Quần hình thành từ thế kỷ 17, khoảng cuối thế kỷ 18 đình bị cháy (tại xứ Đình Đặng - 亭鄧處 đã thành nghĩa trang) và được dựng lại tại vị trí như hiện nay. Đình xây mặt hướng nam đông nam (bính hướng) trên gò cao, phía trước là vùng đồng trũng (tức xứ đồng Đỗi 同隊) kéo dài dọc theo phía đông làng.

Tổng thể khuôn viên kiến trúc đình gồm: phía trước đình là ao sen, cây đa cổ thụ, ngoài sân gạch trong là đồng trụ tam quan, giếng hóa mã, hai dãy nội tảo mạc gồm 7 gian cùng đại đình 5 gian, hậu cung 3 gian 2 trái. Sau đình phía ngoài là ao, bên trong là sân gạch, ngoài ra còn có đàn Thần Nông lộ thiên sau nhà hữu mạc trước gốc đa phía tây đình.

Hiện nay, kiến trúc đình mang phong cách thời Nguyễn với đợt trùng tu lớn vào tháng 7 năm Đinh Tỵ (1917) thời vua Khải Định (皇朝啓定嵗次丁己年孟秋重修), cùng đợt trùng tu năm 2001. Thời kỳ cải cách, các vị thành hoàng được rước lên chùa, đình được tận dụng làm nhà kho. Hai dãy tảo mạc 7 gian bị cắt bỏ còn 5 gian, cũng khoảng thời gian này một mảng kiến trúc gian hữu đại đình bị cháy, nay vẫn còn dấu tích. Sau thời kỳ đổi mới - khôi phục văn hóa, nhân dân lại rước các vị Thành hoàng từ chùa về đình thờ phụng và phục hồi lễ hội. Qua nhiều năm, một số kiến trúc đã mất đi và bị thay đổi, các đồ tế khí thờ tự, sắc phong, câu đối, đại tự,... giá trị bị mất trộm dần, nay đã được thay thế mới.

Điều đặc biệt ở đây là hai nhà tả hữu mạc đồng thời là nơi để thuyền (chải) đua nên khá dài, chiếm suốt cả chiều dài của tòa đại bái đến hết sân gạch. Mỗi nhà để hai chải, một chiếc đặt sát đất, một chiếc gác ở lưng chừng. Làng có 4 xóm: Thượng, Trung, Me, Dõn nên mỗi xóm có một chải bơi. Hồi kháng chiến chống Pháp (1946-1954) nhân dân đã dìm thuyền xuống sông cất giấu và bắc cầu qua sông Nhuệ bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng. Tiếc thay thuyền đã ngâm quá lâu đã bị mục nát. Nhưng dựa vào chiều dài của nhà tảo mạc có thể đoán được chiều dài của chải (dài khoảng 14m, rộng hơn 1m).

Đình làng Siêu Quần thờ 2 vị thành hoàng cùng phối thờ 2 vị nữ thần.

- Đương Cảnh Tối Linh Thành Hoàng Hổ Lang Đại vương (虎狼大王) - Trịnh Thượng Đẳng Thần và Diêu La công chúa (姚𡤢公主)

"Trịnh Khả (1403 - 1451) người làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một trong 18 người có mặt tại Hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi (năm Bính Thân - 1416), sau lập được nhiều chiến công trong việc đánh đuổi giặc Minh. Khi Lê Lợi lên ngôi, ông được phong Hổ Vệ tướng quân, Thượng trụ quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, khắc biển công thần. Do bị gian thần gièm pha, mùa thu, tháng 7, ngày 26 năm Tân Mùi 1451 ông và cả con trai là Trịnh Bá Quát bị giết. Đời Lê Thánh Tông được minh oan, trả lại quan tước, phong làm Phúc thần".

- Đương Cảnh Tối Linh Thành Hoàng Đông Hải Đại Vương (東海大王) - Nguyễn Thượng Đẳng Thần và Quý Minh công chúa (貴明公主)

Đình Siêu Quần - 1994
Kí niệm bi ký - 1938
Tam quan Linh Ứng tự - 2023

"Nguyễn Phục (1434? - 1470), ông là người thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, đỗ Hoàng giáp khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa 11 (1453) đời vua Lê Nhân Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện kiêm Vương phó (thầy dạy các vương tử). Năm Canh Dần (1470), Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục được cử giữ chức Đốc lương lo việc vận chuyển lương thực. Không may trên đường đi bị bão, thuyền lương đến chậm, ông bị xử trảm theo quân luật. Sau vua biết ông bị oan, lấy làm hối, phong cho ông làm Phúc thần".

- Vị nữ thần "Diêu La Công Chúa" được phối thờ nhưng không rõ thần tích. Trải qua các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn đều ban sắc phong cho 4 vị. Đến triều Nguyễn lại ban sắc phong cho 2 vị là: Đông Hải Nguyễn thượng đẳng thần và Quý Minh phu nhân trung đẳng thần. Hiện nay toàn bộ số sắc phong đã bị mất trộm.

- Ngoài ra, Đình còn thờ các vị tiên công, hậu thần các ban tả hữu:

Thời Lê - Trịnh, làng Siêu Quần bầu bà Hậu thần họ Đoàn, vốn xuất thân trâm anh thế phiệt, nội ngoại nhiều đời làm quan, lại từng tiến cung phủ chúa Trịnh Tây Vương, được ban làm Quận phu nhân. Sau vì không có con nên bà cáo về quê Hữu Châu (Tó Hữu). Vì tưởng nhớ phu nhân thường có công đức cho làng nên đã tôn làm Hậu thần. Hàng năm đến ngày giỗ chạp thì tế ở Miếu. Phàm là tế tự Đại Vương thì phối ở ban tả, có đủ văn bia ghi chép, việc thờ tự cũng rất linh ứng. Thời Nguyễn - Tự Đức, Làng lại bầu ông họ Nguyễn cùng phu nhân làm Hậu do có công đức tu sửa Đình Chùa. Đến thời Bảo Đại, Làng lại bầu bà họ Lê cùng phu quân họ Trịnh làm Hậu. Hàng năm đến ngày giỗ đều cúng tế như lệ.

Hội làng Siêu Quần trước đây được tổ chức vào các dịp 10-2 (cầu Đinh); 12-5 (Kỳ phúc) và 10-8 (đại Kỳ phúc).

- Lễ Tế Xuân "Cầu đinh" ngày Đinh tháng 2, sáng ngày hôm trước các vị cao niên tế cáo yết ở đình, buổi chiều dắt trâu được chọn đã tắm sạch sẽ qua sân trình Thánh. Hôm sau đem mổ trâu rồi thui cả con dâng tế thần nông, riêng cái đuôi thì cắt rời chôn xuống đất để chìa lên một đoạn thể hiện mong muốn làng có nhiều "Đinh". Đây cũng là dịp làm lễ hạ điền, nên chiều ngày hôm đó sau khi tế tạ, cụ chủ tế chạy ra cánh đồng, dân làng chạy theo ném cây tre còn nguyên cành, lá. Nếu ném đúng người thì may mắn sẽ đên cả năm !

- Lễ "Kỳ phúc" 12 tháng 5 dân làng giết trâu, bò sửa lễ, năm mất mùa thì giảm lễ bằng gà, lợn. Hôm ấy, sau khi các cụ tế cáo yết xong, dân 4 xóm rước kiệu long đình đến nhà lý trưởng xin chúc văn rước ra đình. Ngày mở hội thi làm các loại bánh. Buổi chiều làm lễ tế tạ . Buổi tối mời phường chèo về diễn các tích cổ cho dân thưởng thức.

- Lễ "Đại kỳ phúc" được tổ chức 3 năm một lần đại hội với những năm được mùa hoặc theo lệ tế thường niên diễn ra vào ngày 10 tháng 8. Trước đó, sáng ngày 9 các vị cao niên tiến hành tế cáo yết như lễ "kỳ phúc tháng 5", dân của các giáp sửa lễ ra đình dâng Thánh, lễ vật gồm các loại bánh dày, bánh tẻ, bánh bột lọc,... đều là những thức từ lúa gạo quê hương, lễ vật được bày trên 2 dãy bàn dọc theo gian giữa tòa đại bái chuẩn bị cho buổi lễ tối. Sát lúc lễ có việc "củ soát lễ vật" 2 vị cao niên trong ban tế được cử ra cắt bánh ở từng mâm đê chấm thi. Bánh của giáp nào thơm ngon đều được trao giải. Ngày 10 là chính hội, buổi sáng tiến hành tổ chức rước kiệu Thánh xung quanh làng để dân chúng chiêm ngưỡng. Đám rước xuất phát từ đình đến đầu làng thì quay về. Sau khi lễ tế Thánh hoàn tất, các giáp rước lễ của mình về thụ lộc và chuẩn bị cho hội thi bơi chải buổi chiều. Mỗi chải gồm 30 trai đinh phân nhiệm như sau: 1 lái nhất, 2 lái ba, 1 người tát nước và 26 trai bơi đều cởi trần, đóng khố, đầu quấn khăn nhiễu rồi lần lượt xuống thuyền. Riêng 4 ông lái nhất ngồi ở 4 góc chiếu hoa trải giữa sân đình. Giữa chiếu đặt cơi trầu và bơi chèo để 4 góc. Đợi 1 cụ cao niên đổ nước ngũ vị vào các thuyền rồi một tràng pháo nổ giòn giã, cụ nhất trong làng đánh trống cầm trịch, đến tiếng cuối cùng "các, tùng" thì bốn ông lái nhất cướp trầu cầm bơi chèo rồi chạy nhanh xuống chải của mình cho quân xuất phát. Mốc thi từ cửa đình đến cái gò đồng làng Vanh gọi là "nêu nhất", nếu năm nước to mốc thi đến xứ Chùa Cũ được gọi là "nêu nhì" (chiều dài chừng 3 km). Ngày 11 diễn ra 2 đợt thi nữa, khi trai xóm nào thi thì con gái xóm ấy lo trầu nước, đứng trên bờ cổ vũ. Ngày 12, sáng tế yên vị, đến chiều các trai bơi đưa thuyền lên cất vào hai bên tảo mạc. Giải nhất hội bơi chải là một cái nọng lợn và một buồng cau, giải nhì là cái cẳng giò nửa buồng cau, giải ba là ba quả cau với miếng thịt lợn. Có câu:"Lệ làng tháng tám thì bơi, trai thì thi sức gái thời thi hoan". hay câu ngạn ngữ "Thúng làng Sái, gái làng Hạ, mạ làng Nai, trai làng Gùn" nói việc trai tráng của làng khỏe mạnh, giỏi giang. Ngoài ra còn có thi làm bánh, đấu vật, các trò dân gian khác,...

- Hiện nay, lễ hội làng Siêu Quần được tổ chức vào ngày 10 tháng 2, dịp xuân về cũng là ngày kỷ niệm đón bằng công nhận "di tích lịch sử về kiến trúc - nghệ thuật" của Bộ Văn hóa thông tin (9/2/1994). Hội làng Siêu Quần ngày nay cách 2 năm một lần, song việc thi bơi chải không được như xưa. Lễ rước kiệu từ đình tới đầu làng rồi rước về. Ngoài dịp tế Trừ Tịch, tế Đinh tháng 2, Kỳ Phúc tháng 5 và tháng 8 các ngày tế lễ khác đã bỏ.

  • Miếu giữa làng

Thần linh miếu, miếu thờ thần linh tại thôn Trung nay là xóm trung. Trước thời kì cải cách trong miếu vẫn còn 1 cây Sấu cổ thụ chu vi gốc hơn 3 người ôm, tuổi thọ trên 300 năm. Theo sách bản xã truyện vào những năm cuối thời Tự Đức miếu, đình, chùa đều được tu sửa do dột nát. Hiện nay còn lưu giữ được tấm bia "Kí niệm" năm Bảo Đại thứ 13 (1938) về việc tu tạo lại miếu. Đến thời kỳ cải cách việc thờ tự tại miếu bị lãng quên, nơi đây được tận dụng làm trường học, sau đó lại được người dân rước tượng từ chùa về và tạc thêm hệ thống tượng Phật mới để thờ tự. Từ đấy Miếu được chuyển thành chùa được gọi là "昔玉 - Tích ngọc", hiện nay còn 2 tấm bia hậu Phật làm năm 1952. Miếu hiện nay là chùa Tích Ngọc, hệ thống kiến trúc, tượng phật mới được xây dựng lại.

  • Chùa làng Siêu Quần

Chùa có tên chữ là "Linh Ứng - 靈應"

Xưa kia chùa nằm ở đầu làng (khu vực đất chùa là xứ Chùa cũ - 㕑𬞺處 đã thành nghĩa trang), khoảng cuối thế kỷ 18 sau khi bị cháy chùa đã được chuyển về vị chí như ngày nay.

Chùa được xây dựng mặt hướng đông nam, phía đông là đồng ruộng (tức xứ Đầu Cầu 頭捄) phía tây giáp bên bờ sông Nhuệ. Kết cấu chính điện chữ đinh, phía trước có cổng tam quan, kế bên trái là sân gạch đến nhà tổ, phía sau là nhà mẫu. Hệ thống tượng phật và kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn. Hệ thống tượng Phật và đồ thờ bị mất trộm dần, hiện nay đã được thay thế mới. Trong chùa hiện còn lưu giũa ba tấm bia hậu khắc năm Tự Đức thứ 7 (1854), Bảo Đại thứ 4 (1929). và Bảo Đại thứ 7 (1932).

Tương truyền đây là nơi xưa từng dùng để giam lỏng những quan lại trái ý vua nhưng không thể xử tội (?).

Tài liệu tham khảo:

  • Hội làng Hà Nội.
  • Từ Điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam.
  • Thần tích thần sắc Hà Nam.
  • Di sản hán nôm Việt Nam.
  • Đồng Khánh dư địa chí.
  • Bản xã truyện - Tự Đức 34 (1881).
  • Bản xã tế văn - niên giám Bảo Đại
  • Đông Trù Đoàn tộc phả (1858) - Thư viện quốc gia: nlvnpf-0155 / R.951
  • Hồ sơ di tích - cục di sản.
  • Viện nghiên cứu hán nôm:
  1. Thần tích: AE.a7/30 ; AE.a2/81 ; AD.a2/60 ; AD.a9/4
  2. Thác bản: 52950, 52951, 52952, 52953, 52954, 52955
  • Thư viện Khoa học xã hội: TTTS005102 , TTTS004927 , TTTS003524 , TTTS001188 , TSHN000347 , TTTS001090
  • Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1:
  1. Địa bạ Gia Long 4 - số hồ sơ: 5125
  2. Tài liệu lưu trữ về làng xã tỉnh Hà Đông - Fonds D'archivies De La Résidence De Hà Đông - tổng Đại Định - Hồ sơ: 1799, 1790, 2343

Tham khảo