Nguyễn Phúc Châu Hoàn
Tân Phong Công chúa 新豐公主 | |||||
---|---|---|---|---|---|
Công chúa nhà Nguyễn | |||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | 1883 | ||||
Mất | ? | ||||
Phu quân | Nguyễn Hữu Khâm | ||||
Hậu duệ | 5 người con | ||||
| |||||
Thân phụ | Nguyễn Cung Tông Dục Đức | ||||
Thân mẫu | Tống Phúc Thị Ròn |
Nguyễn Phúc Châu Hoàn (chữ Hán: 阮福珠環; 1883 – ?), thường được gọi là Bà Chúa Tám, phong hiệu Tân Phong Công chúa (新豐公主), là một trong tám vị công chúa, con vua Dục Đức thuộc triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Hoàng nữ Châu Hoàn sinh năm 1883, là con gái út của vua Dục Đức[1]. Mẹ của Châu Hoàn là bà Tống Phúc Thị Ròn, xuất thân từ gia tộc Tống Phúc thị của bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, Chính thất của vua Gia Long. Khi vua Dục Đức bị phế, các con của ông phải theo mẹ về quê. Đến khi vua Thành Thái lên ngôi mới cho đón mẹ là bà Phan Thị Điều và các anh chị em vào cung.
Năm Duy Tân thứ 3 (1909), bà Châu Hoàn được phong làm Tân Phong Công chúa (新豐公主)[2].
Công chúa Tân Phong lấy chồng là phò mã Nguyễn Hữu Khâm, con trai thứ của Vĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Độ[3]. Phò mã Khâm còn một người anh là Nguyễn Hữu Tý, cũng lấy một bà công chúa, là Ngọc Lâm Công chúa Dĩ Ngu (con gái vua Đồng Khánh). Cả hai phò mã đều là em của bà Khôn Nguyên Thái hậu (chánh thất của Đồng Khánh). Phò mã Khâm mất vào ngày 16 tháng 11 năm 1935, trước bà Khôn Nguyên 3 ngày[3].
Không rõ công chúa Tân Phong mất vào năm nào. Theo quyển Hoàng tộc lược biên được biên soạn năm 1943 (dưới thời vua Bảo Đại) thì cả hai chị em công chúa Mỹ Lương và Tân Phong đều vẫn còn sống vào thời điểm này[4].
Theo lời kể của ông Nguyễn Ngọc Đương, công chúa Tân Phong lấy chồng vào năm 1907, sinh được 5 người con, và ông Đương chính là người con thứ tư của công chúa và phò mã Nguyễn Hữu Khâm[5]. Một người con gái của hai vợ chồng công chúa Tân Phong là bà Nguyễn Hữu Bích Tiên, lấy chồng là Hoàng tùng đệ Nguyễn Phúc Vĩnh Cẩn, em họ của vua Bảo Đại.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Tôn Thất Cổn (1943), Hoàng tộc lược biên
- Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc (1995), Nguyễn Phúc Tộc thế phả Lưu trữ 2020-09-27 tại Wayback Machine, Nhà xuất bản Thuận Hóa
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên, Cao Tự Thanh dịch, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Nguyễn Phúc tộc thế phả, tr.373
- ^ Đại Nam thực lục, phụ biên, mục 1650
- ^ a b Ngài Khôn Nguyên Thái hoàng Thái hậu thăng hà (22 tháng 11 năm 1935), Tràng An báo (số 77)
- ^ Hoàng tộc lược biên, tr.27
- ^ “Hoàng thân vua Thành Thái gánh nước thuê mưu sinh ở Đồng Nai”. Tin tức Online. 18 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2020.