Dzũng Chinh

Cố nhạc sĩ Việt Nam

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Biheo2812 (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 07:14, ngày 28 tháng 10 năm 2021. Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Dzũng Chinh (18 tháng 12 năm 1941 - 1 tháng 3 năm 1969) là một sĩ quan Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đồng thời cũng là một nhạc sĩ nhạc vàng với sáng tác nổi tiếng Những đồi hoa sim phổ thơ Hữu Loan.

Dzũng Chinh
Thông tin nghệ sĩ
Tên khai sinhNguyễn Bá Chính
Tên gọi khácDzũng Chinh
Sinh(1941-12-18)18 tháng 12, 1941
Nha Trang, Khánh Hòa, Trung Kỳ, Liên bang Đông Dương
Nguyên quánKhánh Hòa, Việt Nam
Mất1 tháng 3, 1969(1969-03-01) (27 tuổi)
Ninh Phước, Ninh Thuận, Việt Nam Cộng hoà
Thể loạiNhạc vàng
Nghề nghiệpQuân nhân
Nhạc sĩ
Bài hát tiêu biểuNhững đồi hoa sim
Tha La xóm đạo
Lời tạ từ
Ca sĩ trình bày thành côngPhương Dung
Trúc Mai
Thanh Tuyền
Binh nghiệp
Thuộc Quân lực VNCH
Quân chủng Việt Nam Cộng hòa
Cấp bậc Trung úy (Truy thăng)
Đơn vị TRĐ 14/SĐ 9 BB[1]
TRĐ 44/SĐ 23 BB[2]

Tiểu sử

Ông tên thật là Nguyễn Bá Chính,[3] sinh ngày 18 tháng 12 năm 1941 trong một gia đình trung lưu tại Bình Cang, Nha Trang, Khánh Hòa. Ông đã tốt nghiệp Trung học Đệ nhị cấp tại Nha Trang với văn bằng Tú tài toàn phần. Sau đó học lên Đại học Luật khoa ở Sài Gòn. Vào thời điểm năm 1961-1962, ông sáng tác bài hát Những đồi hoa sim, nổi tiếng với tiếng hát của nữ ca sĩ Phương Dung (được khán giả đương thời ưu ái gọi là "Con nhạn trắng Gò Công").[4]

Đầu năm 1965, ông nhập ngũ vào Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Mặc dù có bằng Tú tài II, nhưng do trình diện nhập ngũ quá hạn tuổi quân dịch,[5] ông bị chế tài không được vào trường Sĩ quan nên phải theo học khóa Hạ sĩ quan Trừ bị tại trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang. Tốt nghiệp với cấp bậc Trung sĩ, ông được điều động về Trung đoàn 14 đồn trú tại Vĩnh Bình (Trà Vinh) thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh[6] do Đại tá Lâm Quang Thi làm Tư lệnh. Nhạc sĩ Trúc Phương viết bài Để trả lời một câu hỏi tặng ông:

Cuối năm 1966, vì có trình độ học vấn cao, ông được cử đi học khóa Sĩ quan Đặc biệt tại Nha Trang (một lần nữa, ông lại được về học ở Quân trường Đồng Đế). Giữa năm 1967, ông tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy trừ bị. Ra trường, để được gần nguyên quán, ông xin về phục vụ tại Trung đoàn 44 đang trú đóng tại Sông Mao, Hải Ninh, Bình Thuận thuộc Sư đoàn 23 Bộ binh đặt bản doanh ở Ban Mê Thuột do Đại tá Trương Quang Ân làm Tư lệnh. Ông được cử làm Trung đội trưởng Trung đội tác chiến thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 (thời điểm này Đại đội trưởng là Trung úy Nguyễn Văn Chánh và Tiểu đoàn trưởng là Đại úy Ngô Văn Xuân).[7] Giữa năm 1968, ông được thăng cấp Thiếu úy. Trung đoàn biết ông là một nhạc sĩ, nên bố trí cho ông về phục vụ ở Khối Chiến tranh Chính trị của Bộ chỉ huy Trung đoàn. Sau vì hay "dù" (xuất trại không có phép) về Phan Thiết để chơi với bạn bè, nên Dzũng Chinh bị kỷ luật trả về Trung đội tác chiến.

Qua đời

Đêm ngày cuối tháng 2 năm 1969, Trung đội Dzũng Chinh có nhiệm vụ chốt ở chân núi Chà Bang, Ninh Phước, đụng độ với một toán địch quân. Trong khi giao tranh, ông bị trúng đạn trọng thương. Ngay sau đó, ông được trực thăng tải thương về Quân y viện Phan Thiết, nhưng vì vết thương quá nặng nên đã qua đời vào ngày 1 tháng 3 năm 1969, hưởng dương 28 tuổi. Ông được truy thăng cấp bậc Trung úy và được đưa về quê nhà Nha Trang an táng. Nhạc sĩ Thanh Sơn nghe tin bạn mình mất có viết bài hát Đọc tin trên báo, thâu vào đĩa nhựa Thiên Thai 45 do Trúc Ly ca.

Dzũng Chinh được an táng tại Nghĩa Trang Mả Thánh (Phương Sài, Nha Trang).

Sáng tác

 
Bìa ca khúc Những đồi hoa sim
  • Những đồi hoa sim (thơ Hữu Loan)
  • Hai màu hoa (Dzũng Chinh - Bùi Tuấn Anh)
  • Tha La xóm đạo (thơ Vũ Anh Khanh)
  • Đêm dài chưa muốn sáng
  • Lời tạ từ
  • Hoa trắng tình yêu

Chú thích

  1. ^ Trung đoàn 14 thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh.
  2. ^ Trung đoàn 44 thuộc Sư đoàn 23 Bộ binh.
  3. ^ Một số tài liệu ghi là Nguyễn Văn Chính.
  4. ^ Đông Kha. “Bài hát "Những Đồi Hoa Sim" (Nhạc sĩ Dzũng Chinh – Ca sĩ Phương Dung) và dĩa nhựa ăn khách nhất trước 1975”. Nhacxua.vn.
  5. ^ Vào giai đoạn này, quy định hạn tuổi của thanh niên thi hành quân dịch là tuổi 21. Nếu quá hạn sẽ bị mất quyền ưu tiên và bị chế tài, ngoại trừ trường hợp được hoãn dịch có lý do theo luật định hiện hành.
  6. ^ Bản doanh Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh đặt tại Thị xã Sa Đéc.
  7. ^ Đại úy Ngô Văn Xuân, sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Tốt nghiệp Võ bị Quốc gia Đà Lạt K17. Từng là Trung úy Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 11 thuộc Sư đoàn 7 Bộ binh, Đại úy rồi Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 44 thuộc Sư đoàn 23 Bộ binh. Sau cùng là Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44.

Tham khảo