Huyền Quang (玄光), 1254-1334, tên thật là Lý Tái Đạo (李載道) là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừaĐại Việt thời Trần. Ông là người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Học giỏi, đỗ cả thi hương, thi hội. Ông đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi năm 1272?[1] hay 1274?[2] và được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, tiếp sư Bắc triều, nổi tiếng văn thơ. Sau này từ chức đi tu, theo Trần Nhân Tông lên Trúc Lâm. Là một Thiền sư Việt Nam, tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Ông là một nhà thơ lớn với nhiều bài thơ còn được lưu lại. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân TôngPháp Loa, ông được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam và người ta xem ông và hai vị nêu trên ngang hàng với sáu vị tổ của Thiền tông Trung Quốc hoặc 28 vị tổ của Thiền Ấn Độ.

Tôn giả
Huyền Quang
玄光
Tượng Tam tổ Huyền Quang trong Thiền Viện Trúc Lâm, Đà Lạt, miền trung Việt Nam.
Tôn giáoPhật giáo
Trường pháiĐại thừa
Tông pháiThiền tông
Thiền pháiThiền phái Trúc Lâm
Cá nhân
Quốc tịchĐại Việt
SinhLý Tái Đạo
(李載道)
1254
Châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, Đại Việt
Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam
Mất27 tháng 2 năm 1334
Chùa Côn Sơn, Đại Việt
Nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam
Bố mẹCha: Lý Tuệ Tổ
Mẹ: Lê thị
Sự nghiệp tôn giáo
Xuất giaChùa Vũ Ninh (Bắc Ninh)
ThầyQuốc sư Bảo Phác
Giác hoàng Điều ngự
Tôn giả Phổ Tuệ
Tác phẩmXem mục Tác phẩm
Tấn phongTrúc Lâm Thiền Sư đệ tam đại
Chức vụTổ thứ 3 Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Truyền thuyết và sự nghiệp

sửa

Theo truyền thuyết ghi lại trong Tam tổ thực lục (三祖實錄), mẹ của Huyền Quang là Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm Giáp Dần 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy "các toà trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: 'Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa.'" Năm ấy Lê Thị sinh Huyền Quang. Lớn lên ông dung mạo dị thường, làm quan đến chức Hàn Lâm.

Tam Tổ thực lục, phần Tổ Gia thực lục chép tiểu sử Huyền Quang có nói: ông cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, liền nhớ lại "duyên xưa", xin xuất gia thụ giáo. Tuy nhiên, cũng trong sách này mà phần tiểu sử Pháp Loa lại nói Huyền Quang thụ giáo với Bảo Phác ở chùa Vũ Ninh (Bắc Ninh). Ông được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang.

Sau, ông theo lời phó chúc của Trúc Lâm trụ trì chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên) trên núi Yên Tử. Vì đa văn bác học, tinh thông đạo lý nên tăng chúng đua nhau đến học.

Niên hiệu Đại Khánh thứ 4 (1317), ông được Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa tịch (1330), ông kế thừa làm Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm nhưng vì tuổi đã cao nên ông giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm.

Ông đến trụ trì Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hoá. Ngày 23 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334) thời vua Trần Hiến Tông, ông viên tịch, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.

Tác phẩm

sửa

Sau đây là một vài bài thơ tiêu biểu của thiền sư Huyền Quang:

菊花
忘身忘世已都忘。
坐久簫然一榻涼
歲晚山中無歷日。
菊花開處即重陽

Cúc hoa
Vong thân vong thế dĩ đô vong
Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương

Hoa cúc
Quên mình quên hết cuộc tang thương
Ngồi lặng đìu hiu mát cả giường
Năm cuối trong rừng không có lịch
Thấy hoa cúc nở biết trùng dương
(theo Thơ văn Lý-Trần)

花在中庭人在樓。
焚香獨坐自忘憂
主人與物渾無競。
花向群芳出一頭

Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
Phần hương độc toạ tự vong ưu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.

Người ở trên lầu hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đoá hoa vừa mới nở tung.
(Bản dịch của Nguyễn Lang)

地爐即事
煨餘榾柮獨焚香。
口答山童問短章
手把吹商和木鐸。
從來人笑老僧忙

Địa lô tức sự
Ổi dư cốt đốt độc phần hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ bả xuy thương hoà mộc đạc
Tòng lai nhân tiếu lão tăng mang

Lò sưởi tức cảnh
Củi hết lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình
(Bản dịch của Nguyễn Lang)
Sơn Vũ
Thu phong ngọ dạ phất thiền nha
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ lữ thành thiền tâm nhất phiến
Cùng thanh tức tức vị thùy đa
Mưa núi
Gió thu ban tối thổi hiên tây
Nhà núi đìu hiu tựa đám cây
Tấc dạ tu hành từ những thuở
Dế kêu rầu rĩ bởi ai đây?
(Bản dịch của Phan Võ)

Tác phẩm của Sư:

  1. Ngọc tiên tập
  2. Chư phẩm kinh
  3. Công văn tập
  4. Phổ huệ ngữ lục

Tham khảo

sửa
  • Khuyết danh (1995). Tam Tố Thực lục. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
  • Ngô Sĩ Liên (1993). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
  • Nguyễn Hiền Đức (1973). Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài. Đại học Văn khoa Sài Gòn. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  • Nguyễn Lang (1979). Việt Nam Phật giáo sử luận. 1. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  • Nguyễn Huệ Chi; Trần Thị Băng Thanh; Đỗ Văn Hỷ; Trần Tú Châu (1988). Thơ văn Lý Trần (PDF). II—Quyển thượng. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  • Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội, ISBN 1565180984
  • Hòa thượng Thích Thanh Từ (1992). Thiền sư Việt Nam (ấn bản thứ 2). Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Lê Mạnh Thát (1999). Trần Nhân Tông: Con người và tác phẩm. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.

Liên kết ngoài

sửa
  1. ^ Đại Việt Sử ký toàn thư không thấy có ghi chép về việc này nhưng Danh sách trạng nguyên lại ghi ông đỗ năm Nguyên Phong thứ hai (1252) đời Trần Thái Tông, một điều vô lý do ông chưa sinh ra mà đã đỗ trạng nguyên.
  2. ^ Văn miếu Bắc Ninh: Văn bia 1 Lưu trữ 2015-05-23 tại Wayback Machine, tuy nhiên điều này cũng khó tin do trong Đại Việt Sử ký toàn thư chép việc Đào Tiêu đỗ đầu khoa thi 1275, nghĩa là chỉ 1 năm sau.
Tiền nhiệm:
Pháp Loa
Sư tổ Thiền phái Trúc Lâm
1330-1334
Kế nhiệm:
?