Thần phong

Hình thức tấn công cảm tử bằng máy bay nổi tiếng của Nhật Bản

Thần phong, gió thần hay kamikaze (tiếng Nhật: 神風; kami = thần, kaze = phong) là một từ tiếng Nhật, được những tiếng khác vay mượn để chỉ các cuộc tấn công cảm tử bởi các phi công của Đội Công kích đặc biệt Thần phong (神風特別攻撃隊) chống lại tàu chiến của các nước Đồng Minh trong giai đoạn cận kết của Chiến tranh Thái Bình Dương thuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bunker Hill bị tấn công bằng kamikaze do Thiếu úy Kiyoshi Ogawa điều khiển (ảnh bên dưới) và Trung úy Seizō Yasunori thực hiện vào ngày 11 tháng 5 năm 1945. Trong số 2.600 thủy thủ đoàn trên Bunker Hill, 389 người đã thiệt mạng hoặc mất tích và 264 người bị thương.[1]

Phi công Kamikaze sẽ lái máy bay của mình, thường là chở đầy thuốc nổ, bom, thủy lôi để đâm thẳng vào tàu địch. Máy bay có vai trò giống như hỏa tiễn có người lái. Đó là một nỗ lực cảm tử nhằm tăng tối đa độ chính xác và tổn thất cho địch quân so với việc ném bom đạn thông thường. Mục tiêu của các phi công này là đánh phá càng nhiều càng tốt tàu bè của phe Đồng Minh.

Các cuộc tấn công này bắt đầu từ tháng 10 năm 1944, sau những trận thua nặng nề của Nhật Bản. Việc tiềm lực chiến tranh giảm sút, cùng với việc mất đi rất nhiều phi công giỏi giàu kinh nghiệm, sản xuất công nghiệp suy yếu so với Hoa Kỳ, cũng như việc chính phủ Nhật Bản không muốn đầu hàng, dẫn đến chiến thuật sử dụng kamikaze khi lực lượng Đồng Minh sắp tiến đánh Quần đảo Nhật Bản.

Các cuộc tấn công cảm tử Kamikaze là các cuộc tấn công nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất, giống như các cuộc "xung phong banzai" bởi bộ binh Nhật. Ngoài ra, người Nhật còn có các đội tấn công cảm tử sử dụng vũ khí khác như tàu ngầm Kairyu, thủy lôi cảm tử Kaiten, xuồng cao tốc Shinyo.

Nguồn gốc tên gọi

sửa
 
Chiến tranh thế giới thứ hai, mặt trận Thái Bình Dương

Tên gọi "thần phong" xuất phát từ thời kỳ 1274-1281 khi có một cơn bão đã cứu Nhật Bản khỏi thảm họa thôn tính của Đế quốc Mông Cổ. Khi quân Mông Cổ tấn công Nhật Bản với khí thế như chẻ tre, nước Nhật hầu như chắc chắn bị thất thủ thì có một cơn bão nổi lên đánh chìm tàu thuyền quân Mông Cổ. Do đó người Nhật gọi cơn bão này là "thần phong".

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một tokubetsu kōgeki tai (特別攻撃隊, đặc biệt công kích đội), hay đặc công đội (特攻隊 tokkōtai) được thành lập để tấn công bảo vệ Nhật Bản. Các đội thực hiện các cuộc tấn công tự sát của các đơn vị thuộc Hải quân Hoàng gia Nhật Bản được gọi là shinpū tokubetsu kōgeki tai (神風特別攻撃隊, thần phong đặc biệt công kích đội).

Chiến công trong Thế chiến II

sửa

Hoàn cảnh

sửa

Trong những năm đầu của thập niên 1940 khi hạm đội Mỹ khống chế Thái Bình Dương, những cuộc đụng độ giữa hải quân Nhật-Mỹ liên tục diễn ra, đặc biệt là sau trận Trân Châu cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941 với thắng lợi thường thuộc về người Mỹ vì Mỹ có ưu thế lớn về hải quânkhông quân. Những thất bại đó mà đỉnh điểm là trận Hải chiến biển Philippines đã khiến quân Nhật nghĩ đến những phương sách khác, trong bối cảnh đó bộ tham mưu Nhật đã nghĩ đến những cuộc tấn công cảm tử để tái lập thế quân bình lực lượng. Người đầu tiên đưa ra ý tưởng này là chỉ huy trưởng căn cứ Nhật Tateyama tuy không được chấp thuận nhưng ý kiến này đã được bảo lưu và nghiên cứu.

Từ những năm 1943-1944, lực lượng Hoa Kỳ ngày càng tiến đến gần chính quốc Nhật. Các chiến đấu cơ Nhật ngày càng lỗi thời và thua kém về số lượng so với phi cơ Mỹ, đặc biệt là các máy bay F6F HellcatF4U Corsair. Không lực Hải quân Nhật (IJNAS) bị tiêu hao trong các trận không chiến chống lại Đồng Minh tại Quần đảo Solomon và đảo New Guinea. Thêm nữa, trong trận chiến trên biển Philippine, Nhật mất hơn 400 máy bay trên tàu sân bay và phi công. Số phi công giàu kinh nghiệm ngày càng trở nên hiếm hoi. Bệnh tật nhiệt đới, cũng như thiếu phụ kiện và xăng dầu, khiến cho hoạt động của IJNAS ngày càng trở nên khó khăn.

Sau Trận chiến đảo Saipan ngày 15 tháng 4 năm 1944, đảo này thất thủ, khiến cho Hoa Kỳ giành được một căn cứ tiền đồn để từ đó tung các Siêu pháo đài bay B-29 Superfortress đánh vào nội địa Nhật Bản. Từ khi mất Saipan, bộ chỉ huy Nhật tiên đoán Mỹ sẽ tìm cách đánh chiếm Philippines, có vị trí quan trọng chiến lược vì vị trí án ngữ các mỏ dầu ở Đông Nam Á và Nhật Bản.

 
Những chiếc máy bay Zero

Cuộc tấn công cảm tử phối hợp đầu tiên được tiến hành vào ngày 5 tháng 7 năm 1944 với 9 chiếc khu trục cơ Zero và 8 oanh tạc cơ từ căn cứ Iwo Jima. Kết quả thu được không như mong muốn khi 12 chiếc bị hạm đội Mỹ bắn hạ, 5 chiếc trở về an toàn. Ngày 15 tháng 10 năm 1944, Đô đốc Masabumi Arima cùng một hạm đội nhỏ đụng độ với hải quân Mỹ ngoài khơi Philippines và thất bại thảm hại.

Ngày 17 tháng 10 năm 1944, lực lượng Đồng Minh tấn công đảo Suluan, bắt đầu trận vịnh Leyte. Đệ nhất hạm đội không quân Hải quân Đế quốc Nhật Bản đóng tại Manila được giao nhiệm vụ hộ tống các tàu Nhật làm nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng Đồng Minh trên Vịnh Leyte. Tuy nhiên, Đệ nhất hạm đội khi đó chỉ có 40 máy bay: 34 Mitsubishi Zero trên tàu sân bay, 3 máy bay phóng lôi Nakajima B6N Tenzan ("Jill"), 1 Mitsubishi G4M ("Betty") và 2 máy bay ném bom Yokosuka P1Y Ginga ("Frances"), cộng với 1 máy bay trinh sát. Nhiệm vụ được giao xem như vượt quá sức Đệ nhất hạm đội không quân. Chỉ huy hạm đội, Phó Đô đốc Takijiro Onishi quyết định thiết lập một lực lượng đặc nhiệm cảm tử, Đội công kích đặc biệt. Trong cuộc họp tại Sân bay Mabalacat (mà người Mỹ gọi là sân bay Clark) gần Manila, ngày 19/10, Onishi tuyên bố với các sĩ quan đoàn bay 201: "Tôi không thấy có cách nào tiến hành chiến dịch (bảo vệ Philippines), ngoài cách gắn một quả bom 250kg lên một chiếc máy bay Zero rồi đâm thẳng vào một hàng không mẫu hạm Mỹ, loại nó ra khỏi vòng chiến đấu trong một tuần."

Quan điểm của Onishi dựa trên 2 tính toán: Một là việc tấn công cảm tử sẽ giúp tỷ lệ đánh trúng đích cao hơn (phi công không cần căn chỉnh góc tầm, giảm tốc độ khi ném bom mà chỉ cần lái máy bay lao thẳng hết tốc độ vào tàu địch). Hai là các phi công cảm tử sẽ không cần lái máy bay quay về, nên cự ly tấn công của máy bay sẽ xa hơn gấp đôi, gây bất ngờ cho hạm đội địch đang ở xa.

Chiến thuật Kamikaze được xây dựng dựa trên tinh thần Samurai (võ sĩ đạo). Đây là tinh thần của những chiến binh Nhật Bản truyền thống: không lùi bước trước bất kỳ trận chiến nào và sẵn sàng chấp nhận cái chết vì danh dự và nghĩa vụ.

Trận Vịnh Leyte

sửa
 
Tàu tuần dương hạng nặng Australia, tháng 9 năm 1944.

Theo các nhân chứng kể lại, tàu Đồng minh đầu tiên bị kamikaze tấn công là kỳ hạm của Hải quân hoàng gia Úc, tuần dương hạm hạng nặng Australia, ngày 21 tháng 10 năm 1944[2]. Cuộc tấn công này có vẻ như một cuộc tấn công tự phát, được thực hiện bởi một phi công không thuộc biệt đội của Onishi. Phi công này có lẽ là một phi công của Không lực Hoàng gia Nhật Bản (IJAAF) từ Lữ đoàn bay số 6, lái một chiếc Mitsubishi Ki-51 ("Sonia")[3]. Cuộc tấn công diễn ra gần đảo Leyte; với xạ thủ từ tàu Australia và tàu bạn Shropshire bắn súng phòng không trúng 3 máy bay Nhật. Một chiếc khác bay vòng đi, rồi quay lại và bay thẳng vào tàu Australia, đánh trúng thượng tầng tàu trên đài chỉ huy, làm bắn tung dầu và mảnh vỡ khắp nơi trước khi rơi xuống biển. Ít nhất có 30 thủy thủ bị chết, trong đó có cả sĩ quan chỉ huy Australia, Thuyền trưởng Emile Dechaineux; trong số người bị thương là Phó Đề đốc John Collins, chỉ huy lực lượng Úc. May mắn cho chiếc tàu Úc là quả bom nặng 200 kg mà chiếc máy bay chở theo không phát nổ (Chiếc Australia được sửa chữa và trở lại tác chiến trong trận Vịnh Lingayen tháng 1 năm 1945. Tuy nhiên, trong khoảng từ 5-9 tháng 1/1945, tàu này bị kamikaze đánh năm lần, bị thương tích phải rút lui một lần nữa, mất 70 thủy thủ[2]).

 
Một chiếc Mitsubishi Zero (A6M5 Model 52) lao thẳng vào tàu sân bay hộ tống White Plains ngày 25 tháng 10 năm 1944. Chiếc máy bay này nổ tung trên không, văng mảnh vỡ trên khắp sàn tàu.
 
Xác một chiếc Yokosuka D4Y "Judy" trên tàu sân bay hộ tống Kitkun Bay. Chiếc Judy này định đánh vào góc chết phía sau tàu, nhưng bị trúng đạn phòng không và nổ tung trên không.

Ngày 24 tháng 10, biệt đội Kamikaze của Onishi chính thức xuất trận lần đầu tiên. Chiếc tàu kéo Sonoma 1.120 tấn trở thành tàu đầu tiên bị kamikaze đánh chìm[4] ngoài đảo Dio, trong vịnh San Pedro, thuộc Vịnh Leyte.

Năm chiếc Zero, dẫn đầu bởi Seki, được hộ tống bởi phi công giỏi nhất Nhật Bản Hiroyoshi Nishizawa, tấn công mấy tàu sân bay hộ tống. Một chiếc Zero định tấn công vào đài chỉ huy của chiếc Kitkun Bay nhưng lại đánh trượt và bổ nhào xuống biển. Hai chiếc khác bổ nhào vào tàu Fanshaw Bay nhưng bị hỏa lực phòng không tiêu diệt. Hai chiếc cuối cùng xông vào chiếc White Plains, nhưng một chiếc bị hỏa lực bắn rát và bốc khói, bỏ mục tiêu mà đâm vào chiếc tàu sân bay hộ tống St. Lo, nó cắm vào boong tàu, làm quả bom mang theo phát nổ làm nổ tung kho chứa bom, đánh chìm tàu sân bay này và giết chết 114 thủy thủ[5]. Tàu Australia bị tấn công tiếp ngày 25 tháng 10 và buộc phải rút về New Hebrides để sửa chữa.

Tới cuối ngày 26 tháng 10, 55 kamikaze từ lực lượng đặc nhiệm đã đánh chìm 1 tàu tàu sân bay hộ tống St. Lo, đánh bị thương các tàu sân bay hộ tống lớn Sangamon, Suwannee, Santee và tàu sân bay hộ tống nhỏ White Plains, Kalinin BayKitkun Bay. Tổng cộng có 7 hàng không mẫu hạm bị đánh trúng, cộng với khoảng 40 tàu khác (5 chiếc bị chìm, 23 bị thương nặng, 12 bị thương nhẹ). Hiệu suất chiến đấu của kamikaze rõ ràng là rất cao, và thành tích này khuyến khích quân Nhật tung ra các đợt kamikaze tiếp theo.

Từ ngày 27/10 tới 1/11, 2 tàu sân bay cỡ lớn thuộc lớp Essex (Intrepid, Franklin), tàu sân bay hạng nhẹ USS Belleau Woods đã bị Kamikaze đánh hỏng nặng, ngoài ra có 1 tàu khu trục bị đánh chìm, 3 tàu khu trục và 1 tàu vận tải bị đánh hỏng nặng. Ngày 5/11, tàu sân bay cỡ lớn Lexington bị Kamikaze đánh hỏng nặng.

Giai đoạn ác liệt

sửa

Các thắng lợi ban đầu, nhất là sau việc đánh chìm hàng không mẫu hạm St. Lo, chương trình Kamikaze được mở rộng, với việc chỉ trong mấy tháng tiếp đó, có đến hơn 2 ngàn máy bay được sử dụng trong các phi vụ cảm tử.

Khi chính quốc Nhật Bản bắt đầu bị pháo đài bay chiến lược B-29 ném bom, bộ máy quân sự Nhật quyết định sử dụng các cuộc tấn công cảm tử để đáp lại. Tại bán cầu bắc trong mùa đông 1944-45, IJAAF thành lập trung đoàn bay số 47, còn được biết đến là đơn vị đặc nhiệm Shinten (Shinten Seiku Ta) tại sân bay Narimasu, Nerima, Tokyo, để bảo vệ Tokyo. Đơn vị này được trang bị chiến đấu cơ Nakajima Ki-44 Shoki ("Tojo"), với mục tiêu đâm thẳng vào các siêu pháo đài bay B-29 khi chúng tấn công Nhật Bản. Tuy nhiên, việc này tỏ ra khó thành công và không thực tiễn khi các máy bay B-29 bay nhanh hơn, cơ động hơn và nhỏ hơn tàu chiến rất nhiều. Các máy bay B-29 cũng được trang bị hỏa lực đáng gờm, nên việc tấn công cảm tử vào các pháo đài bay này cần các phi công lão luyện. Điều này trái ngược với nguyên tắc chủ đạo là sử dụng các phi công có thể thay thế được, và khuyến khích các phi công giỏi nhảy dù trước khi máy bay của họ lao vào địch quân, vì các phi công giỏi thường hy sinh khi họ tính thời gian nhảy dù sai, và bị chết khi máy bay đâm vào địch.

 
Một máy bay kamikaze đâm trúng phía giữa sàn đáp chiếc USS Essex
 
Chiếc Yokosuka D4Y (Kiểu 33) do Trung úy Yamaguchi điều khiển đang bổ nhào xuống tàu sân bay USS Essex; ngày 25/11/1944. Bình xăng không tự hàn kín bên trái đang tuôn ra hơi xăng và khói.

Các đô đốc Mỹ bắt đầu nhận thấy sự nguy hiểm của chiến dịch Kamikaze trong khi phía Nhật lại xem đây là bước ngoặt của cuộc chiến. Ngày 25 tháng 11 năm 1944, 35 kamikaze gây thiệt hại nặng nề cho 3 tàu sân bay cỡ lớn (Essex, Intrepid, Hancock), 1 tàu sân bay hạng nhẹ là USS Cabot cùng một số tàu chiến khác. Ngày 27 tháng 11 năm 1944, các Kamikaze làm thiệt hại thiết giáp hạm Colorado, 2 tuần dương hạm, và đánh chìm 1 tàu vận tải.

Đầu năm 1945 khi ở Châu Âu sự thất bại của phát xít Đức đã cận kề thì ở Thái Bình Dương, quân Nhật cũng đang gặp rất nhiều khó khăn với những đợt tấn công liên tục của quân Mỹ và trong hoàn cảnh đó chiến thuật Kamikaze vẫn được sử dụng. Tháng 4 năm 1945, Đô đốc Matome Ugaki chịu trách nhiệm phối hợp những cuộc tấn công đặc biệt để bảo vệ Okinawa, đã bố trí 700 xuồng cao tốc cảm tử Shinyo và một lượng lớn phi cơ ở Kyushu, trong đó có hàng ngàn chiếc Zero và oanh tạc cơ Nakajima Ki-43, Yokosuka D4Y "Judy" mang trên mình bom 250 kg hoặc 500 kg, có tầm bay ít nhất 1.200 km. Những máy bay Kamikaze được máy bay tiêm kích hộ tống bay ở tầm thấp và khi đến gần hạm đội Mỹ thì lao vọt lên độ cao 4.500 m rồi bất ngờ bổ nhào xuống nhắm vào những chiếc hàng không mẫu hạm.

Trong đêm ngày 21/2/1945, 28 máy bay Nhật Bản đã thực hiện các cuộc tấn công Kamikaze vào hạm đội Mỹ trong trận Iwo Jima. Khoảng 17 giờ, 5 máy bay Kamikaze lao vào chiếc hàng không mẫu hạm Saratoga. Ba chiếc đã đâm trúng Saratoga và nổ tung, làm hư hại nặng con tàu, giết chết 129 người và làm bị thương 192 người. 2 chiếc Kamikaze khác vượt qua được lưới lửa phòng không nhờ bay sát mặt nước đã đâm vào hàng không mẫu hạm hộ tống cỡ nhỏ USS Bismarck Sea. Bốn quả ngư lôi trên tàu nổ tung, tàu chìm sau 15 phút với tổn thất nhân mạng 318 người, đây là chiếc tàu sân bay Hoa Kỳ cuối cùng bị chìm trong Thế Chiến II. Ngoài ra, cuộc tấn công này còn gây hư hại nặng cho tàu vận tải Keokuk AKN-4 (17 người chết, 44 bị thương), gây thiệt hại nhẹ cho hàng không mẫu hạm hộ tống USS Lunga Point (11 người bị thương), một tàu chở quân số hiệu LST-477 (9 người chết, 5 bị thương).

Ngày 6 tháng 4 năm 1945, 355 Kamikaze đã tham gia một cuộc tấn công lớn và hạm đội Mỹ đã kịp tiêu diệt 250 chiếc trước khi chúng lao vào mục tiêu. Những chiếc còn lại đã đánh hỏng nặng hàng không mẫu hạm Hancock, đánh đắm 2 tàu vận tải xung kích lớn và làm hư hại thiết giáp hạm Maryland và nhiều tàu khu trục. Ngày 12 tháng 4 năm 1945, 185 chiếc Kamikaze có 135 chiếc tiêm kích đi kèm đã mở cuộc tấn công mới nhưng kết quả của lần xuất kích này không đáp ứng được kì vọng của quân đội Nhật.

 
Yokosuka MXY7 Ohka tại Viện Bảo tàng Khoa học và Công nghệ tại Manchester.

Ngoài các phi cơ chiến đấu và máy bay ném bom được chuyển thành kamikaze, từ tháng 3 năm 1945, trong trận chiến còn xuất hiện loại máy bay Yokosuka MXY7 Ohka, thực chất là một loại hỏa tiễn có người lái, phóng đi từ máy bay mẹ. Quân Mỹ gọi nó là "Baka" (baka nghĩa là "thằng ngốc" trong tiếng Nhật). Một loại thiết bị bay khác là Nakajima Ki-115 Tsurugi chỉ gồm một động cơ đẩy đơn giản lắp trên khung bằng gỗ, dễ sản xuất, mục tiêu là để sử dụng hết số động cơ còn tồn kho. Trong năm 1945, quân lực Nhật bắt đầu tích trữ hàng ngàn máy bay loại Tsurugi, Ohka, và các xuồng cao tốc cảm tử để chuẩn bị đánh trả cuộc đổ bộ của Đồng Minh, nhưng cuộc đổ bộ rút cuộc không diễn ra, và chỉ có rất ít số vũ khí cảm tử này được sử dụng.

Đồng Minh phòng vệ

sửa

Đầu năm 1945, thiếu tá John Thach, sĩ quan điều hành không chiến của Hải quân Hoa Kỳ, người nổi tiếng qua việc phát minh ra một chiến thuật không chiến rất hiệu quả chống lại không quân Nhật, phát triển chiến thuật chống kamikaze.[6] Theo chiến thuật này, phi cơ sẽ tuần tra suốt ngày đêm xung quanh hạm đội Đồng Minh. Tuy nhiên, vì Hải quân Hoa Kỳ cắt giảm chương trình huấn luyện phi công chiến đấu, nên Hải quân không có đủ phi công để chống lại hiểm họa từ kamikaze.

 
Khói đạn phòng không từ tàu Louisville tuyệt vọng bắn lên trước khi bị kamikaze đánh trúng trong Trận Vịnh Lingayen, tháng 1 năm 1945.

Thiếu tá Thach cũng đề xuất sử dụng một lực lượng phi cơ chiến đấu tuần tiễu lớn (CAP), bay xa hơn trước để bảo vệ các hàng không mẫu hạm; sử dụng máy bay tăng cường ném bom các sân bay Nhật, bỏ bom đường băng với bom nổ chậm để ngăn cản Nhật sửa chữa đường băng, sử dụng lực lượng cảnh giới gồm các tàu khu trục và tàu hộ tống đặt các hạm đội chính ít nhất 80 km để sớm phát hiện và phối hợp tác chiến giữa các sĩ quan chỉ huy phi cơ trên hàng không mẫu hạm.

Từ cuối năm 1944, Hạm đội Anh đã sử dụng các máy bay tầm cao Supermarine Seafire để tuần tiễu rất có hiệu quả. Các máy bay này được dùng thường xuyên để ngăn ngừa Kamikaze tấn công trong trận Iwo Jima. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, các máy bay Seafire giành được thắng lợi lớn khi hạ được 8 máy bay địch mà chỉ mất duy nhất một máy bay.

Về cuối cuộc chiến, tổn thất của phe Đồng Minh đã giảm đi, dù sử dụng thêm rất nhiều tàu bè và bị tấn công dữ dội hơn. Việc chỉ được huấn luyện sơ sài và máy bay không mang vũ khí không chiến khiến nên phi công kamikaze trở thành mồi ngon cho các phi công Đồng Minh lão luyện, được trang bị máy bay tốt hơn. Hơn thế nữa, chỉ riêng Hạm đội Đặc nhiệm Hoa Kỳ đã có thể ném vào trận chiến hơn một ngàn phi cơ. Phi công Đồng minh trở nên hữu hiệu trong việc tiêu diệt phi cơ đối phương trước khi chúng kịp đâm vào tàu chiến. Lính thủy trên các tàu Đồng Minh cũng phát triển các kỹ thuật chống kamikaze, như bắn đại pháo xuống mặt biển trước các phi cơ địch bay thấp gần mặt nước biển, tạo thành các cột nước lớn trùm lên phi cơ địch để khiến chúng bị mất điều khiển và rơi. Nếu chiến thuật này không thể sử dụng chống lại Ohka và các cuộc tấn công tầm cao, thì họ sử dụng pháo phòng không. Từ năm 1945, quân Mỹ đã sử dụng một lượng lớn đạn pháo phòng không cỡ 76mm và 127mm sử dụng ngòi nổ gần (phát nổ khi tới gần mục tiêu), chính xác hơn loại đạn thường đến bảy lần.

Sự kết thúc

sửa

Những trận chiến ở Okinawa đã kết thúc vào ngày 22 tháng 6 năm 1945 với thất bại của quân đội Nhật và Đô đốc Nhật Ushijima đã mổ bụng tự sát (harakiri) theo truyền thống Nhật Bản. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, những người lính Nhật bàng hoàng khi nghe tin Nhật hoàng Hirohito đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cùng ngày hôm đó, Đô đốc Ugaki, tư lệnh hạm đội 5 ở Kyushu cùng với 10 phi công cảm tử bay về hướng Okinawa và trước khi mất hút đã gửi lại một thông điệp bày tỏ niềm tin về sự bất tử của đế chế và tinh thần Kamikaze.

Tổng kết trong trận Okinawa, trong 1.900 phi vụ cảm tử, các Kamikaze đã đánh đắm khoảng 30 tàu chiến Mỹ, làm thiệt hại gần 300 chiếc khác và 4.907 lính hải quân Mỹ đã tử trận. Từ đó có thể thấy những cuộc tấn công cảm tử này đã mang lại hiệu quả cao hơn những cuộc tấn công thông thường và Đô đốc Onischi đã nói về giai đoạn Kamikaze như sau: "Dù có hiệu quả hay không thì những cuộc tấn công đó cũng cho thế giới và cả chúng ta hình ảnh của chủ nghĩa anh hùng, của lòng tự hào và đảm bảo sự tồn tại của di sản tinh thần chúng ta."[cần dẫn nguồn]

Những phi công Thần phong

sửa
 
Chân dung một phi công Kamikaze trẻ tuổi: Trung úy Yukio Seki

Nói đến thành công của chiến thuật Kamiakaze không thể không kể đến sự hi sinh anh dũng của những phi công cảm tử trong quân đội Nhật. Nhật hoàng Hirohito đã đọc diễn văn ca ngợi những chàng trai trẻ tuổi đã "chết hạnh phúc và tự hào vì hoàng đế và sự chiến thắng". Điều đáng ngạc nhiên là số người tự nguyện hi sinh lên tới vài vạn, nhiều gấp 10 lần số máy bay quân đội Nhật Bản có lúc đó. Những người tự nguyện xem sự hi sinh của mình là điều cống hiến cao cả cho đất nước, đền đáp lại công ơn Thiên hoàng trong hoàn cảnh khó khăn, và niềm tin rằng sau khi hy sinh thì họ sẽ trở thành những anh linh dân tộc được hậu thế thờ phụng và ngưỡng mộ.

Tuy nhiên cũng có nhiều người tỏ ý nghi ngờ hiệu quả của chiến thuật kamikaze, trong đó có cả các phi công nổi tiếng. Trung úy Yukio Seki, phi công kamikaze thứ 24 trong đội đặc nhiệm tham gia đánh chìm hàng không mẫu hạm St. Lo viết: "Tương lai Nhật Bản thật ảm đạm nếu như chúng ta buộc phải hy sinh những phi công giỏi nhất của mình. Tôi tham gia chiến dịch này không vì Đế quốc Nhật hay vì Hoàng Đế... Tôi tham gia vì tôi được lệnh phải tham gia!" Trong chuyến bay, chỉ huy của anh nghe thấy anh nói "Thà chết còn hơn sống như một kẻ hèn hạ."[7]

Do số người tình nguyện lớn, nên nhìn chung người ta không có khó khăn tuyển mộ phi công. Yêu cầu rất đơn giản: "trẻ tuổi, nhanh nhẹn và hăng hái. Chỉ cần kinh nghiệm bay ở mức tối thiểu, kỹ năng hạ cánh không cần thiết". Đại tá Motoharu Okamura nhận xét "có nhiều người tình nguyện cho các phi vụ cảm tử đến mức đông như đàn ong, vì ‘ong chết sau khi đốt’".[8] Các phi công Kamikaze tin tưởng bằng sự hy sinh của mình, họ đã đền đáp lại công ơn gia đình, bạn bè và Thiên hoàng. "Họ hăng hái đến mức khi chuyến bay bị trì hoãn hay hủy bỏ, thì các phi công trẻ được huấn luyện sơ sài này tỏ ra hết sức bực dọc. Nhiều người sau khi được chọn thực hiện các phi vụ cảm tử được kể lại là rất hân hoan vui sướng trước phi vụ cuối cùng của mình".[9].

Chế độ huấn luyện

sửa

Những người tình nguyện hi sinh bao gồm nhiều thành phần, từ phi công chính quy, binh lính cho đến cả sinh viên. Những người không phải phi công sẽ được huấn luyện theo một chế độ rút gọn đặc biệt chỉ trong vòng 7 ngày: 2 ngày cho việc cất cánh với 1 quả bom 250 kg; 2 ngày cho việc bay theo đội hình và 3 ngày tập cách tiếp cận mục tiêu và tấn công.

Các phi công được cấp một bản hướng dẫn chi tiết về cách tiến hành tiến công cảm tử. Theo đó phi công phải bổ nhào nhắm vào giữa tháp chỉ huy và ống khói, vì đó là cách hiệu quả nhất để đánh chìm tàu. Phi công cũng được dặn không nên nhắm vào đài chỉ huy hay tháp pháo, mà nên nhắm vào cầu thang máy hoặc boong tàu. Nếu tiếp cận từ đường chân trời thì phi công nên "nhắm vào thân tàu, cao hơn mặt nước biển một chút", hoặc "nhắm vào cửa khoang chứa máy bay hoặc chân ống khói".

Thời khắc ra đi mãi mãi

sửa
 
Nữ sinh trường trung học Chiran vẫy cành hoa anh đào (biểu tượng cho tinh thần "Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, coi nghĩa vụ nặng tựa Thái sơn" của một võ sĩ đạo) để vĩnh biệt một phi công Thần phong, trung úy Toshio Anazawa, xuất kích trên chiếc Nakajima Ki-43 Hayabusa, ngày 12/4/1945

Vào buổi chiều trước ngày xuất phát, người chỉ huy trưởng căn cứ thông báo cho họ biết lệnh xuất phát vào ngày hôm sau và họ còn một đêm cuối cùng để viết một bức thư cuối cùng cho người thân trước khi ra đi mãi mãi vào hôm sau.

Sáng sớm, sau buổi thuyết trình ca ngợi sự hi sinh, họ có mặt trong bộ đồ phi công, đeo bên mình thanh kiếm Nhật, biểu tượng cho tinh thần sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn của một võ sĩ đạo. Đầu họ thường quấn chiếc băng chéo thiêu nổi hình mặt trời mọc, quốc kỳ của Đế quốc Nhật Bản. Các phi công được nhận một chiếc bánh gạo nướng, một nghi lễ ở Nhật Bản tượng trưng cho lời chia tay. Chỉ huy trưởng căn cứ trao cho mỗi người một ly rượu sake, tất cả nghiêng mình về hướng cung điện để tỏ lòng tôn kính Nhật hoàng trước khi leo lên máy bay trong sự tán dương của những người còn lại. Trong suốt chuyến bay, các chỉ huy liên tục nói qua liên lạc radio rằng "Chết một cách vinh quang hơn là sống như một kẻ hèn nhát".

Trước khi bước vào nhiệm vụ sau cùng, các phi công Kamikaze để lại thư vĩnh biệt gửi người thân. Một trong các bức thư là của Kunio Shimizu, 20 tuổi, phi công trên chiếc Nakajima B6N đã hy sinh ngày 21/2/1945 trong trận Iwo Jima, gửi cho cha mẹ[10]:

Tình hình chiến tranh thực sự đã lên đến đỉnh điểm về cường độ. Bây giờ đã đến lúc con quyết tâm hy sinh vì Tổ quốc. Cha mẹ ơi, bao nhiêu lo lắng mà con gây ra cho cha mẹ là không thể đong đếm được. Cuối cùng, khát khao nhiệt thành của con đã được đền đáp, và điều đó đã cho con lòng dũng cảm xuất trận, làm lá chắn cho Tổ quốc và Thiên Hoàng.
Thưa Cha mẹ, bây giờ con rơi nước mắt biết ơn vì tấm lòng ấm áp của cha mẹ dành cho con. Tuy nhiên, bây giờ con đã nhận được lệnh của Bộ chỉ huy Hoàng gia. Con tin tưởng rằng việc tận trung phụng sự Thiên Hoàng thông qua Quân đoàn tấn công đặc biệt sẽ là hành động báo hiếu lớn nhất của con.
Ngày mai, theo kế hoạch chúng con sẽ tiến đến Iwo Jima và sau đó thực hiện một cuộc tấn công... Con vui lòng ngã xuống như một cánh hoa anh đào trong quân đội của Thiên Hoàng. Con cầu chúc cho cha mẹ có đủ khả năng chăm sóc bản thân và sẽ được khỏe mạnh dài lâu.
Với lòng dũng cảm bất khuất, con sẽ lao mình vào tàu địch. Bằng lời văn vụng về này, con xin kết thúc bức thư cuối cùng này khi cố nén những giọt nước mắt nóng hổi. Con cầu nguyện cho sức khỏe của mọi người.
Con không hối hận. Tất cả vì đất nước. Với quyết tâm như vậy, con tha thiết xin cha mẹ đừng đau buồn kể cả khi biết tin con đã hy sinh trong trận đánh... Vậy thì, lần sau con sẽ gặp cha mẹ ở đền Yasukuni vào mùa xuân, khi những bông hoa anh đào nở rộ... Cuối cùng, một lần nữa con cầu nguyện cho sức khỏe của gia đình.

Cuộc sống sau chiến tranh

sửa

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thiên hoàng Hirohito đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, một số người không chịu đựng được nỗi nhục thất trận đã mổ bụng tự sát theo tinh thần võ sĩ đạo người Nhật. Hàng ngàn phi công trở về nhà bị lãng quên trong thời kì sau chiến tranh. Một số người cùng với những người khác xây dựng lại đất nước và khắc phục hậu quả chiến tranh, một số gia nhập Đảng Cộng sản Nhật Bản trong những năm 1946-1948, số khác bị khủng hoảng tinh thần và chỉ sau thập niên 1950, khi nền kinh tế Nhật Bản dần dần phục hồi, nhiều người trong số họ trở thành công nhân trong các hãng sản xuất lớn như: Sony, Honda, Denzu

Quá khứ của các phi công Thần Phong tuy đau thương nhưng cũng không kém phần hào hùng. Họ đã trở thành biểu tượng của cả một giai đoạn lịch sử nước Nhật, khi người Nhật sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước và cống hiến cho Thiên Hoàng, điều đã phai nhạt đi rất nhiều trong xã hội Nhật Bản hiện nay. Nhiều nhóm dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản muốn làm sống dậy hình ảnh của các phi công Kamikaze, khi mà thế hệ người Nhật Bản sinh ra sau Thế chiến 2 đã trở nên vô cảm và ích kỷ, ngày càng ít người sẵn lòng cống hiến cho đất nước. Trong một cuộc khảo sát tại một số quốc gia vào năm 2015 của Viện Gallup cho thấy: chỉ 11% người Nhật được hỏi sẽ sẵn sàng chiến đấu vì đất nước của họ, mức thấp nhất trong các quốc gia được khảo sát (trong khi Pakistan là 89%, Ấn Độ 75%, Thổ Nhĩ Kỳ 73%, Trung Quốc 71%, Nga 59%, Mỹ 44%, Anh 27%)[11]

Số tàu bị Kamikaze tiêu diệt

sửa
 
Một xạ thủ súng phòng không trên tàu New Jersey nhìn một máy bay kamikaze đâm vào tàu Intrepid 25 tháng 11 năm 1944

Tới cuối chiến tranh, hải quân Nhật đã mất 2.525 phi công kamikaze, còn lục quân Nhật mất 1.387 phi công, cùng với khoảng 2.800 máy bay Kamikaze. Một nguồn khác thống kê tổn thất của Nhật là 2.525 phi công kamikaze thuộc Hải quân, 1.404 phi công kamikaze thuộc lục quân, 28 người thuộc lực lượng tàu ngầm cảm tử, 80 người thuộc lực lượng ngư lôi cảm tử Kaiten[12]

Số tàu đối phương bị đánh chìm vẫn là đề tài tranh cãi. Theo thông tin cổ động thời chiến Nhật, họ đánh chìm 81 tàu địch, đánh bị thương 195 tàu khác, gây ra 80% số tổn thất của Mỹ trong giai đoạn cuối cuộc chiến Thái Bình Dương. Trong cuốn sách World War II ra năm 2004, sử gia Wilmott, Cross & Messenger cho biết hơn 70 tàu của Hoa Kỳ bị "đánh đắm hoặc bị thương nặng tới không cứu vãn được" bởi kamikazes.

Số liệu chính thức của Không lực Hoa Kỳ thì cho rằng:

"Chừng 2.800 Kamikaze đánh chìm 34 tàu hải quân, làm bị thương 368 tàu khác, giết chết 4.900 thủy quân và làm bị thương hơn 4.800 người khác. Dù có radar cảnh báo, không quân chặn đánh và tiêu hao cũng như hỏa lực phòng không dày dặc, có đến 14% Kamikaze sống sót và đánh trúng tàu Mỹ; gần 8,5% số tàu bị Kamikaze đánh trúng đã bị chìm."[13]

Nhà báo người Úc Denis và Peggy Warner, trong cuốn sách in năm 1982 với sử gia hải quân Nhật Seno Sadao (The Sacred Warriors: Japan’s Suicide Legions), đưa ra con số 57 tàu bị kamikazes đánh đắm. Tuy nhiên, Bill Gordon, một nhà Nhật Bản học người Mỹ chuyên gia về kamikaze, cho biết có 47 tàu bị kamikaze đánh đắm[4]. Trong số các tàu bị đánh chìm có 3 chiếc tàu sân bay hộ tống và 14 tàu khu trục, còn lại là tàu vận tải và tàu phóng lôi. Tuy nhiên, thống kê của Bill Gordon chưa tính những tàu dù chưa bị đánh chìm nhưng đã bị hỏng nặng tới mức không thể sửa chữa được nữa (vẫn coi như là bị tiêu diệt hoàn toàn).

Ngoài số tàu bị đánh chìm, các kamikaze đã đánh hỏng khoảng 400 tàu khác (một số tàu trong số đó bị đánh hỏng nhiều lần), bao gồm 39 lượt tàu sân bay bị đánh hỏng (gồm 15 lượt tàu sân bay hộ tống, 3 tàu sân bay hạng nhẹ và 21 lượt tàu sân bay cỡ lớn), nhiều tàu trong số đó bị hỏng rất nặng.

Tổng cộng đã có khoảng 19% số máy bay kamikaze đánh trúng mục tiêu. Trong số tàu bị đánh trúng, khoảng 8,5% bị chìm, tất cả đều là các tàu cỡ vừa hoặc nhỏ (có choán nước dưới 10.000 tấn). Tỷ lệ tàu chìm khá thấp là do các máy bay kamikaze tấn công theo kiểu bổ nhào từ trên cao xuống, lao vào tàu từ phía trên. Những đòn tấn công vào các khu vực phía trên mớn nước kiểu này ít khi có khả năng làm chìm tàu cỡ lớn, bởi ít làm hư hại lườn tàu. Tuy nhiên, vụ nổ do chiếc máy bay lao vào tàu có thể gây ra những đám cháy dữ dội tàn phá cấu trúc thượng tầng của con tàu, làm các thiết bị, vũ khí và máy móc bị hư hỏng. Nhiều con tàu bị kamikaze đánh trúng vẫn nổi và không được tính là chìm, nhưng thực ra chúng bị hư hại rất nặng, chi phí sửa chữa và thiệt hại nhân mạng rất lớn. Ví dụ như chiếc tàu sân bay USS Bunker Hill bị đánh trúng vào năm 1945 trong trận Okinawa, tàu không chìm nhưng đã có gần 400 người chết và 264 người bị thương, và phải mất nhiều tháng để sửa chữa hư hại.

Hình ảnh

sửa

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Bunker Hill CV-17, Fotographic History of the U.S. Navy
  2. ^ a b ww2australia.gov.au, 2006, "kamikaze" Lưu trữ 2010-05-09 tại Wayback Machine. Access date: ngày 16 tháng 9 năm 2007.
  3. ^ Richard L. Dunn, 2002-05, "First Kamikaze? Attack on HMAS Australia — ngày 21 tháng 10 năm 1944" (j-aircraft.com). Access date: ngày 20 tháng 6 năm 2007. If the pilot was from the 6th Flying Brigade, it was probably either Lieutenant Morita or Sergeant Itano, flying out of San Jose, Mindoro.
  4. ^ a b Bill Gordon, 2007, "49 Ships Sunk by Kamikaze Aircraft" Lưu trữ 2010-07-02 tại Wayback Machine Access date: ngày 15 tháng 9 năm 2007.
  5. ^ Toland, p.567
  6. ^ “Bill Coombes, 1995, "Divine Wind The Japanese secret weapon – kamikaze suicide attacks". Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2009.
  7. ^ Axell, trang 16
  8. ^ Axell, trang 35
  9. ^ Axell, trang 40
  10. ^ http://www.kamikazeimages.net/writings/shimizu-kunio/index.htm
  11. ^ https://www.bbc.com/news/world-asia-39351262
  12. ^ http://www.kamikazeimages.net/monuments/akita/index.htm
  13. ^ Dr Richard P. Hallion, 1999, "Precision Weapons, Power Projection, and The Revolution In Military Affairs" Lưu trữ 2009-05-05 tại Wayback Machine (USAF Historical Studies Office). Access date: ngày 15 tháng 9 năm 2007.

Tham khảo

sửa