Wikipedia:Sản phẩm, quy trình, quy định
Trang này là một bài luận chứa lời khuyên hoặc quan điểm của một hoặc nhiều thành viên Wikipedia về các quy định Bỏ qua mọi quy tắc, Đồng thuận và Quy định và hướng dẫn. Bài luận không phải là quy định hay hướng dẫn của Wikipedia. Bài luận có thể đại diện cho tầm nhìn chung của đa số thành viên nhưng cũng có thể chỉ đại diện cho quan điểm của thiểu số. |
Theo thứ tự tầm quan trọng giảm dần, sản phẩm, quy trình và quy định mô tả các thành phần không thể thiếu của Wikipedia. Ba chữ P này (product, process, policy) là một phần bản chất của các quá trình năng động diễn ra trong dự án này. Phần trọng tâm ở đây sẽ là cách quy trình và quy định được tạo ra để nâng cao chất lượng sản phẩm của chúng ta.
Sản phẩm
sửaSản phẩm của chúng ta, tất nhiên, chính là bách khoa toàn thư, và đây là thành phần quan trọng nhất. Dựa trên các nguyên tắc nền tảng nhất định, chúng ta cùng nỗ lực tạo ra và phát triển bách khoa toàn thư này.
Nguyên lý quan trọng nhất ở đây là hãy táo bạo. Wikipedia có rất nhiều quy tắc và hướng dẫn, nhưng bạn không cần phải biết hết tất cả. Nếu bạn có một cái gì đó thú vị để viết, hãy viết về nó. Một nguyên lý khác có liên quan ở đây là bỏ qua mọi quy tắc. Một số người đôi khi hiểu nhầm nó là "bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn", nhưng thực tế không phải như vậy. Bạn chỉ có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn miễn là bạn có thể chứng minh rằng điều đó giúp cải thiện bách khoa toàn thư.
Có bốn nguyên lý quan trọng khác mà mọi người nên biết: thứ nhất, luôn hướng đến thái độ trung lập; thứ hai, nhớ rằng Wikipedia là một bách khoa toàn thư; thứ ba, chú thích nguồn gốc; thứ tư, không vi phạm bản quyền.
Quy trình
sửaKhi có một số lượng lớn người cùng viết bài, chắc chắn sẽ xảy ra bất đồng, từ nhỏ nhặt (ví dụ như chính tả) đến lớn lao (ví dụ, liệu một người hay một công trình cụ thể có đủ nổi bật để đảm bảo có bài viết ở đây) hay thậm chí là đặc biệt nhạy cảm (chẳng hạn, liệu chiến sĩ của một quốc gia nhất định là đấu tranh cho tự do hay là kẻ khủng bố). Nguyên lý cốt lõi của chúng ta hướng dẫn về vấn đề này chính là sự đồng thuận của các biên tập viên. Đồng thuận là cách thức chính để đưa ra các quyết định trên Wikipedia, và nó được chấp nhận là phương pháp tốt nhất để tiến đến các mục tiêu của dự án, tức là đạt được năm cột trụ. Đồng thuận trên Wikipedia không có nghĩa là nhất trí (mặc dù là một kết quả lý tưởng nhưng không phải lúc nào cũng đạt được); cũng không phải là kết quả của một cuộc bỏ phiếu, trừ một số trường hợp nhất định. Việc ra quyết định liên quan đến nỗ lực kết hợp các mối quan tâm chính đáng của tất cả các biên tập viên, đồng thời tôn trọng các quy định và hướng dẫn của Wikipedia. Mặc dù đồng thuận là phương pháp chủ chốt để đưa ra quyết định, nhưng sự đồng thuận giữa các biên tập viên tại một bài viết nhất định không thể thay thế cho các chính sách của Wikipedia chẳng hạn như WP:TĐTL. (Bản thân các quy định cũng được xác định bởi đồng thuận. Nếu một quy định được diễn đạt thiếu chặt chẽ và không xét đến điều gì đó, theo cách làm cản trở việc nâng cấp bách khoa toàn thư, thì quy định đó nên được sửa đổi. Xem Wikipedia:Dùng nhận thức thông thường.)
Khi có sự bất đồng, mọi người nên thảo luận về nó và đưa ra giải pháp. Một phần công việc này được thực hiện trên trang thảo luận, hoặc yêu cầu cho ý kiến từ bên ngoài. Nhưng vì Wikipedia là một nơi rộng lớn như vậy nên có một số quy trình đã được tạo ra. Mục đích của tất cả các quy trình này là nhận phản hồi và ý kiến từ bên ngoài. Để thuận tiện, các quy trình được tách ra sao cho các vấn đề có liên quan cùng xuất hiện ở một nơi. Đề nghị cho ý kiến, ứng cử viên bài viết chọn lọc và biểu quyết xóa bài là ví dụ về những quy trình như vậy. Chúng đều nhằm đạt được sự đồng thuận thông qua phản hồi của bất kỳ biên tập viên nào muốn tham gia.
Bởi vì mục đích của quy trình là nhận phản hồi, nên khi không đồng ý với một hành động nào đó, lập luận "quy trình không được tuân theo" sẽ không thuyết phục nếu nó đứng riêng lẻ. Nó ngụ ý rằng bạn muốn nhưng không có cơ hội nói ra cái gì đó – vì vậy điều này sẽ đặt ra câu hỏi bạn muốn nói cái gì. Nếu bạn không có bất kỳ lập luận bổ sung nào, điều đó không hữu ích lắm.
Hai nguyên lý quan trọng tiếp theo sau đồng thuận là giữ thái độ văn minh và không bút chiến. Các biên tập viên đang tương tác với nhau và nên làm như vậy một cách thân thiện và hợp tình. Một số nguyên lý hữu ích khác bao gồm giữ thiện ý và không phá rối Wikipedia (nhất là khi nhằm chứng minh một quan điểm).
Quy định
sửaTrừ một số ít nguyên lý nền tảng, gần như tất cả các quy định và hướng dẫn của chúng ta đều được chắt lọc từ quy trình – tức là từ việc thảo luận với các biên tập viên khác. Các quy định và hướng dẫn thường được khuyến khích hình thành một cách tự nhiên thông qua hệ thống hóa thông lệ sẵn có, hơn là áp đặt từ trên xuống. (Mặt khác, một số thành viên Wikipedia tin rằng có những vấn đề nhất định có thể được giải quyết hiệu quả hơn thông qua các đề xuất chính thức và thảo luận tập trung hơn là thông qua tiền lệ được thiết lập bởi hàng nghìn cuộc tranh luận nhỏ song song về các trường hợp cụ thể.)
Hầu hết sự việc rắc rối trong Wikipedia không phải là mới và đã được thảo luận kỹ lưỡng trong quá khứ. Qua kinh nghiệm, chúng ta có một ý tưởng khá hay về phong cách và bố cục được khuyến khích của một trang, hoặc khi nào việc xóa trang là chấp nhận được, hoặc trong những trường hợp nào một người nên bị cấm sửa đổi.
Do đó, các quy định và hướng dẫn đóng vai trò thể hiện kinh nghiệm của chúng ta về những gì phù hợp và không phù hợp, đồng thời hợp lý hóa quy trình bằng cách không lặp lại các cuộc thảo luận mà chúng ta đã kết luận trước đây. Thảo luận là quan trọng, nhưng có nhiều điều đã được thảo luận và đã có thể được thực hiện. Ví dụ, hầu hết các tiêu chí xóa nhanh xuất phát từ một vấn đề đang được tranh luận rộng rãi trong các cuộc biểu quyết xóa bài và các quy trình tương tự khác. Thảo luận tập trung thường tập hợp các ý kiến về các vấn đề thường gặp vốn có thể được tranh luận lặp đi lặp lại nhiều lần.
Một nguyên tắc quan trọng ở đây là sự đồng thuận có thể thay đổi. Vì quy định là kết quả của quy trình và thực tiễn (thay vì ngược lại), nên rất có thể quy định thay đổi do thực tiễn thay đổi. Một nguyên tắc quan trọng khác là Wikipedia không phải là một bộ máy quan liêu. Quy định phụ thuộc vào sản phẩm, chứ không phải ngược lại.
Kết quả của cách tổ chức này là các trang quy định thường chậm hơn một hoặc hai bước so với quy trình. Bất cứ khi nào kết quả của quy trình không tương ứng với quy định, điều đó có nghĩa là quy định đó đã lỗi thời. Khi chúng ta gặp phải một tình huống mới, chúng ta không bắt buộc phải lấy quy định làm cơ sở cho thảo luận. Thay vào đó, chúng ta lấy quy trình thảo luận làm cơ sở cho một quy định mới. Một hệ quả tất yếu của việc này là chúng ta, theo lệ thường, không bỏ phiếu cho các trang quy định hoặc hướng dẫn mới. Thông thường, chúng ta chỉ viết ra những gì đã xảy ra. Bất cứ điều gì mô tả kết quả thường gặp của một quy trình chung đều là kim chỉ nam tốt cho tương lai.